Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ SÁNG SUỐT?

Lão Tử giảng rằng người có trí tuệ sáng suốt cần phải làm được ba điều là “thủ ngu,” “thủ tĩnh” và “thủ nhu.” Đây cũng là ba đại trí huệ vô cùng tiêu biểu trong tư tưởng triết học Đạo gia.
1. THỦ NGU: “ĐẠI TRÍ NHƯỢC NGU”
Tư tưởng triết học của Lão Tử là triết học “thấp điệu” (khiêm nhường, nguyện ý hạ mình ở dưới). Từ đầu tới cuối, Lão Tử đều chủ trương ẩn dật, không tranh.
Người trí tuệ sẽ không bao giờ dễ dàng khoe khoang, thể hiện bản thân mình hơn người, không giống người bình thường khác mà thường “thủ ngu,” thể hiện mình ngu ngơ, ẩn đi sự xán lạn của bản thân mình, giống như những người bình thường khác.
Trong “Sử ký” có viết rằng, thời trẻ Khổng Tử từng hướng Lão Tử thỉnh giáo đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu,” ý nói người mà buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ.
Một người quân tử có phẩm hạnh cao thượng sẽ hiểu rõ ràng đạo lý của việc ẩn giấu. Bề ngoài của họ thoạt nhìn thì tựa như ngu xuẩn, trì độn. Bởi vì họ hiểu rằng con người thường có tâm đố kỵ tranh đấu rất lớn, cho nên người thông minh sẽ thường ở trong “bất tri bất giác” tạo nên sự tranh đấu, dễ dàng khiến bản thân mình trở thành mục tiêu của sự chỉ trích.
Lão Tử nói cho Khổng Tử biết đạo lý rằng, một người phải bỏ tâm kiêu ngạo và tham dục thì mới trở thành thánh nhân. Đây cũng chính là điều mà cổ nhân gọi là “đại trí nhược ngu,” hay trong “Luận Ngữ” khen ngợi Nhan Hồi là người “Hữu nhược vô, thật nhược hư” (có mà giống như không, thật mà giống như giả).
2. THỦ TĨNH: GẶP VIỆC LỚN PHẢI CÓ TĨNH KHÍ
Lão Tử nói: “Thục năng trọc dĩ trừng? Tĩnh chi từ thanh,” ý nói ai có thể làm nước đục trong trở lại ngoài cách tĩnh lại.
Một ly nước vẩn đục chỉ có dựa vào cách lắng đọng lại từ từ thì mới có thể khiến nó dần trong trở lại. Tâm của con người cũng lại như thế, khi tâm người không tĩnh giống như cốc nước vẩn đục mà quan sát mọi việc thì sẽ chẳng thể nhìn thấu được vạn sự thế nhân, lý cũng không thuận. Chỉ khi tâm như nước trong suốt, như gương mới soi rọi vạn sự vạn vật, mới thấy rõ mọi sự tình.
Trong “Đạo Đức Kinh” viết: “Tĩnh vi táo quân,” ý nói tĩnh chính là chủ thể chỉ huy sự vận động. Tĩnh có thể khắc chế được tính khí nóng nảy, manh động của con người, giúp con người dần dần khôi phục được lý trí của mình. Một người có tính khí trầm tĩnh và một người có tính khí nóng nảy ở với nhau, ắt người có tĩnh khí sẽ luôn chiếm ưu thế thượng phong.
Thời cổ đại, trên mũ của Hoàng thượng luôn có bức rèm ngọc nhỏ, tác dụng chủ yếu của nó là thông qua bức rèm ngọc nhỏ này giúp Hoàng thượng bảo trì được trạng thái tĩnh khí, không hành xử vội vàng.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Tâm tĩnh tắc thể sát tinh, khắc trị diệc tỉnh lực,” ý nói chỉ có người tĩnh tâm mới có thể đủ cẩn thận để suy xét kỹ càng sự vật, phát hiện sự vật và nhìn ra những chỗ tinh vi của sự vật. Làm được như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả công việc, “làm ít mà công to,” giảm thiểu tối đa thời gian và sức lực.
3. THỦ NHU: MỀM THẮNG CỨNG
Tương truyền rằng khi mừng thọ Lão Tử 80 tuổi, có rất nhiều người đến chúc mừng ông. Mọi người đều hỏi bí quyết trường sinh của ông.
Lão Tử không nói lời nào mà chỉ há miệng ra cho mọi người xem. Mọi người thấy Lão Tử làm như vậy đều không hiểu ẩn ý trong việc làm của ông.
Sau đó Lão Tử giải thích: “Răng cứng nhưng nay đã chẳng còn, mềm mại như lưỡi lại còn như nguyên. Đây chính là đạo lý nhu mềm thắng cứng rắn.”
Lão Tử ca ngợi nước, phụ nữ và trẻ em, chính là vì ông nhìn thấy được sức mạnh của sự mềm mại. Mềm mại chính là đại trí huệ của sinh mệnh, cũng như một cái cây khô thì rất dễ bị gió làm cho gãy, tuy nhiên cây còn sống biết thuận theo chiều gió mà lay chuyển thì lại chẳng hề gì. Đạo lý làm người và cây cũng lại như thế, những thứ có sinh mệnh thì đều mang một thân thể mềm mại, chết rồi thì liền biến thành khô cứng.
Nước chảy đá mòn, nước tuy mềm mại nhưng lại có thể xuyên thủng được đá. Vậy nên mềm chính là sức mạnh cường đại. Trên đời này không có thứ gì mềm mại hơn nước mà lại có thể mạnh hơn nước. Nước có thể khắc chế được những thứ cứng rắn nhất trên đời.
“Binh vô thường hình, thủy vô thường thế,” những thứ mềm mại có thể dễ dàng uyển chuyển biến hóa cho nên có thể thích ứng được với vạn sự. Còn thứ cứng rắn lại khó có thể biến hóa. Đây cũng chính là đạo lý “Vô hình thắng hữu hình” trong binh pháp Tôn Tử.
Cuộc sống vốn dĩ rất giản đơn, bậc cao nhân có trí tuệ sáng suốt thì đều biết chọn cho mình một cách sống trí tuệ nhất!
AN HÒA (dịch theo sự cho phép của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment