Trong các ngôn ngữ đều có dạng mệnh lệnh cách (imperative), dạng câu ngắn nhất: chỉ một động từ. Mệnh lệnh dùng để khuyến khích hoặc ngăn cấm, có thể là mệnh lệnh xác định – hãy làm điều này, hãy nhớ điều kia, hoặc mệnh lệnh phủ định – chớ làm điều kia, đừng làm điều nọ. Mỗi dạng mệnh lệnh đều có đặc tính nhất định.
Mệnh lệnh xác định thường dùng để khuyến
khích hoặc động viên, mệnh lệnh phủ định thường dùng để ngăn cấm. Tuy nhiên, Chúa
Giêsu lại sử dụng mệnh lệnh cách phủ định để khuyến khích chứ không để ngăn
cấm. Ngài động viên: “Đừng xao xuyến!”
(Ga 14:1; Ga 14:27) Tương tự, Thánh Phêrô cũng khuyến khích: “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao
xuyến.” (1 Pr 3:14) Câu nói động viên chúng ta “đừng sợ và đừng xao xuyến”
cũng chính là bảo chúng ta “đừng nhút nhát và đừng lo lắng.” Như vậy có nghĩa
là phải can đảm, muốn can đảm thì phải mạnh mẽ, muốn mạnh mẽ thì phải cầu xin Chúa
Thánh Thần: “Veni Sancte Spiritus! Lạy
Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!”
Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta
biết Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hoặc Thánh Linh, cũng gọi là Thần
Khí. Nhưng đôi khi người ta có thể ảo tưởng mà lầm lẫn, cái gì cũng bảo là “Ý
Chúa.” Vì thế, Thánh Gioan Tông Đồ đã khuyên chúng ta PHẢI cảnh giác và đưa ra
cách nhận biết: “Anh em ĐỪNG cứ thần khí
nào cũng tin, nhưng hãy CÂN NHẮC các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không,
vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn
khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa:
thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô
là Đấng đã đến và trở nên người phàm thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần
khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu
thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí
của tên phản Kitô. Anh em đã
nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó
ở trong thế gian rồi.” (1
Ga 4:1-3)
Quả thật, lời cảnh báo của Thánh Gioan thực
sự đáng sợ! Và chúng ta cũng đã và đang thấy nhiều thứ giả, trong đó có “người
giả” đủ loại – cả đời và đạo. Những điều tương tự cũng đã được Đức Mẹ nhiều lần
tiên báo. Do đó, sự cảnh giác càng cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, đặc
biệt trong thế kỷ XXI đầy những khó khăn này, càng văn minh càng nhiêu khê.
Đúng là cái chữ @ nó “vòng vo” rắc rối quá chừng!
Trong cuộc sống (đời và đạo) luôn có nhiều
thứ khiến chúng ta xao xuyến, chia trí. Ma quỷ có thiên hình vạn trạng, nó len
lỏi vào bất cứ nơi nào, thậm chí ma quỷ
có thể cám dỗ chúng ta cảm thấy mình đạo đức và thánh thiện. Đó là dạng cám
dỗ rất nguy hiểm, vì là dạng GIẢ DANH GIẢ NGHĨA. Thà rằng nó cám dỗ chúng ta
khô khan, phạm tội, hoặc “quay lưng” lại với Chúa thì chúng ta dễ nhận biết mà
tránh, đằng này nó lại làm cho chúng ta cảm thấy rất gần Chúa, thực ra chỉ là
“bẫy ảo giác” nó giăng để chúng ta dễ sập bẫy, thế mới đáng sợ, và chúng ta
phải rất tỉnh thức – cảnh giác với cả chính mình!
Một người quen (tại Hoa Kỳ) cho biết rằng em
gái của họ lấy chồng là Phật tử, người chồng này làm cho cô vợ bỏ đạo Công giáo
và nói xấu Công giáo đủ thứ. Ngay tại Saigon, một thanh niên đã bỏ đạo Công
giáo, rồi cạo đầu và quy y, anh ta bảo rằng theo Công giáo phải giữ nghiêm luật
nên “căng” quá, theo Phật giáo “khỏe” hơn nhiều. Tại Đồng Nai, một nữ tu bỏ đạo
Công giáo rồi đi lập chùa riêng và làm ni cô trụ trì. Thiên hình vạn trạng!
Khi thấy có những trường hợp như vậy, chúng
ta đừng vội hoang mang hoặc xao xuyến, vì đó là những trường hợp hiếm hoi, chỉ
đủ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Thật ra họ chỉ bất mãn một vấn đề nào đó vì
họ không được “như ý,” đồng thời họ là những người “yếu bóng vía” và chẳng hiểu
rõ Công giáo, lý luận của họ chỉ là dạng “lý sự cùn,” đầu óc thiển cận hoặc giống
như “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi. Hãy quên họ đi!
Đối với những người thực sự giỏi (đúng
nghĩa), họ không như vậy, thực tế cho chúng ta biết rằng người ta càng giỏi thì
càng tin có Thiên Chúa. Đa số các bác học đều là những người tin vào Thiên
Chúa. Khoảng 40 năm trước, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) đã rửa
tội cho một Thượng tọa Phật giáo cao niên vào chính đêm mừng Con Chúa giáng
sinh. (Nay chợt hồi tưởng liên quan chuyện “theo đạo,” nhưng tiếc rằng lâu quá
rồi, tôi không còn nhớ tên ông cựu họ Thích này!) Hơn 20 năm trước, một ni cô
chán “ăn chay trường” rồi gia nhập Công giáo, sau đó cô này lấy chồng là người
Công giáo. Vợ chồng họ vẫn sống hạnh phúc tại Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Thiết tưởng cũng nên xác định rằng không một
người nào lập đạo mà dám nói “tôi là Thiên Chúa,” chỉ có Chúa Giêsu. Chẳng có ai
làm được những phép lạ như Đức Giêsu đã làm. Và cũng chỉ có Đức Giêsu dám nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống.”
(Ga 14:6) Đơn giản như vậy thôi cũng đủ để chúng ta biết đâu là “chân lý
thật” và đâu là “chân lý giả.” Chính khoa học và khoa khảo cổ càng ngày càng
phát hiện những điều chính xác như Kinh Thánh đã đề cập hàng ngàn năm trước.
Các giáo phái ly khai với Công giáo, nghĩa là trước đó chính họ là Công giáo.
Họ ly khai vì theo ý riêng chứ không muốn theo ý chung của Giáo Hội.
Sự thật mãi mãi là sự thật, và chỉ có sự thật
mới khả dĩ giải thoát chúng ta. (Ga 8:32) Sách Công Vụ đưa ra bằng chứng cụ
thể: Khi nghe ông Phêrô rao giảng việc ăn năn sám hối, chịu phép rửa nhân danh
Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội, và nhận được ân huệ là Thánh Thần, ngay lúc
đó đã có khoảng ba ngàn người theo đạo. (Cv 2:38-41) Đâu có thể đơn giản mà có
số người đông như vậy cùng gia nhập đạo một lúc, cũng đâu phải họ theo đạo cho
vui hoặc có lợi về vật chất! Hàng tháng, tại nhiều nhà thờ Công giáo vẫn có
những người trưởng thành (chứ không nói chi trẻ em) vui mừng lãnh nhận Bí tích
Thánh tẩy. Đó là những bằng chứng hùng hồn, thực sự là phép lạ mà Chúa Thánh
Thần vẫn đang tác động không ngừng trong Giáo Hội – Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta cũng vẫn thấy có những người gia
nhập Công giáo khi họ đã thực sự trưởng thành (tâm sinh lý), thậm chí là lớn
tuổi, họ sống đạo rất tốt với một đức tin trưởng thành và vững mạnh. Đặc biệt
là có những người theo đạo Công giáo rồi đi tu trở thành tu sĩ hoặc linh mục –
trong đó có Lm Thiên Phong Bửu Dưỡng. [*] Họ là những người đã trưởng thành,
chắc chắn không ai có thể “dụ dỗ” được họ nếu họ không thực sự tin vào
Đức-Giêsu-nhập-thể-làm-người-chịu-chết-và-phục-sinh. Ai cảm thấy còn “đắn đo,”
hãy cố gắng củng cố và giữ vững lòng tin, hãy hãnh diện về Đức Tin Công giáo, và
đừng bao giờ xao xuyến vì bất cứ điều gì!
Chúng ta không
phủ nhận rằng Giáo hội Công giáo đặt tiêu chuẩn cao về luân lý, rất cảm thông
với người bất đồng ý kiến, nhưng không
nhượng bộ bất kỳ áp lực nào. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, nhưng Chúa
Giêsu không chỉ chịu chết vì chúng ta, mà Ngài còn thiết lập bí tích Hòa giải
để tha thứ tội lỗi, để thương xót và ban ân sủng cho chúng ta, giúp chúng ta
sống đời sống luân lý tốt hơn. Tất cả là Hồng Ân.
Ngày xưa, khi Chúa Giêsu đã phục sinh
và số môn đệ thêm đông, các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp đã kêu trách các
tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà
goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn
đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao
giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy, thưa anh em,
anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn
ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi
sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời
Thiên Chúa.” (Cv 6:2-4)
Và trình thuật Cv 6:5-7 cho biết: “Đề nghị đó được mọi người tán thành. Họ
chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông
Philípphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê
Antiôkhia đã theo đạo Do Thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi
cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và
tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”
Đó chính là Nhóm Bảy Người, tức là các Phó tế đầu tiên của Giáo hội, trong đó
có Phó tế Stêphanô về sau chịu tử đạo. Không chỉ có Phó tế Stêphannô mà còn
biết bao vị tử đạo khác đã xả thần vì danh Đức Giêsu Kitô, ở mọi nơi và mọi
thời. Ngày nay cũng vẫn có các chứng nhân ở đâu đó trên thế giới…
Đây là niềm hãnh diện của Kitô hữu: “Vinh quang của tôi là Thập Giá của Đức
Giêsu Kitô – Mea Gloria est Crux Christi.” (Gl 6:14) Chắc chắn không ai và
không tôn giáo nào có dạng vinh quang “ngược đời” như Kitô giáo. Trong chúng
ta, chắc chắn ai cũng sợ đau khổ, nhưng khi đã cảm nhận được đau khổ, người ta
lại bị đau khổ thu hút. Thập Giá có sức hấp dẫn kỳ lạ. Vô tri bất mộ. Người
không có niềm tin Kitô giáo sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều đó, thế nên người
vô thần bảo tôn giáo là thuốc phiện đã “ru ngủ” chúng ta – các Kitô hữu có vinh
quang là Thập Giá của Đức Kitô.
Thánh Vịnh gia hân hoan mời gọi: “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ
ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính
mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.” (Tv 33:1-2) Và rồi không thể lặng im
lâu, Thánh Vịnh gia phải giải thích ngay lập tức: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất.” (Tv
33:4-5)
Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Thiên
Chúa là tình yêu, (1 Ga 4:8 và 16) kỳ lạ là Ngài yêu thương chúng ta ngay khi
chúng ta còn là tội nhân, (Rm 5:8) còn thù nghịch với Ngài, (Rm 5:10) thậm chí Ngài
còn chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu đó quá lớn lao, lòng thương xót quá bao
la và sâu thẳm. Ngài luôn quan tâm chúng ta: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa
yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.” (Tv
33:18-19)
Nhưng chính mỗi chúng ta đều phải xem
lại chính mình, như Thánh Giacôbê đã phân tích: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi là tự dối lòng mình,
vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gc
1:26)
Thánh Phêrô vừa khuyên nhủ vừa động
viên: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô,
viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi
là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây
nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để
Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng
đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây
Ta đặt tại Sion một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin
vào đó sẽ không phải thất vọng.” (1 Pr 2:4-6) Lòng thương xót của Thiên
Chúa quá đỗi kỳ diệu, chúng ta không thể nào hiểu nổi!
Thánh Phêrô cho biết thêm về hạnh phúc
của các Kitô hữu, những người được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần: “Vậy vinh dự cho anh em là những người tin,
còn đối với những kẻ không tin thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng
góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số
phận của họ là như vậy. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư
tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan
truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi
đầy ánh sáng diệu huyền.” (1 Pr 2:7-9) Có nhiều dạng ơn thiên triệu, nói
theo bình dân là “ơn gọi,” và ơn thiên triệu nào cũng cao cả: Ơn gọi tu trì, ơn
gọi kết hôn, ơn gọi độc thân,... Ơn gọi nào cũng là để hoàn tất sứ mạng theo kế
hoạch của Thiên Chúa.
Cuộc sống không hề đơn giản, nhiệm vụ
nào cũng khó, vì thế Chúa Giêsu đã động viên: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga
14:1) Cuộc sống đã và đang chứng tỏ cho chúng ta thấy như vậy, đúng là chỉ có
Thiên Chúa là cứu cách và cùng đích, thiếu Đức Kitô thì chúng ta không thể làm
được gì, dù là điều nhỏ nhoi. (x. Ga 15:5) Chúng ta có hoang mang hoặc lo sợ
thì cũng chẳng “chuyển hóa” được gì, đúng như có lần Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay
đen được.” (Mt 5:36) Vì thế mà chúng ta phải sống theo lời khuyên của
Ngài: “Đừng xao xuyến!” Nói theo kiểu
nói ngày nay: “Cứ vô tư mà sống!” Lo
bạc râu, sầu bạc tóc. Mà có lo cũng chẳng được, cái gì đến sẽ đến, thế thì lo
chi cho khổ? Nghe lời Chúa Giêsu bảo “đừng xao xuyến” cũng chính là tin vào sự TIỀN
ĐỊNH và QUAN PHÒNG của Thiên Chúa vậy! Và có một điều thiết tưởng cũng nên lưu
ý: cách nói “không xao xuyến” nghĩa là đừng chạy theo những cái mà người ta cho
đó là “sự lạ,” dạng này thường xuyên được người ta “chú ý,” mà như vậy là chúng
ta chưa thực sự tin vào Thiên Chúa, chưa thực sự tín thác vào Lòng Chúa Thương
Xót. Cẩn tắc vô ưu!
Tại sao không nên xao xuyến? Chúa
Giêsu căn dặn: “Trong nhà Cha Thầy có
nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh
em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:2-3) Người đời cũng biết nhận
định: “Sinh ký, tử quy – sống gởi, thác
về.” Thật vậy, thế gian chỉ là chuyến lữ hành về Thiên Đàng, “cuộc đời như
chiếc cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó” (Thánh nữ Catarina), chết không
là hết mà chỉ là biến đổi, chính cái chết là “ngưỡng cửa” để bước vào sự sống
đời đời. Thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Chúa Giêsu hứa: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Đúng là
niềm hạnh phúc của mọi niềm hạnh phúc!
Hôm đó, Chúa Giêsu bảo: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.”
Nghe vậy, ông Tôma “gãi đầu” và hỏi ngay: “Thưa
Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”
Đức Giêsu cười và đáp: “Chính Thầy là con
đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga
14:6) Đây là câu “nổi tiếng” trong Kitô giáo, được trích dẫn rất nhiều, và cũng
là niềm hy vọng chắc chắn của những người tin vào Con Thiên Chúa,
Đấng-nhập-thể-làm-người. Đức Giêsu nói thêm: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh
em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14:7)
Sau đó, ông Philípphê xin Thầy Giêsu tỏ
cho thấy Chúa Cha để được mãn nguyện, nhưng Ngài trách ông Philípphê ở với
Ngài bao lâu rồi mà lại “hỏi ngớ ngẩn” như vậy. Rồi Ngài xác định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga
14:9) Chắc chắn đó là cách hiểu vượt quá tầm hiểu của phàm nhân, nếu chúng ta ở
bên Chúa Giêsu hồi đó thì chúng ta cũng vẫn “ngớ ngẩn” như Tông đồ Philípphê mà
thôi, e rằng chúng ta còn “tệ” hơn thế đấy!
Chúa Giêsu nói thêm để giải thích cho
ông Philípphê và các Tông đồ khác – đồng thời cũng là nói với mỗi chúng ta hôm
nay: “Anh không tin rằng Thầy ở trong
Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa
Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình Anh em hãy tin
Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha
ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo
thật anh em, ai tin vào Thầy thì người
đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn
hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14:10-12)
Và rồi một lần nữa, Chúa Giêsu lại
nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đức Tin. Thật vậy, khi có đủ niềm tín thác vào
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn quan phòng và tiền định cho mỗi
người theo ơn gọi riêng, người ta sẽ thanh thản và sống theo lời khuyên và cũng
là lời động viên của Đức Kitô Giêsu: “Đừng
xao xuyến!” Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta đều có thể xác định như Thánh
Vịnh gia: “Chúa là gia nghiệp đời con.” (Tv
16:5-6)
Lạy Thiên
Chúa nhân hậu, con chỉ là hạt bụi bé nhỏ nhất mà đã làm bận mắt Ngài, xin
thương ban thêm Đức Tin và lòng can đảm để con không bị dao động trước mọi
nghịch cảnh, ngay cả khi đối diện với kẻ thù. Xin làm cho con nên thánh theo ước
muốn và kế hoạch mầu nhiệm của Ngài. Xin ban Thần Khí Ngài để con sống can đảm
và bình an. Con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng cứu độ nhân
loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Lm Bửu Dưỡng (OP, Dòng Đa Minh, 1907-1987).
Cậu ấm Bửu Dưỡng thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ
năm của vua Minh Mạng. Thân phụ là cụ Ưng Trình, đại thần Cơ Mật viện và
đại thần Tôn Nhơn Phủ (1936) và Thượng Thư. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Như
Uyển, cũng dòng dõi quan lại cấp Thượng Thư.
Cậu Bửu Dưỡng là
con trai thứ năm. Thiếu thời, cậu học trường Quốc Học Huế, rồi trường Cao Đẳng
Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về Huế làm thông phán sở Bưu Chính. Sinh
trưởng trong gia đình hoàng tộc và tôn sùng đạo Phật, Bửu Dưỡng cũng rất ác cảm
với Công giáo, nhưng “duyên Trời” ấn định khác.
Thượng tuần tháng
5-1928, cậu Bửu Dưỡng lên đường ra Quảng Trị, tìm lên vùng núi Phước Sơn, xin
học giáo lý để nhận bí tích Rửa tội và gia nhập dòng Xitô (Cistercians). Lm Bề
Trên Henri Denis (Cố Thuận, người Pháp) trực tiếp dạy giáo lý. Lễ rửa tội được
cử hành ngày lễ Đức Mẹ lên trời, 15-8-1928. Tân tòng Bửu Dưỡng nhận thánh danh Bôniphaxiô
(Bonifacius), nghĩa là “bộ mặt đẹp.” Bề Trên Dòng chủ lễ, bên cạnh là Phó
tế Tađêô Lê Hữu Từ (sau đó làm giám mục).
Sau một năm ở tập
viện Xitô Phước Sơn, tu sinh Bửu Dưỡng vì sức khỏe yếu, đau bao tử, bị chứng tê
thấp, lại bị mụt nhọt ở chân, được Bề Trên cho về nhà nghỉ dưỡng bệnh tại gia
đình ở Huế. Trong thời gian này, thầy Bửu Dưỡng có nhiều quan hệ với Dòng Chúa
Cứu Thế, với ý muốn nhập dòng này nhưng không thành…
Trong khi dịch
giùm cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế một số bài giảng, thầy được đọc sách
của Thánh Tôma Aquinô, thầy say mê triết lý và thần học của vị tiến sĩ nổi
tiếng thuộc Dòng Đa Minh và có ý muốn theo chân ngài trong một dòng tu chuyên
nghiên cứu và thuyết giảng đạo lý Kitô giáo.
Linh mục Bề Trên
Dòng Chúa Cứu Thế giới thiệu thầy với Dòng Đa Minh mới đến Hà Nội lập dòng và
thầy được chấp nhận để thử một thời gian. Mọi sự đều êm xuôi. Thầy Bửu Dưỡng
cảm thấy mình đi đúng hướng và được gởi đi du học tại Pháp ở Dòng Đa Minh chi
nhánh Lyon.
Sau một năm tập
viện, ngày 26-11-1936, tu sinh Bửu Dưỡng là người Việt Nam đầu tiên của tỉnh
Dòng Đa Minh Lyon được tuyên khấn. Mặc dù mụt nhọt ở chân trở nên trầm trọng,
thầy Bửu Dưỡng phải chịu giải phẫu cưa một chân, gắn chân giả. Bề Trên Dòng vẫn
chấp nhận phong chức linh mục cho thầy vì khả năng trí tuệ đặc biệt của thầy.
Lễ phong chức
được cử hành ngày 2-2-1940. Từ đó, linh mục con dòng cháu giống của vua chúa
triều Nguyễn không còn gì trăn trở băn khoăn mà thẳng đường trực chỉ dấn thân
rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giêsu cho đến trọn đời.
Trong “Cuộc Hành
Trình Của Đời Tôi,” Lm Bửu Dưỡng viết: “Trước
kia tôi rất ghét Kitô giáo và không muốn có một liên hệ nào dù xa dù
gần với các linh mục hay người có đạo. Tôi không
bao giờ đọc một cuốn sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo. Cái ấn tượng
ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý, đến độ mỗi khi nhìn
thấy chữ ‘Thiên Chúa,’ tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sửa thành chữ
‘Trời.’ Khi dạy học cho các trẻ em, tôi
chống lại việc dùng chữ Thiên Chúa. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên
rồ. Có những thời gian tôi cảm thấy bất
an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của
đời sống, cái tâm trạng này kéo dài trong suốt ba năm liền… Những lần tôi không
giải trí với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi
chiều trống rỗng, sau khi nghe vài bản nhạc buồn… Tất cả những tâm trạng ấy đưa
tôi đến việc tự hỏi: ‘Có phải Kitô giáo
là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?’ Tôi phải theo? Thật là
một điều ngoài trí tưởng tượng. Không bao giờ! Dù nó đúng, nó trật, nó hay… nhưng
ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”
Ý Chúa nhiệm mầu,
một Bửu Dưỡng thù ghét Công giáo đã trở thành một Bửu Dưỡng yêu mến Công giáo,
và trở thành Linh mục Công giáo. Lm Bửu Dưỡng còn là người mở Học viện Minh Đức
(Thủ Đức) nổi tiếng một thời trước năm 1975. May mắn tôi được gặp ngài một lần,
được đọc cuốn “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của ngài và “Công Đồng Vatican III” do ngài
viễn tưởng. Trí óc của ngài đúng là một học giả hiếm có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment