Người ta vẫn nói vui mà… thật: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật lò-xo, là
nỗi lo tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che
thân,…” Câu vè bình dân mà nghe cũng “đã” cái lỗ ráy đó chứ! Việt ngữ
thường có chữ “đệm” hoặc “láy” phía sau. Ví dụ: Xanh lè, đen thui, rượu chè,…
Và chữ Tiền cũng thường dùng theo dạng danh từ kép là “tiền tệ”, hoặc “tiền
bạc.” Chữ “tệ” hay “bạc” ở đây cũng có nghĩa là tiền, nhưng có thể mang nghĩa
xấu theo cách bình dân là “tệ hại” hoặc “bạc bẽo.” Tiền nó “tệ” và “bạc” lắm.
Chí lý thật!
John Kenneth Galbraith nói: “Tiền bạc là điều đơn giản. Nó ngang hàng
với tình yêu như niềm vui lớn nhất của con người, và nó ngang hàng với sự chết
như nỗi lo lớn nhất của con người.” Thật vậy, tiền bạc vừa quan yếu vừa tầm
thường, như ngạn ngữ Pháp có câu: “L'argent
est un bon serviteur et un mauvais maître.” – Tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng
lại là ông chủ xấu.
Thật ra tiền bạc chỉ là những tờ giấy ghi
những con số theo quy ước của con người, nên giá trị cũng cao hay thấp tùy đơn
vị được ghi và tùy loại tiền (Bảng Anh, USD, Yen, Yuan, Mark,…). Thế nhưng nó
có mãnh lực hầu như bất khả kháng. Chiến tranh xảy ra, bất công xã hội, đàn áp,
bóc lột, lừa đảo, tội phạm,… cũng vì nó. Các mối quan hệ rạn nứt cũng vì nó.
Ngay cả trong tình yêu, hôn nhân và gia đình cũng khó tránh khỏi tầm kiểm soát
của nó. Ai gọi nó là tiền bạc thật chí lý. Tiền nó “bạc” lắm!
Tiền bạc rất cần để sinh sống, nhưng chỉ nên
coi nó là phương tiện chứ đừng bao giờ coi nó là cứu cánh hoặc mục đích. Hẳn ai
cũng khả dĩ chân nhận rằng “tiền bạc không thể tạo nên hạnh phúc nhưng có thể
góp phần vào hạnh phúc.” Có thể hình ảnh “một túp lều tranh với hai trái tim
vàng” không còn thích hợp với thời đại ngày nay, nhưng thiết nghĩ hình ảnh đó
vẫn khả dĩ lý tưởng về phương diện tinh thần – nghĩa là nên xét theo nghĩa bóng
hơn là nghĩa đen. Đừng lý tưởng hóa mà cũng đừng thực tế hóa.
Tiền bạc có ma lực mạnh đến nỗi người ta có
thể “sẵn sàng” đổi thay tất cả: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.” Do đó, sóng
gió gia đình vẫn xảy ra, không rõ ràng cũng ngấm ngầm, tạo ra các mâu thuẫn và
bất hòa. Các tâm lý gia đưa ra một số giải pháp giúp các vợ chồng khả dĩ hạn
chế mức tranh chấp về tiền bạc, và nhờ đó mà khả dĩ bảo vệ hạnh phúc.
1.
VỀ THU NHẬP. Tâm lý gia
R. Nadel, thuộc ĐH Carolina (Hoa Kỳ), nói: “Nam
giới thường xem mức lương là thước đo của sự thành công trong cuộc sống, còn nữ
giới lại coi đó là sự thành đạt nhất thời trong nghề nghiệp.” Các chuyên
gia cũng công nhận rằng nữ giới ít khi tin tưởng khả năng kiếm tiền như nam
giới, nhưng khi có gia đình thì số tiền kiếm được của nữ giới lại ảnh hưởng các
quyết định của họ trong cuộc sống. Nghĩa là nữ giới dễ tự phụ hơn nam giới khi
họ kiếm được nhiều tiền hơn chồng.
Trong cuốn “Problems about Family and Money”
(Các vấn nạn về Gia đình và Tiền bạc), tác giả Victoria Felton Collins khuyên: “Vợ hoặc chồng có thu nhập cao hơn thì
thường giành quyền quyết định trong gia đình. Đã là vợ chồng, tốt nhất là nên
bình đẳng, đừng câu nệ vào việc kiếm được ít hay nhiều tiền của nhau.” Người Việt cũng có câu: “Của chồng, công
vợ.”
2.
VỀ CHI TIÊU. Một “đặc
tính” của nữ giới là thích mua sắm, ngay cả những thứ chưa thực sự cần thiết.
Đôi khi điều này là “cái gai” đối với nam giới. Theo nghiên cứu, hơn 50% nam
giới không tự mua sắm đồ dùng cá nhân, nhưng 80% nữ giới tự mua sắm, mua cả cho
chồng và con cái, thậm chí còn “lén lút” mua sắm riêng cho mình. Việc chi tiêu
dù sao cũng vẫn có các khoản mà người kia có thể sẽ không biết hoặc không nên
biết, tiền túi đó là “quỹ đen hợp lý”. Nam giới thì uống cà-phê, hút thuốc lá,
“lai rai” với bạn bè,… Còn nữ giới thì chi về các khoản “phụ tùng,” cũng mong
không kém chị thua em. Rất tế nhị, nhưng tuyệt đối tránh “giấu giếm” về khoản
“ngoại hạng” nào đó mà không chân thành bàn bạc với nhau.
Các tâm lý gia khuyên: “Vợ chồng có thể bỏ qua cho nhau, tránh giải thích các khoản chi riêng
đôi khi cần với người này nhưng không
cần với người kia. Có thể dành một khoản riêng để đáp ứng các nhu cầu thiết
yếu”.
3.
VỀ TIẾT KIỆM. Theo nghiên
cứu về xã hội học ở Hoa Kỳ, nam giới tích lũy gấp đôi nữ giới. Có 46% nữ giới ở
độ tuổi 45-60 mới bắt đầu có khái niệm “tiết kiệm,” nhưng 67% nam giới đã biết
thực hành tiết kiệm. Khái niệm này ít phổ biến đối với phụ nữ ở nông thôn.
Nhưng nếu thực sự có sự tích lũy thì vợ chồng thường có sự bất hòa, thậm chí là
xung khắc, nếu “bị” người kia phát hiện.
Quả là nhiêu khê! Các tâm lý gia khuyên: “Việc giấu giếm tiền bạc lẫn nhau tạo ra hố
ngăn cách phu thê. Nên công khai với nhau về việc tiết kiệm riêng và chứng tỏ
đó là động thái hữu trách vì tương lai của gia đình chứ không hề có ẩn ý đen
tối nào.” Nếu vậy, hãy cùng nhau tiết kiệm, tích cốc phòng cơ để tránh khó
khăn khi hữu sự trong tương lai. Nhưng cũng cần phân biệt: Tiết kiệm khác với
hà tiện!
4.
VỀ KINH DOANH. Thông
thường, nam giới luôn “mạo hiểm” hơn phụ nữ. Về kinh doanh và đầu tư, nữ giới
không mấy tin vào khả năng của mình, và coi đó là cuộc phiêu lưu có thể xảy ra
khả năng xấu nhất: Mất vốn. Ngược lại, nam giới lại vẫn “bình chân như vại,” không hề tỏ vẻ hoảng hốt.
Các tâm lý gia khuyên: “Việc kinh doanh bằng tiền chung của gia đình đều khác nhau về cách
nhìn của vợ hoặc chồng, do vậy rất cần sự đồng thuận khi hoạch định các khoản
cần thiết như tiền sinh sống, tiền vốn, kiếm thu nhập thêm,…” Thỏa thuận
chung để tránh đổ lỗi cho nhau nếu “sự cố” xảy ra, bởi vì “đồng tiền liền khúc
ruột” mà. Tục ngữ Việt Nam xác định: “Thuận
vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.” Thật không sai!
5.
VỀ TRÁI KHOẢN. Chỉ khi nào
thấy thực sự cần thiết thì phụ nữ mới vay mượn. Tính thận trọng đó thật quý,
nhưng đôi khi khó có thể làm ăn lớn vì sự dè dặt thái quá. Tuy nhiên, nam giới
cũng dễ lao đao nếu quá khinh suất, cứ đi vay mượn mà không lường trước hậu
quả. Âu cũng là sự cân bằng: Chồng tăng tốc, vợ đạp thắng.
Các tâm lý gia khuyên: “Cả vợ lẫn chồng đều nên tự kiểm soát thói quen chi tiêu trước khi vay
mượn, và trù liệu cách thanh toán các trái khoản – nếu có.” Thật vậy, đừng
quá “vô tư” mà thoải mái “vung tay quá trán” theo kiểu “xả láng sáng về sớm.”
VĨ
NGÔN
Hôn nhân cần phải có tình yêu, mà tình yêu
thì vừa lãng mạn vừa cao thượng, vừa phàm tục vừa lý tưởng, vừa thực tế vừa
trừu tượng. Vì thế, hôn nhân cũng không thể thoát “tầm kiểm soát” của tiền bạc.
Một vấn đề rất… tế nhị!
Cả hai vợ chồng đều cần hiểu biết để đừng vì
vấn đề tiền bạc mà hạnh phúc hôn nhân bị rạn nứt. Thiết nghĩ cũng nên suy ngẫm
câu ngạn ngữ Đức: “Nguy hiểm nhất là đứng
trước con bò, sau lưng con ngựa, và bên cạnh người ngu.” Mỹ kim (USD) có màu
xanh, vàng có màu vàng, kim cương có đủ sắc màu, nhưng tất cả đều phải có “màu
xám” – tức là “chất xám.” Oscar Wilde nói: “Tình yêu chỉ là sự hiểu lầm lẫn nhau.” Cái mà người ta gọi là
“hiểu nhau” thì kỳ thực chỉ là “không hiểu nhau,” nhất là khi tiền bạc được đề
cao. Tiền bạc là con dao hai lưỡi khả dĩ “trau chuốt” hoặc “cắt nát” hạnh phúc
trong hôn nhân – kể cả các mối quan hệ khác. Tự do nào cũng phải có giới hạn
của tự do!
Với nữ giới, hôn nhân là khởi đầu sự kết
thúc; với nam giới, hôn nhân là kết thúc sự khởi đầu. Khái niệm khác nhau nhưng
hoàn toàn lô-gích, vì thế mà người ta mới cần có nhau để bổ sung lẫn nhau. Đó
là “phần cứng” mà Tạo Hóa đã “cài đặt” sẵn trong mỗi giới, không thể coi bên
trọng bên khinh!
Đời sống hôn nhân không là thảm hoa hồng,
luôn gặp nhiều chông gai. Vị chua của chanh và vị ngọt của đường, nếu tách rời
để thưởng thức từng vị sẽ nhàm chán và mau ngán, nhưng nếu biết kết hợp thành
ly-chanh-đường thì hương vị đậm đà thú vị, uống hoài không chán.
Tiền là vậy đó. Cái khó là làm sao không “nặng
lòng” với nó và thoát khỏi ma lực của nó! Hãy lưu ý cách nhận định của Timothy
IV: “Lòng ham mê tiền bạc là nguồn gốc của sự xấu xa.” Tương tự, ngạn ngữ Nga
có câu: “Khi tiền bạc lên tiếng thì sự
thật im lặng.”
TRẦM THIÊN THU
(Đăng
báo Giáo Dục và Thời Đại, tháng 3-2015)
✽ Rạch Ròi Trước Hôn Nhân
https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/10-ieu-nen-rach-roi-truoc-hon-nhan.html
✽ Rạch Ròi Trước Hôn Nhân
https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/10-ieu-nen-rach-roi-truoc-hon-nhan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment