Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

NIỆM KHÚC CUỘC ĐỜI

Cuộc sống con người giống như trong cái vòng lẩn quẩn, tìm mãi không thấy lối ra, mà có ra được rồi thì lại muốn trở vô, chẳng khác so với cái “vòng danh lợi,” kẻ muốn vô, người muốn ra, và như một lời “than thở,” chí sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã dẫn chứng:

Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào

Con người luôn tự mâu thuẫn. Chưa có danh thì cố tạo danh, chưa nổi tiếng thì muốn nổi tiếng, có danh và có tiếng rồi thì lại chán, mà cũng bị phiền phức nhiều thứ.

Khi được tạo thành hình hài trong lòng mẹ, con người không hề biết gì, kể cả cha mẹ cũng không biết con mình ra sao. Khi sinh ra, ai cũng phải tập tành từng chút, mỗi cơ phận được mở ra dần dần, học hỏi và nhận thức dần dần, từng chút một cho tới lúc phát triển đầy đủ.

Mắt sáng rồi có lúc mắt mờ, mắt mở rồi có lúc mắt nhắm; miệng nói rồi có lúc lặng im, miệng cười có lúc miệng khóc, có lúc miệng ú ớ hoặc câm; tai nghe rồi có lúc tai điếc; mũi thính rồi có lúc mũi điếc; chân di chuyển rồi có lúc khó di chuyển hoặc bất động; tay điều khiển rồi có lúc lóng ngóng hoặc tê dại; đầu óc tỉnh táo rồi có lúc mụ mẫm;… Cứ thế và cứ thế, trẻ và già có khác nhau mấy đâu!

Và rồi mọi thứ lại khép lại dần dần, từng chút một, cho tới khi mọi thứ khép lại hoàn toàn, để rồi con người lại trở về nơi mình phát xuất – vốn dĩ là tro bụi. Vòng đời một lần mở ra và một lần khép lại – mỗi cái chỉ một mà thôi, chẳng khác gì cái vòng lẩn quẩn, và trí tuệ con người không thể nào hiểu thấu.

Có lẽ vì không thể lý giải nên người ta gọi đó là “vòng luân hồi.” Nhưng thực ra không hề có vòng luân hồi – vòng luân hồi là các vòng luân chuyển, cứ hết vòng này lại tiếp sang vòng khác. Thế là sai với Ý Chúa, là không đúng với giáo lý Công giáo. Chắc chắn rằng mỗi người chỉ có một “vòng đời” mà thôi – nghĩa là không hề có vòng luân hồi nào cả! Nếu có vòng luân hồi, người ta chẳng có gì phải sợ, thích thì sống tốt, không thích thì cứ xả láng, không làm người thì làm thú vật hoặc thực vật cũng chả sao cả. Thế nhưng, vì không có vòng luân hồi nên mới phải cẩn trọng kẻo phải đời đời chịu số phận theo cách mình đã sống kiếp này!

Các khoa học gia đã đem phân chất từ cơ thể của một người nặng 70kg (154 lbs), họ thấy kết quả này: Lượng MỠ chỉ đủ làm 7 cục xà bông, lượng NƯỚC chỉ có 40 lít, lượng LÂN TINH chỉ đủ chế tạo 2.100 que diêm, lượng THAN chỉ đủ làm 7 cây đinh 3 phân, lượng VÔI chỉ đủ quét trắng một căn phòng nhỏ, lượng LƯU HUỲNH chỉ đủ để giết chết bọ của một con chó, và lượng ÔXY chỉ đủ bơm một trái banh.

Cuối cùng, cuộc đời của mỗi con người chỉ còn lại nắm tro tàn với tấm bài vị, may ra thì được người ta “xót xa” trong khoảng thời gian đưa tang. Sau đó, mọi sự đều khép lại. Ai cũng như nhau – dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù giỏi hay dốt, dù cao hay thấp, dù đẹp hay xấu, dù sướng hay khổ,... Sinh ra tay trắng, chết vẫn trắng tay. Vậy thì có gì mà dám kiêu căng, lên mặt? Có gì mà dám khinh người khác? Chắc chắn ai cũng có thể tự trả lời và có đáp án đúng nhất cho mình. Vấn đề quan trọng là chúng ta có thực sự sống tích cực, dám thẳng thắn với chính mình, và dám chân nhận cái khốn nạn của mình hay không.

Nghe chừng có vẻ bi quan, yếm thế, hoặc phũ phàng quá chăng? Không phải vậy. Đó là cách nhận thức để nhận diện chính mình và nhận biết người khác, đồng thời cũng là để thông cảm cho những người không ưa thích mình. Thế thôi. Sự thật mãi mãi là sự thật, và chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát chúng ta. (x. Ga 8:32)

Cuộc đời con người có thể ví như một căn nhà. Bình minh là lúc chúng ta sinh ra, chúng ta tự cố gắng mở từng ô cửa để đón ánh nắng và không khí trong lành. Hai mươi năm là một thế hệ. Hai mươi năm đầu như buổi sáng, cố vươn lên cho nở mày nở mặt với đời, nhưng chưa được mãn nguyện thì mặt trời đã lên cao, nắng nóng làm chúng ta mất bao giọt mồ hôi. Hai mươi năm nữa như buổi trưa mau qua.

Và rồi chiều đến, lúc này con người bắt đầu cảm thấy mỏi mệt. Hai mươi năm nữa cũng sẽ mau qua thôi. Ba khoảng hai-mươi-năm là sáu mươi năm. Nếu còn được sống thêm, những ngày tháng đó cũng chẳng làm được gì có giá trị thực sự, vì màn đêm buông trùm, trời đã tối rồi!

Người ta có thể mua được các dưỡng chất hoặc loại thuốc tốt nhất nhưng không thể mua được sức khỏe, có thể mua được chiếc giường nhưng không thể mua được giấc ngủ. Và chiếc giường đắt giá nhất là chiếc giường bệnh!

Cuộc đời thật ngắn ngủi, chớp mắt vài cái đã hết đời rồi: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90:10)

Cả đời đi tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Mỗi người có một khái niệm khác nhau. Nói chung, chấp nhận những gì mình có trong hiện tại thì đó là hạnh phúc. Còn nếu cứ đòi hỏi thì chẳng bao giờ có thể nếm được vị hạnh phúc. Với người Công giáo, hạnh phúc thực sự có khác với hạnh phúc của người vô thần hoặc người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.

Vậy đâu là giá trị đích thực của con người? Không có loại thước nào đo được. Là Kitô hữu, chúng ta hãy dùng loại thước-tâm-linh, nghĩa là dùng cách tính toán của Chúa Giêsu: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó.” (Mt 6:19-21; Lc 12:33-34)

Song song với cách cân-đong-đếm như vậy, hãy cố gắng sống đức ái. Không cần làm gì lớn lao, chỉ cần những động thái nhỏ thôi – như ánh mắt, cử chỉ, thái độ, lời nói,… Làm điều nhỏ bé nhưng làm với tình yêu lớn lao, làm việc bình thường với cách làm phi thường. Hãy nghe Chúa Giêsu phân tích và xác định: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42)

Cuộc sống luôn có những hệ lụy kỳ lạ và lô-gích. Có những hệ lụy Tốt thì cũng có những hệ lụy Xấu.

Vì THIỂN CẬN mà sinh ra ĐỘC ĐOÁN, vì ĐỘC ĐOÁN mà sinh ra ÍCH KỶ, vì ÍCH KỶ mà sinh ra TỰ TÔN, vì TỰ TÔN mà sinh ra CỐ CHẤP, vì CỐ CHẤP mà sinh ra SỐ PHẬN nghiệt ngã, và KHÔNG ai có thể cứu nổi – vì cố chấp là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là không được tha đời này và đời sau.

Tương tự, vì RẢNH RỖI mà sinh ra NÔNG NỔI, bởi NÔNG NỔI nên mới SỐNG VỘI, và bởi SỐNG VỘI mà hóa ra NÔNG NỖI, tất nhiên số phận cũng nghiệt ngã tương tự. Lưu ý: Nông Nổi và Nông Nỗi chỉ khác nhau về dấu giọng (dấu Hỏi và dấu Ngã), nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau!

Sinh ký, tử quy. Cuộc sống ở thế gian này chỉ là cuộc sống tạm bợ, vấn đề là sự sống đời sau, sự sống bất tử và vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10:28)

Thiên Đàng là nơi có thật, và tất nhiên Hỏa Ngục cũng là nơi có thật. Hai nơi đều tồn tại vĩnh viễn, nhưng sự sống ở hai nơi hoàn toàn cách biệt! Điều phải lưu ý và ghi nhớ là “Thiên Chúa không thiên vị ai,” (Rm 2:11) thưởng – phạt rất phân minh: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 12:47-48)

Dù sống hay chết, cứ chân thành xưng tụng Chúa Giêsu Kitô, bởi vì có điều chắc chắn mà Thánh Phêrô đã xác định thay cho tất cả chúng ta: “Bỏ Thầy, con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống.” (Ga 6:68) Hãy vững lòng tín thác vào Thiên Chúa là Đấng yêu thương (Ga 4:8 và 16) và cầu xin Ngài “mở ra” (Mc 7:34) những gì cần thiết để chúng ta được cứu độ.

Thiên Chúa đã cảnh báo: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:16) Ngài thực sự muốn chúng ta sống dứt khoát, thẳng thắn, tích cực và nghiêm túc. Đừng bao giờ nửa vời, chân trong và chân ngoài! Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ nói được điều này: “Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn.” (Dc 6:3)

Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế. (Tv 39:5) Xin dạy chúng con đếm tháng ngày chúng con sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. (Tv 90:12) Xin thương tình cứu con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ! (Tv 40:14) và xin thương xót con là tội nhân khốn nạn. (Tv 51)

TRẦM THIÊN THU

Cuối Tháng Cầu Hồn – 2016

[Đăng báo ĐMHCG số 375, tháng 11-2017, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]

 Tháng Đại Xá – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/11/thang-ai-xa.html
 Giúp Các Linh Hồn Nơi Luyện Ngục
     https://tramthienthu.blogspot.com/2020/10/giup-cac-linh-hon-noi-luyen-hinh.html
 Vành Khăn Tang – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/vanh-khan-tang.html
 Viếng Nghĩa Địa – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/11/vieng-nghia-ia.html
 Sự Thật về Luyện Hình – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/10/su-that-ve-luyen-hinh.html
 Lửa Mến Trong Luyện Hình
     https://tramthienthu.blogspot.com/2019/08/lua-men-trong-luyen-hinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment