Giáo Hội dạy chúng ta tin rằng thiên thần hiện hữu trong tâm linh chứ không hiện hữu bằng thân xác. Với bản chất cao cấp của thụ tạo, các thiên thần có hai vai trò: Phục vụ Thiên Chúa và là sứ giả của Thiên Chúa. Chữ “thiên thần” (angel) có nghĩa là “sứ giả” (messenger).
Là thụ tạo vô hình, các thiên thần cũng có ý muốn tự do và trí thông minh. Các thiên thần là thụ tạo bất tử của Thiên Chúa, trổi vượt hơn mọi thụ tạo hữu hình của Thiên Chúa. (GLCG, số 330)
Kinh Thánh đề cập
các thiên thần hơn 300 lần. Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều tin có
thiên thần và cùng đề cập tên của ba tổng lãnh thiên thần: Micae, Gáprien và
Raphae.
Truyền thống Giáo
Hội, dẫn chứng mặc khải Kinh Thánh (1 Cl 1:16; Rm 8:38) liệt kê chín phẩm thiên
thần. Theo phẩm trật đi lên: Cấp ba gồm Thiên Thần, Tổng Lãnh Thiên Thần, Lãnh
Thần; cấp hai gồm Quyền Thần, Quản Thần; cấp một gồm Bệ Thần, Dũng Thần, Minh
Thần, Luyến Thần (thần sốt mến).
Ngày nay người ta
quan tâm nhiều tới các thiên thần, với nhiều sách báo và các chương trình nói
về các thiên thần. Điều này phản ánh một xã hội đương đại đang tìm kiếm các giá
trị tâm linh. Nhưng người Công giáo vẫn luôn sùng kính các thiên thần. Dĩ
nhiên, ông bà và cha mẹ của bạn cũng biết cầu nguyện với các thiên thần bản
mệnh.
Giáo Hội nói rằng
mỗi người đều có một Thiên Thần Bản Mệnh. Niềm tin này dựa vào Cựu Ước có đề
cập như thiên thần Raphael bảo vệ ông Tôbia. Chính Chúa Giêsu cũng nói về các Thiên
Thần Bản Mệnh khi Ngài cảnh báo dân chúng đừng làm gương xấu cho trẻ em. (Mt
18:10) Công việc của các Thiên Thần Bản Mệnh là bảo vệ và che chở chúng ta. Một
số thánh, như thánh Phanxicô thành Rôma, nói rằng đã được gặp và hằng ngày nói
chuyện với các Thiên Thần Bản Mệnh của họ.
Thánh Gioan Bosco
nói: “Khi bị cám dỗ, hãy cầu nguyện với Thiên
Thần của bạn. Ngài sẽ giúp bạn nhiều hơn bạn tưởng. Hãy làm ngơ ma quỷ và đừng
sợ nó. Nó sẽ run rẩy và chạy khỏi tầm nhìn của Thiên Thần Bản Mệnh.”
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment