Friday, August 24, 2018

OAI

[Niệm khúc Mt 23:1-12]

Ăn trên, ngồi trước, rất oai
Kinh sư, Biệt phái giảng hay quá chừng
Nói đâu ra đấy, rất thông
Lạnh lùng, lười biếng nên không muốn làm
Ăn tục, nói phét đã quen
Ba hoa, lẻo mép, chẳng nên chuyện gì
Hãy nhìn kỹ, chớ có nghe
Bởi vì họ chỉ ưa khoe khoang mình
Trong người đầy máu giả hình
Thánh nhân ngoại diện, yêu tinh trong lòng
Sách kinh, lễ phục đàng hoàng
Đi tới hội đường để được người khen
Tự tôn bị hạ xuống liền
Hạ mình mới được tôn lên là thường
Lớn là phục vụ cộng đồng
Chứ đâu hưởng thụ ung dung, kiêu kỳ
Oai gì cái tiếng “ráp-bi”
Thầy này, thầy nọ chỉ là cái danh
Việc gì làm cũng chẳng thành
Lạm dụng quyền hành đày đọa người ta
Một Thầy, một Chúa, một Cha
Mọi người tất cả đều là anh em
Vấn đề lãnh đạo, uy quyền
Chớ nên lạm dụng, lem nhem. Oai gì?
Chỉ duy nhất Đức Kitô
Là người lãnh đạo quyền uy, nhân lành
Xin cho con biết tâm thành
Làm gì cũng chỉ để vinh danh Ngài
Chẳng oai gì ở đời này
Phù du một thoáng chẳng hay ho gì!

TRẦM THIÊN THU
Sáng 24-08-2018

LẺO MÉP
[Niệm ý Mt 23:1-12 ≈ Mc 12:38-40; Lc 11:43-46; Lc 20:45-47]

Kinh sư và Biệt Phái
Ngồi giảng trên tòa cao
Nói hay đâu ra đấy
Mà làm chuyện tào lao


Họ coi trọng hình thức

Thích tỏ vẻ hơn người

Tinh ranh trong cách diễn

Chụp hình khoe khắp nơi


Họ lẻo mép đủ chuyện

Lo chải chuốt áo quần

Cứ khua môi múa miệng

Việc gì cũng chẳng làm


Thích đem sách kinh lớn

Để ai cũng phải nhìn

Đeo tràng hạt đẹp lắm

Loại cẩm thạch đắt tiền


Ngồi cỗ nhất đám tiệc

Chiếm ghế đầu hội đường

Ưa được người thưa bẩm

Thật vinh dự vô cùng


Thích cầm quyền lãnh đạo

Nhưng tài mọn, trí hèn

Nên nói xạo, làm láo

Không bằng đám thường dân


Người ta không hề thích

Thiên Chúa cũng chẳng ưa

Làm lớn phải phục vụ

Chớ ảo tưởng, kiêu sa!


TRẦM THIÊN THU

HỮU DANH VÔ THỰC

[Niệm ý Mt 23:1-12 ≈ Mc 12:38-40; Lc 11:43-46; Lc 20:45-47]


Oai phong ngồi ở chỗ cao

Hiên ngang dáng vẻ, kẻ chào người tôn

Nói hay, nói giỏi, dẻo mồm

Việc thì lẩn tránh, không thèm đụng tay

Ỷ mình được gọi cha, thầy

Nên dùng quyền để đọa đày người ta

Hữu danh, vô thực, tâm tà

Nhưng làm ra vẻ nhân từ, yêu thương

Se sua quần áo đàng hoàng

Thật ra dở dở ương ương thôi mà

Khi thì chảnh, lúc thì khoe

Bất cứ thứ gì cũng biết đầu đuôi

Bách khoa tự điển hẳn hoi

Chuyện đời, chuyện đạo rạch ròi sáu câu [1]

Chưa nói trước đã biết sau

Ca dao, tục ngữ thuộc làu làu luôn

Thánh Kinh dẫn chứng đúng phần

Chương nào, câu mấy, y nguyên từng lời

Chỉ mong nổi trội “cái tôi”

Để người ta biết mình tài, mình hay

Vì mình chứ chẳng vì ai

Giả hình đúng nghĩa, chẳng sai chút nào

Khốn thay những kẻ tự cao

Chúa chê, người ghét, chứ đâu hay gì

Xin cho con biết khiêm nhu

Làm gì thì cũng chỉ vì Chúa thôi

Giúp con ít nói, kiệm lời [2]

Mọi điều đều bởi nhờ Ngài ban cho

Biết nhiều thêm sợ, thêm lo

Ngài đòi nhiều biết lấy gì bù đây? [3]

Con là dụng cụ của Ngài

Xin theo Thánh Ý tỏ bày trước, sau


TRẦM THIÊN THU

[1] Lối nói Nam bộ: “Rành sáu câu,” vì vọng cổ có 6 câu, ý nói “biết hết trơn.” Còn dân Bắc nói “biết tuốt.”

[2] “Người biết ít thường nói nhiều, người biết nhiều thường nói ít.” (Triết gia Jean-Jacques Rousseau, 1712–1778, Thụy Sĩ)

[3] Lc 12:48 – “Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

DIỄN

[Niệm ý Mc 12:38-40 ≈ Mt 23:1-6; Lc 20:45-47]


Diễn là thể hiện chính mình

Nhưng vì diễn quá đáng khinh thôi mà

Ỷ mình giỏi, khác người ta

Nên kinh dị lũ kinh sư hợm mình

Diễn nhiều quá hóa giả hình

Rườm rà nghi thức, lòng mình trống trơn

Lo hình thức, bỏ tâm hồn

Hay gì mà chẳng canh tân, đổi đời?

Miệng thì méo, lưỡi thì dài

Thế nên lý luận cứ hoài quanh co

Câu kinh quen thuộc đọc to

Cúi mình vái lạy để khoe áo quần

Quả là diễn khéo vô ngần

Án nghiêm khắc chẳng mất phần mai sau

Khôn hồn thì chấn chỉnh mau

Thời gian có hạn – lâu, mau chẳng tường!


TRẦM THIÊN THU


No comments:

Post a Comment

Comment