Có sự khác nhau giữa sức mạnh ý chí và niềm đam mê. Bạn có thể biết luật bóng rổ và cố gắng là người chơi hay nhất, nhưng nếu bạn không yêu thể thao, bạn chỉ chơi được rồi hết sức. Bạn có thể nhớ các thang âm và biết quy luật về lý thuyết âm nhạc, nhưng chỉ bấy nhiêu thì không đủ để bạn trở thành nhạc sĩ. Bạn phải chơi nhạc với niềm đam mê – âm nhạc là cái gì đó phát xuất từ sâu thẳm tâm hồn, và còn hơn là kỹ năng về kỹ thuật.
Kiến thức và nỗ
lực đều cần để thể hiện tốt, nhưng chúng phát triển tự nhiên khi bạn phát triển
niềm say mê thực sự đối với điều bạn làm. Ý chí không đủ sức đưa bạn tiến xa
hơn. Và đôi khi, ngay lúc bạn biết các nốt nhạc, có thể bạn tê cứng khi độc tấu.
Lúc đó, nếu bạn thấy mình sợ đến tê cứng người, bạn vẫn có nhiều cái chung với
các môn đệ của Chúa Giêsu khi họ chờ đợi trong phòng.
Sau khi Chúa
Giêsu lên trời, các môn đệ ẩn mình trong phòng kín, xa cách mọi người để tránh
bị chất vấn về Chúa Giêsu. Họ không dám gặp mặt người ta để nói lời Chúa Giêsu
truyền, để chịu bách hại nhân danh Ngài. Chúa Giêsu đã sai họ “đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15) Họ tin Ngài
đã chết và đã phục sinh, biết rõ tầm quan trọng của việc chia sẻ với người khác.
Họ muốn làm theo mệnh lệnh của Ngài, nhưng họ không dám ló mặt ra ngoài. Niềm
tin của họ thiếu hành động và niềm đam mê. Họ bị đè nén vì yếu đuối và sợ hãi.
Đôi khi chúng ta
đối mặt với thử thách trong đời sống Kitô hữu, hoặc khi chúng ta được mời gọi
làm điều gì đó để chia sẻ niềm tin, chúng ta bị tê cứng vì sự trì trệ tâm linh
nên đành “chết lặng.” Sợ người ta biết, sợ người ta xì xèo, sợ mình không xứng
đáng,... Thiên Chúa không hứa trước rằng chúng ta sẽ thoải mái và bình an ở đời
này nếu chúng ta làm theo ý Ngài, nhưng Ngài nói thẳng: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ
anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.” (Ga 15:20)
Ngài không mời gọi những người được trang bị, nhưng Ngài trang bị cho những
người được mời gọi. Chúng ta phải bước đi trong niềm tin, bước ra khỏi căn
phòng ấm áp và thoải mái, rồi bước đi giữa lòng thế giới.
Điều gì đã biến
các môn đệ nhát đảm trở thành can đảm, mạnh mẽ và dám chết vì niềm tin vào Đức
Kitô như sách Công Vụ cho biết? Điều gì đã khiến họ dứt khoát làm theo lệnh
truyền của Thiên Chúa? Điều gì đã khiến họ tin tưởng tuyệt đối dù gặp gian nan
khốn khổ khi loan báo Tin Mừng? Đó là nhờ Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần
đã tạo ra sự khác biệt từ trong căn phòng tối và làm cho các môn đệ nói các
ngôn ngữ lạ. Chúa Thánh Thần cung cấp cho chúng ta các ơn mà chúng ta thiếu, khi
chúng ta cần để thực hiện ý Chúa trong cuộc đời mình. Chúa Thánh Thần ban sức
mạnh cho chúng ta để chúng ta quên sự giới hạn của chính mình và tin rằng Thiên
Chúa sẽ lấp đầy khoảng yếu đuối của chúng ta. Thiên Chúa muốn dùng chúng ta làm
khí cụ cho Ngài, mặc dù chúng ta bất toàn, và Chúa Thánh Thần sẽ là “kênh”
chuyển điều đó tới chúng ta. Nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có
thể làm được mọi điều khó khăn nhất.
Có một “khoảng
trống” giữa Lễ Thăng Thiên và Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta phải mong chờ Chúa Thánh
Thần đến với chúng ta, và chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa sẽ gởi Chúa Thánh
Thần đến với chúng ta khi “giờ đã điểm.” Tới lúc đó, chúng ta được nhắc nhớ tới
sự yếu đuối của phàm nhân, để chúng ta biết rằng chúng ta làm bất cứ điều gì
cũng phải vì mở mang Nước Trời nhờ Chúa Thánh Thần, chứ không phải vì chúng ta.
Đây là điều khó chấp nhận khi chúng ta cứ “nhốt mình trong phòng kín,” giam hãm
mình trong vỏ ốc. Hãy tin tưởng chờ đợi sự hỗ trợ – vì chúng ta không thể tự
làm, từ Chúa Thánh Thần – Đấng An Ủi, Đấng Bênh Đỡ, Thần Chân Lý. Nhưng Ngài
chỉ đến khi chúng ta cần Ngài, khi chúng ta kều cầu danh Ngài.
Thiên Chúa trao
cho chúng ta sứ vụ phải hoàn tất, chúng ta phải là cánh tay nối dài của Ngài
trong thế giới ngày nay. Thay vì sợ phạm sai lầm, chúng ta hãy tự tin bước đi, vì
Thiên Chúa sẽ “bù lỗ” cho sự bất toàn của chúng ta. Hãy tập trung làm những gì chúng
ta được mời gọi, chứ đừng run sợ gặp chướng ngại vật. Chúa Thánh Thần sẽ lấp
đầy cho chúng ta bằng tình yêu hoàn hảo, tình yêu ấy đủ mạnh để chúng ta vượt
qua nỗi sợ hãi. Thánh Gioan phân tích: “Tình
yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ
hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.” (1
Ga 4:18) Chúng ta không thể ép buộc tình yêu, nhưng chúng ta có thể đến với
Chúa và cầu xin Ngài cung cấp những gì chúng ta cần. Ngài có thể thắp lửa nhiệt
thành để chúng ta đủ sức làm mọi thứ vì danh Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt cháy Lửa Yêu trong
chúng con, xin Ngài đến canh tân bộ mặt trái đất.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
Lễ Hiện Xuống – 2015
✽ Thần Khí Chân Lý – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/05/than-khi-chan-ly_29.html
✽ Tội Phạm Đến CTT
✽ CTT Trong Đời Sống Giáo Hội
✽ CTT Tác Động Siêu Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment