Theo chu kỳ tự nhiên của càn khôn, đó cũng chính là Thiên Luật mà Đức Chúa đã ấn định từ thuở khai thiên lập địa, trước khi Ngài tạo dựng con người. Tứ thời, bát tiết vận hành theo đúng quy luật đó. Giữa hai mùa chuyển giao được gọi là giao mùa, đặc biệt giữa mùa Đông và mùa Xuân được gọi là giao thừa.
Giao thừa là “phút linh thiêng,” là khoảnh
khắc chuyển giao lại năm cũ để đón nhận năm mới. Người ta có nhiều tục lệ đón
giao thừa gọi là Lễ Giao Thừa hoặc Lễ Trừ Tịch, cúng tổ tiên, bói Kiều,… Công
giáo không có những dạng mê tín thế này.
Ngoài tục lệ tốt lành theo xã hội, người Công
giáo còn có thói quen tốt lành là tham dự Thánh lễ Giao thừa để tôn kính Thiên
Chúa Ba Ngôi và kính nhớ Đức Mẹ.
Ai cũng tha thiết cầu mong những điều tốt
lành cho năm mới, được thể hiện qua mâm ngũ quả. Mỗi vùng miền có thể dùng
những loại trái khác nhau. Nhưng kiêng kỵ là các loại trái có tên gọi “na ná”
với từ có nghĩa xấu như cam (cam chịu), chuối (chúi đầu, chúi mũi, tức là vất
vả). Ngược lại, các loại trái ở Nam bộ được ưa thích như trái thơm (dứa, ý nói
thơm tho, danh thơm tiếng tốt), trái sung (sung túc). Đủ một câu thể hiện sự
mong ước khiêm tốn gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài); hơn mức đầy
đủ thì gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (cầu vừa đủ xài sung).
Giao thừa là một cuộc giao tình kỳ diệu và
thánh đức. Đối với các Kitô hữu, Thiên Chúa mới chính là Chúa Xuân đích thực. Người
lương tổ chức cúng kiếng trong phút giao thừa, người Công giáo có Thánh lễ Giao
thừa, kính dâng Thiên Chúa khoảng thời gian tinh khôi nhất của đầu năm mới. Và
ngay từ đầu Thánh lễ, Giáo hội dùng lời Kinh thánh để cầu chúc mọi người trong
giây phút giao thừa: “Cúi xin Đấng tạo
thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion.” (Tv
134:3)
Tất cả các nghi thức đều nhằm phục vụ con
người, cũng như luật lệ là để phục vụ con người. Không nên câu nệ hình thức mà
“bắt” con người phải phục vụ nghi thức hoặc luật lệ! Đức Chúa truyền cho ông
Môsê phải nói với Aharon và các con về “công thức” chúc lành cho con cái Israel:
“Nguyện Đức Chúa CHÚC LÀNH và GÌN GIỮ anh
em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt NHÌN đến anh em và dủ lòng THƯƠNG anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt NHÌN và BAN bình an cho anh em!” (Ds 6:24-26) Sao
lại phải chúc như vậy? Chính Thiên Chúa giải thích: “Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và
Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.” (Ds 6:24-27)
Thật tuyệt vời vì chúng ta luôn được Thiên
Chúa quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, bảo vệ, chúc lành,... Tác giả Thánh vịnh đã từng
thắc mắc: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng
núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121:1) nhưng tác giả lại xác định
ngay: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là
Đấng dựng nên cả đất trời.” (Tv 121:2)
Năm cũ vừa giã từ, năm mới vừa sang. Chúng ta
hãy thành tâm cầu chúc nhau những điều tốt lành nhất: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ
quên. Đấng gìn giữ Israel, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là
Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày
sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa
giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn
bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.” (Tv 121:3-8)
Giây phút giao thừa cũng nhắc nhở chúng ta về
việc xin lỗi Chúa và tha nhân về những lỗi lầm trong năm cũ, đồng thời cũng phải
biết tạ ơn về bao ơn lành mà Thiên Chúa đã trao ban suốt năm qua, tất nhiên
cũng xin ơn cho năm mới. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn
trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong
Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5:16-18) Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh
thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc
mọi sự: điều gì TỐT thì GIỮ; còn điều XẤU dưới bất cứ hình thức nào thì LÁNH cho
xa.” (1 Tx 5:19-22)
Trong tâm tình chân thành, Thánh Phaolô cầu
chúc: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn
mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và
thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành:
Người sẽ thực hiện điều đó. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.” (1 Tx 5:23-24 và 28)
Sống trên đời, không ai lại không khao khát
được tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn. Cuộc sống có nhiều dạng hạnh phúc theo
quan niệm của mỗi người, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, có một
điều phúc thật mà đôi khi chúng ta hay quên hoặc chưa thực sự lưu tâm, đó chính
là điều mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho mọi người: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11:28)
Tin Mừng đêm Giao thừa là trình thuật Mt
5:1-10, nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Hiến Chương Nước Trời, Bài Giảng
Trên Núi) đã được Chúa Giêsu công bố lần đầu tiên:
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai xây dựng HÒA BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Với 8 điều khoản ngắn gọn mà súc tích, Bát
Phúc còn được coi là Đệ Nhất Tuyên Ngôn, tức là bản tuyên ngôn đầu tiên đối với
nhân loại. Người không có niềm tin vào Thiên Chúa thì không thể nào “chịu nổi”
vì cả 8 điều mà Chúa Giêsu cho là PHÚC như vậy, vì tất cả đều “nghịch nhĩ.” Sao
mà “ngược đời” quá! Để có thể sống theo kiểu “ngược đời” của Chúa Giêsu thì
phải cần đến ĐỨC TIN. Và chính ĐỨC TIN chắc chắn sẽ cứu thoát chúng ta nhờ Danh
Đức Giêsu Kitô.
Được trở thành Kitô hữu là một ơn gọi, là vào
đời làm NHÂN CHỨNG cho Tin Mừng của Đức Kitô. Tất nhiên chúng ta có thể bị ghen
ghét và bị hại – đa dạng, lắm kiểu, nhiều dạng. Thật vậy, Ngài biết trước nên
Ngài căn dặn: “Thầy sai anh em đi như
chiên đi vào giữa bầy sói. Hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” (Mt 10:16)
Con Rắn là loài vừa khôn ngoan vừa xảo quyệt nhất trong các loài động vật.
Chính nó đã lừa được Bà Eva bằng lời đường mật, và rồi Ông Adam lại “chết” vì
mỹ nhân kế của một phụ nữ “yếu đuối” là chính vợ mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta
học cái khôn ngoan của con Rắn chứ đừng nham hiểm như nó!
Xuân về, Tết đến, ai cũng “khác” từ tinh thần
đến thể lý, cả trong lẫn ngoài. “Khác” là đổi mới, là canh tân tích cực để tốt
hơn chứ không “biến chất,” và phải mãi mãi như Chúa Xuân: “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi
đến muôn đời.” (Dt 13:8)
Lạy
Thiên Chúa Cha, chúng con chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn. Chúng con xin lỗi
Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên giống
Ngài mỗi ngày mỗi hơn; xin giúp chúng con luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên
Thiên quốc; chúng con xin Chúa lì xì nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn
năm mới này; và chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa,
xin Ngài thương thánh hóa và hướng dẫn chúng con đi đúng Thánh Lộ mà Ngài đã
quan phòng và tiền định. Xin cho mọi người được hưởng trọn niềm vui mùa Xuân
này.
Nguyện
xin Thánh Mẫu Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu
thay cho chúng con luôn. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người
đều có được niềm vui Xuân trọn vẹn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu
Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment