Thursday, April 7, 2016

SERAPHIM, CHERUBIM và BỐN SINH VẬT

Có ba dạng “thiên vật” kỳ lạ được mô tả trong Kinh Thánh. Chúng không giống bất cứ thứ gì mà chúng ta thường nghĩ về các thiên thần. Các “thiên vật” đó là Seraphim (hoặc Seraphs), Cherubim (hoặc Cherubs) và Bốn Sinh Vật. Tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc phụng sự Thiên Chúa trên trời.

SERAPHIM hoặc SERAPHS

Danh từ Seraphim (số ít là seraph, số nhiều là seraphim) nghĩa là “vật cháy” hoặc cao thượng. Đôi khi cũng được gọi là “vật yêu thương” vì danh xưng này có thể có nguyên ngữ từ tiếng Do Thái dành để nói về tình yêu. Seraphim được mô tả đầy đủ trong Kinh Thánh trong sách ngôn sứ Isaia, khi ông được Thiên Chúa kêu gọi ông và ông có thị kiến. (x. Is 6:1-7)

Các dạng “thiên vật” này đều có 6 cánh, nhưng chỉ dùng 2 cánh để bay, ít khi dùng các cánh để che mặt và chân. Cánh dùng để che mặt vì họ ở gần Thiên Chúa, thấy trọn vẹn vinh quang của Ngài, ánh sáng mạnh mẽ khó có thể chịu nổi. Chân được coi là “không sạch” và không xứng đáng phô bày trước Thánh Nhan Chúa. (Một số học giả cho rằng “chân” có thể mang ý nghĩa là “bộ phận sinh dục.”) Chúng ta không thể biết có bao nhiêu thiên thần, nhưng chắc chắn rất nhiều, vô số.

Vị trí của Seraphim là bay ở phía trên Ngai Thiên Chúa, khác với Cherubim là thiên thần ở bên cạnh hoặc ở xung quanh Ngai Thiên Chúa. Nhiệm vụ của Seraphim là không ngừng tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa. Lời chúc tụng của họ là: “Thánh, thánh, thánh, Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh, trời đất đầy vinh quang Ngài.” Đó là những lời đã được dân Do Thái và các Kitô hữu sử dụng hàng ngàn năm qua để hợp lời với các thiên thần cùng chúc tụng Thiên Chúa. Trong tiếng Do Thái, dùng điệp từ ba lần là để diễn tả rằng người hoặc vật nào đó rất quan trọng. Do đó, chúc tụng Thiên Chúa là thánh ba lần nghĩa là Thiên Chúa hoàn hảo và chí thánh.

Trong tiếng Do Thái, Seraphim là phẩm cao nhất trong chín phẩm thiên thần – theo phẩm trật đi lên: Cấp ba gồm Thiên Thần, Tổng Lãnh Thiên Thần, Lãnh Thần; cấp hai gồm Quyền Thần, Quản Thần; cấp một gồm Bệ Thần, Dũng Thần, Minh Thần, Luyến Thần (thần sốt mến). Có thể vì Seraphim rất gần với Thiên Chúa.

Trong nghệ thuật, Seraphim thường được mô tả bằng màu đỏ (vì Seraphim nghĩa là “vật cháy”) và được minh họa cầm gươm lửa có chữ “thánh, thánh, thánh.”

Trong thị kiến của ngôn sứ Isaia, than chạm vào môi ông để xác nhận ông đã được thanh luyện và xứng đáng là ngôn sứ. Than này đến từ bàn thờ trên trời, cực mạnh. Lửa cũng được sử dụng trong nhiều tôn giáo như là cách thanh luyện và thanh tẩy.

CHERUBIM hoặc CHERUBS

Người ta thường nghĩ rằng Cherubim (Kê-ru-bim) có hình dáng một đứa bé mụ mẫm, kháu khỉnh, có hai cánh nhỏ. Tuy nhiên, Kinh Thánh không mô tả như vậy! Cherubim được mô tả trong hai cuốn sách của bộ Kinh Thánh: Sáng Thế và Êdêkien.

Trong Sáng Thế, Cherubim canh giữ Vườn Địa Đàng, rồi trục xuất Adam và Eve ra khỏi Vườn Địa Đàng. Cherubim được mô tả cầm gươm lửa. (St 3:24)

Ngôn sứ Êdêkien có thị kiến về tầng trời khi ông thấy các thiên thần. Ông mô tả về Cherubim rất mạnh mẽ – hầu như khiến chúng ta cảm thấy sợ. (Ed 1:1-14; Ed 1:22-24; Ed 10:3-8; Ed 10:12; Ed 10:14; Ed 10:20-22)

Không như chúng ta tưởng, vì các “thiên vật” này có bốn mặt và bốn cánh. Cherubim cũng dđược mô tả trong cuộc đóng tàu của ông Nô-ê (Ark of the Covenant – Tàu Giao Ước). Tàu này có kích thước rộng lớn: “Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia; ngươi sẽ làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp, ở hai đầu. Các tượng thần hộ giá có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp. Ngươi sẽ đậy nắp xá tội trên Hòm Bia, và ngươi sẽ đặt vào đó Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi. Ở đó Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Từ trên nắp, giữa hai tượng thần hộ giá đặt trên Hòm Bia Chứng Ước, Ta sẽ nói với ngươi tất cả những gì Ta truyền cho ngươi để ngươi nói lại cho con cái Ít-ra-en.” (Xh 25:17-22)

Tàu này được đặt trong Đền Thờ Do Thái, được xây dựng ở Giêrusalem. Nơi Cực Thánh có tượng Cherubim. Trình thuật 1 V 6:23-28 cho biết: “Trong Nơi Cực Thánh vua làm hai Kê-ru-bim bằng gỗ ô-liu, cao năm thước. Một cánh của một Kê-ru-bim dài hai thước rưỡi, cánh kia cũng hai thước rưỡi; thành ra từ đầu cánh này tới đầu cánh kia là năm thước. Kê-ru-bim thứ hai cũng đo được năm thước; hai Kê-ru-bim có một kích thước và hình thể như nhau. Chiều cao của một Kê-ru-bim là năm thước; Kê-ru-bim thứ hai cũng thế. Vua đặt các Kê-ru-bim ở giữa Nhà, phía bên trong; cánh xoè ra: một cánh của Kê-ru-bim thứ nhất đụng tường bên này, và một cánh của Kê-ru-bim thứ hai đụng tường bên kia; hai cánh khác giao nhau ở giữa Nhà, cánh nọ chạm cánh kia. Vua cũng dát vàng các Kê-ru-bim.” Và trình thuật 1 V 8:6-7 cho biết: “Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung Đơ-via của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Kê-ru-bim. Quả vậy, các Kê-ru-bim xoè cánh ra bên trên Hòm Bia, che phía trên Hòm Bia và các đòn khiêng.”

Thị kiến của ngôn sứ Êdêkien mô tả dạng “thiên vật” khác có vẻ liên quan Cherubim. Cách mô tả rất lạ đối với người trần mắt thịt:

– Tôi nhìn các sinh vật, thì này bên cạnh mỗi sinh vật có bốn bộ mặt có một bánh xe ở dưới đất. Hình thù và cấu trúc của các bánh xe lấp lánh như mã não. Đó là hình thù của chúng. Còn cấu trúc của chúng giống như một bánh xe ở giữa một bánh xe. Lúc di chuyển, bốn bánh xe đi về bốn phía; lúc đi, chúng không quay vào nhau. Các vành bánh xe rất lớn. Tôi nhìn, thì này cả bốn vành bánh xe đầy những mắt ở chung quanh. Khi các sinh vật đi, các bánh xe bên cạnh chúng cũng đi; và khi các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, thì các bánh xe cũng lên theo. Thần khí đẩy đi đâu, các sinh vật đi tới đó và các bánh xe cũng cất lên theo, vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe. Khi các sinh vật tiến đi, các bánh xe cũng tiến theo; các sinh vật dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại; các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, các bánh xe cũng cất lên theo, vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe. (Ed 1:15-21)

– Tôi nhìn, thì kìa có bốn bánh xe ở bên cạnh các thần hộ giá, mỗi bánh xe ở bên cạnh một thần hộ giá, các bánh xe ấy trông lấp lánh như ngọc mã não. Còn hình dáng của bánh xe, bốn bánh trông đều giống nhau, như thể bánh nọ ở giữa bánh kia. Lúc di chuyển, bốn bánh đi về bốn phía; lúc đi chúng không quay vào nhau, bởi vì đầu thần hộ giá hướng về phía nào, thì bánh xe cũng đi theo phía ấy; lúc đi chúng không quay vào nhau. Toàn thân, lưng, tay và cánh của các thần hộ giá cũng như các bánh xe đầy những mắt ở chung quanh, cả bốn bánh xe đều như thế. Tai tôi nghe người ta gọi các bánh xe ấy là “gan gan.” (Ed 10:9-13)

– Các thần hộ giá cất mình lên: đó là sinh vật tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Khi các thần hộ giá di chuyển, các bánh xe ở bên cạnh các thần ấy cũng chuyển theo. Khi các thần hộ giá dang cánh để cất mình lên khỏi mặt đất, các bánh xe không quay nữa, nhưng vẫn ở bên cạnh các thần hộ giá. Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe. Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các thần hộ giá dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà Đức Chúa, và vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các vị ấy. (Ed 10:15-19)

Kinh Thánh không cho biết có bao nhiêu Cherubim, Kinh Thánh chi cho biết rằng ngôn sứ Êdêkien thấy bốn Cherubim – chắc chắn phải nhiều hơn! Nhiệm vụ của Cherubim là canh giữ lãnh địa của Thiên Chúa và ngăn chặn mọi điều xấu xa, tội lỗi. Đôi khi Cherubim được coi là “thiên thần giữ ngai tòa” vì họ luôn ở bên ngai tòa Thiên Chúa. (Tv 80:1; Tv 99:1)

Trong tiếng Do Thái, “thiên thần giữ ngai tòa” gọi là Merkabah. Các thiên thần này có bốn mặt xoay về bốn hướng, cứ đi tới hướng nào đó mà không cần xoay mặt. Danh từ Cherubim có nghĩa là “canh giữ,” đúng nhu nhiệm vụ của họ. Trong Kinh Thánh, không có chỗ nào gọi Cherubim là thiên thần!

BỐN SINH VẬT

Trong sách Khải Huyền cũng có đề cập “Bốn Sinh Vật.” (Kh 4:6-10)

Bốn sinh vật kỳ lạ này có bốn đặc điểm giống như Seraphim (có sáu cánh và không ngường ca tụng Chúa), và giống như Cherubim (có bốn mặt nhìn như con sư tử, con bò, con người và chim đại bàng).

Dù cho các sinh vật đó là Seraphim, Cherubim hoặc một dạng “thiên vật” nào đó, chúng ta không thể biết được. Nhưng chắc chắn rằng các “thiên vật” đó rất kỳ lạ và rất mạnh mẽ.

Ngày xưa, man-na được gọi là “bánh thiên thần,” như Thánh Vịnh mô tả: “Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực.” (Tv 78:25) Khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh cũng nhắc tới thiên thần: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa.” (Tv 138:1)

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ WhyAngels.com)

Lễ Thánh Gioan Lasan, nhà giáo dục của Thiên Chúa, 07-04-2016

No comments:

Post a Comment

Comment