Mạng nhện là thứ rất bình thường, thậm chí còn bị người
ta ghét, vì làm bẩn nhà cửa, nhưng nó lại mặc nhiên có mối liên kết kỳ diệu dạy
chúng ta bài học giá trị.
Mạng nhện là cái bẫy bắt mồi vô cùng hữu ích của loài nhện, bất kỳ con côn trùng hay sâu bướm nào lỡ rơi vào cái bẫy này, ngay lập tức chúng sẽ bị dính chặt mà không thể nào thoát ra được. Tuy nhiên, chính con nhện luôn tiếp xúc với mạng nhện, nhưng nó lại không hề bị dính. Các khoa học gia phát hiện loài nhện còn khéo léo dệt thêm các sợi tơ trắng trang trí bắt chéo như một thủ thuật nhằm bảo vệ hệ thống mạng của chúng khỏi bị hư hại. Các khoa học cũng phát hiện các mạng nhện tinh xảo còn có thể tạo ra âm thanh như một nhạc cụ dây. Thật kỳ lạ!
Hệ thống internet mà chúng ta gọi là “mạng” hoặc website là
“bắt chước” mạng nhện. Các hệ thống khác chúng ta gọi là “mạng lưới.” Mạng nhện
thật là độc đáo, bất cứ một điểm nào trên đó, ở bất kỳ nơi nào, cũng có liên
kết trực tiếp hoặc gián tiếp với các điểm khác. Cuộc đời chúng ta cũng vậy,
không ai là một ốc đảo, người này có liên đới với người khác về phương diện nào
đó, xã hội hoặc tâm linh, kể cả về phương diện tội lỗi, dù người này ở xa với
người kia.
Thật vậy, mỗi chúng ta đều là chi thể trong Nhiệm Thể Đức
Kitô, vì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây
nho, anh em là cành.” (Ga 15:5) Là con người, dù
theo tôn giáo nào hoặc chủ nghĩa nào, chúng ta vẫn có “sợi tình” liên kết với
nhau một cách vô hình, không thể tách rời. Nghề này hỗ trợ cho nghề khác, không
nghề nào cao hơn hoặc thấp hơn nghề nào: “Nhất
sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.” Đừng ảo tưởng hoặc “sĩ
diện” hão huyền – tức là đừng “chảnh.”
Tình yêu vô hình, trừu tượng, nhưng khả dĩ cảm nhận. Đạo
Công giáo là đạo yêu thương. Máu-yêu-thương là Máu-Đức-Kitô, ai theo Ngài và
muốn nên giống Ngài thì cũng phải có loại máu đó, tương tự máu O có thể chia sẻ
cho mọi loại máu khác. Vì thế, Kitô hữu phải tâm niệm: “Dù chết không tấm hình
nhưng tình không chấm hết.”
Trình thuật Cv 9:26-31 cho chúng ta biết điều thú vị.
Chuyện là khi Chúa Giêsu mới phục sinh, ông Saolô đã tới Giêrusalem để tìm cách
“tiếp cận” các môn đệ. Thế nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông
là một môn đệ. Một sự bất tín, vạn sự chẳng tin. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chả
biết “ất giáp” thế nào, cứ chắc hơn lép. Đôi khi bụng còn chưa tin rốn kia mà!
Vả lại “tay” này đâu phải vừa, đáng sợ thật đấy, vì trước đây “hắn” đã từng phi
ngựa vung gươm thấy ớn, gặp bất kỳ kẻ nào tin vào Ông Giêsu thì kẻ ấy hết đường
sống. Chém! Kiểu như IS (Nhà nước Hồi giáo) ngày nay vậy. Ui da, ớn thiệt chứ
giỡn sao!
Thế nhưng chuyện đâu còn có đó, coi vậy mà không phải
vậy. Cú ngã ngựa và mù mắt đã thay đổi não trạng của tay nằm vùng Saolô khét
tiếng rồi. Thế là ông Banaba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Saolô đến gặp các tông
đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên
đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh
Đức Giêsu tại Đa-mát thế nào. Đầu xuôi, đuôi lọt. Mọi chuyện tốt đẹp. Trước là Saolô
cứng như sáp nguội, nhưng nay là Phaolô mềm như bún rồi. Đừng sợ chi nữa!
Từ đó ông Saolô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại
Giêrusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh
luận với những người Do Thái theo văn hoá Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông,
vì thấy Saolô hung hăng thế mà nay lại tâm phục khẩu phục Ông Giêsu. Phải triệt
ngay! Các anh em biết thế nên liền dẫn ông xuống Xêdarê và tiễn ông lên đường
về Tácxô. Ở lại không ổn rồi. Tính cách khác thôi!
Thật may, thời kỳ yên ổn đã đến. Hồi ấy, trong khắp miền
Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và
sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ. Tạ
ơn Chúa. Tất cả là Thánh Ý Ngài, “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới
làm cho lớn lên.” (1 Cr 3:6) Chẳng ai là “cái đinh gỉ” nào cả, chỉ có Thiên
Chúa mới là tất cả. Kinh Thánh nói đã cảnh báo: “Chớ khoe khoang vì bộ áo
bên ngoài, cũng đừng tự cao trong
ngày được vinh dự. Công trình của Đức Chúa thật lạ lùng, nhưng vẫn là bí ẩn đối với phàm nhân.” (Hc 11:4)
Vâng, tất cả là hồng ân Thiên Chúa bao la, cao vời khôn
ví. Sợi Tình quá đỗi kỳ diệu! Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh đã thú nhận: “Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng, ngày
đại hội toàn dân. Điều khấn nguyện, tôi xin giữ trọn trước mặt những ai kính sợ
Người.” (Tv 22:26) Chịu ơn thì phải biết ơn,
biết ơn thì phải đáp đền, đó là chuyện tất yếu, như tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Và rồi tác
giả Thánh Vịnh dẫn chứng cụ thể: “Kẻ
nghèo hèn được ăn uống thỏa thuê, người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng. Cầu chúc
họ vui sống ngàn đời. Toàn thế giới, muôn người nhớ lại và trở về cùng
Chúa. Mọi dân tộc dưới trần phủ phục trước Tôn Nhan.” (Tv 22:27-28)
Người sống đã vậy, người chết cũng chẳng yên, phải động
lòng. Tác giả Thánh Vịnh vui mừng bày tỏ cả chuyện người lẫn chuyện mình: “Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất sẽ đều bái
lạy một mình Người, phàm những ai trở về cát bụi sẽ cùng phủ phục trước Thánh
Nhan. Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa, con cháu tôi sẽ phụng sự Người. Thiên
hạ sẽ nói về Đức Chúa cho thế hệ tương lai, truyền tụng cho hậu sinh đức công
chính của Người, rằng: “Đức Chúa đã làm như vậy!” (Tv 22:30-32)
Sợi gì cũng phải thật, dỏm hoặc giả là đứt ngay. Sợi tình
cũng vậy, và còn hơn thế nữa. Thánh Gioan nhắn nhủ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3:18) Yêu thương là đức ái, đức ái liên quan đức tin. Nhân đức nào cũng cần chứng
minh bằng hành động. Thánh Giacôbê đã mạnh mẽ so sánh: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26)
Chân lý vừa mặc nhiên vừa minh nhiên, không thể bóp méo.
Thánh Gioan kết luận: “Căn cứ vào điều
đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng
về phía sự thật, và chúng ta sẽ được
an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta,
Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.” (1 Ga 3:19-20) Cáo tội mình chứ đừng cáo tội người khác, nhưng vì chúng
ta vốn là người xấu (Lc 11:13) nên chúng ta không
muốn tố cáo mình, không muốn thú tội.
Cáo tội mình là can đảm, biết hướng thiện, biết phục
thiện, sống khiêm nhường, mà Thiên Chúa lại rất quý mến người khiêm nhường, lợi
cả mọi đàng: “Nếu lòng chúng ta không cáo
tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì
chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.” (1 Ga 3:21-22) Điều răn của Thiên Chúa rạch ròi và dứt khoát: “Chúng ta PHẢI tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và PHẢI yêu
thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn
của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là
nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.” (1 Ga 3:23-24)
Mối liên kết bằng “sợi tình” như vậy thì luôn chặt chẽ và
bền vững, không gì có thể tháo gỡ. Tay không thể trách chân, bụng không thể
trách miệng, cổ không thể trách lưng, răng không thể trách lưỡi,… Người ta cũng
nói: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.”
Đó là điều tất yếu vậy!
Nên “thú tội mình,” không nên “cáo tội người.” Vừa khiêm
nhường vừa yêu thương. Có những điều chúng ta tưởng vậy mà không phải vậy,
nhưng có những điều rất thật mà chúng ta không dám tin đó là sự thật. Cẩn tắc
vô ưu: “Chưa tra xét thì đừng buộc tội,
suy nghĩ trước rồi hãy trách móc sau.” (Hc 11:7) Bênh vực người khác là điều tốt, nên làm. Tuy nhiên, con người dễ “dính”
máu-phe-cánh, không bênh vực công lý mà lại bao che cho sự bất công. Sự bao che
liên quan động thái giấu nhẹm. Và rồi được nê hoặc ỷ lại, vênh váo ra vẻ “ta
đây,” kẻ xấu vẫn tự tung tự tác, thế nên Thánh Phaolô đã kêu lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7)
Chúng ta đã và đang thấy những cảnh trái ngang đó vẫn
tiếp tục xảy ra ở xã hội ở khắp thế giới hàng ngày, nhưng trong Giáo Hội cũng
không phải không có, thế mới thực sự là điều đáng buồn! Đó là hèn nhát hay nhu
nhược? ĐGH Phanxicô nói rằng Giáo Hội phải “nói thẳng nói thật.” Giáo Hội là
ai? Là chính mỗi người trong chúng ta. Liệu chúng ta có dám đối mặt sự thật, dù
phũ phàng? Khó trả lời hay “ngại” trả lời?
Chúa Giêsu mô tả mối liên kết yêu thương đó bằng hình ảnh
cây nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha
Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì
Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa
trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh
nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15:1-2) “Chặt” và “cắt tỉa” là hai
động từ mạnh mẽ, diễn tả việc tách rời, dạng nào cũng gây đau đớn, nhưng có hai
kết quả khác nhau. “Chặt đi” là cắt bỏ, loại bỏ. Cành cây không phát triển
không chỉ bất lợi cho chính nó mà còn bất lợi cho cành khác và hại thân cây.
Cắt bỏ! Tế bào ung thư là tế bào hư hại, bất lợi cho cơ thể, phải cắt bỏ càng
sớm càng tốt. Cắt bỏ! Nhưng có khi phải tỉa bớt cho cây phát triển mạnh. Sức
khỏe thể lý, sức khỏe trí tuệ, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tâm linh, tất cả
đều phải khổ luyện mới khả dĩ đạt được mức tốt nhất. Đó là dạng “tỉa” chính
mình.
Chúa Giêsu giải thích: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.
Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây
nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15:3-4) Ngài
nhấn mạnh: “Thầy là cây nho, anh em là
cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh
nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em
chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Chúng ta chỉ là con số KHÔNG to lớn, có
làm được chút gì thì cũng là nhờ ơn Chúa, ngay cả chức quyền cũng vậy, tất cả
là do “Trời ban cho.” (Ga 19:11) Vì thế, đừng ngu dại mà ảo tưởng bao giờ!
Sự thật hay mất
lòng, nhưng đôi khi phải nói thật. Chúa Giêsu đã “nói toạc móng heo” luôn: “Ai không
ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài
như cành nho và sẽ khô héo. Người ta
nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy
đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn
đệ của Thầy.” (Ga 15:6-8) Thiên Chúa rất muốn chúng ta sống tốt, trước là
có lợi cho mình, sau là có lợi cho tha nhân. Không chỉ vậy, Ngài còn muốn chúng
ta “sống dồi dào.” (Ga 10:10)
Chính Chúa Giêsu
đã chết và phục sinh để chứng mình điều sự mong muốn đầy ắp tình yêu thương đó.
Trong Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Khuôn Mặt Thương Xót), ấn định Năm Thánh
Từ Bi Thương Xót từ 8-12-2015 tới 20-11-2016, ĐGH Phanxicô xác định: “Lòng thương xót là nền tảng của đời sống
Giáo Hội.” (số 10) Hằng ngày, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta vẫn chúc
bình an cho nhau, nhưng có thể chúng ta chỉ làm theo “nghi thức” mà quên “chiều
sâu.” Lời chúc bình an rất cần, sau khi sống lại, Chúa Giêsu luôn chúc bình an
cho người đối diện mỗi khi Ngài gặp họ. Hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta
hãy nối kết với nhau bằng “sợi tình” chân thật qua lời chúc bình an của Niềm
Vui Phục Sinh cho nhau với cả tâm thành: “Bình
An và Thiện Hảo – Pax et Bonum.” Ai cũng nợ tình nhau, chúng ta phải trả cả
đời: “Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ
tương thân tương ái.” (Rm 13:8)
Thực tế chúng ta
thấy rằng, ngư dân hoặc người bán cá có mùi cá, người chăn vịt có mùi vịt,
người nuôi heo (lợn) có mùi heo,... nghĩa là nghề nào cũng có mùi đặc trưng của
nghề đó, không lẫn đi đâu được. Tương tự, người chăn chiên phải có mùi của
chiên, người không có mùi của chiên thì chắc chắn không phải chủ chiên chính
hiệu! Mùi của chiên là mùi gì? Chiên ở vùng miền nào có mùi đặc trưng của vùng
miền đó. Các “con chiên” ở Việt Nam không thể “thơm” như chiên ở các nước Âu
Mỹ, Tây phương – nghĩa là các “ràn chiên” ở Việt Nam “hôi” lắm. Làm sao phát
hiện chủ chiên nào có mùi chiên như vậy? Chắc hẳn ngại nói lắm!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
chúng con biết liên kết với nhau bằng sợi dây liên đới Kitô giáo, xin giúp
chúng con luân chuyển cho nhau loại Máu Yêu Thương để cùng nhau sống dồi dào
trong Tình Thương Xót của Ngài, luôn hoán chuyển Nhựa Tình để các cành của
chúng con luôn sống nhờ Nhiệm Thể Đức Kitô, Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với
Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Trau Dồi Kiên Nhẫn – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/07/trau-doi-tinh-kien-nhan.html
✽ Con Người Yếu Đuối – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/08/con-nguoi-yeu-uoi.html
✽ Thời Trẻ – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/05/thoi-tre.html
✽ Yếu Đuối [truyện ngắn] – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/02/yeu-uoi.html
✽ Mưu Mẹo – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/09/muu-meo.html
✽ Ngừa Thai & Phá Thai
https://tramthienthu.blogspot.com/2018/10/ngua-thai-va-pha-thai.html
✽ Phá Thai Là Tấn Công Thánh Thể & Giáo Hội
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/07/pha-thai-la-tan-cong-thanh-giao-hoi.html
✽ Cám Dỗ – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/10/cam-do.html
✽ Cạm Bẫy – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/03/cam-bay.html
✽ Cạm Bẫy Ngọt Ngào – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/02/cam-bay-ngot-ngao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment