Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

19/4 – CÁC CHÂN PHƯỚC LUCHESIO và BUONADONNA (qua đời năm 1260)

Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô,có lẽ năm 1213,cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi, bắt đầu làm nhiều việc bác ái. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái. Hai ông bà muốn sống theo gương Thánh Phanxicô nên đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có nhiều hơn trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho người nghèo.
Thế kỷ XIII, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng sống ngoài tu viện. Để đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Ba (Dòng Phanxicô Tại Thế). Đầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba, sau đó Đức Giáo Hoàng Hônôriô III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân. Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông: “Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?”. Ông Luchesio trả lời: “Tôi đang cõng Đức Giêsu Kitô”. Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna cùngtừ trần vào ngày 28-4-1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là “chân phước” dù Tòa Thánh chưa chính thức công bố.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment