Công lao là gì? Theo Việt Nam Tự Điển (tác giả Thanh Nghị, quyển I, in lần thứ nhứt, nhà xuất bản Thời-Thế Saigon, trang 195), công lao là “công khó nhọc” – với chú thích Pháp ngữ: travail, peine; mêrite.
Đó là sức lực của chính mình để làm một việc
gì đó – công việc tay chân hoặc trí óc, vớ nỗ lực của chính mình, lương thiện
chứ không lừa bịp hoặc cướp công của người khác. Có thể nói rằng mọi thứ tốt
hay xấu là do chính chúng ta, tức là “cái tôi” (ego).
Thật vậy, sau khi để cho “cái tôi” nổi dậy,
Ông Bà Nguyên Tổ đã bất tuân phục Thiên Chúa vì nghe lời đường mật của ma quỷ.
Họ xấu hổ nên tránh mặt Đức Chúa. Và rồi Ngài ra nghiêm luật, đồng thời cũnh
nhắc nhở về “thân phận” của họ: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh
ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi
đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3:19)
Kể từ đó, con người không còn được “ngồi mát
ăn bát vàng” nữa, mà phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới
có miếng ăn, đôi khi cũng chẳng đủ ăn. Tuy nhiên, cái khổ xổ cái khôn, nhờ đó
mà con người có kinh nghiệm lao động, biết quý trọng công sức, và dần dần người
ta có những luật lao động khác nhau – tùy hoàn cảnh cụ thể. Cái khó ló cái khôn
là thế!
Đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp
quốc) triết lý về sự lao động: “Người ta
không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu
hình. Suy tưởng là cần cù, nghĩ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc
và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo.” Còn nữ tiểu thuyết gia Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) xác định: “Công việc luôn là sự cứu rỗi của tôi, và
tôi tạ ơn Chúa về điều đó.” Tuyệt vời quá! Quả thật, làm hay hơn nói giỏi –
well done is better than well said. (Benjamin Franklin, 1706-1790, Tổng Thống
Hoa Kỳ)
Mồng ba Tết, ngày thánh hóa công ăn việc làm,
trình thuật St 2:4-9 cho chúng ta biết gốc tích trời đất khi được sáng tạo.
Khởi đầu từ Vườn Địa Đàng, nơi hạnh phúc chan chứa, nhưng có lẽ vì sướng quá
hóa rồ nên con người tự làm khổ mình, để rồi lận đận vì thử thách suốt đời.
Kinh Thánh cho biết: “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài
đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là
Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng
có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.” Hoang vu. Không có sinh
vật nào. Vì thế, chúng ta gọi đó là “thuở hồng hoang.”
Sau đó, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ
đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh
vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và
đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất
mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa
vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.” Chính vì cây-thiện-và-ác này mà con
người nên nông nỗi! Không phải Thiên Chúa “gài độ” để con người “sập bẫy,” rơi
vào “hố tội lỗi,” mà chỉ vì con người kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa.
Sách Sáng Thế cho biết: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen để cày cấy và
canh giữ đất đai.” (St 2:15) Từ đó, con người được làm chủ mọi loài khác,
nghĩa là bắt đầu có quyền sở hữu. Trong cái rủi vẫn có cái may. Vì thế mà Giáo
Hội gọi Tội Tổ Tông là “Tội Hồng Phúc.” (Exultet, công bố Tin Mừng Phục Sinh) Kể cũng lạ, “tội” mà lại là “hồng phúc.”
Trí óc phàm nhân chúng ta không đủ mức hiểu
thấu, chỉ còn biết cảm tạ và cầu xin Thiên Chúa xót thương. Với tâm tình đó,
tác giả Thánh Vịnh tự nhủ: “Chúc tụng
Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!”
(Tv 104:1)
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài tạo dựng
mọi sự. Chính việc tạo dựng đó là công sức lao động của Ngài. Thật vậy, Ngài
lao động sáu ngày và chỉ nghỉ một ngày. (x. St 1:3–2:3) Điều đó cho thấy sự lao
động là cần thiết, như người ta nói: “Nhàn
cư vi bất thiện.” Rảnh rỗi quá hóa hư thân, mất nết.
Thánh Vịnh cho biết: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc
cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho
phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no
lòng chắc dạ.” (Tv 104:14-15) Có ngày thì cũng có đêm. Ngày làm việc, đêm
ngủ nghỉ. Ai “ngủ ngày, cày đêm” là người “không bình thường” rồi, có thể “có
vấn đề.” Quy luật “tự nhiên” là vậy: “Đêm
trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư
tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh dương lên, chúng
bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ. Đến lượt con người ra đi làm
lụng, những mải mê tới lúc chiều tà.” (Tv 104:20-23)
Cái mà người ta gọi là “luật tự nhiên” chính
là Thiên Luật, là quy luật của Thiên Chúa, chứ chẳng có gì gọi là tự nhiên hoặc
ngẫu nhiên. Nhìn ngắm thiên nhiên, tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình
vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan
tràn mặt đất.” (Tv 104:24)
Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ. Tất
nhiên rồi. Nhỏ thì nhờ cha mẹ, lớn thì phải tự mưu sinh. Lao động để có thể
sinh tồn, nhưng đó là duy trì sự sống thể lý. Con người có hai phần, xác và
hồn, cần duy trì sự sống thể lý và cũng đừng quên duy trì sự sống tinh thần,
với người có niềm tin tôn giáo thì đó là sự sống tâm linh. Chúa Giêsu đã minh
định rạch ròi: “Người ta sống không chỉ
nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4:4; Lc
4:4)
Vấn đề mưu sinh thật vất vả, không hề đơn
giản – trừ một số người “đẻ bọc điều,” sướng từ trong trứng nước. Lo thì lo,
nhưng lo cũng chẳng thay đổi được theo ý mình. Thánh Phaolô cho biết: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên
Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em
được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Vàng
bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì
cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp.
Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm
lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: CHO thì có phúc hơn
là NHẬN.” (Cv 20:32-35) Muốn CHO thì phải CÓ, muốn CÓ thì phải LÀM. Rất
lô-gích. Chắc chắn Thiên Chúa muốn chúng ta lao động hết SỨC (lực) để đáng CÔNG
(trạng).
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Mình
muốn không bằng trời muốn. Người vô thần bị “đuối lý” ở điểm này. Họ bảo không
có Tạo Hóa mà vẫn kêu trời khi gặp “sự cố.” Mâu thuẫn! Còn với các Kitô hữu,
không gì hơn là tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng
đã nhắn nhủ: “Hãy ở lại trong Thầy như
Thầy ở lại trong anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy
thì sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15:4-5) Thật vậy, không có Thiên Chúa thì
chúng ta chẳng làm gì được ráo trọi. (x. Ga 15:5) Vậy thì dại gì mà không tín
thác? Tín thác là trao phó trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, hoàn toàn để Ngài
quan phòng và định liệu theo đúng Ý Ngài.
Trình thuật Mt 25:14-30 (≈ Lc 19:12-27) là dụ ngôn “Những Yến Bạc” nói về Công Sức của mỗi người trong quá trình lao động cả đời.
Khi ông chủ sắp đi xa, ông liền gọi đầy tớ
đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai
yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập
tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được
năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn
người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.
Sau một thời gian lâu dài, ông chủ trở về
tính sổ và thanh toán với họ. Người đã lãnh năm yến đưa năm yến khác. Ông chủ khen
là đầy tớ tài giỏi và trung thành, được giao ít mà anh đã trung thành thì ông
hứa sẽ giao nhiều hơn. Người đã lãnh hai yến cũng đưa hai yến khác. Ông chủ cũng
khen là đầy tớ tài giỏi và trung thành và hứa sẽ giao thêm.
Cuối cùng, người đã lãnh một yến cũng tiến
lại và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông
là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ,
mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông
chủ lắc đầu rồi giải thích: “Hỡi đầy tớ
tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,
thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu
được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho
người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn
ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.”
Ai cũng có quỹ thời gian bằng nhau: 24
giờ/ngày. Không hơn hoặc kém một tích tắc nào. Vấn đề là chúng ta dùng khoảng
thời gian đó làm gì. Chúa biết rõ ai như thế nào nên Ngài giao cho “phần việc”
tương xứng. Vấn đề không phải là ít hay nhiều, giỏi hay dốt, tốt hay xấu, mà là
chúng ta có nỗ lực hết sức để sinh lời hay không. Được nhiều thì PHẢI sinh lời
nhiều, đừng tưởng được nhiều mà sung sướng, cứ ngồi rung đùi mà hưởng thụ. Nghĩ
cho cùng, được giao nhiều mà lại thấy “nhột gáy” đấy. Đừng tưởng bở mà “chảnh.” Chẳng vậy mà người ta vẫn nói: “Ngu si
hưởng thái bình.”
Đầu năm, đầu tháng, vui mừng đón Xuân, ăn
Tết, nhưng đừng quên xem lại “phần việc” của mình để có thể kịp chấn chỉnh.
Thật đáng sợ nếu phải nghe câu này của Chủ Nhân Giêsu khi Ngài trở lại tính sổ
với chúng ta: “Tên đầy tớ vô dụng kia,
hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
(Mt 25:30)
Lạy
Thiên Chúa, Đấng chí cao tự hạ, xin giúp chúng con biết nỗ lực hết sức với
“phần việc” mà Ngài đã giao cho chúng con. Có thể chúng con không sinh lời gấp
đôi, dù chúng con rất muốn, nhưng phần lời đó là do chính Ngài cho phép. Nhưng
chúng con hứa sẽ cố gắng làm để sinh lời hết khả năng của chúng con, bắt đầu từ
hôm nay, từ mùa Xuân này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu
độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment