Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

ĐẠO LÀM CON

Ngày xưa, giáo dục chú trọng lễ nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Môn giáo dục công dân dạy học sinh những điều cốt lõi để làm người, để khi lớn lên sẽ thành nhân – mặc dù có thể không thành tài: Thành nhân hơn thành công.
Vì thế, chắc hẳn không mấy ai lại không thuộc lòng câu ca dao này, đặc biệt là Mồng Hai Tết – ngày nhớ ơn tổ tiên:
CÔNG CHA NHƯ NÚI THÁI SƠN
NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC TRONG NGUỒN CHẢY RA
MỘT LÒNG THỜ MẸ, KÍNH CHA
CHO TRÒN CHỮ HIẾU MỚI LÀ ĐẠO CON
Câu ca dao bình dị mà chứa đựng đạo lý thâm sâu. Ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình. Mặc dù người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể tự chọn cha mẹ – tất nhiên kể cả ông bà, tổ tiên. Chắc hẳn không ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm, bởi vì trong đó có hơi ấm của tình yêu thương. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu giữ cho gia đình luôn ấm áp trong mọi hoàn cảnh.
Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, Ngài cũng sinh trưởng trong một gia đình và giữ trọn đạo làm con. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng có nhiều phức tạp lắm. Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu.” (The power of finding beauty in the humblest things makes home happy and life lovely). Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó.” (Charity begins at home but should not end there.) Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc kiềng ba chân yêu thương để chống đỡ gia đình: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.” (Ca dao) Tất nhiên phải cần nỗ lực của mọi thành viên.
Vào những dịp lễ, tết, và những dịp đặc biệt khác, việc nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu được mệnh danh là Đạo Hiếu, nhưng vẫn không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao. [*] Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có một chữ Hiếu mà vẫn không bao giờ giữ cho vuông tròn!
Tác phẩm Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ qua cách nói ngắn gọn mà súc tích: “Cù lao vu dã” – nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội; và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” – thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta.
Nhân dịp đầu Xuân và năm mới, thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.” (Hc 44:1) Tại sao vậy? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.” (Hc 44:10-15)
Về Đạo Hiếu, chính Chúa Giêsu đã nêu gương để chúng ta noi theo: Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.” (Lc 2:51) Rõ ràng Chúa Giêsu rất quý tình gia đình, được Ngài thể hiện qua việc kính yêu và tôn trọng cha mẹ.
Được hiện diện trên cõi đời này thì chắc chắn ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình, không thể coi nhẹ chữ Hiếu. Ai sống có hiếu thì được Thiên Chúa chúc lành, như Thánh Vịnh gia cho biết: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.” (Tv 128:1-2)
Cha mẹ nào cũng vậy, thấy con cái có hiếu thì mới an tâm, và gia đình mới thực sự hạnh phúc: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv 128:3-4) Chắc hẳn không ai lại không mong ước như vậy, nhưng vấn đề là phải thể hiện cụ thể, chứ đừng nói suông. Thánh Vịnh gia tha thiết cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128:5-6) Nguyện chúc mọi gia đình vui hưởng thái bình như Thánh Gia – hôm nay và mãi mãi, đặc biệt trong những ngày Xuân đoàn tụ ấm cúng như thế này.
Đề cập Đạo Hiếu, Thánh Phaolô nhắc nhở những người con: “Kẻ làm con, hãy VÂNG LỜI cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy TÔN KÍNH cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Ep 6:1-3) Đồng thời thánh nhân cũng nhắc nhở các phụ huynh: “Những bậc làm cha mẹ, ĐỪNG làm cho con cái tức giận, nhưng HÃY giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6:4) Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều thực sự cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái. Đó là dạng bổn phận song song và trách nhiệm hai chiều.
Cố HY F.X. Nguyễn Văn Thuận xác định: “Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì là hành động.” Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.” (Ep 6:18-19) Cầu nguyện là việc làm không ngừng, bất kể thời gian hoặc địa điểm. Thật vậy, cầu nguyện có thể thực hiện ngay tại bàn tiệc, khi đang nói chuyện với người khác, khi chạy xe, khi nấu ăn, rửa chén,… thậm chí ngay khi chúng ta ở giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt. Đừng chỉ cầu nguyện khi vào nhà thờ hoặc ở nơi tĩnh lặng, vì cầu nguyện rất dễ: Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp gỡ Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống tâm linh theo tinh thần Kitô giáo: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu.” (Rm 8:39)
Gia đình có người cha, người mẹ và người con đều sống tâm linh như vậy thì chắc chắn có hạnh phúc, là Tổ Ấm thực sự, ấm trong tình yêu của Thiên Chúa, nóng hổi ngọn lửa thương xót của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.” (Tv 112:1-2) Niềm hạnh phúc thánh đức thật tuyệt vời!
THIÊN CHÚA PHÙ TRÌ LIÊN VẠN ĐẠI
THÁNH GIA BẢO GIÁM MÃI THIÊN THU
Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Còn truyền thống không hay thì cứ mạnh dạn bỏ, vì đó có thể chỉ là hủ tục. Đừng bao giờ câu nệ hoặc lệ thuộc vào những gì không cần thiết!
Đề cập vấn đề “nghi thức,” trình thuật Mt 15:1-6 cho biết: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?” Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.” Họ chỉ có nước “ngậm tăm”, im như thóc thối, câm như hến.
Rất có thể chúng ta cũng y như nhóm Pharisêu đấy. Đúng như tên gọi là “biệt phái,” đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế đấy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy cớ với nhiều lý do “vì, bởi, tại, nếu,…” mà biện hộ cho mình. Thật là nguy hiểm! Thiết tưởng đôi khi chúng ta phải tự xét lại về các động thái của mình, đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng các biện hộ đó là Ý Chúa. Ôi, lạy Thiên Chúa!
Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ thì thật là niềm hạnh phúc cho bạn, nhưng hãy “động não” một chút: Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu. Không phải nói chuyện xui xẻo trong ngày Tết, mà đó là sự thật thôi!
TẾT ĐẾN BÌNH AN NHỜ THIÊN CHÚA
XUÂN VỀ HẠNH PHÚC VỚI THÁNH GIA
Lạy Thiên Chúa đại lượng, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có ông bà và cha mẹ, xin thương chúc lành cho họ; xin giúp chúng con luôn biết giữ trọn Đạo Hiếu – với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn chan hòa trong mọi gia đình, suốt năm và suốt đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Cù Lao là siêng năng, cần mẫn, nhọc nhằn. Chín đức cù lao: 1. Sinh: Cha mẹ đẻ ra, 2. Cúc: Nâng đỡ, 3. Phủ: Vỗ về, vuốt ve, 4. Súc: Cho ăn, bú mớm; 5. Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác; 6. Dục: Giáo dưỡng tinh thần; 7. Cố: Trông nom, nhìn ngắm; 8. Phục: Quấn quít, săn sóc không ngơi; 9. Phúc: Bồng ẵm, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, bảo vệ con khỏi bị ăn hiếp.

 NHỚ ƠN

 GIA ĐÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment