Trong toán học có nhiều phép tính, cơ bản nhất là bốn phép tính: Cộng – Trừ – Nhân – Chia. Cuộc sống đời thường có nhiều thứ phải tính toán, từ đơn giản đến phức tạp. Có những bài toán có thể tìm ra đáp số, nhưng có những bài toán không thể tìm ra đáp số, và có những phương trình vô nghiệm.
Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã từng có những
lúc bối rối, không biết tính thế nào cho hợp lý, càng khó hơn khi đó là vấn đề
hệ trọng. Một trong các vấn đề nan giải và liên quan cả đời là hôn nhân. Thế
nên cụ Nguyễn Du đã khuyên: “Trăm
năm tính cuộc vuông tròn – Phải dò cho tới ngọn nguồn lạch, sông.” (Truyện
Kiều, câu 1331-1332) Quả thật, không hề đơn giản như người ta tưởng!
Có những cách tính lạ, độc đáo. Có khi rất
đơn giản mà không nghĩ ra. Tuy nhiên, thiết tưởng rằng chắc chắn không có cách
tính nào kỳ diệu bằng Bài-Toán-Hôn-Nhân-Công-Giáo, đơn giản nhất mà lại khó
giải nhất, và cũng ngược đời nhất: 1 + 1 = 1, vậy mà bài toán này vẫn hoàn
toàn đúng: “Người ta sẽ lìa cha mẹ
mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mt
19:5) Hôn nhân Công giáo có “đặc điểm” khác hẳn các hôn nhân khác nhờ Hôn Luật
Thánh: “Sự gì Thiên Chúa ĐÃ phối
hợp, loài người KHÔNG ĐƯỢC phân ly.” (Mt 19:6; Mc 10:9) Người đời cũng
vẫn công nhận đó thôi: “Mình với ta
tuy hai mà một – Ta với mình tuy một mà hai.”
Hôn nhân là chuyện cả đời nên cần thấu đáo
mới khả dĩ tạo nền móng bền vững. Cái gì có BỀN thì mới VỮNG được, nếu không
thì sẽ có lúc rạn nứt rồi đổ vỡ – chẳng chóng thì chày.
Ngay từ thuở khai thiên lập địa, sau khi tạo
dựng con người, Thiên Chúa đã xác định: “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng
với nó.” (St 2:18) Một cách quan phòng và tiền định kỳ diệu của Đấng
Tạo Hóa – Thiên Chúa duy nhất. Điều đó cho thấy tiền đồ của Ngài là muốn con
người sống hài hòa với nhau, liên kết với nhau, cùng chia sẻ vui buồn và đồng
hưởng sự ngọt ngào của vị hạnh phúc. Ngài biết hai phái sống với nhau sẽ sinh
nhiều chuyện, khổ lắm, thế nên Ngài tạo niềm vui để cân bằng cuộc sống hôn nhân
của họ.
Trong quá trình sáng tạo, Ngài “lấy đất nặn
ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng
là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì thì tên nó sẽ là thế.” (St 2:19) Ngài
tạo dựng muôn loài, nhưng Ngài muốn con người “góp công” nên cho con người được
quyền đặt tên mọi loài, chứng tỏ con người có giá trị trong cách nhìn của Ngài.
Thật là diễm phúc biết bao! Rồi sau khi “con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi
chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá
tương xứng.” (St 2:10) Vì thế, Ngài “cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con
người, và con người thiếp đi, rồi Ngài rút một cái xương sườn của con người ra,
và lắp thịt thế vào.” (St 2:21) Nghe trình thuật về việc Chúa làm thì thấy thật
kỳ lạ, ngày nay người ta thấy vậy sẽ cho đó là “ma thuật,” nhưng không, hoàn
toàn là quyền năng vô song của Thiên Chúa, và CHỈ MỘT MÌNH NGÀI LÀM ĐƯỢC NHƯ
VẬY mà thôi!
Ngay sau đó, Ngài lấy cái xương sườn đã rút
từ con người ra – ý nói “con người” ở đây là “đàn ông”, Ngài làm thành một
“sinh vật lạ,” và dẫn đến với con người. Thấy vậy, con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt
bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” (St
2:23) Bởi thế, “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành
một xương một thịt.” (St 2:24) Ôi, “sinh vật lạ” sao mà đẹp quá, ngày nay gọi
là mỹ nhận, thế nên chàng Ađam “lé mắt” luôn, và rồi cũng sẽ… “chết chắc”!
Có lẽ từ “câu chuyện” trong Kinh Thánh như
vậy nên phe đàn ông thường “tự đề cao” mà “lý luận” rằng Thiên Chúa dựng nên
nam giới trước, nữ giới chỉ là “sản phẩm” của nam giới, là “cấp dưới” nên phải
chịu “lệ thuộc.” Cách nghĩ và quan niệm như vậy thật khủng khiếp. Thậm chí
người ta còn cho rằng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai kể là có,
mười nữ coi như không). Lối suy nghĩ thật là ấu trĩ, thiển cận, nông cạn và
kiêu ngạo! Càng nói càng lòi cái… ngu, ngu kinh niên. Tại sao? Vì cái gì cũng
có tính liên đới.
Như chúng ta đã biết, Nhóm Sađốc gồm những
người không tin có sự sống lại. Một hôm, họ hỏi Chúa Giêsu để “gài bẫy” Ngài về
chuyện bảy anh em trai, lần lượt mỗi người đều cưới cùng một cô vợ, vì luật Môsê
nói rằng anh lấy vợ mà chết trước khi có con thì chú em phải cưới chị dâu làm
vợ. Cả bảy anh em đều cưới cô ta mà không có đứa con nào. Hết thuốc chữa! Nhóm Sađốc
hỏi Chúa Giêsu rằng khi sống lại thì cô nàng sẽ là vợ của người nào trong bảy
anh em kia. Chắc là lúc đó họ cười thầm vì Chúa Giêsu phải “bó tay” thôi. Thế
nhưng Chúa Giêsu thản nhiên và nói chắc hơn hàn xì: “Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại,
người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mt
22:29-30; Mc 12:24-25; Lc 20:34-36) Hố to! Đã vậy họ còn bị Chúa Giêsu trách là
“lầm” và chê là “ngu dốt,” chẳng biết Kinh Thánh, chứ nói chi biết đến quyền
năng của Thiên Chúa – Đấng tạo dựng mọi sự, vô hình và hữu hình. Đúng là họ lộ
cái ngu thấy rõ luôn. Không nói thì chẳng ai biết mình ngu, càng nói càng tự
thú “lạy ông, tôi ở bụi ngu” đây này!
Sự đời vẫn thế, ngày nay gọi là “ngu mà chảnh.”
Thời kỳ sáng thế cũng vậy thôi. Chúa dựng nên con người tốt lành, không hề có
khái niệm nam, nữ, hoặc đồng giới. Thế nên người ta thoải mái “ở mát” rất vô
tư: “Con người và vợ mình, cả hai
đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” (St 2:25) Chỉ
sau khi đã phạm tội, con người mới nhận ra mình trần truồng và xấu hổ với nhau,
muốn… độn thổ mà không được. Sao vậy? Chính tội lỗi làm cho “mắt hai người mở
ra, và họ thấy mình trần truồng,” và rồi “họ kết lá vả làm khố che thân.” (St
3:7)
Như hai cực nam châm trái dấu, nam và nữ cũng
có “sức thu hút” lẫn nhau, nhờ đó mà phát sinh tình yêu, tình yêu dẫn đến hôn
nhân. Hôn nhân là “sợi” liên kết tạo nên một gia đình mới – tế bào cơ bản của
xã hội. Tế bào gốc nhỏ bé nhưng rất quan trọng trong chuỗi AND trong con người,
gia đình cũng vậy. Để có nền tảng gia đình vững chắc, phải có hôn nhân tốt
lành, đòi buộc sự chung thủy một vợ và một chồng, có vậy mới không sinh những
hệ lụy rắc rối khác. Ca dao Việt Nam có nhiều câu nói về sự chung thủy trong
tình yêu và hôn nhân, chẳng hạn câu phổ biến này:
Làm sao mà phai được chứ? Không thể. Sự chung
thủy không là bổn phận của riêng ai. Và sự chung thủy ấy được thể hiện qua lời
tâm sự của người vợ dành trọn trái tim yêu thương cho người chồng:
Thế thì thật tốt. Nàng đã vậy, còn chàng thì
sao? Sự chung thủy ấy cũng phải được người chồng thể hiện triệt để, như lời tâm
sự của người chồng ngày xưa:
Tình thương thành thật thì tuyệt! Chung thủy
là “chén nước được giữ thăng bằng,” không hề sóng sánh. Luật chung thủy phải
được cả đôi bên tôn trọng suốt đời. Thật vậy, khi hai người cùng nhau cử hành
bí tích hôn phối trước mặt vị đại diện Giáo hội và cộng đoàn Dân Chúa, họ đã
vui vẻ thề hứa công khai: “Anh (em)
nhận em (anh) làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi
thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu
thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Vậy đó, “mình với
ta tuy hai mà một,” vì thế mà không ai có thể “xẻ” mình ra được – chỉ có người
điên khùng mới làm vậy!
Tiền nhân đã xác định: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng
cạn.” Thuận nhau không có nghĩa là giống nhau hoàn toàn, mà là nhường nhịn
nhau, chấp nhận và cảm thông sự khác nhau. “Một nhịn, chín lành” là thế, “kê
cho bằng trăm chỗ lệch” là vậy. Đặc biệt hơn, hôn nhân Công giáo là một ơn gọi
và là bí tích, hôn nhân Công giáo là hôn nhân thánh.
Ngày xưa, Thánh Vịnh gia đã hân hoan chúc
mừng: “Hạnh phúc thay bạn nào kính
sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an
hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào
cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn
ăn.” (Tv 128:1-3) Hôn nhân là hành trình đầy trọng trách và gian khó,
nhưng bù lại cũng nhiều niềm vui, có thể nói rằng hôn nhân là “nỗi đau ngọt
ngào.” Đó là niềm hạnh phúc độc đáo trong hôn nhân! Thật vậy, trầu cau xanh kết
hợp với vôi trắng tạo nên nước đỏ tươi và vị cay, chính vị cay đó là “chất gây
nghiện” nên người ta mới khoái ăn trầu. Có những người không còn răng mà vẫn
thèm trầu, không nhai được nên phải giã nát rồi ngậm cho thỏa lòng. Chí lý lắm!
Hôn nhân thực sự là điều kỳ diệu, gia đình
cũng là sự lạ lùng lắm. Niềm hạnh phúc hôn nhân và gia đình chính là “phúc lộc
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv 128:4) Một lần nữa, Thánh Vịnh gia cầu
chúc cho những người sống đời hôn nhân – gia đình: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả
cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình.” (Tv 128:5-6) Có thể vì đời
thường như vậy nên chúng ta không nhận ra mối liên kết kỳ diệu trong mối quan
hệ về hôn nhân – gia đình. Quả thật, đó là một phép lạ của Thiên Chúa.
Con người là sinh vật cao cấp – mặc dù chỉ là
phận bụi tro và kiếp tội nhân. Bằng chứng là Thánh Phaolô phân tích: “Con người đã bị thua kém các thiên thần
trong một thời gian ngắn, chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh
dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức
Giêsu.” (Dt 2:9a) Thật vậy, “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho
mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.” (Dt 2:9b) Thánh Phaolô nói rạch
ròi: “Thiên Chúa là nguồn gốc và
cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên
Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở
thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.” (Dt
2:10) Tình yêu của Thiên Chúa bao la, lòng thương xót của Ngài vô tận.
Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng chí nhân, Ngài
không muốn ai phải hư mất, mà chỉ muốn tất cả tội nhân chúng ta cũng được hưởng
trọn vẹn niềm hạnh phúc với Ngài. Đấng thánh hóa là Đức Giêsu, “những ai được
thánh hóa đều do một nguồn gốc,” (Dt 2:11) vì thế, Ngài đã không hề hổ thẹn gọi
chúng ta là huynh đệ – dù chúng ta quá khốn nạn, xấu xa, tội lỗi, đốn hèn. Thật
là hạnh phúc cho chúng ta, vì chúng ta từ “không” mà biến thành “có.” Còn gì có
thể so sánh được chăng? Chắc chắn là không!
Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng đều biết
rằng mục đích của hôn nhân không chỉ là sinh con đẻ cái theo lệnh Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt
đất.” (St 1:28) Còn hơn thế nữa, mục đích của hôn nhân là giúp nhau
nên thánh: “Hãy nên hoàn thiện như
Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Có nhiều phương thế nên
thánh, hôn nhân là một trong các cách đó.
Về tâm linh, có hai dạng cơ bản – hữu thần và
vô thần, duy tâm và duy vật. Một hôm, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu
và hỏi: “Thưa Thầy, chồng có được
phép rẫy vợ không?” (Mc 10:2) Họ chẳng tốt lành gì, hỏi han cho ra vẻ
thân thiện chứ thực tế họ muốn thử Ngài, muốn “gài bẫy” Ngài. Nhưng Ngài thản
nhiên: “Thế ông Môsê đã truyền dạy
các ông điều gì?” (Mc 10:3) Xem chừng họ vẫn “vô tư” khi cho
biết: “Ông Môsê đã cho phép viết
giấy ly dị mà rẫy vợ.” (Mc 10:4) Thế là Đức Giêsu “chơi” liên khúc với
họ: “Chính vì các ông LÒNG CHAI DẠ
ĐÁ, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình
tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông
sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành MỘT xương MỘT thịt. Như
vậy, họ KHÔNG còn là hai, nhưng chỉ là MỘT xương MỘT thịt.” (Mc
10:5-8) Và Ngài quả quyết: “Sự gì
Thiên Chúa đã phối hợp, loài người KHÔNG được phân ly.” (Mc 10:9) Đúng
là kẻ “dốt đặc cán mai” lại hay tỏ ra thông thái, ngu truyền kiếp mà tưởng mình
thông minh. Gậy ông đập lưng ông. Cuối cùng, họ đành ngậm bồ hòn và im như thóc
thối. Tất nhiên thôi!
Mà kể cũng lạ, ngay cả các môn đệ cũng lơ ngơ
như bị “chạm mạch”, thế nên khi về đến nhà, các ông lại hỏi Ngài về điều ấy.
Ngài minh định: “Ai rẫy vợ mà cưới
vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng
khác thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10:11-12) Quá rõ, không phân
biệt nam hay nữ chi cả. Ai sai nấy chịu. Tội là cái Tôi-Nặng (kiểu đánh vần chữ
Tội trong Việt ngữ).
Nghe danh Thầy Giêsu nổi như cồn, lúc đó
người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Ngài đặt tay trên chúng. Nhưng các môn
đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Ngài thẳng thắn quở trách các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, ĐỪNG ngăn cấm
chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Mc 10:14)
Thấy các đệ tử mình theo mình mà chẳng giống mình, thế nên, dù Ngài rất nhân từ
và hiền lành mà còn phải “nổi nóng” thì hẳn là chuyện không vừa, chắc chắn các
môn đệ phải xua đuổi các trẻ em dữ lắm. Và rồi Ngài nhấn mạnh: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận
Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em thì sẽ chẳng được vào.” (Mc
10:15) Thánh Mátthêu còn kể rõ: “Ngài
ÔM lấy các trẻ em và đặt tay CHÚC LÀNH cho chúng.” (Mt 10:16)
Lại có một Phép Tính kỳ diệu nữa đối với tất
cả chúng ta về “bí quyết” để làm công dân Nước Trời: SỐNG ĐƠN SƠ. Đó là
“Con Đường Thơ Ấu” và là bí quyết nên thánh của Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu,
như thánh nữ xác định: “Nên thánh chỉ đơn giản là làm theo Thánh Ý Chúa và
trở nên như Ngài muốn.”
Liên quan hôn nhân – gia đình, chắc là chúng
ta còn nhớ Thánh LM Tử Đạo Maximilian Kolbe (1894-1941), người sẵn sàng chết
thay cho một tù nhân vì thương anh ta còn vợ con. Ngài phân tích: “Chất độc nguy hiểm nhất trong thời đại của
chúng ta là SỰ LÃNH ĐẠM. Vì thế, hãy cố gắng chúc tụng Thiên Chúa hết khả năng
của mình.” Thật đáng sợ đối với sự thờ ơ, dửng dưng, lãnh đạm, vô cảm. Nó
vô hình nhưng có thể giết chết mọi mối quan hệ – nhất là trong quan hệ hôn nhân
và gia đình.
Đây là những Phép Tính của hôn nhân và gia
đình: Hãy CỘNG lại những niềm vui, hãy TRỪ đi những nỗi muộn phiền, hãy NHÂN
lên những niềm hy vọng, hãy CHIA sẻ chân thành, và đừng CHIA rẽ bao giờ! Sẽ
chẳng làm được gì nếu không có ơn Chúa, nhưng có ơn Ngài thì làm gì cũng được.
Lạy
Thiên Chúa chí thánh, sống đời hôn nhân là một cuộc tử đạo liên lỉ, cần nhiều
ơn thánh để duy trì gia đình, xin giúp họ luôn sống trung thành với lời hứa yêu
thương, biết bảo vệ sự sống, biết yêu quý trẻ em và học ở chúng bài học đơn sơ,
đặc biệt là sống trung thành với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Xin Đức Maria và Đức
Giuse đồng hành và cầu giúp nguyện thay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Phép Tính Cuộc Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/01/phep-tinh-cuoc-oi.html
✽ Kỳ Diệu Con Số 7 – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/03/so-7-ky-dieu.html
✽ Kỳ Diệu Sự Cô Độc – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/11/ky-dieu-su-co-oc.html
✽ Kỳ Diệu Sự Tử Tế – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/07/ky-dieu-su-tu-te.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment