Có lẽ đó là chuyện vừa huyền thoại vừa thực
tế.
Hằng năm, nhiều người vẫn muốn xem lại hôn
nhân của mình để sống tốt hơn, với niềm hy vọng và lạc quan về hôn nhân tốt
hơn. Có những người “bỏ của chạy lấy người,” ly hôn vì thất vọng về cuộc hôn
nhân không hạnh phúc của mình, và muốn tìm cuộc sống hạnh phúc hơn – tái hôn
hoặc ở vậy. Có thể họ đúng. Nhưng chúng ta lại không nhìn vào hậu quả của việc
ly hôn. Đó là nỗi đau ray rứt không nguôi!
Những năm trước, tỷ lệ ly hôn lần đầu là 25%.
Ngày nay, theo Văn phòng Điều tra Hoa Kỳ, con số này là 50%. Tại châu Á, tỷ lệ
ly hôn tăng 1/3 ở Singapore và cao gấp đôi ở Thái Lan trong 10 năm qua. Tỷ lệ
ly hôn ở Đài Loan là 1/3, tỷ lệ này gấp tư ở các nước như Hàn Quốc và Hong
Kong. Hằng ngàn vụ ly hôn mỗi năm, nghĩa là rất nhiều trẻ em dưới 18 tuổi không
được sống có đủ cha mẹ.
Larry Sullivan, nhà phân tâm học ở New York,
đã tìm hiểu hơn 30 năm về những người kết hôn, độc thân và ly hôn. Ông
nói: “Chắc chắn có điều bí ẩn. Người ta tin rằng họ có thể xử lý ly hôn
một cách thành công vì họ cũng đã xử lý được mọi thứ trong cuộc sống. Họ tự
nghĩ mình thành công. Đó là ảo tưởng.”
Có người quan niệm sai lầm rằng khủng hoảng ở
trẻ em chỉ là tạm thời, giới hạn một khoảng thời gian, hoặc cho rằng trẻ em sẽ
sống vui hơn nếu cha mẹ chúng hạnh phúc.
Một số cuộc hôn nhân quá tồi tệ, không thể
cứu vãn. Chị P., 40 tuổi, vợ chồng chị luôn cãi nhau như cơm bữa trước mặt 2
đứa con về chuyện chồng chị không chung thủy. Chị tâm sự: “Hôn nhân của
chúng tôi không hạnh phúc. Anh ấy lừa dối tôi, tôi đành phải chia tay thôi”.
Nhưng sau 4 năm mà nỗi đau vẫn chưa nguôi trong lòng chị. Chị nói thêm: “Tôi
có thể làm bất kỳ thứ gì vì con. Sống với nhau chỉ là nỗi kinh sợ đối với con
cái. Có ai lại muốn sống trong không khí ngột ngạt và căng thẳng chứ?”
Chị N. có con gái 4 tuổi. Chồng chị hiền đến
mức nhu nhược, lệ thuộc vào cha mẹ và anh chị ruột. Chị khổng chịu nổi cảnh o
ép của gia đình chồng, chị quyết định ly hôn để đứa con không phải sống trong
cảnh gia đình căng thẳng, và theo chị còn là tránh môi trường xung quanh không
tốt – hàng xóm chỉ lo đánh bài, đánh đề và sống buổng thả.
Trước đây tỷ lệ ly hôn thấp, vợ chồng cố gắng
“níu kéo” và sống chung chỉ vì không muốn con cái bị tổn thương, vẫn có đủ cha
mẹ. Ngày nay người ta bảo vệ chính mình trước, và hy vọng có lợi cho cỏn cái
sau.
Tâm lý gia Larry Sullivan nói: “Cha
mẹ hơi ích kỷ. Họ làm những gì họ cảm thấy tốt cho mình và họ tưởng điều đó
cũng có lợi cho con cái. Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy.”
Ông Brandon, ở New Jersey, đã ly hôn hơn 30
năm. Nay ông gần 70 tuổi. Ông cho biết: “Ngày xưa ít ly hôn, nhưng cũng có
nhiều trường hợp vì áp lực mà cố duy trì hôn nhân vào thời điểm tôi ly hôn.”
Luật sư Standford G. Lotwin nói: “Đàn ông cho rằng cuộc sống của mọi
người vẫn tiếp tục, và nó thực sự không ảnh hưởng nhiều tới con cái. Phụ nữ lại
cho rằng cuộc đời không còn gì nữa, điều duy nhất còn lại là con cái. Có nỗi
đau và ảnh hưởng tới con cái, phải giảm thiểu nỗi đau. Nếu muốn tranh giành
điều gì thì cũng đừng tranh giành con cái. Cả hai vẫn phải có trách nhiệm riêng
đối với chúng.”
Con cái có đủ cha mẹ vẫn không tránh khỏi rắc
rối. Tuy nhiên, hôn nhân của cha mẹ là cấu trúc cảm xúc quan trọng nhất trong
đời sống con cái, ly hôn ảnh hưởng sâu xa đến cả cuộc đời chúng.
Anh V. 32 tuổi, cha mẹ chia tay nhau khi anh
9 tuổi. Cố gắng lắm anh mới “dám” lấy vợ. Anh cũng đã được làm cha. Anh
nói: “Ly hôn là lúc cha mẹ chỉ nghĩ đến mình, con cái không còn được ưu
tiên. Cha mẹ nên cân nhắc, nếu có thể thì tránh ly hôn, ly hôn chỉ là vạn bất
đắc dĩ. Tôi không biết hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ có làm tổn thương
con cái nhiều hay không, nhưng tôi nghĩ đó không là chuyện đương nhiên.”
Các chuyên gia về hôn nhân đều khuyên rằng
những người có ý định ly hôn nên được tư vấn. Luật sư Lotwin khuyên: “Những
người muốn ly hôn, nếu không tự giải quyết được thì tốt nhât là tìm một liệu
pháp hữu hiệu để hiểu rõ nhu cầu sống chung vì con cái. Đứa con nào cũng luôn
cần có cả cha lẫn mẹ.” Người cha có cái “cương”, người mẹ có cái “nhu”. Do đó
mà người ta nói: “Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng.”
Cương hay nhu đều có “thế lực” riêng. Với con cái, chúng cần cả cha mẹ để vui
sống, chia sẻ, sinh tồn và phát triển toàn diện.
Có thể là không có cuộc ly hôn nào hoàn hảo,
nhưng có thể có cuộc ly hôn thành công. Nếu tư vấn hôn nhân cho cha mẹ là điều
tốt cho con cái thì chúng ta rất cần thực hiện, càng sớm càng tốt.
TRẦM THIÊN THU
[đăng báo Thanh Niên – Tuổi Trẻ Hạnh Phúc, số
ra ngày 16-4-2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment