Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

TẢN MẠN CHUYỆN KHỈ

Mùa Xuân 2016 là Xuân Bính Thân, Tết con Khỉ.
Khỉ đứng thứ 9 trong danh sách 12 con giáp. Số 9 được coi là con số bí ẩn. Số 9 được phát âm là “cửu”, người ta cho đó là hài âm với “vĩnh cửu”. Rất tốt. Và khỉ nhà ta có nickname là Thân.
Khỉ được coi là loài vật có nét giống người nhất, đặc biệt là cũng biết biểu hiện cảm xúc, thế nên người ta đã “công nhận” nó là tổ tiên của loài người. Thật là ngu xuẩn!
Charles Robert Darwin (1809-1882) là người đã đề xuất điều đó khi ông đưa ra “thuyết tiến hóa”.
Nhưng rồi trong cuốn “Cuộc Sống và Những Lá Thư”, năm 1887, Charles đã cảm thấy bất an và tự vấn: “Tôi thường rùng mình ớn lạnh, tự hỏi: Lẽ nào tôi đã hiến thân cho ảo tưởng chăng?”
Phải thế thôi. Con người là loài cao cấp nhất, đặc biệt là có LINH HỒN, chứ không chỉ có GIÁC HỒN như các loài động vật và SINH HỒN như các loài thực vật. Động vật và thực vật KHÔNG CÓ linh hồn như loài người chúng ta. Ai lại đi nhận loài vật là tổ tiên của mình chứ? Nhận như vậy không chỉ dại dột mà còn ngu xuẩn, thậm chí có thể là điên khùng mới nhận như vậy!
Trong Kinh Thánh, Tân Ước không nói gì đến loài khỉ, còn Cựu Ước chỉ nhắc đến khỉ hai lần, nhưng với ý tưởng giống nhau mà thôi:
[1] “Vua Sa-lô-môn có một đoàn tàu biển đi Tác-sít, cùng với đoàn tàu của vua Khi-ram; và cứ ba năm một lần, đoàn tàu Tác-sít đến, mang theo vàng, bạc, ngà, khỉ và công.” (1 V 10:22)
[2] “Vua Sa-lô-môn có một đoàn tàu đi Tác-sít cùng với các tôi tớ của vua Khi-ram, và cứ ba năm một lần, đoàn tàu Tác-sít đến mang theo vàng, bạc, ngà, khỉ và công.” (2 Sb 9:21)
Khỉ thông minh, lanh lẹ, hoạt bát, giỏi bắt chước, và khoái món chuối. Khỉ là một trong các loài động vật thuộc lớp thú, bộ linh trưởng. Khỉ có ba nhóm lớn là khỉ Tân Thế Giới, khỉ Cựu Thế Giới, và khỉ không đuôi. Hiện nay, người ta ước tính có khoảng 260 loài khỉ, và đã có khoảng 264 loài khỉ bị tuyệt chủng.
Một số loài nhìn giống như khỉ không đuôi – ví dụ, tinh tinh, bình dân thường gọi chung là “khỉ”, nhưng các nhà sinh học không xếp chúng vào loài khỉ. Nó không có đặc điểm nào duy nhất như các loài khỉ đều có mà các loài khác không có.
Nói đến khỉ, chúng ta nhớ tới bộ phim Tây Du Ký của Trung Hoa, nhân vật nổi bật và được khán giả yêu thích là một Chú Khỉ, tức là Tôn Ngộ Không. Trong thần thoại Ấn Độ, Hanuman cũng là một con khỉ. Và khỉ cũng được người ta dùng mua vui cho thiên hạ, người ta “kinh doanh” nó bằng cách cho nó diễn các “trò khỉ” để kiếm tiền.
Khỉ được coi là động vật tượng trưng cho tinh thần lạc quan, nhưng khỉ cũng rất tinh nghịch. Vì vậy, khi nói về một đứa trẻ nghịch ngợm, người ta thường nói: “Nghịch như khỉ vậy!” Còn khi nói về một đứa trẻ trông xấu xí, người ta thường nói nói: “Trông như khỉ vậy!” Nói chung, cái gì có vẻ “chả ra gì” thì người ta đều đưa khỉ ra mà ví von: Khỉ thật! Khỉ khô! Khỉ mốc! Khỉ gió! Đồ khỉ! Trò khỉ! Ngay cả chiếc cầu tạm bợ, gọi là “cầu” chứ chỉ là cái cây bắc ngang, người ta cũng “lôi” khỉ ra làm “chốt thí”, và loại cầu đó được gọi là “cầu khỉ”.
Năm nào cầm tinh con khỉ thì người ta coi đó là năm xui xẻo. Trong dân gian có câu tục ngữ: “Đói năm khỉ, năm chó; ăn no đủ năm heo.” Bởi vì dân gian cho rằng năm khỉ là năm tai họa, thu hoạch không tốt, nên người ta kỵ năm khỉ.
Ngoài ra, dân gian còn có một số thành ngữ phổ thông liên quan loài khỉ:
     – “Khỉ Ho Cò Gáy” ngụ ý nói tới nơi hoang dã, vắng vẻ, hoang liêu, xa xôi, hẻo lánh, không hoặc ít người lui tới. Câu này thường dùng để chỉ những vùng khô cằn sỏi đá, không có đủ điều kiện để con người an cư lạc nghiệp.
     – “Nhăn Nhó Như Khỉ Ăn Gừng” (cũng nói “Nhăn Như Khỉ Ăn Ớt”) ngụ ý nói tới những người đang đau buồn, khổ tâm, dễ cau có khó chịu đối với mọi người chung quanh.
     – “Nuôi Khỉ Dòm Nhà” ngụ ý khuyên ta thận trọng trong việc tin dùng người – tương tự như câu “nuôi ong tay áo”. Khỉ ưa phá phách, ăn vụng, ăn trộm, thế nên nuôi khỉ dòm chừng nhà chẳng khác nào nuôi kẻ xấu, kẻ gian, lợi không thấy mà chỉ thấy hại.
     – “Rung Cây Nhát Khỉ” ngụ ý nói tới sự hăm dọa ai đó nhưng vô tác dụng, vô hiệu quả, sự việc chẳng đi đến đâu. Khỉ rất sợ người, gặp là chúng leo lên cây, vì thế người ta thường rung cây để hù dọa khỉ, nhưng càng rung thì khỉ càng bám chặt vào ngọn cây, không sao rơi rớt xuống được. Người ta có rung cây cũng chỉ luống công vô ích mà thôi.
Khỉ lanh chanh vậy đó, nhưng khỉ cũng chẳng phải “tay vừa” đâu. Lúc bị chuột chù chê hôi hám, khỉ liền “móc lại” khiến chuột chù phải nín thinh, im re, đành ngậm bồ hòn làm ngọt:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm?
Năm con khỉ, người ta có câu chuyện “Bán Khỉ” như một chuyện ngụ ngôn có tính mỉa mai và răn đời thế này...
Trong một hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng, có một gian hàng được rất nhiều người chú ý. Tại gian hàng đó, người ta rao bán 3 con khỉ.
Con khỉ thứ nhất được rao bán với giá 200 USD. Người bán hàng giới thiệu rằng nó rất giỏi, cái gì cũng biết làm – dọn vệ sinh, pha trà, làm kế hoạch, báo cáo và nhiều loại công việc khác mà chủ yêu cầu.
Con khỉ thứ hai có giá 500 USD. Người bán hàng quảng cáo rằng nó có thể làm được tất cả những việc mà con khỉ thứ nhất làm được, đặc biệt là nó còn biết làm vui lòng chủ.
Con khỉ thứ ba còn “ấn tượng” hơn, trông nó rất đẹp, lông mượt óng ả, ngồi chễm chệ trên chỗ cao giữa gian hàng, nó có cách uống trà trông rất điệu nghệ.
Một vị khách tò mò hỏi: “Thế con khỉ này giá bao nhiêu?”. Người bán hàng trả lời: “Nó mắc à! Giá của nó là 2.000 USD”. Vị khách ngạc nhiên: “Sao mắc thế? Nó còn làm được gì siêu lắm à?” Người bán hàng bình thản trả lời: “Nó không làm gì cả!” Vị khách rất kinh ngạc: “Không làm gì sao mắc dữ vậy? Ông đùa à?” Người bán hàng thản nhiên: “Tôi không biết. Nhưng tôi thấy hai con khỉ kia phải kêu nó bằng sếp!”
Cách mỉa mai thâm thúy và “nhức nhối” lắm!
Liên quan câu chuyện con khỉ là “sếp” trên đây, Tân Ước cũng có một câu chuyện tương tự: Sau khi nghe hai con ông Dê-bê-đê xin được ngồi bên hữu và bên tả, các môn đệ khác đã nổi nóng và tức tối với họ. Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và dạy bài học phục vụ: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụhiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:25-28; Mc 10:42-45)
Năm Bính Thân, xin cầu chúc mọi người có được những tính tốt của loài khỉ (thông minh, hoạt bát, khéo léo, bắt chước cái tốt,…), và tránh được các thói xấu của loài khỉ (ăn vụng, tinh nghịch, bắt chước cái xấu,…).
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment