✽ Canh Chừng Miệng Lưỡi – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/03/canh-chung-mieng-luoi.html
✽ Chuyện Miệng Lưỡi – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/chuyen-mieng-luoi.html
✽ Cái Lưỡi – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/03/cai-luoi.html
✽ Vạ Miệng – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/08/va-mieng.html
✽ Hối Tiếc – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/07/hoi-tiec.html
✽ Liên
Đới – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/09/lien-oi.html
✽ Tình
Liên Đới – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/10/tinh-lien-oi.html
✽ Lưỡi Là Lửa – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/02/luoi-la-lua.html
Laudetur Jesus Christus – Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô – Bỏ Thầy, con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống – Lord, to whom shall we go? You have the words of eternal life. (Jn 6:68) – Lạy Chúa Giêsu, con TÍN THÁC vào Ngài! Jesus, I trust in You! – Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài. (Dt 10:7 & 9) – Xin thương xót con là tội nhân. – Be merciful, O Lord, for I have sinned. (Ps 51) – God bless! Deo Gratias! – Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác. (Châm ngôn Pháp)
Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017
MIỆNG LƯỠI và LỜI NÓI
Cái miệng liên quan cái lưỡi, nên thường nói
là “miệng lưỡi,” và miệng lưỡi liên quan lời nói. Xem chừng rất ư bình thường mà
lại rất khác thường, vì lời nói có thể là Phúc hay Họa của chúng ta. Chúa Giêsu
nói: “Nhờ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ được
trắng án; và cũng tại LỜI NÓI của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:37) Thật
đáng sợ, thế nên không thể khinh suất lời nói. Thảo nào tiền nhân đã căn dặn: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.”
Thế là “khoảng mong chờ” đã ở vào giai đoạn
cuối, Mùa Vọng đang dần dần khép lại. Vậy là nỗi khao khát của chúng ta sắp
được mãn nguyện, nhưng không vì thế mà lơ là bổn phận. Trong thời khắc cuối cùng
của mùa Vọng, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về “miệng lưỡi,” tức là về ngôn ngữ
khi chúng ta sử dụng. Publius Syrus (thế kỷ I trước công nguyên) tâm sự: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói,
chứ không bao giờ hối tiếc vì sự im lặng của mình.”
Có câu chuyện xưa kể rằng chủ nhân sai gia
nhân ra chợ mua món gì ngon nhất,
gia nhân đi và mua về “cái lưỡi.” Hôm sau ông lại sai gia nhân ra chợ mua món
gì dở nhất, gia nhân đi và lại mua
về “cái lưỡi.” Chủ nhân “mắt chữ O và miệng chữ A,” gia nhân điềm nhiên giải
thích: “TỐT hay XẤU cũng do CÁI LƯỠI mà
ra.” Quả thật, “lưỡi không xương nhiều điều lắt léo,” tiền nhân thật chí lý!
Có miệng phải có lưỡi mới nói được, lưỡi ngắn
cũng khó nói – nói ngọng. Như vậy, người ta nói được nhờ cái lưỡi, nhưng nói gì
mới là vấn đề. Có người dùng cái lưỡi để nói những “lời hay, ý đẹp”, khuyến
khích, khuyên bảo, cầu nguyện, hòa giải,… Nhưng có người lại dùng cái lưỡi để chỉ
trích, gây chia rẽ, phỉ báng, nguyền rủa, trách móc, chê bôi, chửi rủa,… Đúng
lá tốt hay xấu cũng từ cái lưỡi, và chính cái lưỡi tạo nên nhiều rắc rối, do đó
mà ca dao Việt Nam có câu nhắc nhở:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa
lời mà nói cho vừa lòng nhau
Kinh Thánh nhiều lần đề cập cái lưỡi. Sách Huấn ca khuyên: “Hãy nghe dạy bảo về lời ăn tiếng nói, vì ai
tuân giữ, không bị bắt lỗi bao giờ. Chính do môi miệng mà tội nhân bị bắt bẻ,
cũng do đó, đứa lăng mạ và kẻ tự cao phải vấp phạm,” (Hc 23:7-8) và dạy
chúng ta cầu nguyện: “Xin đẩy dục vọng xa
khỏi con, xin chớ để thói ăn chơi trụy lạc thống trị con, đừng để con đắm chìm
trong những dục vọng trơ trẽn.” (Hc 23:5-6)
Khôn hay dại cũng bởi cái lưỡi. Người khôn
dùng cái lưỡi theo cách khác, người dại dùng cái lưỡi theo cách khác. Người
khôn ít nói, vì sao? Ca dao cho biết:
Chim khôn chưa bắt đã bay
Người
khôn chưa nói đã cay lòng rồi
Cái lưỡi liên quan dư luận, do đó dư luận cũng
có thể tốt hoặc xấu, thường thì xấu nhiều hơn, người ta có xu hướng “đổ dầu vào
lửa,” cho nên đôi khi phải can đảm “đạp dư luận” mà sống. Cứ nghe và xét mình,
đừng vội tin và đừng hoảng sợ. Miệng lưỡi thế gian thế đấy, gọi là “chuyện thế
gian.” Ca dao nói:
Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Tay
đâu mà bụm miệng người thế gian
Kinh Thánh khuyên chúng ta dùng miệng lưỡi
vào việc tốt lành, và hứa điều này: “Lạy
Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.” Ca ngợi thì phải
dùng miệng, nghĩa là cũng liên quan “cái lưỡi.” Chúng ta không chỉ dùng miệng
lưỡi để ăn uống, giúp duy trì sự sống, và để đối thoại với nhau hàng ngày,
chúng ta còn phải dùng miệng lưỡi để xưng tụng Thiên Chúa: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con
rao giảng lòng thành tín của Ngài.” (Tv 88:2) Vâng, “tình thương ấy được
xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.” (Tv 88:3) Giao ước đó đã được thề hứa với thánh vương Đavít, và sẽ bền vững đến ngàn đời,
qua muôn thế hệ.” (x. Tv 88:4-5)
Nói điều tốt là điều cần thiết. Không chỉ
vậy, chúng ta còn phải dùng cái lưỡi để nói về Chúa, rao truyền Ơn Cứu Độ,
quảng bá Lời Chúa, làm vinh danh Thiên Chúa. (x. Rm 16:25-27) Nhưng nói về Chúa
và nói với Chúa là điều cần thiết hơn, rất quan trọng đối với Kitô hữu chúng
ta. Trách nhiệm của chúng ta là phải khôn khéo dùng miệng lưỡi. Có những điều
không nên nói hoặc không được nói, nhưng có những điều phải nói, không nói
không được, không nói là có lỗi. Miệng lưỡi và lời nói thật quan trọng, cần
phải khôn ngoan để có thể sử dụng đúng.
Quả thật, lời nói không hề đơn giản để có thể
biết cách dùng miệng lưỡi, hãy học cách sử dụng lời nói với Đức Maria: “Xin vâng.” Trình thuật Lc 1:26-38 kể
rằng khi sứ thần Gáprien tuân lệnh Thiên Chúa đến truyền tin: “Mừng vui lên, hỡi người đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng Chị.” Nghe vậy, thôn nữ Maria đã bối rối và chẳng hiểu “ất
giáp” gì ráo trọi. Sứ thần trấn an: “Thưa
Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Chị sẽ thụ thai, sinh hạ
một con trai, và đặt tên là Giêsu.” Đức Maria càng rối hơn, vừa hoảng hốt
vừa e thẹn nói: “Việc ấy sẽ xảy ra cách
nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Nhưng khi nghe sứ thần giải thích đó là quyền
năng Chúa Thánh Thần và chứng minh người chị họ Êlisabét, bị mang tiếng là hiếm
hoi, già rồi mà cũng đang cưu mang một nam nhi được sáu tháng, đặc biệt hơn khi
nghe sứ thần nói rằng đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được,
thôn nữ Maria vô cùng an tâm, lòng tràn đầy phấn khởi và tin tưởng nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa
cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Và thế là “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống
thế làm người, và ở cùng chúng ta – Emmanuel.”
Thật hạnh phúc khi chúng ta có Đức Mẹ là
gương mẫu hoàn hảo. Đức Mẹ là thôn nữ nhưng kiều diễm, nét đẹp dịu dàng ấy hẳn
khiến bao chàng trai “lé mắt.” Dù là mỹ nhân nhưng thùy mị, đoan trang, sống
giản dị, luôn khiêm nhường, đặc biệt là tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Nhờ
lời “xin vâng” của Đức Mẹ, nhẹ nhàng mà quyết liệt, chúng ta mới có niềm hy
vọng nhận lãnh Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa trao ban. Đức Mẹ đã sử dụng miệng lưỡi
thật khôn khéo. Xin cảm ơn Đức Mẹ!
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy có
những người trở thành vĩ nhân nhờ khéo léo sử dụng miệng lưỡi, họ đã khôn ngoan
dùng miệng lưỡi để nói vì nền hòa bình thế giới. Họ là ai? Đó là một Mohandas
Gandhi (Ấn giáo), một Martin Luther King (Tin Lành), một Mẹ Têrêsa Calcutta
(Công giáo) và một Đức Đạt Lai Lạt Ma (Karmapa Lama, Phật giáo).
Hôm nay, trong thời khắc cuối cùng của Mùa
Vọng, xin mượn lời của Homer W. Grimes để tâm sự với Chúa: “Làm sao con có thể cho Ngài ít hơn những gì con có khi Ngài đã cho con
tất cả? Con có thể dâng tặng cho Ngài những gì, thưa Thầy, Đấng đã ban tất cả
cho con, Đấng đã từ bỏ ngai vàng trên trời để chịu chết trên đồi Can-vê? Con có
thể dâng tặng cho Ngài những gì, thưa Thầy, Đấng đã ban tất cả cho con, không chỉ
một phần hay một nửa trái tim con? Con sẽ dâng tặng Ngài tất cả!”
Lời nói là tấm gương phản chiếu
tâm hồn, bên trong thế nào thì bộc lộ ra ngoài như vậy. Một người cằn nhằn đủ
thứ, chắc chắn người đó bất an. Tại sao? Bởi vì họ không bằng lòng người khác, luôn
dò xét, thế nên tỏ ra khó chịu với những gì người khác thể hiện. Một người cứ
mở miệng ra là chửi thề, và họ viện cớ là “quen miệng,” nhưng không phải vậy,
chắc chắn lòng họ ẩn chứa nhiều rác rưởi của cuộc đời. Một người luôn nói lời
an ủi, giải hòa, xin lỗi, cảm ơn,… chắc chắn tâm hồn họ có sự bình an của Thiên
Chúa.
Người ta nói: “Cái miệng hại cái thân.” Đúng như thế
thật! Miệng lưỡi cũng liên quan “cái tôi” – thói kiêu căng, tự phụ. Thánh
Giacôbê nói: “Ai cho mình đạo đức mà
không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.”
(Gc 1:26) Lưỡi là Lời, Lưỡi là Lửa. Ôi, lưỡi lạ lùng mà nguy hiểm quá!
Lạy
Thiên Chúa quan phòng và tiền định, xin dạy con biết sử dụng miệng lưỡi theo
Thánh Ý Ngài, xin dạy con cầu nguyện, biết cẩn thận từng lời ăn tiếng nói, khi
nào nên nói và khi nào nên im lặng. Nhân loại luôn ngưỡng vọng Ngôi Hai giáng
trần, khao khát Ơn Cứu Độ, xin tuôn tràn Mưa Giêsu gội mát mảnh đất tâm hồn khô
cằn của nhân loại. Xin giúp mọi người can đảm bạt đồi, xẻ núi, lấp sông, để tạo
nên con đường thẳng tắp và phẳng phiu cho Vương Nhi Giêsu ngự đến và ở với nhân
loại. Xin ân thương tha thứ mọi tội lỗi, xin tha thứ cả những lúc con không tích
cực làm điều tốt. Con cầu xin nhân danh Vương Nhi Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment