Monday, January 18, 2016

NẮNG XUÂN VỀ

Muôn đời nắng vẫn là nắng, được chiếu tỏa từ mặt trời. Nắng mỗi mùa có khác một chút về mức độ nóng bức. Nắng mỗi nước cũng có khác nhau về mức gay gắt, rõ ràng nhất là mỗi châu lục. Ngay như ở Việt Nam cũng đã khác nhau theo từng miền.

Tuy nhiên, màu nắng thì giống nhau, nếu có khác là do cảm nhận của con người. Ví dụ, nắng buổi sáng có vẻ trong suốt như pha-lê khiến chúng ta cảm thấy nắng có màu “trắng,” nắng buổi trưa “mạnh” hơn khiến chúng ta cảm thấy nắng có màu “vàng,” còn nắng buổi chiều “dịu” hơn khiến chúng ta cảm thấy nắng có màu “lam.”

Nắng cũng có thể mang những sắc màu khác nhau tùy theo tâm trạng của mỗi người buồn hay vui, hiền hay dữ, tha thiết hay vô tình, ưu tư hay hạnh phúc,… Mỗi người mỗi vẻ nên màu nắng cũng thay đổi theo nhãn quan của mỗi người. Nhưng chắc chắn rằng màu nắng mãi mãi là… màu nắng: Vô sắc nhưng diệu kỳ, nhất là nắng Xuân.

Vì nắng thay đổi theo tâm trạng con người nên nắng mùa Xuân hẳn là có màu sắc rất đặc biệt, nhất là với những tâm hồn nghệ sĩ, dù người bình thường chỉ thấy nắng… bình thường. Có lẽ vậy nên NS Huỳnh Anh, với sự nhạy cảm và óc tưởng tượng phong phú, ông đã vui sướng khi nhìn nắng Xuân, và ông cảm xúc viết nên nhạc khúc “Mừng Nắng Xuân Về.”

Ca khúc này được viết ở âm thể Trưởng, tiết tấu vui rộn ràng như nhịp Xuân, giai điệu “sáng” như ngày Tết. Ông mượn hình ảnh lứa đôi yêu nhau để diễn tả tình yêu thương của muôn người.

Ông mô tả nắng rất lạ: “Nắng Xuân về trên muôn hoa, nắng Xuân về ru ấm mọi nhà, một mùa Xuân nắng mây ghép hình, một mùa Xuân lá, hoa kết tình.” Xuân luôn vui tươi khiến người ta cũng vui, người ta vui thì cảm thấy mùa Xuân càng vui hơn, và nắng Xuân cũng đẹp hơn nhiều.

Mỗi người nhìn nắng Xuân có màu khác nhau, riêng NS Huỳnh Anh thấy màu hồng trong những tia nắng Xuân: “Nắng Xuân hồng về nơi nơi, cánh hoa vườn Xuân ngát hương đời, một mùa Xuân thắm đôi lứa mình, một mùa Xuân nối duyên chúng mình.” Mùa Xuân là mùa yêu thương, mùa Xuân nối kết muôn người, đặc biệt là nối kết hai người yêu nhau để tình yêu lên ngôi ngự trị trong đôi tim đang cuồn cuộn máu hồng tươi và nóng hổi.

Mùa Xuân càng vui hơn vì được tận hưởng những ngày tết trong cảnh thanh bình: “Một mùa Xuân tươi vui thanh bình, bầy chim hót ca vui bình minh, sẽ nối tiếp mãi tháng năm dài, hồn ta đắm say.” Xuân làm người ta vui, hòa bình làm người ta hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc đó còn mãi suốt những tháng năm dài được êm ấm trong cảnh hòa bình thực sự, mượt mà và nhẹ nhàng như thơ. Vì thế, niềm vui sẽ biến thành niềm yêu thương xanh mướt và tỏa hương tình yêu khiến lòng người ngây ngất: “Lời thơ tha thiết sẽ dâng tràn, đời ta sống vui trong tình thương, nối tiếp số Xuân xanh yêu thương, còn hương vấn vương.”

Nắng Xuân có vẻ bình thường mà kỳ diệu thật: “Nắng Xuân về trên muôn hoa, nắng Xuân về êm ấm muôn nhà, thời gian nâng giấc đôi lứa mình, đời ta lưu luyến như bóng hình.” Nắng Xuân tô đẹp những bông hoa, làm ấm tình gia đình, và làm cho tình yêu đôi lứa thêm nồng nàn.

Ngày xưa, đoạn kết được hát với ca từ thế này: “Mừng Xuân ta hát câu thái hoà, ngày Xuân vui thắm non nước nhà.” Dù là “dị bản” nhưng vẫn nói lên niềm hạnh phúc của những người được sống trong một đất nước có nền hòa bình đích thực. Tuyệt vời biết bao, người dân được như thế thì như thiên đàng trần gian vậy!

Ước gì mọi người trên thế giới luôn biết tôn trọng công lý để nơi nào cũng được hưởng nền hòa bình đích thực!

Kinh thánh không “quan tâm” nắng, dù là nắng Xuân, mà chỉ nói tới mặt trời mọc và lặn. (St 15:12; St 15:17; St 19:23; St 28:11; St 32:32; St 37:9; Xh 16:21; Xh 22:2 & 25; Xh 27:13; Xh 38:13; Lv 22:7; Ds 2:3; Ds 3:38; Ds 34:15; Đnl 4:19; Đnl 16:6; Đnl 17:3; Đnl 23:12; Đnl 24:13) Kinh Thánh chỉ một lần đề cập “mặt trời công chính” trong sách Malakhi: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng.” (Mlk 3:20)

Tuy nhiên, danh xưng “Đấng Công Chính” được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước, (Xh 9:27; Et 9:15; Tb 3:2; G 34:17; Tv 11:7; Tv 35:25; Cn 21:12; Kn 12:15; Is 45:13; Gr 31:23; Gr 33:15; Đn 9:7; Xp 3:5) và cũng được nói tới trong Tân Ước. (Lc 7:29; Ga 17:25; Cv 3:14; Cv 7:52; Cv 22:14; Rm 3:1; Rm 3:25-26; 1 Pr 3:18; 1 Ga 2:1; 1 Ga 2:29; 1 Ga 3:7)

Đấng Công Chính đó là Mặt Trời Công Chính, là Ánh Sáng muôn dân, là Ánh Sáng Cứu Độ: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4:16) Chính Đức Kitô đã chiếu tỏa Ánh Sáng Sự Sống trên chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi bóng đêm tội lỗi, qua sự chết và sự phục sinh của Ngài.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng dạy và bắt buộc chúng ta phải trở nên “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5:13-16; Mc 9:50; Lc 14:34-35) Nếu chúng ta là “ánh sáng” như vậy thì chúng ta cũng phải chiếu sáng khắp nơi. Điều quan trọng: Ánh sáng phải phát ra từ Mặt Trời Công Chính, đó là Đức Giêsu Kitô.

TRẦM THIÊN THU

✽ NS Huỳnh Anh sinh năm 1932 tại Cần Thơ, là con trai của nghệ sĩ Sáu Tửng – một người chơi đàn Kìm nổi tiếng về nhạc cải lương tại miền Nam. Năm 1947, ông chính thức bước vào con đường âm nhạc với vai trò một tay trống trong một ban nhạc tại Đà-lạt. Từ đó tới năm 1957, ông là nhạc công cho những đoàn cải lương, các vũ trường, các phòng trà ca nhạc với các ban nhạc Philippines. Ông chơi được nhiều nhạc cụ, từ guitar, piano tới kèn, percussion, dù ông chẳng được học mà chủ yếu là tự học.

Ông sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 bài. Một trong những nhạc phẩm đầu tiên của ông là “Em Gắng Chờ,” ra đời khoảng cuối thập niên 1950. Tiếp theo là các ca khúc khác được nhiều người biết tới. Theo lời ông kể, ca khúc “Kiếp Cầm Ca” được ông sáng tác để tặng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga.

Ông cũng sáng tác một vài ca khúc cho các phim như ca khúc “Loan Mắt Nhung” viết riêng cho bộ phim cùng tên năm 1970, có sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga, và bài Sa Mạc Tuổi Trẻ” viết cho phim “Điệu Ru Nước Mắt.” Ông định cư tại San Francisco (Hoa Kỳ) từ tháng 4-1975. Năm 2004, NS Huỳnh Anh xuất hiện trong một chương trình Paris By Night cùng với NS Nguyễn Hiền và NS Song Ngọc.

Một số ca khúc khác của ông: Biết Nói Gì Đây, Đời Tôi Chỉ Một Người, Gửi Về Bên ấy (phổ thơ Trần Quốc Lịch), Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (phổ thơ Kiên Giang), Kiếp Cầm Ca, Lạnh Trọn Đêm Mưa, Loan Mắt Nhung, Mưa Rừng (viết riêng cho vở cải lương cùng tên), Nếu Ta Đừng Quen Nhau, Rừng Lá Thay Chưa (thơ Hoàng Ngọc Ẩn), Thuở Đó Có Em, Tiếng Ru Ngàn Đời, Tìm Đâu Phút Ban Đầu,…

No comments:

Post a Comment

Comment