Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

BIẾM THI

CÁI NGÔNG

Tiếng Việt còn, nước Việt còn [*]
Nói sao viết vậy, trường tồn bao năm
Nay người ta muốn phá tan
Gọi là cải cách, cách tân nỗi gì?
Muốn cho Quốc ngữ mất đi
Nghĩa là hại nước, lấy gì biện minh?
Sống ngay trên Đất Nước mình
Mà sao bội nghĩa, vong tình Việt Nam?
Xưa Lê Chiêu Thống vô tâm
Nỡ cho rắn ngoại cắn luôn gà nhà
Rành rành còn đó gương xưa
Sao chưa sáng mắt, cố mù đời chăng?
Vẽ vời những chuyện hoang đường
Muốn mình “nổi tiếng,” chơi ngông với đời
Kẻ đề xướng ẩu một thôi
Kẻ hùa theo lại ẩu mười, gớm thay!
Buồn thay ảo tưởng thời nay
Học thật hay giả, ai ai cũng tường
Giả bên ngoài, giả cả trong
Thế nên phải tạo “cái ngông” riêng mình
Bóng nào cũng giống như hình
Bóng mà xấu, hình sao xinh được nào?
Tất nhiên, chẳng lạ gì đâu
Nhân sao vật vậy, chẳng sao giấu mình!

TRẦM THIÊN THU

[*] Nhận định của chí sĩ Phạm Quỳnh (1892-1945), văn sĩ và quan đại thần triều Nguyễn. Ông tiên phong trong việc sử dụng chữ quốc ngữ và tiếng Việt thay cho chữ Nho và Pháp ngữ.

CHUYỆN HỌC HÀNH

Học hành, thi cử làm gì
Tú Xương còn rớt, huống chi là mình
Học tài, thi phận rành rành
Học nhiều, thi rớt, hóa thành uổng công
Học thi nên mắt hư tròng
Ngủ lên, ngủ xuống, lâng lâng suốt ngày
Tại sao phải tự đọa đày
Chơi cho thỏa thích, khỏi cay đắng lòng
Cấy, cày – nghiệp dĩ nhà nông
Học hành cho lắm, hóa rồng được chăng?
Con nhà giàu cứ lang thang
Vẫn thành “ông lớn”, vẫn sang hơn người
Kiếp nghèo là bởi số trời
Học nhiều vẫn chịu ách người đè ta
Học hành, thi cử làm gì
Giỏi giang thì cũng chẳng qua số trời!
Giã từ sách vở cho rồi
Kẻ ngu mà họ vẫn ngồi trên ta
Ung dung lương lậu ngon ơ
Ăn nhiều, làm ít – chẳng thua thằng nào!
Sự đời nghĩ thấy lòng đau
Ngu quan hống hách: “Đứa nào dám thưa?”

TRẦM THIÊN THU

DIỆT GIẶC DỐT

Vì dốt mà ảo tưởng
Luôn tự nhận mình hay
Cố chấp, không sửa sai
Óc càng ngày càng đặc!

Cứ bảo diệt giặc dốt
Nhưng mình lại hóa ngu
Ếch mà muốn bằng bò [*]
Có lúc bị banh xác!

Ảo tưởng thì “chết” chắc
Chẳng hết dốt, hết ngu
Muốn nên khôn, hết khờ
Hãy phá ngu mình trước!

TRẦM THIÊN THU

[*] Truyện thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontain: “La Grenouille Qui Veut Se Faire Aussi Grosse Que Le Bœuf.”

GIÁO DỤC GÌ?

Tương thân tương ái rất cần
Làm người ai cũng có lần cần nhau
Nhưng hình cổ động tào lào
Giúp nhau sao lại sờ vào “chỗ kia”?
Đây là cách giáo dục gì?
Học hành như thế thì nguy quá chừng!
Đây là “thợ vẽ” bị khùng
Điểm son khác thường ngành giáo dục ư?
Thảo nào văn hóa sa đà
Thảo nào đạo đức sụp suy rõ ràng
Đừng biện hộ, chớ khoe khoang
Sai không dám nhận, coi thường nhân dân!
Khổ cho lũ trẻ Việt Nam
Bị nhồi nhét thứ sai lầm, người ơi!

TRẦM THIÊN THU

QUAN CHÓ

Năm nay Chó được “cầm quyền”
Vui đâu chưa thấy, chỉ buồn tái tê
Mang danh Mậu Tuất, Chó to
Lỡ tham ăn hóa te tua cả bầy
Không hề ăn ớt mà cay
Bởi “quan” chó má mê say phong bì
Chức cao mà lại ngu si
Quyền nhiều nên khéo bịp lừa nhân dân
Phát ngôn như kẻ tâm thần
Quan Chó dính bùn mình mẩy lấm lem
Xin ai ghi nhớ, chớ quên
Nhiều quyền, hại nước, hại dân, (chứ) ích gì!

TRẦM THIÊN THU

Công trình “khéo” nhất Việt Nam
Chỗ cần thoát nước là phần cao hơn
Khốn thay đầu họ nhà tôm
Cái gì gớm nhất đưa lên phần đầu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment