Monday, June 5, 2017

NHẬN THỨC về CHÚA BA NGÔI

Giáo lý về Chúa Ba Ngôi là nền tảng đức tin Kitô giáo. Đó là điều quan yếu để hiểu đúng về Thiên Chúa, về cách Ngài liên quan chúng ta, và cách chúng ta cần liên quan Ngài. Nhưng vẫn có nhiều vấn nạn. Làm sao Thiên Chúa có thể vừa là MỘT vừa là BA? Tam Vị Nhất Thể có là sự mâu thuẫn? Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, tại sao các Phúc Âm ghi lại những lúc Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa? Khi chúng ta không thể hiểu đầy đủ mọi thứ về Tam Vị Nhất Thể (hoặc điều gì đó), có thể trả lời các câu hỏi như thế này và hiểu rõ về những gì có ý nghĩa đối với Thiên Chúa là Đấng một trong ba.
THIÊN CHÚA TAM VỊ NHẤT THỂ LÀ GÌ?
Giáo lý về Tam Vị Nhất Thể nghĩa là có MỘT Thiên Chúa hằng hữu trong Ba Ngôi riêng biệt – Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Ba (Thánh Thần). Nói cách khác, Thiên Chúa là MỘT về bản thể và là BA về ngôi vị (one in essence and three in person). Định nghĩa này diễn tả ba chân lý quan trọng: (1) Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần là Ba Ngôi riêng biệt, (2) mỗi Ngôi là Thiên Chúa trọn vẹn, (3) chỉ có MỘT Thiên Chúa.
Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần là Ba Ngôi riêng biệt. Kinh Thánh nói về Ngôi Cha là Thiên Chúa (Pl 1:2), Chúa Giêsu là Thiên Chúa (Tt 2:13), và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa (Cv 5:3-4). Đây có là ba cách nhìn khác nhau về Thiên Chúa, hoặc là những cách đơn giản nói tới ba vai trò khác nhau của Thiên Chúa?
Câu trả lời phải là “không”, bởi vì Kinh Thánh cũng nói rõ rằng Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi riêng biệt. Ví dụ, Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian, (Ga 3:16) Ngài không thể cùng ngôi vị như Chúa Con. Cũng vậy, sau khi Chúa Con trở về cùng Chúa Cha, (Ga 16:10) Chúa Cha và Chúa Con sai Chúa Thánh Thần đến thế gian. (Ga 14:26; Cv 2:33) Do đó, Chúa Thánh Thần phải riêng biệt với Chúa Cha và Chúa Con.
Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, chúng ta nghe tiếng Chúa Cha nói từ trời và Chúa Thánh Thần ngự xuống trong hình dạng chim bồ câu khi Chúa Giêsu lên khỏi nước. (Mc 1:10-11) Câu Ga 1:1 xác định rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng “ở với Thiên Chúa” – điều này cho thấy rằng Chúa Giêsu là một ngôi vị riêng biệt đối với Chúa Cha. (x. Mc 1:18) Trong Ga 16:13-15, chúng ta thấy rằng mặc dù có sự duy nhất chặt chẽ giữa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần cũng riêng biệt đối với Chúa Cha và Chúa Con.
Sự thật là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là ba ngôi riêng biệt, có nghĩa là Chúa Cha không là Chúa Con, Chúa Con không là Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần không là Chúa Cha. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài không là Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, nhưng Ngài không là Chúa Cha hoặc Chúa Con. Ba Ngôi Vị khác nhau, chứ không là ba cách nhìn khác nhau về Thiên Chúa.
Ngôi Vị trong Ba Ngôi có nghĩa là mỗi ngôi có một trung tâm nhận thức riêng biệt. Như vậy, Ba Ngôi liên quan lẫn nhau – Chúa Cha coi mình là “I” (tôi, ngôi thứ nhất số ít – ND), coi Chúa Con và Chúa Thánh Thần là “You” (bạn, ngôi thứ hai số ít hoặc số nhiều, tùy khi nói về một hoặc hai ngôi – ND). Cũng vậy, Chúa Con coi mình là “I,” nhưng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là “You.”
Thường thì người ta nói rằng “nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài phải cầu nguyện với chính Ngài khi Ngài ở thế gian”. Nhưng câu trả lời cho điều này nằm trong việc áp dụng đơn giản những gì chúng ta đã biết. Chúa Giêsu và Chúa Cha đều là Thiên Chúa, các Ngài là hai ngôi khác nhau. Như vậy, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha chứ không cầu nguyện với chính Ngài. Thật vậy, đó chính là cuộc đối thoại liên tục giữa Chúa Cha và Chúa Con, (Mt 3:17; 17:5; Ga 5:19; 11:41-42; 17:1 và tiếp theo) điều này cung cấp chứng cớ xác thực nhất rằng các Ngài là những ngôi vị riêng biệt với cách ý thức riêng biệt.
Đôi khi Ngôi Vị của Chúa Cha và Chúa Con được chúng ta đánh giá cao, nhưng Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần lại bị chúng ta thờ ơ. Thật vậy, đôi khi Chúa Thánh Thần bị đối xử như “sức mạnh” hơn là một Ngôi Vị. Nhưng Chúa Thánh Thần không là như vậy, mà là chính Ngài. (x. Ga 14:26; 16:7-15; Cv 8:16) Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị thực sự, không là một lực không ngôi vị (impersonal force – giống như trọng lực), mà được nhận thấy bằng sự thật là Ngài nói, (Dt 3:7) lý luận, (Cv 15:28) suy nghĩ và hiểu biết, (1 Cr 2:10-11) ý muốn, (1 Cr 12:11) cảm thấy, (Ep 4:30), và trao ban tình bằng hữu. (2 Cr 13:14). Đó là các phẩm chất của Ngôi Vị. Thêm vào chủ đề này, các chủ đề khác mà chúng ta đề cập trên đây làm rõ rằng Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần riêng biệt với Ngôi Vị của Chúa Con và Chúa Cha. Các Ngài là ba Ngôi Vị thực sự, chứ không là ba vai trò của Thiên Chúa.
Một sai lầm nghiêm trọng khác mà người ta mắc phải là cứ nghĩ rằng Chúa Cha trở thành Chúa Con, rồi lại trở thành Chúa Thánh Thần. Trái ngược với điều này, các đoạn văn chúng ta đọc đều ngụ ý rằng Thiên Chúa luôn luôn và mãi mãi là Ba Ngôi. Không bao giờ có một ngôi không hiện hữu. Ba Ngôi là vĩnh hằng, là đời đời.
Ba Ngôi trong Tam Vị Nhất Thể đều riêng biệt, điều này không có nghĩa là ngôi này kém hơn ngôi kia. Cả Ba Ngôi đều đồng nhất về thuộc tính. Ba Ngôi bằng nhau về quyền năng, yêu thương, thương xót, công lý, thánh thiện, hiểu biết, và mọi phẩm chất khác.
Mỗi Ngôi là Thiên Chúa trọn vẹn. Nếu Thiên Chúa là Ba Ngôi, như vậy có phải mỗi ngôi là “một phần ba” Thiên Chúa chăng? Tam Vị Nhất Thể có nghĩa là Thiên Chúa phân chia thành ba phần?
Tam Vị Nhất Thể không phân chia Thiên Chúa thành ba phần. Kinh Thánh nói rõ rằng mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi đều là Thiên Chúa trọn vẹn trăm phần trăm. Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần đều là Thiên Chúa trọn vẹn. Ví dụ, Kinh Thánh nói về Đức Kitô rằng “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể nơi Người.” (Cl 2:9) Chúng ta đừng nghĩ về Thiên Chúa như “chiếc bánh” cắt thành ba phần, mỗi phần biểu thị một Ngôi. Như vậy là làm cho mỗi Ngôi kém hơn một Thiên Chúa trọn vẹn, và như vậy thì không còn là Thiên Chúa nữa. Đúng hơn là “mỗi Ngôi bằng với Thiên Chúa trọn vẹn.” [1] Bản thể Thiên Chúa không là cái gì đó được phân chia giữa Ba Ngôi, mà là trọn vẹn trong Ba Ngôi mà không bị phân chia thành “từng phần.”
Do đó, Ngôi Con không là “một phần ba” Thiên Chúa, mà Ngài là Thiên Chúa trọn vẹn. Ngôi Cha cũng không là “một phần ba” Thiên Chúa, mà Ngài là Thiên Chúa trọn vẹn. Và Chúa Thánh Thần cũng vậy. Vì thế, Wayne Grudem đã viết: “Khi chúng ta nói về Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, chúng ta không nói Ngôi nào lớn hơn Ngôi nào ngay khi chỉ nói riêng về Ngôi Cha, Ngôi Con, hoặc Ngôi Thánh Thần.” [2]
Chỉ có một Thiên Chúa. Nếu mỗi ngôi trong Tam Vị Nhất Thể là riêng biệt và là Thiên Chúa trọn vẹn, chúng ta có nên kết luận rằng có hơn một Thiên Chúa? Chắc chắn là không thể, bởi vì Kinh Thánh nói rõ rằng chỉ có MỘT Thiên Chúa mà thôi: “Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ, ngoại trừ Ta. Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác.” (Is 45:21-22; x. Is 44:6-8; Xh 15:11; Đnl 4:35; 6:4-5; 32:39; 1 Sm 2:2; 1 V 8:60)
Biết rằng Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là ba ngôi riêng biệt, nhưng mỗi ngôi vẫn là Thiên Chúa trọn vẹn, do đó mà chỉ có một Thiên Chúa, chúng ta phải kết luận rằng cả ba ngôi là một Thiên Chúa. Nói cách khác, chỉ có một Thiên Chúa hiện hữu trong ba ngôi riêng biệt.
Nếu có một đoạn văn mô tả rõ ràng nhất thì đó là Mt 28:19: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Trước tiên, hãy lưu ý rằng Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần biệt là ba ngôi riêng biệt. Chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Cha và ân và Chúa Thánh Thần. Thứ nhì, hãy lưu ý rằng mỗi ngôi phải là Thiên Chúa bởi vì các ngôi bằng nhau. Thật vậy, Chúa Giêsu có rửa tội chúng ta nhân danh một thụ tạo không? Chắc chắn là không. Do đó, mỗi ngôi đều riêng biệt nhân danh Đấng mà chúng ta được rửa tội phải là Thiên Chúa. Thứ ba, hãy lưu ý rằng mặc dù Ba Ngôi Thiên Chúa riêng biệt, chúng ta được rửa tội nhân danh tên của Ba Ngôi (số ít), không nhân danh các tên (số nhiều). Ba Ngôi riêng biệt, nhưng chỉ tạo thành một tên. Điều này chỉ có thể nếu Ba Ngôi đồng bản thể.
TAM VỊ NHẤT THỂ CÓ MÂU THUẪN?
Điều này khiến chúng ta nghiên cứu sâu sát hơn một định nghĩ rất hữu ích về Tam Vị Nhất Thể đã được đề cập: Thiên Chúa duy nhất về bản thể, nhưng có ba ngôi. Công thức này có thể cho chúng ta biết tại sao không có ba Thiên Chúa, và tại sao không có sự mâu thuẫn.
Để điều gì đó là mâu thuẫn, nó phải vi phạm “luật không mâu thuẫn” (law of non-contradiction). Luật này cho biết rằng A không thể vừa là A (là cái đó) vừa không là A (không là cái đó) và trong cùng mối quan hệ. Nói cách khác, bạn tự mâu thuẫn nếu bạn vừa xác định vừa từ chối một mệnh đề. Ví dụ, nếu bạn nói rằng mặt trăng được tạo nên hoàn toàn bằng phô-mai nhưng rồi lại nói rằng mặt trăng không hoàn toàn được làm bằng phô-mai, vậy là tôi tự mâu thuẫn với chính mình.
Các mệnh đề khác có thể mới đầu có vẻ mâu thuẫn nhưng lại thực sự không hề mâu thuẫn. Thần học gia R.C. Sproul đưa ra ví dụ về câu nói của Dickens: “Thời đại tốt nhất là thời đại tệ nhất.” Rõ ràng đây là sự mâu thuẫn nếu Dickens có ý nói rằng thời đại tốt nhất theo như cách của thời đại tệ nhất. Nhưng ông tránh mâu thuẫn với câu này bởi vì ông muốn nói rằng đó là thời đại tốt nhất theo một nghĩa nào đó, nhưng nói thời đại tệ nhất theo một nghĩa khác.
Đưa khái niệm này vào Tam Vị Nhất Thể, đây không là sự mâu thuẫn đối với Thiên Chúa vừa là ba vừa là một bởi vì Ngài không là ba và là một theo cùng cách thức. Ngài là ba theo cách khác với Ngài là một. Như vậy, chúng ta không nói bằng cái lưỡi có ba chĩa – chúng ta không nói rằng Thiên Chúa là một và rồi lại từ chối Ngài là một bằng cách nói rằng Ngài là ba. Đây là điều rất quan trọng: Thiên Chúa là một và là ba cùng một lúc, nhưng không cùng cách thức.
Thiên Chúa là một như thế nào? Ngài là một về bản thể. Thiên Chúa là ba như thế nào? Ngài là ba về ngôi vị. Bản thể và ngôi vị không là điều tương tự. Thiên Chúa là MỘT theo cách nào đó (bản thể) và là BA trong cách khác (ngôi vị). Thiên Chúa là một theo cách khác với Ngài là ba, Tam Vị Nhất Thể không có sự mâu thuẫn. Chỉ có mâu thuẫn nếu chúng ta nói rằng Thiên Chúa là ba theo cùng cách thức mà Ngài là một.
Như vậy việc nhìn sâu sát vào sự thật rằng Thiên Chúa là một về bản thể nhưng là ba về ngôi vị cho thấy tại sao Tam Vị Nhất Thể không hề mâu thuẫn. Nhưng làm sao điều đó cho chúng ta thấy chỉ có một Thiên Chúa chứ không có ba? Điều này rất đơn giản:
Ba Ngôi là một, như chúng ta đã biết trên đây, Ba Ngôi đồng bản thể. Đồng bản thể nghĩa là cùng bản chất, cùng tồn tại, cùng hiện hữu. Như vậy, Thiên Chúa chỉ có một bản thể, Ngài chỉ là một chứ không là ba. Điều này cho thấy rõ tại sao điều đó quan trọng để hiểu rằng cả ba ngôi cùng một bản thể. Nếu chúng ta từ chối điều này, chúng ta từ chối tính duy nhất của Thiên Chúa và cho rằng có hơn một Thiên Chúa (nghĩa là có các Thiên Chúa).
Cho tới nay, những gì chúng ta biết đều cung cấp sự hiểu biết cơ bản đúng đắn và Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể. Nhưng chúng ta có thể tìm hiểu sâu xa hơn. Nếu chúng ta có thể hiểu chính xác hơn điều có ý nghĩa bởi bản thể và ngôi vị, cách khác nhau của hai thuật ngữ này, và cách liên quan của bác ái Ngôi, chúng ta sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng Tam Vị Nhất Thể.
BẢN THỂ VÀ NGÔI VỊ
⦿ BẢN THỂ. Bản thể là gì? Như đã nói trên đây, điều đó có nghĩa là cùng bản chất. Bản thể của Thiên Chúa là chính Ngài. Nói chính xác hơn, bản chất là chính con người của bạn. Bản thể có thể được hiểu là “chất” (stuff) mà bạn “gồm có” (consist of). Dĩ nhiên ở đây chúng ta nói theo phép loại suy (analogy), bởi vì chúng ta không thể hiểu điều này về Thiên Chúa theo cách thể lý hoặc vật chất. “Thiên Chúa là Thần Khí.” (Ga 4:24) Ơn nữa, chúng ta không thể nghĩ về Thiên Chúa là “bao gồm” thứ gì đó khác với thần tính (divinity). Bản thể của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, chứ không là một mớ “thành phần” tạo nên Thiên Chúa.
⦿ NGÔI VỊ. Liên quan Tam Vị Nhất Thể, chúng ta sử dụng thuật ngữ “Ngôi Vị” (Person) khác với cách chúng ta thường dùng trong đời sống hằng ngày. Do đó, thường khó định nghĩa cụ thể về Ngôi Vị như chúng ta sử dụng về Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể. Điều chúng ta không có ý nói theo Ngôi Vị là một “cá thể độc lập” theo nghĩa vừa là “I” (ngôi thứ nhất) vừa là một con người khác tách biệt, cá nhân độc lập là người có thể hiện hữu biệt lập với người khác.
Điều chúng ta có ý nói theo Ngôi Vị là điều gì đó tự coi mình là “I” và người khác là “You.” Ví dụ, Chúa Cha là một Ngôi Vị khác với Chúa Con bởi vì Ngài coi Chúa Con là “You,” mặc dù Ngài coi mình là “I.” Như vậy, liên quan Tam Vị Nhất Thể, chúng ta có thể nói rằng “Ngôi Vị” nghĩa là một chủ thể riêng biệt (a distinct subject) coi mình là “I” và hai ngôi kia là “You.” Các chủ thể riêng biệt này không là sự phân chia trong Thiên Chúa, mà là “một dạng hiện hữu riêng khác với sự khác nhau.” [3]
Các ngôi liên quan bằng cách nào? Mối quan hệ giữa bản thể và ngôi vị như thế này. Trong sự duy nhất của Thiên Chúa, sự không phân chia là “sự bộc lộ” trong sự riêng biệt ngôi vị. Sự riêng biệt ngôi vị này là cách thức hiện hữu trong Thiên Chúa, nhưng không có sự phân chia trong Thiên Chúa. Đó là dạng hiện hữu riêng biệt khác với sự khác nhau. Thần học gia Herman Bavinck đã nói rằng điều gì đó rất hữu ích về điểm này: “Các ngôi vị là cách hiện hữu trong Thiên Chúa; do đó, các Ngôi Vị khác nhau trong các Ngôi theo cách hiện hữu khác với các ngôi khác, nói theo cách minh họa phổ biến, bàn tay xòe ra khác với bàn tay nắm chặt.” [4]
Bởi vì mỗi dạng trong “các dạng hiện hữu” này đều liên quan (và do đó là các Ngôi Vị), mỗi ngôi là một trung tâm nhận thức riêng biệt, với mỗi trung tâm nhận thức này coi mình là “I” và các ngôi khác là “You.” Tuy nhiên, ba Ngôi Vị này đều “bao gồm” loại “chất” tương tự (nghĩa là cùng bản chất, đồng bản thể). Là thần học gia và nhà biện giáo (apologist), Norman Geisler đã giải thích điều đó, trong khi bản chất là chính bạn, ngôi vị là chính bạn. Vì thế, Thiên Chúa là một “cái đó” (one “what”) mà là ba “người” (three “whos”).
Bản thể Thiên Chúa không là cái gì đó hiện hữu “ở trên” hoặc “tách biệt” với Ba Ngôi, nhưng bản thể Thiên Chúa là chính Ba Ngôi. Chúng ta cũng không nên nghĩ về các Ngôi Vị được xác định bởi thuộc tính được thêm vào Thiên Chúa. Wayne Grudem giải thích:
“Nếu mỗi ngôi là Thiên Chúa trọn vẹn và là chính Thiên Chúa, chúng ta cũng đừng nghĩ rằng sự phân biệt ngôi vị là các thuộc tính nào đó thêm vào Thiên Chúa... Hơn nữa, mỗi ngôi trong Tam Vị Nhất Thể đều có các thuộc tính của Thiên Chúa, không có ngôi nào lại không có các thuộc tính của ngôi khác. Mặt khác, chúng ta phải nói rằng các Ngôi Vị đều là thật, đó không là những cách khác nhau khi nhìn vào một Ngôi Thiên Chúa... cách duy nhất có thể là nói rằng sự phân biệt giữa các ngôi không là sự khác nhau của “bản thể” mà là sự khác nhau của “mối quan hệ”. Đây là điều khác hẳn với kinh nghiệm nhân loại của chúng ta, nơi mà mỗi “con người” nhân loại khác nhau là một sinh vật khác nhau. Bản thể của Thiên Chúa hơn hẳn chúng ta về tình trạng không phân chia, có thể có cách biểu lộ trong mối quan hệ giữa các ngôi, để có thể có ba ngôi riêng biệt.” [5]
MINH HỌA TAM VỊ NHẤT THỂ?
Có nhiều cách minh họa được đưa ra để giúp chúng ta hiểu về Tam Vị Nhất Thể. Có một số cách minh họa hữu ích, chúng ta nên biết rằng không có cách minh họa nào hoàn hảo. Có nhiều cách minh họa không là bất toàn, mà sai lầm. Một cách minh họa thận trọng là cách nói rằng “tôi là một con người, nhưng tôi là sinh viên, là đứa con, và là người anh. Điều này giải thích cách Thiên Chúa có thể vừa là một vừa là ba”. Vấn đề của điều này là nó phản ánh một tà thuyết gọi là “chủ nghĩa thể thức” (modalism). Thiên Chúa không là một người giữ ba vai trò khác nhau, như cách minh họa này đề nghị. Ngài là một Đấng trong ba Ngôi Vị (các trung tâm về sự nhận thức), không chỉ là ba vai trò. Cách loại suy này bỏ qua sự phân biệt ngôi vị trong Thiên Chúa và giảm xuống chỉ còn là vai trò.
TÓM LƯỢC
Hãy xem lại những gì chúng ta đã biết:
1. Tam Vị Nhất Thể khong là niềm tin vào ba vị thần. Chỉ có một Thiên Chúa, và chúng ta không bao giờ được xa lạc điều này.
2. Đó là một Thiên Chúa hiện hữu trong ba Ngôi Vị.
3. Ba Ngôi không là mỗi phần riêng của Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa trọn vẹn và bằng nhau. Trong tình trạng không phân chia của Thiên Chúa có cách biểu lộ trong mối quan hệ lẫn nhau giữa ba ngôi. Sự khác biệt trong Thiên Chúa không là sự khác biệt về bản thể, cũng không là điều gì đó được thêm vào bản thể của Ngài, mà đó là sự biểu lộ của một Thiên Chúa duy nhất, không phân chia trong ba mối quan hệ lẫn nhau, mà có ba ngôi thực sự.
4. Thiên Chúa không là một người giữ ba vai trò. Đó là tà thuyết về thể thức. Chúa Cha không trở thành Chúa Con, rồi trở thành Chúa Thánh Thần. Luôn luôn có ba ngôi riêng biệt trong Thiên Chúa.
5. Tam Vị Nhất Thể không mâu thuẫn bởi vì Thiên Chúa không là ba theo cách Ngài là một. Thiên Chúa duy nhất về bản thể, nhưng có ba ngôi.
ÁP DỤNG
Tam Vị Nhất Thể là điều quan trọng nhất bởi vì Thiên Chúa là Đấng quan trọng. Hiểu đầy đủ hơn về Thiên Chúa như thế nào, đó là cách tôn kính Thiên Chúa. Vả lại, chúng ta nên nhận thức chắc chắn về Thiên Chúa Ba Ngôi để làm cho lòng tôn kính của chúng ta sâu sắc hơn. Chúng ta hiện hữu để tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mọi người tôn thờ Ngài trong “Thần Khí và Sự Thật.” (Ga 4:24) Do đó, chúng ta phải luôn cố gắng gia tăng lòng tôn kính dành cho Thiên Chúa – cả trong sự thật và trong linh hồn chúng ta.
Tam Vị Nhất Thể có cách áp dụng rất quan trọng đối với việc cầu nguyện. Kiểu mẫu chung về cầu nguyện trong Kinh Thánh là cầu nguyện với Chúa Cha qua Chúa Con và trong một Thần Khí duy nhất. (Ep 2:18) Sự giao hảo của chúng ta đối với Thiên Chúa nên được gia tăng bằng cách nhận thức rằng chúng ta liên quan Thiên Chúa Ba Ngôi!
Việc nhận thức về vai trò riêng biệt mà mỗi ngôi trong Ba Ngôi có trong ơn cứu độ của chúng ta có thể làm cho chúng ta được an ủi và biết đánh giá về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện của chúng ta, đồng thời cũng giúp chúng ta rạch ròi trong việc hướng dẫn cách cầu nguyện của chúng ta. Do đó, khi nhận thức các vai trò riêng biệt của mỗi ngôi, chúng ta đừng bao giờ nghĩ về vai trò của Ba Ngôi mà cho rằng mỗi ngôi không có liên quan nhau. Mỗi ngôi trong Ba Ngôi đều liên quan mọi thứ, bằng cách này hay cách khác.
JOHN PIPER (cru.org)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Kính Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi – 2017
[1] Wayne Grudem, “Systematic Theology: An Introduction to Biblical Doctrine” (InterVarsity Press và Zondervan Publishing House, 1994), tr. 255.
[2] Cùng sách trên, tr. 252.
[3] Cùng sách trên, tr. 255.
[4] Herman Bavinck, “The Doctrine of God” (Great Britain: The Banner of Truth Trust, 1991), tr. 303.
[5] Grudem, tr. 253-254.

No comments:

Post a Comment

Comment