Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

TÌNH TRẠNG KHỦNG KHIẾP

“Sứ giả gian manh chỉ gây nên tai họa, sứ giả trung tín là phương thuốc chữa lành. (Cn 13:17)
Bác Sĩ Không Biên Giới (Doctors Without Borders) là một tổ chức nhân đạo quốc tế được thành lập năm 1971. Ngày nay, ở hơn 60 quốc gia, họ đã cứu sống nhiều người bị bạo lực hoặc tai họa.
Một nhóm bác sĩ ở miền Nam Sudan, nơi có 30.000 người tỵ nạn, cho biết: “Hằng ngày chúng tôi tới những lều cấp cứu. Chúng tôi phải biết những trường hợp nào nguy kịch nhất. Hôm trước, trước khi chúng tôi rời địa điểm thứ nhất, có một đứa trẻ được đưa đến trong tình trạng sốc thuốc. Chúng tôi đã cứu được đứa bé đó. Điều đó nhắc chúng tôi về lý do chúng tôi có mặt ở đây và những gì chúng tôi có thể làm, ngay cả trong những trường hợp nguy cấp nhất.”
Họ nói thêm: “Có tuần chúng tôi tư vấn khoảng 537 trường hợp. Hơn ½ số đó bị tiêu chảy, có 342 trẻ em bị suy dinh dưỡng, 130 người bị kiệt sức. Chúng tôi cũng thấy có những trường hợp bị sốt rét lần đầu. Người ta sống chen chúc với nhau như vậy sẽ dễ bị lao phổi, nhất là ở trẻ em. Tình trạng thật khủng khiếp. Những người này cần được sớm di chuyển tới những nơi an toàn, có lương thực, có nước sạch và nơi ở, như vậy thì sức khỏe của họ mới được bảo đảm. Thời gian rất cấp bách.”
Rất nhiều người trên thế giới này không có những điều kiện sống cơ bản để bảo đảm sức khỏe. Cứu giúp họ là cứu sống họ, đó là vấn đề rất quan trọng. Khi bạn phục vụ đúng, hãy cân nhắc việc gia nhập một tổ chức nào đó giúp những người ở phía sau thế giới xa hoa này.
Lạy Đấng chữa lành, xin giúp con mở rộng nhã quan, đừng bị áp đảo, nhưng tập trung vào những nơi con có thể giúp đỡ. Xin cho con biết nên hành động ở nơi nào và với người nào. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)

KIÊN NHẪN YÊU THƯƠNG

“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi.” (Rm 15:5)
Trong Rút 1:11-22, bà Naomi nói: “Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? Trong lòng mẹ còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con. Về đi, các con ơi! Đi đi! Mẹ quá già rồi, không còn tái giá được nữa. Cho dù mẹ có nói được: mẹ còn hy vọng, ngay đêm nay sẽ lấy chồng và sinh được con trai, thì chẳng lẽ chúng con cứ đợi mãi cho đến khi chúng lớn lên? Chẳng lẽ chúng con cứ ở vậy, không chịu lấy chồng? Không, các con ơi! Tình cảnh chúng con làm mẹ cay đắng lắm, vì tay Đức Chúa giáng phạt mẹ.” Hai người con dâu lại oà lên khóc. Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà.
Bà Naomi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin Đức Chúa phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết!”
Thấy Rút cứ một mực đi với mình, bà Naomi không còn nói gì về chuyện đó nữa. Hai mẹ con cùng đi cho đến khi tới Bêlem. Họ tới Bêlem, làm cả thành xôn xao. Các người phụ nữ hỏi: “Có phải bà Naomi đấy không?” Bà nói: “Đừng gọi tôi là Naomi nữa, hãy gọi tôi là Mara, vì Đấng Toàn Năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng. Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về hai bàn tay trắng! Gọi tôi là Naomi làm gì, trong khi Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn Năng đã để tôi đau khổ?” Thế là từ cánh đồng Môáp, bà Naomi trở về cùng với con dâu người Môáp là Rút. Họ đã đến Bêlem vào đầu mùa gặt lúa mạch.
Cô Rút đã chứng tỏ lòng tôn kính sâu xa và yêu thương đối với mẹ chồng là bà Na-o-mi, thế nên Thiên Chúa đã chúc lành cho cô Rút.
Khi văn hóa của chúng ta trở nên bận rộn và chúng ta xa cách nhau, các phẩm chất con người như lòng trung thành và lời thề hứa có thể trở nên hiếm hoi. Hãy làm việc để nối kết mọi thứ. Hãy là nhịp cầu nối kết các nhóm phục vụ. Hãy để sự trung thành là đặc tính được mọi người nhận biết nơi chúng ta.
Lạy Đấng Tín Trung, xin tạ ơn Ngài đã tạo nhịp cầu nối kết tâm hồn của chúng con. Xin giúp con đạt được lòng trung thành và sự đoàn kết trong những gì chúng con làm. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)

LẮNG NGHE

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!” (Tv 46:11a)
Trong 1 Sm 3, chúng ta thấy Samuel là một cậu bé đã giúp ông Êli làm nhiệm vụ ở Đền Thờ. Một đêm kia, Êli và Samuel ngủ trong Đền Thờ, nơi có Hòm Giao Ước của Thiên Chúa.
Bất ngờ Samuel nghe có tiếng gọi. Cậu thức dậy và chạy tới bên ông Êli và nói: “Dạ, con đây, thầy gọi con!” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Lần thứ hai Samuel nghe tiếng gọi và cậu lại đến bên ông Êli. Ông cũng bảo không có gọi và lại bảo Samuel về ngủ.
Lần thứ ba, ông Êli bảo Samuel: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Samuel về ngủ ở chỗ của mình.
Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Samuel thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
Câu chuyện này có điều bí ẩn. Cách để bắt đầu thời gian cầu nguyện là thân thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Và rồi hãy thinh lặng và lắng nghe.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, con muốn nghe được tiếng Ngài và biết khi nào Ngài nói với con. Xin giúp con lắng nghe tiếng Ngài nổi trội hơn mọi thứ ồn ào của cuộc đời này, và xin giúp con vâng lời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment