Thương yêu là điều quan trọng nhất vì thương yêu chính là đức mến hoặc đức ái, cần thiết cho cả đời này và đời sau: “Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13:8 và 13) Thương yêu là điều chỉ có thể cảm nhận nhưng không thể chạm vào. Tha thứ là kết quả của thương yêu. Thù hận là không thương yêu.
Ngược với thương yêu là thù hận. Thù
hận liên quan tội lỗi. Thương yêu liên quan tha thứ. Những mẫu tự T luôn có cái gì
đó kỳ diệu, như một sự an bài của Thiên Chúa vậy. Lòng thù hận rất nguy hiểm và
đáng sợ, vì nó tàn phá mọi thứ trong cuộc sống. Sách Huấn Ca nói: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (Hc 27:30)
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16) nên Ngài luôn truyền dạy thương
yêu, không chấp nhận lòng thù hận: “Kẻ
báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.” (Hc
28:1)
Sách Huấn Ca vừa khuyên nhủ vừa phân tích và đặt vấn đề: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác thì
khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn
giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận thì ai
sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28:2-5) Có lẽ người ta không thích nghe hoặc
nhắc tới câu này vì “chạm” vào điểm nhạy cảm của mình. Thật vậy, người ta là
chiên khi ở trong nhà thờ nhưng lại hóa cọp khi ở ngoài nhà thờ. Khi cầu
nguyện, người ta có vẻ thành kính lắm, nhìn rất hiền, thế nhưng có khi người ta
chỉ giả vờ trước mặt người khác, tỏ ra thành tâm trước mặt Chúa, nhưng khi gặp
điều “phật ý” thì họ nổi xung, không khác ảo thuật gia David Coperfield làm
biến mất cả toa xe lửa hoặc đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành. Họ cũng là các “siêu
nhân” đấy!
Thiên Chúa luôn cảnh báo về việc canh tân đời sống, Đức Mẹ cũng nhắc
nhở, nhưng rồi chúng ta chỉ “lưu ý” và “cố gắng” trong những ngày mùa Vọng, mùa
Chay, hoặc tuần tĩnh tâm, xong rồi lại quên, “cái tôi” lại tung hoành. Hôm nay,
Thiên Chúa lại cảnh báo: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ
đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà
không chấp nhất điều lầm lỗi.” (Hc 28:6-7) Nghe đến “tối tăm ba ngày ba
đêm” thì cuống cuồng, lo mua nến và mì gói, xong rồi lại chứng nào vẫn tật đấy.
Và lời Chúa khuyến cáo với dân Ít-ra-en xưa vẫn còn “nóng hổi” và mang tính
“thời sự” đối với chúng ta ngày nay: “Các
ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va,
như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám
thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9)
Chắc hẳn vì biết mình yếu đuối nên tác giả Thánh Vịnh luôn tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân
tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa
tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi, cứu ngươi
khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.” (Tv
103:1-4) Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tự nhủ như vậy! Quả thật, biết bao lần
Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta mà không đòi điều kiện gì. Kinh sách đọc nhiều,
coi chừng như “vẹt” đấy! Tự nhủ như vậy là tỉnh thức và nhắc nhở về đức ái, về
lòng tha thứ mà Chúa Giêsu đã thường khuyến cáo.
Chúng ta chỉ là phàm nhân, đầu óc “bã đậu” và nhỏ xíu, nghĩ không tới
ngọn cây, nên không thể nào hiểu hết tình yêu vô biên của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm
giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời
xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như
đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.” (Tv
103:8-12) Lòng thương xót của Thiên Chúa trên cả tuyệt vời, nhiệm mầu quá đỗi!
Phàm nhân chúng ta chẳng là gì mà vẫn “chảnh,” lúc nào cũng muốn “vùng lên,”
chỉ chực nổi loạn mà thôi. Khốn nạn thật, thế mà vẫn tưởng mình “ngon” mới chết
chứ. Lạy Chúa tôi!
Vì thế, chúng ta mới phải cố gắng chấn chỉnh cho phù hợp luật Chúa, đúng
ý Chúa. Nỗ lực này phải được thực hiện không ngừng, chứ không chỉ cố gắng theo
cảm xúc hoặc theo mùa phụng vụ. Không dễ, nhưng phải làm, không làm không được.
Đó chính là “từ bỏ mình mà vác thập giá theo Đức Kitô.” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27)
Thánh Phaolô nói rõ: “Thật vậy, không ai
trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình.
Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù
sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại
chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.” (Rm 14:7-9) Phó thác hoặc
tín thác như vậy thì chẳng còn gì phải lo, chẳng cần quan tâm “sự lạ” ở chỗ này
hoặc chỗ nọ. Hãy chú ý hai phép lạ lớn lao vẫn xảy ra hằng ngày: Không khí và
Thánh Thể.
Một hôm, khi Chúa Giêsu nói về việc sửa lỗi cho nhau, ông Phêrô đến gần
Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em
con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21) Đức
Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy
lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:22) Khó quá! Một lần thì
cũng có thể, hai lần là máu bốc tới chỏm đầu rồi, nói chi đến 490 lần (70 x 7).
Thế nhưng muốn là môn đệ của Chúa và muốn làm công dân Nước Trời thì phải vậy,
không chỉ tha thứ 490 lần mà phải tha thứ mãi mãi, bất cứ lúc nào, bất cứ ở
đâu, bất cứ với ai, và không còn đếm số lần nữa.
Để chứng minh cụ thể, Chúa Giêsu kể dụ ngôn “tên mắc nợ không biết
thương xót” (Mt 18:23-35): Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn
đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu thì người
ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn
chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy
sấp mình xuống bái lạy để xin rộng lòng hoãn nợ và hứa sẽ lo trả hết. Chủ nợ
liền chạnh lòng thương, cho về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến
ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y
liền túm lấy, bóp cổ mà đòi nợ. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ xin
rộng lòng hoãn nợ và hứa sẽ lo trả hết. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào
ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y
buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Tôn chủ cho đòi y
đến và vặn hỏi: “Tên đầy tớ độc ác kia,
ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi,
ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?”
Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết
nợ cho ông. Đó là hệ lụy tất yếu thôi!
Dụ ngôn này cho thấy tương tự cách chúng ta “biến hóa” thường xuyên:
HIỀN như CHIÊN khi ở trong nhà thờ, DỮ như CỌP khi ở ngoài nhà thờ. Chính “tên
mắc nợ không biết thương xót” kia cũng có thể là chính chúng ta, có thể chúng
ta ảo tưởng hoặc cố ý không muốn nhận. Nhận biết để sửa sai thì tốt, cố chấp là
chết chắc!
Vâng, Chúa Giêsu đã kết luận rạch ròi: “Cha của Thầy ở trên trời cũng
sẽ đối xử với anh em như thế, nếu
mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18:35) Mỗi
người đó chính là mỗi chúng ta. Chúa Giêsu nói thẳng với mỗi chúng ta đó. Tương
tự, trong Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4) – lời cầu nguyện được Chúa Giêsu truyền
dạy, cũng đề cập vấn đề này: “Xin tha nợ
chúng con NHƯ chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Chữ “như” này có vẻ
đơn giản nhưng lại chứa đựng cả vấn đề quan trọng và cấp bách. Tại sao cấp
bách? Vì chẳng ai biết mình “ra đi” lúc nào. Lá vàng hoặc xanh vẫn có thể lìa
cành bất cứ lúc nào. Đó là “ngày tận thế” riêng của mọi người, dù trẻ hoặc già.
Ba mẫu tự T có liên quan lẫn nhau: Thương yêu à Thù hận à Tha thứ.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
chúng con biết tỉnh thức mà sửa đổi cách sống, chứ không ảo tưởng. Xin giúp
chúng con biết thương xót bằng cả con người của chúng con: Con tim, khối óc,
đôi tay, ánh mắt, cử chỉ, thái độ,... chứ không chỉ bằng lời nói. Chúng con cầu
xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment