Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

CHUYỆN VỆ SINH

Vệ sinh là việc làm cần thiết, không chỉ để giữ sức khỏe riêng mà còn giữ môi trường sạch đẹp, đặc biệt là giữ phép lịch sự tối thiểu đối với người khác và cũng là tự trọng. Tuy nhiên, điều gì thái quá thì cũng bất cập, cái gì cũng có giới hạn của nó. Thậm chí cái mà chúng ta gọi là “tự do” cũng có giới hạn của tự do, vì không thể làm bất cứ điều gì theo ý mình rồi lấy cớ là “quyền tự do.”

Thiên Chúa ban cho mọi người như nhau về sự bình đẳng và quyền tự do, nhưng con người đã lạm dụng nên bị hạn chế, cái giới hạn không ai có thể cưỡng lại được là sự chết. Ai cũng phải chết! Chính cái chết là thất bại lớn nhất và là nỗi đau khổ nhất của con người.

Có người xuề xòa, dễ dãi quá, sao cũng được; có người lại khó tính, chi li, xét nét đủ thứ. Kiểu nào cũng không hay! Dễ dãi quá nên để cho nhà cửa bừa bộn, cẩn thận quá thì mất thời gian, và rồi người ta ngại đến nhà mình. Bẩn thể lý là điều ghê tởm, bẩn tinh thần càng đáng ghê tởm hơn. Cũng vậy, vệ sinh thể lý là điều cần, vệ sinh tâm linh càng cần hơn.

Trình thuật Mt 15:1-9 ( Mc 7:1-13) đề cập vấn đề cần thiết hằng ngày: VỆ SINH.

Một hôm, có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Ngài thản nhiên trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.’ Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”

Như chúng ta đã biết, Pharisêu là nhóm người giả hình, tự nhận mình thánh thiện, dạy người khác làm nhưng chính họ không thực hiện. Họ là những người nhiệt thành, (Mt 23:15) quan tâm về sự hoàn thiện và sự trong sạch, thực hành tỉ mỉ các lề luật với các truyền thống được truyền khẩu, am hiểu lề luật, coi trọng bề ngoài mà coi thường bề trong. Họ đã ngăn chặn giáo huấn của Thiên Chúa bằng các truyền thống nhân văn của họ (Mt 15:1-20), họ mỉa mai người dốt nát nhân danh luật riêng của họ, (Lc 18:11-14) họ tránh tiếp xúc với phường tội lỗi và bọn thu thuế, họ tự nhận có luật pháp về Thiên Chúa nhân danh việc làm của họ, (Mt 20:1-16; Lc 15:25-30) họ ỷ lại mình có lề luật, tự hào mình có Thiên Chúa, (Rm 2:17-24) nhưng họ chỉ là kẻ đui dắt kẻ mù, dốt mà chảnh, đỏng đảng mà tưởng mình có duyên, Chúa Giêsu đã ví họ như “mồ mả tô vôi.” (Mt 23:27)

Do Thái giáo (Yehudah) là một tôn giáo đặt nền tảng trên Kinh Torah (một phần của Kinh Tanakh hoặc Kinh Thánh Hebrew), gắn liền với lịch sử dân tộc Do Thái, như đã được diễn giải trong Kinh Talmud và các sách khác. Do Thái giáo xem mình là mối quan hệ giao ước giữa dân Israel (và sau này là người Do Thái) với Thiên Chúa. Và như thế, nhiều người xem đây là tôn giáo độc thần đầu tiên.

Nhiều phương diện của Do Thái giáo ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các khái niệm về đạo đức và luật dân sự của phương Tây. Do Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất mà vẫn còn được thực hành cho đến ngày hôm nay, sách thánh và rất nhiều truyền thống của Do Thái giáo tiếp tục được coi trọng trong các tôn giáo truyền thống Ápraham nói chung. Như vậy, lịch sử và những luân lý đạo đức của Do Thái giáo có ảnh hưởng ít nhiều đến các tôn giáo khác, kể cả Kitô giáo và Hồi giáo.

Năm 2007, dân số Do Thái ước tính khoảng 13,2 triệu người, trong đó có 41% sinh sống ở Israel. Trong Do Thái giáo hiện đại, uy quyền không được trao cho một người riêng lẻ hay một cơ quan nào cả mà nó ở trong sách thánh, giáo luật, và các thầy giảng (rabbi) là những người diễn dịch Kinh Thánh. Truyền thống người Do Thái cho rằng Do Thái giáo khởi nguồn bằng giáo ước giữa Thiên Chúa và ông Ápraham (khoảng năm 2000 trước công nguyên), tổ phụ và quốc tổ của nhà nước Do Thái.

Qua nhiều thời đại, Do Thái giáo gắn liền với rất nhiều luân lý tôn giáo, mà quan trọng nhất là đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất là đấng toàn năng, rất nhân từ, thông biết mọi sự, Ngài đã tạo dựng vũ trụ và tiếp tục thống trị nó. Theo tục truyền Do Thái, Thiên Chúa thiết lập giao ước với con cái Israel và hậu duệ, cho chúng biết lề luật và giới răn của Ngài qua ông Môsê trên Núi Sinai. Do Thái giáo trân trọng việc học hỏi Cựu Ướctuân giữ các giới răn đã ghi trong Cựu ước như đã được dẫn giải chi tiết trong sách Talmud. Do đó, luật của họ có hơn 600 điều phải giữ rất chi tiết, kiểu gì cũng vấp phạm. Chết chắc!

Ngày nay cũng vẫn thấy nhiều người có “máu” Pharisêu, thích chỉ tay năm ngón nhưng họ “không buồn động ngón tay vào,” (Mt 23:4) họ giả hình mà luôn mạo nhận là nhân đức. Nhóm Pharisêu đã bị Chúa Giêsu “tặng” cho tám chữ “khốn.” (x. Mt 23:13-32) Đáng sợ nhất là câu này: “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục?” (Mt 23:33)

Giả hình là gì? Là NÓI mà KHÔNG LÀM. Nói cho văn hoa bóng bẩy là “ngôn hành bất nhất.” Kiểu người đời nói là “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm.” Chúa Giêsu vô cùng ghét động thái này! Chúa Giêsu nguyền rủa nhóm Pharisêu chỉ vì họ nói hay mà làm dở, hoặc nói mà không làm.

Đừng nghĩ Chúa Giêsu nguyền rủa nhóm Pharisêu chứ không nói động đến chúng ta. Nếu tôi có ý nghĩ như vậy thì khốn cho tôi! Còn bạn, bạn có thấy “nhột gáy” không? Nên vệ sinh bề trong hay bề ngoài? Hãy chú ý những điều chính yếu, đừng quá coi trọng những gì phụ thuộc!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment