Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

HIỆN TƯỢNG MIKE PENCE – “BÁO ĐỘNG ĐỎ” CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO

Khi Thống Đốc ít danh tiếng Mike Pence của tiểu bang Indiana đã được Trump chọn làm phó trong liên danh ứng cử Tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 2016, một trong những điều đầu tiên công chúng biết là ông ấy là một người mộ đạo, một Kitô hữu hãnh diện là Kitô hữu. Pence lớn lên trong một gia đình Công Giáo gốc Ai Len đạo đức, đã từng là một cậu bé giúp lễ, sinh hoạt giới trẻ và thậm chí có lúc muốn thành một linh mục. Nhưng bây giờ ông tự coi mình là một Tin Lành với niềm tin thấm nhuần cuộc sống.
Trên tờ The New York Times ngày 20-7-2016, ông kể lại bước ngoặt của ông khi còn là sinh viên ở Hanover College. Pence nói, “Tôi đã hiến đời tôi cho Chúa Giêsu Kitô... và việc đó làm thay đổi tất cả mọi thứ.”
Báo Times cho biết, “Ông Pence cảm thấy một cái gì đó đã thiếu vắng trong đời sống tinh thần của mình... Đạo Công Giáo của tuổi trẻ mình, với thể thức và nghi lễ, đã không cho ông sự thân mật với Thiên Chúa mà bấy giờ ông thấy mình thèm muốn”.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 với Broadcasting Network Christian, “Tôi bắt đầu gặp gỡ những bạn trẻ cả nam lẫn nữ, nghe họ nói về mối quan hệ cá biệt với Chúa Giêsu Kitô... Tôi chưa hề có được kinh nghiệm như thế.”
Đây là loại câu chuyện thường làm cho người Công Giáo nghiêm chỉnh băn khoăn, không thể hiểu. Một lý do là vì người Công Giáo đó trải nghiệm thân mật với Thiên Chúa qua các thể thức và nghi lễ.
Sherry Wedell kể, “Khi tôi mới trở lại đạo Công Giáo, tôi trò chuyện sôi nổi với cha xứ đầu tiên của tôi. Cha không thể nào hiểu được những gì tôi nói với cha. Tôi nói, ‘Thưa cha, có nhiều người Công Giáo đã rời bỏ Giáo Hội đổi sang Tin Lành’. Cha xứ không thể tin được chuyện đó. Làm thế nào người ta có thể rời bỏ phép Thánh Thể để tìm thân mật ở chỗ khác? Nhưng Cha cũng lệnh cho tôi phải ‘nói với họ để ngăn chặn chuyện đó!’ Tôi đã liên tục làm việc trên từ ngày đó”.
Mike Pence không còn phải là trường hợp ngoại lệ mà là tiêu biểu cho nhiều bạn trẻ Công Giáo Mỹ của thế kỷ 21. Chúng ta sống trong một thời đại trong đó đa số người Mỹ da trắng lớn lên là người Công Giáo đã bỏ Giáo Hội tại một số thời điểm trong đời của họ. Trong số các ứng viên tổng thống tranh cử trong đảng Cộng Hòa còn có nhân vật khác như John Kassich, lớn lên trong một gia đình Công Giáo mộ đạo gốc Tiệp, từng là một chú giúp lễ và mong muốn trở thành linh mục và bây giờ là người Tin Lành. Có cần kể đến ứng viên khác là Marco Rubio, sau khi một thời bỏ đạo theo Tin Lành nay trở về Công Giáo. Dĩ nhiên chúng ta có Jeff Bush trở lại từ Tin Lành và Santorium luôn là một người Công Giáo trung tín.
Theo Nghiên Cứu của Pew (công bố ngày 2-9-2015), cho thấy, 52% người trưởng thành Công Giáo đã rời Giáo Hội một lúc nào đó; và cho đến nay, chỉ mới có 11% quay đầu trở lại Giáo Hội.
Như thế, điều tra này cho thấy 41% chưa trở lại. Điều cần thiết là chúng ta hiểu rằng nhiều người nghĩ đến việc ra đi nhiều tháng năm trước khi họ ra đi thật sự - và nhiều người ra đi không phải vì đức tin của họ vào Thiên Chúa đang giảm, nhưng bởi vì họ thật tin rằng nó đang phát triển; họ thành thật cảm thấy rằng, dựa trên những gì họ đã trải qua, có rất ít hoặc không có sự giúp đỡ tìm thấy trong các cộng đồng Công Giáo.
Weddell kể cô có một bà bạn trong một hội đồng giáo xứ. Bà đó kể cho cô một chuyện có thật của sáu người - tất cả không liên quan đến nhau - những người đã đến nói với bà chỉ trong một tháng, “Tôi đang nghĩ về việc rời bỏ giáo xứ này để gia nhập Tin Lành ở Mega Church vì tôi có những câu hỏi, mà không có bất cứ ai trong các giáo xứ tôi có thể nói chuyện về chúng”.
Bà bạn đó đã thuyết phục và giữ được bốn trong sáu người trên ở lại nguyên trong Giáo Hội, chỉ đơn giản bằng cách lắng nghe và kết nối họ với một người nào đó trong giáo xứ để giúp họ hiểu rằng Thiên Chúa đã hoạt động trong cuộc sống của họ. Sau khi Ban Truyền Giáo giáo xứ hoạt động vững vàng trong giáo xứ, hai người đã quyết định rời Giáo Hội trở lại.
Mike Pence có rất nhiều người đồng cảnh ngộ. Pew khảo sát về “Cảnh Sắc Tôn Giáo 2014” tại Hoa Kỳ cho thấy rằng 13% người lớn lên trong đạo Công Giáo hiện nay tự nhận là người Tin lành (khoảng 6 triệu người). Việc rời bỏ Giáo Hội trong thời gian sinh viên đại học thành chuyện bình thường. Số sinh viên đại học da trắng trong thiên niên kỷ mới (khoảng tuổi từ 18-24) bỏ Giáo Hội Công Giáo gấp 17 lần so với số sinh viên nhập Công Giáo. Giới Trẻ Công Giáo da trắng của thiên niên kỷ mới cũng rời khỏi đức tin của thời thơ ấu của họ nhiều hơn là người Tin Lành da trắng tuổi đại học 10 lần, theo 2012 “Khảo sát giá trị trong Thiên Niên Kỷ” được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Nhưng đâu có người Công Giáo chủ động truyền giáo, ở đó có hy vọng thực sự. Một phát hiện mới thú vị là 6% người Mỹ trưởng thành cái nôi Công Giáo hiện đang tự gọi mình là người Tin Lành hay “chẳng theo đạo nào”, vẫn còn cảm thấy ít nhất là phần nào Công Giáo. Pew có từ ngữ cho ai không coi mình là Công Giáo về thực hành tôn giáo, nhưng vẫn tự cho rằng mình là “phần nào Công Giáo” vì những lý do khác là “Công Giáo Văn Hóa”.
Trong khi người Công Giáo thật không chấp nhận loại “vừa Tin Lành vừa Công Giáo” hoặc “Công Giáo nửa vời”, nhiều kẻ lang thang tâm linh của thế kỷ 21 lại chấp nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Mike Pence tự gọi mình là một “Công Giáo Tin Lành” trong nhiều năm.
Điều vừa đáng ngạc nhiên và vừa hy vọng là 43%, hoặc chỉ hơn 6 triệu, trong những người “Công Giáo Văn Hóa” từng được nuôi dưỡng trong Công Giáo nói với điều tra viên Pew rằng họ luôn cởi mở với việc trở lại Công Giáo. Họ cảm thấy được kết nối với văn hóa Công Giáo hoặc với Giáo Hội qua gia đình, hoặc họ vẫn giữ một số niềm tin và thực hành Công Giáo nào đó. Dù họ theo Tin Lành, điều quan trọng chúng ta nhớ rằng những người đã rời thường giữ lại các liên hệ hay cây cầu cảm xúc, tinh thần quan trọng mà nhờ đó họ có thể trở lại với sự giúp đỡ của chúng ta.
Một lý do khác mà câu chuyện Mike Pence gây ra nhiều người Công Giáo phải cảm thấy kinh ngạc. Theo Pew khảo sát về “Cảnh Sắc Tôn Giáo tại Hoa Kỳ 2007” cho thấy những phát hiện đáng giật mình nhất chính là: Chỉ có 60% người lớn Công Giáo tin có một liên hệ thân mật với Thiên Chúa, và ít hơn một nửa là không chắc chắn rằng họ có thể có một mối quan hệ cá biệt với Thiên Chúa. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 78% số người Công Giáo theo Tin Lành cho rằng, nhu cầu tâm linh của họ không được đáp ứng.
Theo khảo sát, những thanh thiếu niên được nuôi Công Giáo đã theo Tin Lành 49% có đức tin “rất mạnh”. Thật thế, Công Giáo theo Tin Lành thực hành đức tin “rất mạnh” 25% nhiều hơn trong hơn số người Công Giáo còn giữ được đạo. Người Công Giáo theo Tin Lành cũng báo cáo đi nhà thờ cao hơn 21%. Đó là một sự mỉa mai khủng khiếp khi để bảo đảm người Công Giáo Mỹ sẽ đi nhà thờ thường xuyên là bảo họ hãy theo đạo Tin Lành!
Cái tin tuyệt vời hy vọng theo Weddell là cô đã nhìn thấy một sự thay đổi ngoại thường trong vòng bốn năm qua. Lãnh đạo Công Giáo ở các cấp đang bắt đầu xử lý nghiêm chỉnh với thất bại tác tạo các môn đệ, như bốn vị giáo hoàng cuối cùng đã yêu cầu chúng ta làm. Chủ chăn và lãnh đạo trong hàng trăm giáo xứ Mỹ và nhiều giáo phận đang cố gắng phá vỡ sự im lặng văn hóa về việc có một mối quan hệ cá nhân với Chúa Kitô và cùng nhau để kiến tạo những môn đệ cố ý cho người đã được rửa tội Công Giáo. Càng ngày, chúng tôi nhận thấy điều này.
Trong thế kỷ 21 ở Tây Phương, Thiên Chúa không có “cháu, chắt”. Đức tin không chỉ đơn giản là được thừa kế, nhưng lựa chọn riêng tư. Do đó, giữ đạo hình thức là chết như một chiến lược bảo trì. Mike Pence là một báo động đó, nhắc nhở sống động, nếu chúng ta quên mất và rơi trở lại vào thói giữ đạo hình thức. Nếu chúng ta không kiến tạo những môn đệ cho tín hữu Công Giáo, người khác sẽ làm điều đó cho chúng ta.
Chúng ta có thể hiểu điều này vì giáo lý trong thời gian qua đã quá sơ sài. Tôi nhớ khi dâng lễ trong một giáo xứ nhỏ miền quê. Bữa đó chẳng may có nhiều khách ghé nhà thờ. Khi cho chịu lễ, tôi phải bẻ bánh mới có thể đủ cho giáo dân. Ông từ thấy thế vào phòng áo mang ra một bịch bánh lễ còn nguyên và nói, “Còn nhiều bánh mà cha, Cha không cần bẻ ra”. Ông không phân biệt giữa bánh đã truyền phép và bánh chưa truyền phép! Có lẽ ông chịu lễ nhiều nhưng chỉ ăn một miếng bánh vậy thôi.
Một đôi khi có người nói với tôi về đời họ và những khó khăn. Tôi hay hỏi liên hệ của họ với Chúa thế nào? Câu trả lời thường xuyên là họ đọc kinh sáng, kinh tối và đi lễ Chúa Nhật đều. Tuyệt vời! Đọc kinh sáng, kinh tối và đi lễ thường xuyên là một cách tuyệt vời để làm đậm đà thêm mối thân tình với Thiên Chúa. Nhưng đọc kinh sáng, kinh tối và đi lễ không nhất thiết có nghĩa là chúng ta thân tình cá biệt với Chúa. Ngay cả những người nghĩ mình thân tình với Chúa cũng có khi chỉ có một mối quan hệ xa xôi với Chúa. Tôi biết tôi là một; và thành thật mà nói, có khi tôi vẫn có. Đó là điều Chúa không muốn chúng ta nghĩ Ngài “ở ngoài đó”.
Qua bí tích rửa tội Ba Ngôi Thiên Chúa (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) thực sự đến cư ngự trong tâm hồn chúng ta; Chúa xây nhà mình trong chúng ta. Chúng ta có sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta (miễn là chúng ta đang sống trong tình trạng ân sủng và không mất sự sống thần linh của Ngài qua tội trọng). Chúa không phải ở “ngoài”; Chúa “ở đây”. Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong chúng ta.
Nhiều vị thánh có một nhận thức sâu sắc của việc Chúa Ba Ngôi cư ngụ đến nỗi đời sống của các ngài đắm chìm (theo nghĩa đen) trong Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm sống của các Ngài. Thật là một ân sủng đẹp: để có nhận thức sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa đến nỗi đắm mình trong Chúa; vì để đắm mình trong Thiên Chúa là để đắm mình trong tình yêu. Ai lại không mong muốn được đắm mình trong tình yêu?
• Điều gì khác biệt trong mối quan hệ với Chúa nếu bạn nhận ra rằng Ngài ngự trong bạn? Nó sẽ giúp bạn trò chuyện nhiều hơn và sâu hơn với Chúa? Nó sẽ thay đổi cách bạn nhìn và xử sự với người khác? Nó sẽ thay đổi cách bạn nhìn và cư xử với chính mình? Vâng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Immanuel). Chúa không xa. Tình thân mật với Ngài là điều có thể, và nó bắt đầu bằng việc nhận thức sâu sắc về sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng ta và bước vào sự hiện diện rằng mỗi ngày. Một trong những lý do tại sao Chúa đến cư ngụ trong ta là để nói với ta về lòng Chúa thương yêu ta. Nói bằng câu truyện thân mật tự đáy lòng trong mọi nơi mọi lúc.
Nhưng làm thế nào để có điều này? Trước hết chúng ta phải nhớ lời cầu nguyện là về một quan hệ, một tình bạn, với một người. Chúa muốn có một quan hệ với chúng ta. Chúa không ở xa một trăm dặm. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, cứu Chúa của chúng ta, ngự trong tâm hồn chúng ta.
- Bạn có thể thử: Khi bạn cầu nguyện, nhắm mắt lại và gắng tập trung vào ý thức sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn của bạn. Nhận thức rằng Chúa yêu bạn nhiều đến nỗi Chúa đến cư ngụ trong bạn. Bình tĩnh cần ngồi trong im lặng và ý thức rằng Thiên Chúa Ba Ngôi mong muốn ôm bạn trong tình yêu và nhập vào một tình bạn sâu sắc với bạn. Bạn không cần phải nói gì. Chỉ cần ở với Chúa và biết rằng Chúa đang yêu đương chằm chằm nhìn bạn.
- Đặt mình vào vị trí Gioan, người Môn Đệ Chúa yêu, tại Bữa Tiệc Ly (Ga13:23-25). Tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và nghe nhịp tim của Ngài. Điều này có vẻ xa lạ hay khó chịu nếu bạn chưa bao giờ cầu nguyện như thế; nhưng hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu muốn các bạn biết rằng Chúa vẫn còn sống, với người mà bạn có thể chia sẻ những tình bạn sâu sắc nhất. Trong cầu nguyện, hãy an nghỉ trong Chúa. Đừng ngại để có được gần Chúa.
Dành ra một chút thời gian yên tĩnh trong ngày của bạn để có một cuộc đi bộ với Chúa. Cầu xin Chúa để sự hiện diện của Chúa được cảm nghiệm cách sâu sắc hơn mãi. Hãy nói với Chúa rằng bạn không muốn có một mối quan hệ xa vời với Chúa; bạn muốn được gần Chúa.
Chúa nhân từ nóng lòng ban mình cho tạo vật Người yêu, nên đã muốn hưởng sự kết hợp ấy trước khi giờ phút đời đời bắt đầu điểm! Ơn thánh làm cho Chúa ngự trong ta và ta ở trong Chúa. Ơn thánh có cùng bản tính với phúc hiển vinh. Một đàng ơn thánh là sự sống Thiên Chúa còn phôi thai, đang tập luyện trong đức tin, còn phúc hiển vinh là sự sống Thiên Chúa, nhưng đã phát triển đầy.
Vì được cảm thấy mùi êm ngọt của mầu nhiệm Ba Ngôi ngự trong linh hồn, chị Elisabeth Ba Ngôi vui mừng viết rằng: “Ôi! tôi đã tìm thấy Thiên đàng ở dưới đất rồi, vì Thiên đàng là chính Chúa, thế mà Chúa đã ngự trong linh hồn tôi rồi!” Thánh Têrêsa Avila đem sánh với lâu đài lộng lẫy nguy nga, trang hoàng bằng đá ngọc quí giá là nhân đức của linh hồn. Thánh Catarina Siena gọi việc Chúa ngự trong lòng là một phòng nho nhỏ bên trong. Và sau khi đã từng nghiệm thấy ích lợi bởi việc thực hành này, Người thích nhắc lại rằng: Các bạn hãy lập một phòng nhỏ trong linh hồn, và đừng ra khỏi đấy bao giờ. Thánh Têrêsa Hài Đồng gọi sự Chúa ngự trong lòng ta là một ‘Thiên đàng’. Thánh nữ quả quyết rằng: “Chúa Giêsu Thánh Thể lấy Thiên đàng và lòng ta làm khoái lạc, và ưa thích hơn trong bình vàng.” Thánh Phaolô gọi đó là “đền thờ”.
MAI VĨNH LỘC
(đăng Báo TTĐM số tháng 9 và 10 năm 2016, Dòng Đồng Công xuất bản tại Hoa Kỳ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment