Sau những ngày hè, học sinh lại chộn rộn chuẩn bị bước vào năm học
mới. Có vài cách gọi “sự kiện” này: Tựu trường, khai giảng, nhập học. Nói đầy
đủ là “khai giảng niên học mới” – tức là bắt đầu một năm học mới.
Tháng Chín. Giã từ mùa Hạ để bước vào mùa Thu, chia tay kỳ nghỉ hè
để bắt đầu năm học mới. Một chút lưu luyến mùa hè quyện lẫn trong nỗi rạo rực
vào năm học mới…
Trong truyện ngắn “Tôi Đi Học”, nhà văn Thanh Tịnh hồi tưởng buổi
tựu trường: “Hằng năm cứ vào đầu
Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng
tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.
Khung cảnh thật đẹp với “lá rụng” và “những đám mây bàng bạc” để
ông phải “nao nức với những kỷ niệm”, dù ông đã xa tuổi học trò. Ông tâm
sự: “Tôi không thể nào quên được
những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm
cười giữa bầu trời quang đãng”. Ông so sánh “những cảm giác” kỳ lạ trong
buổi sáng tựu trường của một học sinh nhỏ như “mấy cành hoa tươi mỉm cười”, đặc
biệt là mấy cành hoa tươi đó nở “giữa bầu trời quang đãng”. Cách so sánh của
ông rõ ràng khiến người đọc có thể hình dung ra không gian và thời gian. Hay và
độc đáo quá!
Ông kể rất thật lòng: “Những
ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày
nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần
đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã”. Hình ảnh những “em nhỏ
rụt rè núp dưới nón mẹ” thật dễ thương, hồn nhiên trong niềm hạnh phúc tuổi
thơ, vì đó là “lần đầu tiên đến trường”, khiến nhà văn Thanh Tịnh cũng chợt cảm
thấy “tưng bừng rộn rã”.
Vừa chộn rộn hoà niềm vui chung với các em nhỏ, ông vừa bồi hồi
nhớ mẹ: “Buổi sáng mai hôm ấy, một
buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con
đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này
tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi
đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Nhớ lắm cái nắm tay âu yếm của mẹ dắt vào trường trên con đường
làng ngày xưa, vì người mẹ là thầy dạy đầu tiên của mỗi con người. Khi người
vui thì cảnh vật cũng vui. Con đường thân quen và bình thường bỗng nhiên khác
lạ, cảnh vật như cũng thay đổi tâm trạng theo cậu học trò nhỏ Thanh Tịnh. Nhưng
đơn giản chỉ là: Đi học.
Tựu trường là niềm vui tuổi học trò. Được đến trường là một niềm
hạnh phúc lớn. Đến trường để gom góp và trau dồi kiến thức, hy vọng sẽ lợi ích
cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước, cho xã hội,... Có rất nhiều thứ phải
học, từ những điều đơn giản nhất: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”,
huống chi những thứ khác. Nhưng không chỉ học để thêm kiến thức và mở mang trí
tuệ, quan trọng hơn phải là học “đạo làm người”, bởi vì dù bất kỳ ai có thành
“ông kia, bà nọ” thì trước tiên vẫn phải “làm người”. Đó là lễ phép. Như tục
ngữ Việt Nam khuyến cáo: “Tiên học LỄ,
hậu học VĂN”.
Ngày xưa, thi sĩ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907) đã phải “Than
Đạo Học” bằng giọng buồn buồn: “Đạo
học ngày nay đã hỏng rồi – Mười người đi học, chín người thôi”. Ông “than”
về thời của ông, nhưng “lời than” của ông có lẽ cũng không sai gì so với thời
đại của chúng ta ngày nay!
Các học sinh nô nức với niềm vui tựu trường thì cũng là lúc cha mẹ
chất đầy ưu tư lo lắng về việc sắm sửa học cụ và “học phục” (quần áo đi học)
cho con cái. Đủ thứ tiền. Không chỉ vậy, các em còn phải “cõng” hoặc “gùi”
những chiếc cặp to đùng nặng trĩu cả đôi vai nhỏ, và rồi chúng lại sắp sửa bị
“nhồi nhét” kiến thức, bị “đúc khuôn”, bị “phải thế này” hoặc “phải thế nọ”.
Có những cái “phải” như đồng phục. Đồng phục cũng đúng, không sai,
thế nhưng tại sao đồng phục mỗi trường mỗi khác mà không đồng phục “chung” như
áo trắng và quần xanh hoặc đen? Như vậy phải gọi là đồng phục “riêng”. Đồng
phục là trang phục giống nhau, có cái “chung”, vậy mà lại hoàn toàn “riêng” –
nghĩa là “khác”. Lạ thật! Cái đồng phục ngày nay “ép” học sinh nhiều thứ: Nào
là giấy bọc sách vở, nhãn vở; nào là quần áo hoặc đầm (đối với nữ), mũ, nón;
nào là ba lô, áo len (đối với vùng lạnh);… Ôi, đồng phục! Đủ thứ linh tinh. Cha
mẹ “nhức đầu” thật, thảo nào có nhiều em thất học vì không được tới trường, lý
do là cha mẹ không “kham” nổi!
Mới giữa tháng 8 mà học sinh đã phải đến trường từ lâu rồi. Như
vậy, mùa hè của các em bị “rút ngắn”, niềm vui hè của các em bị “tước đoạt”,
không còn đủ “chín mươi ngày qua chứa chan tình thương” (Nỗi Buồn Hoa Phượng –
Ns. Thanh Sơn) như xưa nữa. Tội nghiệp các em!
Tiếng trống khai trường mới là lúc chính thức bắt đầu năm học mới.
Thế nhưng ngày nay học sinh “phải” đi học trước vài tuần, thậm chí cả tháng,
rồi đến đầu tháng 9 mới nổi hồi trống khai trường. Học cả tháng rồi mới khai
trường, còn gì là ý nghĩa? Quá vô lý! Và người ta có đủ lý do để biện hộ.
Và vì thế, có những lý do mà chúng ta cho là “tế nhị” hoặc “thực
tế” có thể khiến các em cảm thấy “gò bó” rồi chán học, không còn hứng thú đi
học như nhà văn Thanh Tịnh nữa! Đi học là niềm vui, thế mà đi học đối với học
sinh ngày nay lại hóa nỗi buồn “thầm kín”, không biết tỏ cùng ai. Cũng có thể
là các em thích đi học, yêu cái chữ, nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lại
phải “chạy theo” các “quy luật” của nhà trường nên không kham nổi, đành cho các
em ở nhà, thậm chí có những em còn phải lao động để mưu sinh phụ giúp cha mẹ.
Vậy là cái học ngày nay, theo một khía cạnh nào đó, cũng “hỏng”
rồi. Dĩ nhiên, cái học ngày xưa “hỏng” kiểu khác, cái học ngày nay “hỏng” kiểu
khác. Cái khác ấy tuy có “khác nhau” nhưng lại vẫn giống nhau!
TRẦM THIÊN
THU
Mùa
Tựu Trường 2015-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment