Thiên Chúa đã tạo dựng các cơ phận rất hợp lý
(2 mắt, 2 tai, 2 tay, 2 chân,... 1 đầu, 1 miệng, 1 tim), chắc chắn không phần
nào thiếu hoặc thừa, ngay cả “ruột thừa” (appendix) cũng vẫn không thừa, bởi vì
nó có một số tác dụng miễn dịch quan trọng và một số tác dụng khác – phát triển
cả bào thai và người lớn.
Bất cứ cơ phận nào khác thường thì sẽ khổ
lắm. Chỉ là nhức răng thôi mà nhiều người đã phải khóc như cha mẹ chết. “Cái
răng, cái tóc là gốc con người,” đúng vậy! Con mắt là cửa sổ tâm hồn, nó chỉ mờ
thôi đã khổ rồi, huống chi nó cứ “khép chặt” thì… ôi thôi, khổ biết chừng nào! Thế
nên phải tìm cách “mở” nó ra. Y học và khoa học tìm đủ cách mà nhiều người vẫn
chưa thỏa ước nguyện là được nhìn đời. Mù lòa mắt thể lý là khổ, mù lòa mắt tâm
linh còn khổ hơn. Thế nên cần phải cầu xin Thiên Chúa để Ngài phán một lời chữa
lành: “Effatha! Épphatha! Εφφαθα! Hãy mở
ra!”
Thế nhưng “mở ra” cũng có nhiều mức độ, không
chỉ đơn giản là “không đóng, không khép.” Mở thế nào: Mở toang hay mở hé? Động
từ “mở ra” thường được nghĩ ngay tới mở một vật gì đó – theo nghĩa đen. Nhưng “mở
ra” cũng có nghĩa bóng, tức là “mở lòng ra,” đó mới là ý nghĩa quan trọng của
đời sống con người, nhất là đời sống Kitô hữu, nghĩa là phải sống cởi mở và yêu
thương. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều có những thứ “dễ mở” và “khó mở,” đôi
khi có thể “không mở được” hoặc “không chịu mở.” Vấn đề là chỗ đó!
Cũng cần can đảm và quyết tâm khi “mở ra.”
Thế nên ngày xưa, ngôn sứ Isaia khuyên những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo
phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.”
(Is 35:4) Đó là Giờ Cứu Độ, Ngày Công Lý, (cũng có thể) là ngày Đức Kitô giáng
lâm, vì thời đại chúng ta đang sống là Thời Cánh Chung. Thời giờ cứu độ là lúc “mắt
người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng
lưỡi người câm sẽ reo hò.” (Is 35:5-6a) Lúc đó sẽ “có nước vọt lên trong sa
mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu; miền nóng bỏng biến thành ao hồ,
đất khô cằn có mạch nước trào ra; trong hang chó rừng ở sậy, cói sẽ mọc lên.”
(Is 35:6b-7) Mọi sự trở nên mới, hoàn toàn thay đổi, và thật là hạnh phúc cho
những ai vẫn giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10:22; Mc
13:13; Lc 21:19)
Tận thế ư? Xa hay gần? Chắc chắn “ngày tận
thế” ai cũng chứng kiến là lúc mình chết, lúc chúng ta trút hơi thở cuối cùng
để giã biệt thế gian. Đó là “giờ cánh chung” của mỗi cuộc đời chúng ta. Còn
ngày tận cùng của thế gian này chẳng ai biết lúc nào, ngay cả các thiên sứ trên
trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi. (Mt 24:36; Mc
13:32)
Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, kể cả những điều
chúng ta chưa nghĩ tới, Ngài chí minh và chí thiện: “Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người
bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn.” (Tv 146:7a) Không chỉ vậy, Ngài
còn “giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà; cho kẻ bị dìm xuống đứng
thẳng lên; và yêu chuộng những người công chính.” (Tv 146:7b-8) Thiên Chúa là
Đấng giàu lòng thương xót nhưng cũng nhất mực công bình, Ngài “phù trợ những
khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv
146:9) Và chỉ có Ngài mới là người duy nhất nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở và
hiển trị đời đời. Ngài là Thiên Chúa của hôm qua, hôm nay và mãi mãi. (Dt 13:8)
Ngài toàn năng nên Ngài làm được tất cả những
gì mà loài người “bó tay.” Ngài “mở” được mọi thứ, dù điều đó phàm nhân không
thể làm gì được. Thậm chí những tấm lòng chai đá nhất, những “cửa lòng” khó mở
nhất hoặc hầu như “không thể mở ra,” thế mà Ngài vẫn khả dĩ thâm nhập và “mở”
được: Phêrô, Phaolô, Maria Mađalêna (bị 7 quỷ kiềm chế), Augustinô,... Vì thế,
chúng ta càng phải cần nhớ đến Ngài, kêu van Ngài xót thương và gìn giữ chúng
ta từng giây phút, qua từng hơi thở, bởi vì không có Ngài thì chúng ta chẳng
làm gì được. (Ga 15:5)
Thật chí lý với lời khuyên của Thánh Giacôbê:
“Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư.” (Gc 2:1) Rất rõ
ràng, rất rạch ròi. Không thiên tư, không thiên vị là thế nào? Đó là không phân
biệt đối xử: Không coi trọng người giàu mà khinh chê người nghèo, không qụy lụy
người chức quyền mà áp bức người cô thân yếu thế, không nịnh người tâng bốc mà
ghét người trực tính,… Đó là cách sống công bình, là cách thể hiện công lý, và
đó mới là cách sống mà Thiên Chúa mong muốn nơi mỗi chúng ta.
Và không hề úp mở hoặc bóng gió, Thánh
Giacôbê nói thẳng luôn: “Giả như có một
người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng
thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn
nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này,’ còn
với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’ thì
anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?”
(Gc 2:2-4) Tình trạng này rất thường thấy, giống như một định dạng phân biệt
hoặc kỳ thị mặc nhiên vậy.
Thật thế chứ chẳng oan ức chi, có thể chúng
ta không hề nói ra bằng lời nhưng động thái, ánh mắt và cử chỉ của chúng ta lại
“tố cáo” chúng ta “kỳ thị” và “xét đoán” người khác, thế mà chúng ta vẫn tự
nhận là đang sống đức công bình. Cái loại “tưởng” như vậy rất nguy hiểm, nếu
không chấn chỉnh thì không yên thân với Chúa đâu đấy!
Cuộc sống luôn có những vấn đề nhỏ mà không
nhỏ, đơn giản mà khó xử lý. Có bao giờ chúng ta động lòng trắc ẩn với một người
nghèo đứng bơ vơ ở một góc đường? Có bao giờ chúng ta cầu nguyện cho những
người bị tai nạn khi nghe người khác nói, khi thấy trên ti-vi hoặc trên
internet? Có bao giờ chúng ta cầu nguyện cho một người qua đời khi chúng ta đi
trên đường và thấy đám tang, dù người đó thuộc tôn giáo khác? Có bao giờ chúng
ta nghĩ về món nợ mình phải trả cho những người nghèo khó và đau khổ hơn mình? Đặc
biệt là trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, chúng ta có cầu nguyện cho quê hương
Việt Nam? Thánh Phaolô vừa căn dặn vừa truyền lệnh: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu
người thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13:8) Đức ái quá lớn lao. Và món nợ này
chúng ta phải trả cho đến hơi thở cuối cùng. Ai thanh toán xong
đồng-xu-yêu-thương-cuối-cùng đó thì mới được vào Nước Trời. Chúa Giêsu nói thật
chứ chẳng đùa đâu, vì Thiên Chúa rất mực công bình và chính trực. Chắc chắn là
phải “hai năm rõ mười.” Vấn đề thực sự đáng quan ngại!
Và rồi Thánh Giacôbê đặt vấn đề: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo
khó trước mặt người đời để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương
quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (Gc 2:5) Chắc chắn
như vậy! Chàng trai Phanxicô ở thành Assisi đã sống đúng nghĩa đen của chữ
nghèo theo Tin Mừng nên được mệnh danh là “Phanxicô nghèo khó,” thế nên mới
được làm “công dân Nước Trời.”
Thế nhưng trong thực tế của cuộc sống đời
thường, ai nghèo đều bị khinh và bị người khác “không thèm ngó,” thậm chí còn
bị mỉa mai là “bộ mặt hãm tài.” Trong một nhóm người, một hội đoàn hoặc một
giáo xứ, chúng ta thấy rõ ai có “máu mặt” đều được bề trên “lưu ý” người ta
“chăm chút,” được đề cao, được “yêu quý,” được “lưu ý,” được “săn đón,” được
mời chào, được “hỏi thăm,” được tiếp đón nồng hậu,… Xin lễ hoặc xin khấn cũng có
loại “giá” riêng. Nếu theo kiểu cầu nguyện như thế thì người giàu được cầu
nguyện nhiều, và dễ lên thiên đàng, còn người nghèo thì đừng hòng nhìn thấy
cổng thiên đàng, vì không có tiền thì chẳng ai cầu nguyện cho, do đó mà “đi chỗ
khác chơi.” Việc “yêu người như chính mình” hoặc “thương người nghèo” chỉ là…
nói cho vui thôi! Người có quyền và có tiền thì trở thành người có “thế” (vị
trí và giá trị). Vì vậy, người Việt thường nói: “Miệng nhà giàu có gang, có thép,” họ có nói sai hoặc làm sai cũng
thành đúng “tất tần tật,” hoặc như kiểu nói khác: “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.” Sự thật minh nhiên: Có tiền
được gọi là “ông,” không có tiền bị gọi là “thằng.” Và người ta thường thở dài
não nuột: “Đời là thế!” Thế thì buồn
thật!
Theo lời kể của Thánh sử Mác-cô, hôm đó Đức
Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh.
Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Ngài và xin Ngài đặt tay trên
anh. Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và
nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Chúa Giêsu đúng là “siêu bác sĩ,” là “thần
y,” bởi vì Ngài chữa bệnh mà không hề dùng thuốc men gì – không thuốc Tây,
không thuốc Nam hoặc thuốc Bắc, mà chữa bệnh bằng… nước miếng. Không chỉ lạ mà
hay quá là hay, đặc biệt là có hiệu quả hơn bất cứ loại thuốc nào khác trên
đời. Ôi chao, đúng là trên cả tuyệt vời!
Thật vậy, sau khi “nhổ nước miếng và bôi vào
lưỡi bệnh nhân,” Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha, hãy mở ra!” (Mc 7:34) Thánh
sử Máccô cho chúng ta biết một “chi tiết lạ” là Chúa Giêsu RÊN một tiếng. Và
rồi lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Chỉ cần bôi nước miếng
mà bệnh nhân hết điếc và hết ngọng, anh ta nói được rõ ràng. Sư phụ Giêsu tài
quá, độc chiêu quá, tuyệt vời quá! Phàm ngôn không có từ ngữ để mô tả một cách
trọn vẹn nhất.
Chắc chắn không ai có thể làm được như Ngài, thế
nhưng Chúa Giêsu không khoe khoang, không khoác lác, không “nổ” chút nào, mà
Ngài bắt người ta không được kể chuyện đó với ai. Ngài càng cấm thì họ càng đồn
ra. Tiếng lành đồn xa là vậy, và đó là chuyện tất yếu thôi. Ôi, điều kỳ diệu
thế làm sao im lặng được, làm sao mà cấm nổi? Không bàn tán xôn xao sao được vì
ai cũng hết sức kinh ngạc và khâm phục: “Ông
ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói
được.” (Mc 7:37) Có ai thấy “siêu bác sĩ” mà không bàn tán chứ? Chắc chắn không
thể im lặng được! Và thế là “siêu bác sĩ” Giêsu nổi như cồn, trở thành “siêu
sao” ngay lập tức. Tuyệt vời quá chừng! Giả sử chúng ta là các tông đồ thấy Sư
phụ như vậy thì chúng ta “lên nước” và “nổ banh trời” chứ chẳng chơi. Thế nhưng
không thấy Kinh Thánh nói gì về các môn đệ, chắc là họ đã thấm thía bài học
khiêm nhường mà Thầy Giêsu đã dạy.
Thông thường thì chứng câm đi đôi với chứng điếc,
gọi là câm điếc – có lẽ liên quan dây âm thanh, việc phát âm và lắng nghe không
thể tách rời chăng? Đó là chứng câm điếc thể lý, còn về tâm linh, chúng ta cũng
có những lúc bị “bệnh câm điếc.” Triệu chứng thế nào? CÂM là không muốn nói về
Chúa, không nói lời tốt, thấy sai mà không dám nói; còn ĐIẾC là không chịu nghe
Lời Chúa, không nghe lời khuyên, cố chấp. Chứng câm điếc tinh thần thật là đáng
sợ lắm. Càng đáng sợ hơn khi không nhận biết mình bị câm điếc hoặc không chịu
“mở ra.” Cần lắm sự tỉnh táo, sáng suốt và khôn ngoan, đặc biệt là ơn Chúa!
Lạy
Thiên Chúa toàn năng, mọi cửa đời của chúng con vẫn khép chặt và khóa bằng ổ
khóa ích kỷ, xin thương mở cửa đời đầy “gỉ sét tội lỗi” của chúng con để chúng
con mở đời và thoát khỏi chứng câm điếc, xin chữa lành bệnh đời và tật đời của
chúng con, xin giúp chúng con tuyên xưng Thánh Danh Ngài và kiên tâm chờ đợi Con
Chúa giáng lâm. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ
của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Triệu Phú Mồ Côi – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/06/trieu-phu-mo-coi.html
✽ Độc Đáo Giáo Dục Phần Lan
✽ Nợ Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/06/no-oi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment