Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

BIẾT ƠN và VÔ ƠN

Cuộc đời có nhiều thứ đối lập, một trong các dạng đối lập đó thuộc lĩnh vực ân huệ: biết ơn và vô ơn.

Thomas Fuller (1608-1661), sử gia và giáo sĩ Anh giáo, nói: “Con người ưa trả thù vì bị tổn thương hơn là đền đáp cho lòng tử tế.” Chính khách Benjamin Franklin (1706-1790, nhà ngoại giao và triết gia Hoa Kỳ) nhắn nhủ: “Khi được giúp đỡ, hãy ghi nhớ; khi giúp đỡ, hãy quên đi.”

Về ân huệ, tục ngữ Việt Nam có những câu nhắc nhở như: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” hoặc “Ăn cây nào rào cây nấy.” Quả thật, lòng biết ơn rất quan trọng, vì không ai lại không thụ ân của người khác bằng một cách nào đó – gián tiếp hoặc trực tiếp. Ngược lại, sự vô ơn bạc nghĩa là điều tệ hại, không ai có thể chấp nhận.

Lòng biết ơn phải được thể hiện với mọi người, đặc biệt là đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô khuyên: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.” (Cl 3:16) Bài ca tạ ơn là tình khúc hay nhất, quý giá nhất, thâm thúy nhất, và tuyệt vời nhất.

Thời nay người ta ưa dùng danh từ “soái ca.” Nhưng “soái ca” là gì? Đó là danh từ bắt nguồn từ các truyện ngôn tình, ý nghĩa của “soái ca” ngụ ý về một người đàn ông hoàn hảo trong con mắt phụ nữ. Soái ca là một người vừa có tài, vừa có chí, vừa có tình, có thể vừa điển trai vừa giàu có nữa, tất nhiên người đàn ông này rất dễ thương.

Theo ý nghĩa thực tế, mỹ từ “soái ca” ngày nay không hẳn theo ý nghĩa nguyên ngữ như trước đây. Soái ca chỉ là một con người rất bình thường nhưng có tâm hồn cao thượng, có tấm lòng nghĩa hiệp. Chẳng hạn, trong đợt mưa to ngày 26-9-2016, Saigon xuất hiện nhiều “dòng sông đau khổ.” Tầng hầm để xe tại ký túc xá của Đại học Quốc gia (Thủ Đức) bị ngập nặng, xe cộ của sinh viên “uống nước” nhiều nên hư hỏng. Tùy loại xe, tiền sửa có thể giao động từ 3 triệu tới 10 triệu VNĐ. Sinh viên lấy tiền đâu mà sửa?

Và rồi xuất hiện hai “soái ca.” Đó là Nguyễn Công Nhật Minh (khoa Kỹ Thuật Xây Dựng) và Văn Minh Hiệp (khoa Môi Trường), cả hai đang là sinh viên năm II của trường Đại học Bách Khoa tại Saigon. Họ sửa xe miễn phí cho nhiều sinh viên khác, họ chỉ xin hộp cơm ăn cho đỡ đói thôi. Đẹp thay những tấm lòng đại nghĩa như vậy! Đơn giản hóa, chúng ta có thể hiểu “soái ca” là người tốt bụng.

Kinh Thánh xác định: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN.” (Cv 20:35) Cũng có thể hiểu rằng thi ân thì có phúc hơn là thụ ân. Có người mang nhãn hiệu 3V [Vội Vơ Vét], có người mang danh hiệu 3C [Chu Cấp Cho]. Ai đại phúc và ai đại họa? Chẳng ai lạ gì cái “thương hiệu” 3T [Tham Thì Thâm].

Trình thuật 2 V 5:14-17 cho biết: Ông Naaman là quan lãnh binh của vua xứ Syria, nhưng ông mắc chứng phong cùi. Nghe lời ngôn sứ Êlisa, người của Thiên Chúa, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan, và ông được sạch, da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Phép lạ nhãn tiền, da không chỉ lành mà còn đẹp và mịn, không loại kem dưỡng da nào có thể tác dụng tuyệt vời như vậy.

Kinh Thánh cho biết thêm rằng ông đã cùng với đoàn tùy tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Gặp để làm gì? Tỏ lòng biết ơn: Thank you a lot – Merci bien. Trong thi phẩm “Hễ Mai Tớ Hỏng,” thi sĩ trào phúng Tú Xương cũng đề cập cách nói cảm ơn: “Cống hỉ” (tiếng Quảng Đông) và “Mét-xì” (Merci, tiếng Pháp). Ý nói là dùng ngôn ngữ cơ bản nhất cũng đủ đi đây đi đó, chứng tỏ lời cảm ơn thực sự cần thiết khi giao tiếp.

Ông Naaman vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.” Nhưng ông Êlisa từ chối: “Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” Ông Naaman nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối. Cuối cùng, ông Naaman nói: “Nếu ngài từ chối, xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.” Ông Êlisa bằng lòng và chúc ông Naaman đi bình an.

Khi thi ân thì không nên nhớ, nhưng khi thụ ân thì phải ghi tâm khắc cốt, ghi lòng tạc dạ. Đừng theo “thói đời” mà qua cầu rút ván, hoặc phủi tay là xong. Sách Huấn Ca xác định: “Tỏ lòng biết ơn là dâng bột tinh hảo, làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen.” (Hc 35:2)

Không đề cập trực tiếp với các từ ngữ mô tả lời cảm ơn, nhưng tác giả Thánh Vịnh vẫn chứng tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta cùng hiệp ý: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân.” (Tv 98:1-2)

Tuy là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu vẫn biết ơn Chúa Cha, chính Ngài đã làm gương để chúng ta học tập và thực hiện theo Ngài: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.” (Ga 11:41) Tác giả Thánh Vịnh giải thích và nhắn nhủ chúng ta: “Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.” (Tv 98:3-4)

Thánh Phaolô cũng đã nhiều lần thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. (x. 1 Cr 1:4; 1 Cr 10:16; 1 Cr 14:18; 2 Cr 8:16; Pl 1:3) Và thánh nhân căn dặn: “Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:17)

Đối với đệ tử Timôthê, sư phụ Phaolô đưa ra lời khuyên này: “Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít, Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!” (2 Tm 2:8-9)

Nguyên nhân thế nào? Thánh Phaolô giải thích: “Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (2 Tm 2:10) Tiếp theo là những cái “nếu” quan trọng: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm 2:12-13) Cuối cùng, nếu chúng ta biết tín thác và tạ ơn Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được lãnh nhận hơn cả những gì chúng ta mong ước.

Trình thuật Lc 17:11-19 nói về chuyện mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng CHÍN người vô ơn, chỉ có MỘT người biết ơn. Đáng lưu ý là người biết ơn lại là người ngoại giáo.

Một hôm, trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”

Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn là người Samari, khi thấy mình được khỏi thì liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Ngài nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Khi xin thì xin cho bằng được, không được thì không bằng lòng, nhưng được rồi thì không cần biết ai ráo trọi. Con người thật tệ bạc! Máu “di truyền” chăng? Có lẽ vì vậy mà Thánh Vịnh 107 lặp đi lặp lại điều mong ước này: “Ước chi họ dâng lời CẢM TẠ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.” (cc. 8, 15, 21, 31)

Lòng biết ơn rất quan trọng, đó là văn hóa cao cấp, là viên ngọc quý. Maya Angelou (1928-2014), nữ thi sĩ người Mỹ, nói: “Hãy để sự biết ơn làm gối để bạn quỳ lên nói lời cầu nguyện hàng đêm. Và hãy để đức tin làm cầu để đưa giúp bạn đi khỏi cái xấu đến với cái tốt.”

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết ghi lòng tạc dạ về mọi hồng ân của Ngài không ngừng tuôn đổ trên con, xin cũng giúp con biết ơn những người giúp đỡ con một cách nào đó – trực tiếp hoặc gián tiếp, và xin Ngài trả công bội hậu cho họ. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment