Tuesday, March 29, 2016

LỠ

Lỡ tay làm bể chiếc ly
Nghe lanh lảnh tiếng cười khì trăm năm
Lỡ chân lộn bước trần gian
Bước lui, bước tới, loanh quanh tháng ngày
Lỡ lời chịu nỗi đắng cay
Không sao biện hộ, u hoài mình thôi!
Lỡ tim yêu lộn cuộc đời
Tuổi buồn thao thức, đứng ngồi không yên
Lỡ cười, lỡ khóc, vô duyên
Thương đời cát bụi bao niềm khát khao!

TRẦM THIÊN THU

MẢNH VỤN SUY TƯ

Con người vốn dĩ tội lỗi xấu xa nên rất tự ái và sĩ diện, chẳng khác gì loại sĩ diện của Hêrôđê – chỉ vì đã LỠ HỨA với đứa vũ công trắc nết là con gái của mụ Hêrôđia lăng loàn, mà ông ta đã sẵn sàng chà đạp lên chính lương tâm của mình để sát hại người khác.

Tuân Tử nói: “Người CHÊ ta mà CHÊ PHẢI, đó là THẦY của ta; người khen ta mà KHEN PHẢI, đó là BẠN của ta; kẻ VUỐT VE, NỊNH BỢ ta, đó chính là KẺ THÙ của ta.”

Lời Chúa có lúc làm ta vui mừng, có lúc khiến ta đau nhói. Nhưng người ta chỉ KHOÁI đọc mấy câu “nhẹ nhàng,” không “dính líu” tới mình. Còn những câu “thẳng thắn” thì không muốn nhìn tới, tránh né càng nhiều càng tốt, nhất là khi ý tưởng đó đề cập hoặc liên quan chức vị của mình.

Chẳng hạn các loại KHỐN như thế này:

01. KHỐN cho những thành đã chứng kiến các phép lạ mà không sám hối. (Mt 11:21-24; Lc 10:13-15)
02. KHỐN cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã. (Mt 18:7; Mc 9:42-48; Lc 17:1-2)

03. KHỐN cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! (Mt 23:13-29; Mc 12:40; Lc 11:39-48; Lc 20:47)
04. Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác. (Gr 23:1)

05. KHỐN thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa. (Gr 17:5)
06. KHỐN thay dân tộc phạm tội, dân chồng chất lỗi lầm, giống nòi gian ác, lũ con hư hỏng! (Is 1:4)

07. KHỐN thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! (1 Cr 9:16)
08. KHỐN cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen. (Am 5:7)

09. KHỐN cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari. (Am 6:1)
10. Đá lại mũi nhọn thì KHỐN cho ngươi! (Cv 26:14)

Khi thấy một câu “danh ngôn” nào đó có vẻ rắn rỏi và cứng cỏi một chút – chỉ vì ý tưởng đó “CHẠM” vào mình, người ta đòi hỏi nguồn trích dẫn; ngược lại, những câu “ngọt như đường cát, mát như đường phèn” – chỉ vì ý tưởng đó TÂNG BỐC mình lên tận mây xanh, cao hơn cả độ cao mà máy bay có thể bay, người ta cười hả hê mà không cần biết nguồn nào.

Tôi đã từng trích dẫn một câu nói của Thánh TS Teresa Avila (có “đụng chạm” đến một giai cấp trong tôn giáo), và rồi bị một người “hạch hỏi” về xuất xứ của câu “nói nặng” đó, người đó dùng cách nói nặng thế này: “Đừng lấy câu nói đó nhét vào miệng của Thánh nữ!” Quái gở thật!

Như vậy, nếu không gọi là HÈN NHÁT thì gọi là gì?

TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment