Bạn có bao giờ tự hỏi mình như vậy chưa?
Chắc hẳn là bạn sẽ “cười khẩy” cho là tôi ngớ ngẩn! Vâng, ai lại không biết mình, ai lại không biết tôi không thể là bạn hoặc người khác – và ngược lại. Vậy mà có đôi khi chính mình mà không biết mình là ai, và chợt thốt lên: “Tôi là ai?”
Khi yêu, bạn có thể nói hoặc làm mọi thứ vì
người yêu. Nghĩa là bạn có thể quyết định rất nhanh. Tự bản chất tình yêu đã có
sẵn chất “say,” thậm chí có thể “say khướt.” Để rồi có người đã “rỗng túi”
(nghĩa đen và nghĩa bóng). Sức mạnh tình yêu như ma lực bất khả kháng khiến
người ta dễ lầm lạc, mù quáng. Quả là đáng sợ! Sức mạnh ấy tưởng chừng vô song,
nhưng vẫn còn một ma lực khác mạnh hơn nhiều, đó là Tiền Bạc. Thật vậy, nó có
thể đổi trắng thay đen, chuyển lành thành dữ, biến tốt thành xấu, sáng suốt hóa
mê muội, biến bạn thành thù trong khoảnh khắc, thậm chí nó còn khiến dứt bỏ
thâm tình: cha con, mẹ con hoặc anh chị em sẵn sàng sát hại nhau mà không
thương tiếc!
Chỉ vì đồng tiền mà người ta bất chấp tất cả,
kể cả tù đày và cái chết. Nhiều vụ án chiếm đoạt tài sản nhân dân, sex tour,
buôn bán ma túy,… đã chứng tỏ thế lực đồng tiền không dễ phản kháng. Nó ngấm
ngầm “ăn sâu” như căn bệnh trầm kha tiềm ẩn lâu ngày, đến khi biết được thì đã
“nguy kịch,” có thể gây tử vong. Với lòng tham con người, “dù đá có biến thành
vàng thì lòng người vẫn không thỏa mãn.” (Ngạn ngữ Trung Hoa)
Nhiều khi tôi thẫn thờ trước trang giấy hoặc
tựa cửa nhìn xa xăm, chợt thấy mình lạc lõng trong “cõi” ngu lạc trường và miền
ký ức hoang vu, xa ngái,…
Có khi tôi như chú dế trũi lủi thủi trong đám
cỏ bên đường tìm uống giọt sương mai. Có lúc tôi lại không khác con đom đóm bay
mơ hồ trong đêm tối, tự soi đường tìm lối đi giữa cuộc đời bon chen, khắc
nghiệt. Cũng chỉ là con người nên khó tránh khỏi đôi khi cảm thấy buồn chán rã
rượi, muốn buông xuôi mà không thể thúc thủ. Bài thơ cuộc đời tôi là bài thơ độc
vận gieo vần trắc, tôi đem phổ nhạc bao lần mà chưa trọn giai kết, bài ca mang
nhiều dấu lặng!
Danh họa Piccasso (Ý) là người đã để lại cho
đời khoảng 15.000 họa phẩm, nhưng ông lại là người rất sợ cô đơn nên ông thích
giao du. Đám tang đại nhạc sĩ Mozart (Áo) chỉ có vài người và một con chó đi
đưa. Cuộc đời thi sĩ Nguyễn Bính sống rất nghèo khổ và chết trong cô đơn. Ông
già Nam bộ Sơn Nam cũng sống rất thanh bần trong căn nhà xập xệ. Thi sĩ Bùi
Giáng sống lang thang như người điên, người có những vần thơ vừa “say” vừa
“điên” rất lạ. Số phận sao mà nghiệt ngã! Và còn nhiều nhân tài khác cũng đồng
số phận. Nhưng họ đều là các nhân tài của xã hội, của thế giới. Họ đã làm được
những điều mà người khác không làm được.
Còn tôi là ai? Tôi có quá hoài bão? Tôi chơi
vơi giữa dòng đời xuôi ngược, luôn gặp trắc trở mà không có “chiếc phao” cứu hộ
nào. Nói vậy không có nghĩa là tôi “chờ sung rụng” hoặc “chờ đợi” gì ở người
khác. Quả thật, tìm được một người bạn đích thực khó biết bao! Tìm tình yêu
không khó vì tình yêu chỉ là giọt sương lấp lánh từ xa, nhưng lại gần chỉ là
giọt nước mắt. Tìm tình bạn không dễ chút nào vì tình bạn là hạt ngọc. Đại văn
hào R. Tagore nói: “Ngọn cỏ tìm bạn bè
đông đảo ở dưới thấp, cây lớn tìm sự cô đơn ở trên cao.”
Những bước thăng trầm kiếp lãng du dạy tôi
nhiều điều “thú vị.” Hình như tôi là một born-loser (sinh ra chịu thua thiệt)
thì phải. Ước mơ nào cũng quá mong manh, cữ ngỡ sắp vói tới mà lại bị hụt hẫng bất
ngờ. Những cú shock nối tiếp, những thất bại dây chuyền khiến tôi bàng hoàng,
choáng váng. Không sự thật nào trần trụi hơn lòng người thay đổi, những người
“sớm nắng chiều mưa” (fair-weather friends – chỉ là bạn khi “thuận”) không phải
không nhiều. Có vậy mới biết vàng hay thau.
Tôi phải bươn chải vượt qua mọi nghịch cảnh,
tự tìm lối thoát giữa mê-cung-cuộc-đời. “Cây bút” đã và đang là một phần giúp
tôi sống tiếp. Ngư-ông-tôi dùng cần-câu-ngòi-bút ngồi câu trên sông đời. Có khi
được con cá lớn, có khi được con tép, cũng có khi chẳng được gì. Trắng tay! Thế
mà như nghiệp chướng, tôi cứ “say khướt” men nhạc, rượu thơ, như thất lạc cả
chính mình. Và rồi, những khi một mình, tôi lại vẫn thường tự hỏi: “Tôi là ai?” mà chưa chưa có câu trả lời
thỏa đáng. Nhiều người cho tôi là “lạ,” là “không giống ai.” Chẳng biết họ nhận
xét đúng hay sai nữa!
Khoảng 30 năm trước, một anh bạn nhiếp ảnh
nhất định không chịu chụp hình cho tôi – dù tôi có trả phí đàng hoàng. Rồi một
hôm, tại câu lạc bộ sáng tác quận Ba (Saigon), khi tôi đang ngồi chống tay trầm
tư, anh chụp cho tôi một bức chân dung, lại còn rửa tặng tôi một tấm lớn và một
tấm nhỏ, và hoàn toàn “miễn phí.” Cách nay khoảng hơn một năm, nhóm Lửa Hồng rủ
nhau đi “làm tí.” Tôi vào sau khi mọi người đã ngồi bàn. Mọi người nhìn ra và
chợt một anh bạn nói: “Tay này giống
Trịnh Công Sơn ghê!” Tôi cũng đã gặp một số người có nhận xét tương tự. Tôi
không hiểu!
Có lẽ nào tôi “đánh mất” chính mình? Nhạc sĩ
họ Trịnh cũng đã từng tự hỏi: “Tôi là ai
mà còn trần gian quá? Tôi là ai mà còn khi giấu lệ?” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt
Vọng) Có lẽ lời ca trong ca khúc “Một Cõi Đi Về” của ông vừa là câu hỏi vừa là
câu trả lời: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi
ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Trên hai vai ta đôi vầng Nhật
Nguyệt, dọi suốt trăm năm một cõi đi về.”
Tôi không dám tham vọng mà chỉ muốn bắt chước
Renard “nghĩ đến những việc lớn để có thể làm được những việc nhỏ” mà thôi,
nhất là làm được “điều gì đó” hữu ích cho người khác… Thế nhưng con người luôn
yếu đuối, dù tinh thần vẫn mạnh mẽ, như thi sĩ Tú Xương có lúc đã phải thở dài
và thốt lên:
Tôi chợt nhớ lời Hamilton Mabie khuyên: “Đừng sợ nghịch cảnh. Hãy nhớ rằng cánh diều
bay lên ngược chiều gió chứ không phải thuận chiều gió.” Vâng, tôi thấy
lòng mình chợt lắng đọng. Tôi đã, đang, và sẽ mãi mãi là chính tôi – con đom
đóm tự phát sáng để soi lối mình đi!
Bác học Albert Einstein tâm sự: “Tôi suy đi nghĩ lại, từ tháng này qua năm
nọ. Đã hết 99 lần tôi làm sai, đến lần thứ 100 tôi mới làm đúng.” Còn F.
Scott Fitzgerald nói: “Đừng bao giờ lẫn
lộn giữa hai khái niệm thất thế và bại trận.” Tôi rất tâm đắc hai tư tưởng
của hai danh nhân này.
Đôi khi tôi tự an ủi mình bằng câu nói của
nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven: “Cảm
ơn trời, tôi viết được nhạc, còn ngoài ra, tôi chẳng làm được gì khác.”
Cũng có thể đó là định mệnh mà Tạo Hóa đã an bài, hoặc như “phần cứng” đã được
lập trình sẵn, con người không thể làm gì khác được!
Tạ ơn Chúa! Tất cả đều là Hồng ân do Ngài ban
cho. (Rm 4:16)
Xin được mượn lời của Chân phước Chiara
Banado [*] để tâm sự với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn sự việc thế
này thì con đây cũng muốn.” Vâng, xin giúp con nhận ra Thiên Ý để can đảm và
vui vẻ thực thi trọn vẹn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa
của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Chiara Luce Badano (1971-1990), cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi sau biến cố quần vợt năm cô 17 tuổi. Cô bắt đầu chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Đó là sự phát khởi của một căn bệnh dẫn đến cái chết của cô chỉ ít lâu sau đó.
Chiara là thành viên của Focolare, một phong
trào do Chiara Lubich thành lập hồi năm 1943. Chiara được phong Chân phước vào
lúc 16:00 thứ Bảy, 25-09-2010, tại Divino Amore, một Đền Thánh ở Rôma. Thánh Lễ
do ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh, thay mặt ĐGH Bênêđictô
XVI, chủ sự. Lúc 20:30 cùng ngày, hàng ngàn thành viên Focolare tập trung tại
Hội Trường Phaolô VI ở Vatican để mừng sự kiện lần đầu tiên một thành viên của
Phong Trào Focolare được tôn vinh lên bàn thờ. Sáng Chúa nhật, lúc 10:30, ĐHY
Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chủ sự Thánh Lễ Tạ Ơn tại Vương Cung
Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
✽ Tôi Tưởng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/08/toi-tuong.html
(Tôi – Tối – Tồi – Tội)
Bởi vì có TỘI nên TỒI quá đi!
TÔI gần mà hóa TÔI xa
Cuộc đời hóa TỐI, còn gì là TÔI!
Nhiều T nên Tái Tê thôi
Lắm T nên đáng trách đời càng đau
Lạy Thiên Chúa, Đấng thương yêu
Xin Ngài thánh hóa, tha bao TỘI đời
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment