Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

TÌM LẠI GIA ĐÌNH SAU 60 NĂM

Lê bước loanh quanh bệnh viện tâm thần trở thành nhà mình, Florence McLellan sợ hãi, đơn độc và lẫn lộn. Cô gái 17 tuổi này bị mẹ và cha dượng gởi vô bệnh viện tâm thần Brockhall ở Lancashire vì tội “trái luân lý” vì không chồng mà có con khiến gia đình phải xấu hổ.

Bị dồn vào thế bí vì bất công và sợ hãi, cô sống những ngày khép kín bên những người điên nguy hiểm, cô tìm cách trốn ra nơi mà cô đã bị “những người đàn ông áo trắng” lôi vào.

Cơ hội trốn ra khỏi “địa ngục trần gian” đó nhờ cô chú ý các cổng không đóng cho người ta giao đồ ăn, cô hành động không chút do dự. Florence tìm cách trốn khỏi bệnh viện tâm thần và tìm cuộc sống mới ở London mà trong túi không có một đồng với duy nhất bộ quần áo mặc trên người.

Đã 60 năm trôi qua. Năm 2010, khi các công nhân phát hiện một bộ xương ở công trường gần nơi Florence lớn lên ở Manchester, các thân nhân đã lo sợ. Nhưng xét nghiệm DNA và sau khi cảnh sát điều tra, người ta thấy Florence vẫn sống ở Islington, Bắc London. Nay Florence đã 77 tuổi, gặp lại những người thân thất lạc từ lâu.

Có vẻ như không thể tin được rằng một cô gái bị bỏ vào bệnh viện tâm thần chỉ vì “không chồng mà chửa” từ 60 năm trước vì muốn cô phải tách khỏi “xã hội đoan chính” mà nay vẫn còn sống.

Florence đã cho người khác nhận con mình làm con nuôi. Đứa bé đó tên Joseph Norman Bell, và bà vẫn còn nhớ những cảm xúc khi nói về những ngày khủng khiếp của thập niên 1950.

Florence nói: “Một nơi khủng khiếp, tôi không bao giờ quên. Tôi phải chịu đựng những người điên la hét suốt ngày đêm. Họ bị lôi kéo đi khắp phòng. Tôi cố gắng bảo vệ mình. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi, không ai thương mình. Tôi không làm gì sai. Tôi có con và có người khác nhận nuôi cháu. Hồi đó tôi còn trẻ, mới 17. Tôi sợ đến cứng người. Ttôi còn nhớ bị mẹ mình là Eliza bắt buộc phải cho con đi. Mẹ tôi nói nếu muốn về sống với mẹ thì tôi phải cho con tôi. Tôi còn nhớ lúc những người đàn ông đến bắt tôi vào bệnh viện ­Brockhall, họ mặc áo trắng. Tôi đã khóc xin mẹ đừng bắt tôi đi nhưng vô ích. Chính những người thân bắt tôi vào nhà thương điên dù tôi không điên.”

Các y tá nhận thấy ­Florence không bị tâm thần và thương hại một cô gái hoảng sợ nên cho làm người phục vụ ở căn-tin. Từ đó Florence tìm cách trốn. Florence nói: “Một người đàn ông đến giao đồ ăn và để cổng mở, thế nên tôi lén ra khỏi cổng, trên người vẫn đeo tạp dề. Tôi chạy như bị ma đuổi và xin đi nhờ xe tới London. Khi tới Islington, tôi lo sợ. Không ai nâng đỡ, không cha mẹ, không người thân, không tiền bạc, chỉ một thân một mình. Tôi ngủ không yên giấc, tôi là phục vụ ở quán để có tiền ngay. Tôi quá đỗi sợ hãi. Cứ thấy cảnh sát là tôi trốn, vì sợ họ bắt tôi trở lại bệnh viện tâm thần.”

Florence chọn sống ở Angel, Islington, vì nghe cái tên cũng hay hay và cảm thấy cần có “ơn trên” giúp đỡ. Bà cố gắng cóp nhặt đủ tiền để có nơi sống, và bà đổi tên là Diane Stone – lấy tên này sau khi bà thấy quảng cáo của rượu whisky hiệu Stone. Bà cho biết thêm: “Tôi lấy tên Diane ngẫu nhiên thôi.”

Sau 2 năm, bà gặp Edward Roberts. Bà thấy ông này “dễ thương” và đối xử tốt với mình. Họ yêu nhau, cưới nhau và có 2 con trai là Glyn và David. Từ đó bà có tên là Diane Roberts.

Florence kể cho Edward biết về quá khứ của mình, và Edward chấp nhận. Florence hạnh phúc với cuộc sống ở London nhưng vẫn canh cánh nỗi sợ hãi bị phát hiện. Do đó, bà rất sợ khi cảnh sát Manchester liên lạc với bà để tìm lại gia đình vẫn sống ở miền Bắc. Florence đã có 5 cháu nội, bà nói: “Tôi thực sự lo khi có điện thoại của cảnh sát vì tôi nghĩ mình lại bị bắt về bệnh viện Brockhall. Tôi an tâm khi không phải trở lại nơi địa ngục đó.”

Con trai bà là Glyn, 43 tuổi, cho biết: “Gia đình chúng tôi rất căm tức vì việc này. Tôi luôn nghĩ mình là trai trưởng của mẹ. Tôi cảm thấy như mới gặp lại mẹ mình. Có nhiều đau khổ và yêu thương nhưng mẹ vẫn là nạn nhân của xã hội khắt khe.” Florence nói: “Tôi kiềm chế ký ức và phải sống với nỗi đau này suốt đời. Chuyện bây giờ vỡ lẽ khiến tôi rất buồn.”

Dù bà nói lo sợ khi gặp lại gia đình sau 60 năm, bà vẫn cố gắng hết sức để gặp lại họ. Bà nói: “Đây là điều tôi phải làm nếu không tôi sẽ quên họ mãi mãi. Như một cú sốc nhưng tôi lại thấy lòng nhẹ nhàng.”

Bà hy vọng tìm lại đứa con đã cho làm con nuôi và Glyn cũng muốn nhìn nhận anh. Có gặp lại thì Joseph bây giờ cũng đã 57 tuổi rồi. Florence nói: “Tôi vẫn cảm thấy khó xử. Nhưng tôi sẽ cố gắng tìm lại con. Tôi không biết nó có được nuôi dưỡng đàng hoàng và sống ổn định hay không nữa. Đây hẳn là một kết thúc có hậu của cuộc đời tôi nếu tôi gặp lại con và nếu nó chịu nhìn nhận tôi.” Bà và Glyn đang tìm mọi cách để tìm lại Joseph.

Cháu gái con người em gái là Lesley Harrison-Toener, 57 tuổi, đang sống ở Đức. Mẹ của Lesley đã cho người tìm tông tích của Joseph. Lesley nói: “Tôi nhớ mẹ tôi đã khóc vì nhớ chị, khi đó tôi còn nhỏ. Thật kỳ lạ là tìm lại được bác Florence. Tôi như người lên cung trăng vậy. Rất xúc động. Tôi gặp anh em họ mà tôi chưa gặp bao giờ.” Glyn nói: “Mẹ tôi rất buồn vì bà tự nguyền rủa mình tồi tệ. Đó là chuyện quá khứ, bây giờ người ta đối xử khác và nhân đạo hơn. Nhưng lúc đó, không chồng mà có con là chuyện tày trời. Càng nghĩ tôi càng thấy thương mẹ.”

Cảnh sát vẫn cố gắng xác định bãi đậu xe cũ ở Manchester. Các thám tử cho rằng bộ xương phát hiện ở công trường xây dựng kia không xa nơi bà Florence sống hồi đó. Bộ xương kia của một cô gái trong độ tuổi 16-30, có thể đã chết ở đó khoảng 50 năm rồi.

Joanne Rawlinson, trưởng đội điều tra vụ án giết người này, nói: “Công việc chúng tôi làm thường không được để ý, nhưng rất nhân đạo khi giúp đoàn tụ một gia đình. Đó là phần thưởng cho chúng tôi.”

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Mirror.co.uk)

[Đăng trên Tạp chí Thanh Niên – Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc, số ra ngày 16-02-2017]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment