Ai là người thân cận? Chúa Giêsu trả lời rõ ràng qua dụ ngôn người Samari nhân hậu. (Lc 10:30-37) Như vậy, người thân cận là người thực hành yêu thương theo những điều Chúa truyền dạy. Yêu thương là thương xót.
Jiro Ninomiya từ Nhật sang Mỹ và mua đất ở
vùng Đông Bắc San Francisco. Gần một cây thốt nốt, ông xây căn nhà cho gia
đình. Phía sau nhà trồng hoa hồng. Mỗi tuần 3 buổi sáng, ông chở hoa tới thành
phố San Francisco để bán.
Bên kia đường là nhà ông Frederick Aebi đến
từ Thụy Sĩ. Cũng như Jiro Ninomiya, Frederick trồng hoa hồng trên khoảng đất
phía sau nhà. Vào lúc cả hai gia đình tương đối khá, hoa hồng của họ nổi tiếng
trên thị trường là lâu tàn.
Các con trai của họ là Tamaki Ninomiya và
Francis Aebi đảm trách công việc thay cha của họ. Hai gia đình luôn cố gắng
sống thân thiện với nhau, hai nhà đều thích cách trồng hoa của nhau. Suốt 40
năm, hai gia đình vẫn là hàng xóm. Ngày 7-12-1941, Nhật tấn công Trân Châu
Cảng. Ở California có tin đồn rằng cư dân Nhật sẽ bị đưa vô trại tập trung.
Hayane, vợ của Tamaki, là công dân Mỹ. Con cái họ đều có quốc tịch Mỹ, nhưng
Tamaki sinh ở Nhật và không bao giờ được nhập quốc tịch Mỹ.
Francis Aebi, vợ là Carrie, và hai đứa con
sang nhà Tamaki. Khi Lina Aebi, 9 tuổi, đứng ngoài nhìn vào, người cha nói: “Chúng ta đã là hàng xóm lâu lắm rồi, đã ba
đời rồi, các con ạ! Hãy yêu thương mọi người như chính mình.”
Ngày 19-12-1942, tổng thống Franklin D.
Roosevelt ký lệnh trục xuất những người có nguồn gốc từ các vùng quân sự đã chỉ
định. Đặc biệt là người Nhật có thể bị đuổi ra khỏi Tây Mỹ. Trong khi đó, có
nhiều chuyện về ném đá hoặc tẩy chay người Nhật, kể cả những người kết thân với
họ.
Khi mệnh lệnh được thông báo rộng rãi, Tamaki
và Hayane lập tức sang thăm gia đình Francis Aebi để bàn về hệ thống tưới nước
trong nhà của Ninomiya. Francis trấn an bạn: “Chúng ta sẽ giữ bí mật cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường.”
Một buổi chiều cuối tháng Hai, một chiếc xe
hơi màu đen đến nhà Ninomiya. Gia đình Francis thấy Tamaki bị bắt đi. Sau đó
lại có lệnh trục xuất những người gốc Nhật, kể cả người đã là công dân Mỹ.
Tháng 8/1942, vợ con Ninomiya phải đến vùng đất cằn cỗi ở Colorado. Trung tâm
tái định cư gồm những nhà lều, xung quanh rào kẽm gai và có lính gác.
Trở lại California, Francis Aebi phải nhổ hoa
hồng để trồng rau để cho gia đình và con cái sinh sống. Tại nhà Ninomiya, ông
trồng dưa leo. Tại nhà mình, ông trồng khoai. Nhưng vẫn dành một phần đất để
trồng hoa hồng. Ông giải thích với các con là “để dành cho ngày mai.” Cả
gia đình cùng làm việc, ai có việc nấy. Ông Francis làm việc mỗi ngày 16–17
tiếng đồng hồ.
Một năm trôi qua. Hai năm. Rồi ba năm. Thi
thoảng có thư đến từ trại tập trung. Tin vui nhất là Tamaki đã được đoàn tụ với
gia đình. Hayane móc vớ và áo len, chị cũng vừa sinh thêm đứa con nữa.
Một hôm, tin vui đến với gia đình Francis là
những người bị trục xuất sẽ được hồi hương. Chiến tranh Âu châu đã chấm dứt.
Gia đình Ninomiya dọn đồ trở về quê hương.
Xe lửa dừng tại nhà ga. Một người đàn ông đội
mũ rộng vành đang vẫy chào, gương mặt ông hốc hác. Alice, con gái lớn của
Tamaki, nói nhỏ với cậu em David: “Ông Francis là người láng giềng của chúng ta
đó em!”
Francis và Tamaki bắt tay nhau. Họ muốn ôm
nhau nhưng có gì đó làm họ lúng túng. Vợ con của Tamaki tỏ vẻ bối rối và lo
lắng. Xe đi qua dưới hàng cây thốt nốt trước nhà. Nhà cửa vẫn nguyên vẹn, sạch
sẽ, tươm tất, được trông nom cẩn thận. Francis đưa sổ ngân phiếu cho Tamaki. Vợ
chồng Tamaki và các con bước vô nhà, mọi thứ vẫn gọn gàng như không hề bị bỏ
hoang suốt mấy năm qua. Bàn ăn đã cắm sẵn một bông hồng thắm, món quà giản dị
nhưng ý vị của một người láng giềng. Hạnh phúc dâng trào, không ai thốt nên
lời…
Ngày nay, hai gia đình vẫn thân thiết với
nhau. Họ chia sẻ với nhau mọi nỗi vui buồn trong cuộc sống, chia sẻ cả bí quyết
kinh doanh. Cha mẹ không còn, nhưng con cháu hai gia đình vẫn giữ trọn mối thâm
tình láng giềng xưa nay, trước sau như một.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ GuidePosts)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment