Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

LỜI NÓI

[Niệm khúc Mt 12:36-37]

Một lời nói, tưởng nó bay theo gió
Có đâu ngờ, gió quanh quẩn đâu đây
Gió bay đi rồi gió quay lại ngay
Nên lời nói cũng loanh quanh với gió

Gió bay đi mà lời nói còn đó
Chúa ghi âm từng lời nói rạch ròi
Chuyện rất thật chứ đâu phải chuyện chơi
Thảo nào phải uốn lưỡi trước khi nói

Người khôn ngoan là người không hề vội
Cứ thản nhiên, cứ từ từ nghĩ suy
Thấy ít nói nên chẳng mấy ai ưa
Họ còn ghét, cho là “câm như hến”

Thánh Tôma từng bị người ghét lắm [1]
Bởi suốt ngày không muốn nói với ai
Bên Thánh Giá có nhiều bài học hay
Chẳng có thể tìm được ở nơi khác [2]

Lời nói ra có thể là ân phúc
Nếu lời tốt, yêu thương và ủi an
Lời nói ra có thể là oan khiên
Nếu lời ác, chỉ trích hoặc chia rẽ

Vì lời xấu mà bị kết án tử
Nhờ lời hay, được giải án tuyên công
Ngày Phán Xét, Chúa xét xử công bằng
Hãy cẩn trọng với lời ăn tiếng nói!

TRẦM THIÊN THU
[1] Thánh Thomas Aquinas [1225–1274], Tiến sĩ Giáo hội, sư phụ về Thần học, đã từng bị các giáo sư và bạn bè gọi là “con bò câm” vì ngài quá ít nói, chỉ lo suy tư và cầu nguyện.
[2] Lời Thánh Thomas: “Tôi đã học biết nhiều điều khi quỳ dưới chân Thánh Giá hơn là tìm hiểu trong sách của các vị tiến sĩ.”

Chúa Giêsu xác định: “Nhờ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ ĐƯỢC TRẮNG ÁN; và cũng tại LỜI NÓI của anh mà anh sẽ BỊ KẾT ÁN.” (Mt 12:37)

LỜI NÓI

Ca dao Việt Nam nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Lời nói “vô hình” nhưng có thể đủ sức khuyến khích người khác làm tốt, hành động đúng đắn, đồng thời cũng có thể khiến người khác nhụt chí. Lời nói có thể “nối kết” tình người và cũng có thể tạo hố chia rẽ. Thậm chí người ta cũng có thể thù hận hoặc sát nhân chỉ vì một lời nói. Lời nói có thể “giết người” mà không cần vũ khí. Điều đó chứng tỏ lời nói có tác động mạnh: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.” (tục ngữ Việt Nam)

Chiều thứ Năm, 26-7-2012, lễ Ông Bà Ngoại Gioakim và Anna là song thân của Đức Mẹ, tôi dự lễ tại một nhà thờ thuộc giáo hạt Gia Định (TGP Saigon). Lễ này là lễ dành cho thiếu nhi.

Trước giờ lễ, linh mục phụ tá đi rảo quanh và ngó tới ngó lui, rồi đứng lại vén tóc một em gái, ý nói là kẹp tóc lên. Tôi thấy các em dự lễ nghiêm túc, thưa đáp rôm rả, đặc biệt là hát đều đặn và đúng nhịp.

Cuối lễ, linh mục này nhắc nhở các em đừng để tóc rũ xuống trán mà phải dùng băng đô giữ tóc hoặc kẹp tóc lên. Thì ra hôm sau là ngày các em được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, một ngày quan trọng trong đời sống đức tin của người Công giáo. Không để tóc rũ xuống trán là để giám mục dễ xức dầu thánh lên trán.

Nhắc nhở như vậy là điều tốt, rất cần thiết. Nhưng linh mục này nói: “Em nào để tóc rũ xuống thì cha sẽ đuổi về, không cho lãnh bí tích.” (sic!) Một câu nói nghe chừng rất ư bình thường nhưng lại… “quá bất thường.”

Nhắc nhở và khuyến khích là điều cần thiết, vấn đề là chúng ta phải giúp các em hiểu thế nào là đúng hay sai, và chúng ta phải có cách nói đủ sức thuyết phục để các em “tâm phục, khẩu phục” mà làm theo. Chứ “đuổi về” và “không cho lãnh bí tích” thì còn nói làm gì? Vả lại, điều đó chứng tỏ chúng ta chưa đủ “bản lĩnh” thuyết phục người khác, nhất là các em đang độ tuổi “đang lớn.” Thu hút người khác đến gần mới khó, đẩy người khác ra xa thì quá dễ! Chúa Giêsu đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19:14; Mc 10:14; Lc 18:16)

Việc “đuổi về” cũng có thể tạm chấp nhận, nhưng “không cho lãnh bí tích” thì “không ổn.” Việc “để tóc rũ xuống trán” không là một tội, không vi phạm Thánh Luật, mà cứ cho là tội thì cũng không nghiệm trọng, thế thì sao lại “không cho lãnh bí tích” chứ? Kinh thánh nói: “Cây lau bị giập, không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi,” (Is 42:3) và Chúa Giêsu đã “đến tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:10) kia mà!

Hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói ra, người càng “lớn” càng phải cẩn trọng. Phải nghĩ tới hậu quả của lời nói đối với người khác, nhất là đối với trẻ em và thiếu nhi, chúng đang “học cách sống.” Vì thế, một lời nói tưởng chừng “vô thưởng, vô phạt” nhưng vẫn ảnh hưởng chúng. Có đầy mới tràn. Lời nói có thể chứng tỏ người nói có lòng yêu thương hay không. Bất kỳ người nào cũng có thể dùng lời nói để “cứu vớt” hoặc “hủy diệt” tinh thần của những người khác. Quý báu thay những ai biết dùng lời nói để động viên người khác!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment