Phong trào mệnh danh là “Sứ điệp từ trời” đã xuất hiện từ tháng 11 năm 2010 tại Châu Âu, và cho đến nay đã được quảng bá hầu như rộng khắp trên toàn thế giới. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã nghe nói hoặc đã từng đọc qua các “Sứ điệp từ trời”. Điều đó ít nhất cũng cho thấy tầm ảnh hưởng và tính chất thu hút của phong trào mới này. Điều đáng nói là có nhiều người đã tin và đang góp phần quảng bá cho các “Sứ điệp trời”.
Riêng tại Việt Nam, phong trào “Sứ điệp từ
trời” cũng đang rộ lên như một hiện tượng đáng quan ngại. Tại nhiều giáo xứ,
người ta thấy xuất hiện các hội cầu nguyện Mân Côi, nhưng thực chất là hội
quảng bá các “Sứ điệp từ trời”. Điểm nổi bật của các hội này là thái độ chống
Đức Giáo hoàng, và đây cũng là một trong các chủ đề thường gặp trong các “Sứ
điệp từ trời”. Nhiều tín hữu đã “lỡ” đọc các “Sứ điệp từ trời” thì cảm thấy hoang
mang vì rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không tiếp tục đọc thì sẽ có
nguy cơ bị án phạt như các sứ điệp đã đe dọa, còn nếu tiếp tục thì không biết
các sứ điệp sẽ dẫn mình tới đâu. Bởi vậy, sau khi đã tìm hiểu các “Sứ điệp từ
trời” và tham khảo một số bài viết được phổ biến trên mạng internet, chúng
tôi muốn viết bài nghiên cứu này như một sự góp phần soi sáng vấn đề, và cũng
để cung cấp ít nhiều tư liệu cho những vị có thẩm quyền hầu có thể thẩm định
vấn đề cách khách quan.
Trong phần trích dẫn các sứ điệp, đôi khi vì
yêu cầu chính xác của văn bản, chúng tôi phải dịch lại từ nguyên bản tiếng Anh
thay vì lấy từ trang bằng tiếng Việt.
I. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT VỀ PHONG TRÀO “SỨ
ĐIỆP TỪ TRỜI”
1. Người sáng lập phong trào “Sứ điệp từ
trời” là ai?
Phong trào “Sứ điệp từ trời” gắn với một cái
tên mà hiện nay đã trở thành nổi tiếng: “Maria Lòng Chúa Thương Xót” [1].
Đây chính là người sáng lập phong trào. Thoạt đầu, hầu như không ai biết được
được đích xác Maria Lòng Chúa Thương Xót là ai. Trên trang mạng chính thức của
phong trào, nhân vật này đã tự giới thiệu mình là một phụ nữ Châu Âu, theo đạo
Công Giáo, đã có gia đình, và là một doanh nhân. Theo bà, tên gọi “Maria Lòng
Chúa Thương Xót” không phải tên thật, mà chỉ là một biệt danh. Bà cho biết rằng
Chúa Giêsu muốn bà giữ kín danh tánh để bảo đảm sự an toàn cho gia đình, cũng
như để người ta chỉ tập trung vào các sứ điệp mà thôi. Dầu vậy, cũng có người
đã cố tìm hiểu xem bà là ai; và hiện nay người ta đã xác định được khá chắc
chắn rằng bà là một phụ nữ Ái Nhĩ Lan, hiện sống tại thành phố Dublin. Thậm chí
có người còn biết rõ tên tuổi thực của bà.
Theo Maria Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Giêsu
đã tỏ cho bà biết rằng bà là vị Sứ Giả thứ bảy, tức vị Thiên Sứ thứ bảy, được
phái đến để mặc khải cho thế gian nội dung của các Ấn trong sách Khải Huyền.
Đây là những Ấn mà chỉ mình Con Chiên Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, mới có quyền
mở. Chính Ngài sẽ lần lượt mở các Ấn đó; và mỗi lần mở Ấn nào thì Ngài đều mặc
khải cho bà để bà thông đạt lại cho người khác. Cũng vì vậy, Đức Giêsu đã xác
định với bà rằng bà là vị ngôn sứ của thời cuối cùng (Sứ điệp ngày 13-07-2012).
Kể từ tháng 11 năm 2010, bà Maria Lòng Chúa
Thương Xót đã liên tục nhận được các sứ điệp từ trời. Các sứ điệp này chủ yếu
do Chúa Giêsu tỏ cho biết, nhưng cũng có khi do Chúa Cha hoặc do Đức Trinh Nữ
Maria. Tính đến nay đã có hơn 1.100 sứ điệp khác nhau. Nội dung chính của các
sứ điệp xoay quanh việc cảnh cáo thế giới tội lỗi, kêu gọi ăn năn hối cải, và
tiên báo sự gần kề của ngày Chúa trở lại. Theo bà Maria, các sứ điệp nhằm chuẩn
bị cho thế giới sẵn sàng chờ đón ngày Chúa trở lại, sau khi đã trải qua thời kỳ
cảnh cáo và thanh luyện. Cho đến nay, bà vẫn không ngừng nhận được các sứ điệp
mới.
2. Việc quảng bá Phong trào Sứ điệp từ trời
Nhờ vào các phương tiện thông tin đại chúng,
cho đến nay phong trào Sứ điệp từ trời đã được quảng bá rộng rãi trên toàn thế
giới. Trang FaceBook “Chúa Giêsu đối với nhân loại” (Jesus to Mankind) của bà
Maria Lòng Chúa Thương Xót đã thu hút khá nhiều người đọc. Tính đến nay, bà đã
nhận được hơn 17.000 ý kiến yêu thích. Ngoài ra, bà còn lập trang mạng <>
để quảng bá các sứ điệp của mình. Có một nhóm thiện nguyện viên người Việt đã
dịch trang mạng này sang tiếng Việt và cập nhật liên tục, với tên gọi <>.
Các sứ điệp đã công bố còn được sưu tập lại và xuất bản thành sách. Cho đến nay
đã có ba tập sách (I, II và III) lần lượt được xuất bản với tựa đề “Sách sự
thật” (The Book of Truth).
Nhờ trang mạng bằng tiếng Việt nói trên, ngay
tại Việt Nam, có khá nhiều người, thậm chí cả ở vùng quê, đã biết đến phong
trào này và thường xuyên theo dõi các sứ điệp mới trên trang mạng của phong
trào. Tại nhiều giáo xứ, bắt đầu xuất hiện các nhóm cầu nguyện mệnh danh là
“Hội cầu nguyện Mân Côi” nhưng thực chất là các nhóm quảng bá các sứ điệp từ
trời. Thậm chí các sứ điệp từ trời còn được phổ biến trên một số tòa giảng.
Hiện tượng này một mặt cho thấy tính chất lôi cuốn của phong trào mới, nhưng
mặt khác cũng đồng thời là một hiện tượng đáng báo động cho các cơ quan có thẩm
quyền trong Hội Thánh.
II. PHÂN TÍCH NHỮNG ĐIỂM SAI LẠC VỀ ĐẠO LÝ
TRONG SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI
Như đã nói trên đây, nội dung chính của sác
Sứ điệp từ trời xoay quanh ba chủ đề chính: cảnh cáo thế giới tội lỗi, kêu gọi
ăn năn hối cải, loan báo sự gần kề của biến cố Chúa tái lâm. Nếu chỉ nhìn
thoáng qua thì những nội dung ấy cũng chẳng có gì là mới lạ và cũng không đi
ngược lại với giáo lý chung của Hội Thánh. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ nội dung
cụ thể của các sứ điệp, người ta thấy lộ ra rất nhiều điểm sai lạc về giáo lý.
Điều nguy hiểm ở đây, đó là những điểm sai lạc này trộn lẫn với những giáo lý
chân thực, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khiến những ai không tinh ý
có thể dễ dàng nhiễm phải nọc độc của chúng. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn trong
việc nêu lên những sai lầm tỏ tường và nghiêm trọng mà thôi. Để dễ nắm bắt vấn
đề, chúng tôi phân chia các điểm sai lạc này thành những đề mục khác nhau tùy
theo những khía cạnh liên quan. Tuy nhiên, việc sắp xếp này cũng chỉ có tính
chất tương đối, vì các sai lạc trong khía cạnh này có thể cũng liên hệ đến khía
cạnh khác, do mối liên hệ chặt chẽ của tổng thể các chân lý đức tin Kitô giáo.
1. Những điểm sai lạc liên quan đến Mặc Khải
a) Lập trường “duy Kinh Thánh” (sola
scriptura). Đây là lập trường có nguồn gốc từ Phái Tin Lành do Luther khởi
xướng. Cách chung, lập trường này cho rằng chỉ duy mình Kinh Thánh mới là quy
chuẩn của đức tin. Những gì không trực tiếp bắt nguồn từ Kinh thánh thì không
có giá trị ràng buộc về phương diện đức tin và luân lý. Lập trường này hiển
nhiên cũng chối bỏ giá trị quy phạm của Thánh Truyền cũng như Quyền Giáo huấn
của Hội Thánh. Một lập trường như thế đã được thể hiện dưới những hình thức
khác nhau trong các Sứ điệp từ trời. Chẳng hạn, sứ điệp ngày 25-12-2010 tuyên
bố như sau: “Bất kỳ giáo lý nào không bắt nguồn từ Kinh Thánh mà lại tự
cho là có thẩm quyền công bố chân lý thì đều là dối trá. Đây là tội chống lại
Ta [Chúa Giêsu] và là sự chống báng nặng nề đối với Ta và Chúa Cha Hằng Hữu của
Ta”. Quan điểm này cũng được lặp lại trong sứ điệp ngày 13-09-2011 với những
lời như sau:“Đừng bao giờ cho phép mình chấp nhận bất kỳ sự thật nào khác ngoài
những điều có trong Kinh Thánh”.
Hẳn nhiên, một lập trường như thế đi ngược
lại với giáo lý của Hội Thánh Công Giáo vốn nhìn nhận Thánh Kinh cùng với Thánh
Truyền làm nên một kho tàng đức tin duy nhất. Ngoài ra, đức tin Công Giáo cũng
tin nhận Hội Thánh là thầy dạy chân lý, có thẩm quyền chính thức để giải thích
những gì chứa đựng trong kho tàng Mặc khải được chính Chúa Kitô ủy thác cho Hội
Thánh (xc. GLHTCG, số 80; 85).
b) Coi các mặc khải tư ngang hàng với Kinh
Thánh. Một sai lầm nghiêm trọng khác của các Sứ điệp từ trời, đó là coi các mặc
khải tư như là có giá trị ngang hàng với Kinh Thánh. Thực ra, việc thẩm định
các sứ điệp của bà Maria có phải là mặc khải tư hay không, đó là điều còn phải
xem xét. Tuy nhiên, xem ra bà Maria đã tự nhận những sứ điệp của mình là mặc
khải tư; và thậm chí bà còn coi “cái gọi là mặc khải tư” này ngang hàng với
Kinh Thánh.
Thật vậy, trong một số sứ điệp được được bà
Maria phổ biến, người ta đọc thấy rằng Chúa Giêsu đã truyền cho bà viết một
cuốn sách; cuốn sách này thực ra không phải do bà viết, nhưng là do chính Chúa
viết. Cuốn sách đó có giá trị ngang với Kinh Thánh và là một phần của Kinh
Thánh. Lời khẳng định này được lặp lại nhiều lần trong các sứ điệp khác nhau
với những lời lẽ hơn kém. Chẳng hạn sứ điệp ngày 12-11-2010 nói như sau: “Con
phải dồn hết tâm lực để viết cuốn sách. Cuốn sách này sẽ giúp cải biến cuộc đời
nhiều người, sẽ cứu rỗi các linh hồn; và đây là điều đã được báo trước. Đúng
vậy, cuốn sách là điều đã được tiên báo. Con là người viết. Ta là Tác giả. Con
đừng ngạc nhiên hoặc choáng ngợp, vì đây là một trách vụ thiêng thánh, và con
đã được chọn để làm việc này cùng với Ta. Con sẽ phải mất ba tháng để hoàn tất.
Ta muốn con xuất bản cuốn sách trên toàn thế giới. Cuốn sách đó phải được phổ
biến rộng khắp, đầy sức mạnh, và được hằng triệu người tìm đọc cũng như sách
Kinh Thánh vậy. Này con gái của Ta, con có thể xuất bản cuốn sách dưới danh
nghĩa ‘cuộc đối thoại với vị ngôn sứ bí mật’. Con cứ việc làm như thế” (có
thể xem thêm sứ điệp ngày 09-02-2013).
Người viết ra sứ điệp trên đây hẳn đã hiểu không
đúng về bản chất của Kinh Thánh cũng như vị thế của mặc khải tư. Kinh Thánh là
chính Lời Thiên Chúa được mặc khải cho con người và được ghi lại dưới tác động
linh hứng của Thánh Thần. Do vậy, chính Thiên Chúa là tác giả thực sự của Kinh
Thánh. Về phần bà Maria, việc bà tuyên bố cuốn sách bà sẽ viết có Thiên Chúa là
tác giả thì cũng đồng nghĩa với việc cho rằng cuốn sách đó được viết ra với ơn
linh hứng chẳng khác gì Kinh Thánh vậy. Đây quả là một sự mạo nhận có tính chất
phạm thượng.
Theo giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, mặc
khải công đã nên hoàn trọn cách viên mãn cùng với sự xuất hiện của Đức Giêsu
Kitô. Kể từ đây, nhân loại không còn phải trông đợi mặc khải nào khác. Bởi đó,
những gì liên quan đến đức tin được Thiên Chúa tỏ bày sau này cho các thánh hay
một ai đó thì được gọi là mặc khải tư. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo xác
định như sau: “Theo dòng lịch sử, đã xuất hiện những điều gọi là ‘mặc khải tư’,
một số trong đó được thẩm quyền của Hội Thánh công nhận. Tuy vậy, những mặc
khải đó không thuộc kho tàng đức tin. Chức năng của chúng không phải là “cải
thiện” hoặc “bổ sung” mặc khải vĩnh viễn của Đức Kitô, nhưng để giúp người ta,
vào một thời điểm lịch sử nào đó, sống mặc khải của Đức Kitô cách trọn vẹn hơn”
(số 67).
2. Những sai lầm liên quan đến Đức Kitô
a) Sai lầm về mục đích của việc nhập thể. Sứ
điệp ngày 24-12-2010 đã bộc lộ một quan niệm sai lạc về mục đích của việc Con
Thiên Chúa nhập thể làm người. Bằng một lối diễn tả mơ hồ, sứ điệp này cho rằng
việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người và cuối cùng chịu chết trên thập giá chỉ
nhằm khai lòng mở trí, hay thức tỉnh lương tâm của con người để họ nhận biết ơn
cứu độ mà Chúa Cha từ ngàn xưa đã hứa ban cho toàn thể nhân loại. Như vậy, việc
nhập thể và cái chết của Đức Giêsu chỉ có giá trị giáo huấn và gương mẫu chứ
không đem lại hiệu quả là ân sủng tha tội và tái sinh con người vào đời sống
mới. Đây quả là một cái nhìn thiếu sót về công trình cứu độ của Đức Giêsu. Có
thể trưng ra đây những lời tiêu biểu trong sứ điệp này như sau: “Việc Ta
đến trần gian đã được sắp đặt như một cơ hội cuối cùng để thức tỉnh thế gian,
ngõ hầu mọi người nhận ra rằng Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Vai trò của Ta
là để chỉ cho các con con đường lên Trời, nhờ vào giáo huấn và cái chết của Ta
trên thập giá”.
b) Quan niệm sai lạc về cuộc Quang lâm của
Chúa. Các sứ điệp của bà Maria còn quảng bá một quan niệm hết sức sai lạc về
biến cố Quang lâm của Chúa. Các sứ điệp này cho rằng sau khi thời kỳ cảnh cáo
và thanh luyện kết thúc thì sẽ là thời Chúa Kitô tái xuất hiện trên địa cầu.
Tuy nhiên, cuộc tái lâm này chưa phải đánh dấu thời cùng tận của thế giới để
rồi khai mào cảnh “Trời mới đất mới” kéo dài đến thiên thu vạn đại. Trái lại,
theo sứ điệp của bà Maria, thời kỳ khai mào cùng với cuộc Quang lâm của Chúa
cũng chỉ kéo dài 1.000 năm. Đó là thời kỳ mà Chúa Kitô cai quản địa cầu, và
quyền lực Satan bị bứng tận gốc khỏi trần gian. Đây chính là sự mô phỏng lại
lạc thuyết “ngàn năm” vốn đã bị Hội Thánh phi bác từ xưa. Thuyết “ngàn năm” này
được thể hiện rõ ràng trong sứ điệp ngày 20-05-2011, trong đó có những đoạn như
sau:
“Nhiều bối rối tồn tại trên thế giới liên
quan đến biến cố này. Nhiều người tin rằng Cuộc Quang Lâm của Ta chỉ ra rằng
thời tận cùng của thế giới đã đến. Nhưng không phải như vậy, thay vào đó Cuộc
Quang Lâm của Ta có nghĩa nói về thời kỳ cuối khi Satan và thuộc hạ của hắn,
những kẻ đã tạo ra những đau khổ không kể xiết trên thế giới, sẽ bị trục xuất
khỏi Trái Đất trong vòng 1.000 năm.
…
Con gái của Ta, Ta sẽ cai trị trái đất trong
1.000 năm. Hãy biết chắc rằng giờ đây Ta đang trông coi các biến cố khi chúng
xảy ra trên thế giới. Giờ đây Ta đã chuẩn bị đường lối cho Vương Quốc Mới của
Ta trên trái đất và thời gian đó đã gần đến rồi, gần hơn rất nhiều so với những
gì người ta có thể nhận ra. Hãy hân hoan vì tin tức này sẽ được tất cả mọi
người đón nhận. Đau khổ trên thế giới này sẽ chấm dứt. Một nguồn tình yêu và
vinh quang để sẻ chia cho tất cả con cái của Ta, sẽ trào dâng”.
Cần lưu ý rằng thuyết “ngàn năm” này từng bị
các vị thánh tiến sĩ thời danh như Augustinô, Tôma Aquinô lên tiếng phi bác.
Huấn quyền của Hội Thánh cũng minh nhiên kết án lạc thuyết này, như thấy trong
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo: “Sự đánh lừa của tên Phản Kitô đã được
phác họa trên trần gian mỗi khi người ta cho rằng mình thực hiện được trong
lịch sử niềm hy vọng về Đấng Mêssia, một niềm hy vọng vốn chỉ có thể được hoàn
thành vượt quá giới hạn lịch sử, nhờ cuộc phán xét cánh chung: Hội Thánh đã bác
bỏ sự giả mạo này về Vương quốc tương lai, và cả dưới một hình thức giảm nhẹ
của sự giả mạo đó, có tên là thuyết ngàn năm, nhất là dưới một hình thức chính
trị của một chủ thuyết Mêssia đã bị tục hóa ‘đồi bại tự bản chất’” (số 676).
3. Những điểm sai lạc liên quan đến Hội Thánh
a) Chối bỏ quyền giáo huấn của Hội Thánh.
Bằng những cách khác nhau, bà Maria đã chối bỏ thẩm quyền bất khả ngộ của Hội
Thánh xét như thầy dạy chân lý. Như chúng tôi đã phân tích trên đây, qua lập
trường “duy Kinh Thánh”, bà Maria cũng đồng thời hoặc ít nhất là gián tiếp phủ
nhận quyền giáo huấn của Hội Thánh. Sự phủ nhận quyền giáo huấn có tính quy
phạm của Hội Thánh dường như còn được diễn tả cách mặc nhiên qua việc bà chủ
trương theo kiểu cào bằng rằng “…không một ai trong các con xứng đáng để
phán xét hoặc tra xét về người khác. Không ai có quyền hạn hoặc hiểu biết thiêng
liêng để đưa ra bất cứ sự đánh giá nào về đạo đức nơi người khác” (Sứ điệp
ngày 06-04-2011).
Mặt khác, bà Maria còn đưa ra những lời nhận
định sai lạc hoặc những lời cáo buộc thiếu căn cứ về cách thức Hội Thánh thực
thi vai trò giáo huấn. Trong nhiều sứ điệp và cụ thể là sứ điệp ngày
26-01-2012, bà Maria xem ra muốn ám chỉ rằng Tòa Thánh đang bị một số phần tử
xấu lũng đoạn, cho nên những gì mà các cơ quan thẩm quyền của Tòa Thánh giảng
dạy chỉ là bóp méo sự thật về giáo huấn của Chúa; những canh tân Phụng vụ, nhất
là nghi thức thánh lễ chỉ là phương pháp phượng tự Công Giáo bất xứng, xúc phạm
đến Chúa Giêsu và Chúa Cha. Cũng trong sứ điệp này, bà còn cho rằng Hội Thánh
không dạy sự thật; Hội Thánh đã không bao giờ giảng dạy về tính chất nghiêm
trọng của tội lỗi (xem thêm các sứ điệp ngày 18-02-2013; ngày 30-09-2013). Thực
ra, bà Maria nói như thế tức là bà đã không hiểu rằng Hội Thánh không chỉ là cơ
chế hữu hình được vận hành bởi con người, mà trên hết còn là một thực tại
thiêng thánh được Thánh Thần hướng dẫn.
b) Chối bỏ quyền của Hội Thánh trong việc
quản lý và phân phát các mầu nhiệm thánh. Thật vậy, sứ điệp ngày 31-01-2012 đã
cho thấy một quan niệm sai lạc về việc ban các ân xá. Theo sứ điệp này, việc
ban ân toàn xá không phải do Hội Thánh mà là do chính Chúa Giêsu ban cho một số
người được tuyển chọn để kêu gọi người khác hoán cải. Việc nhận ơn toàn xá này
đi kèm với điều kiện phải đọc một kinh đặc biệt trong bảy ngày liền. Kinh này
cũng được xác định rõ trong sứ điệp. Thực ra, những điều nói trong sứ điệp này
thực chất chỉ là một sự mạo danh Chúa Giêsu để tự dành cho mình quyền ban ân
xá, chứ Chúa Giêsu chẳng bao giờ làm điều đó.
Thật vậy, những điều trong sứ điệp này hoàn
toàn trái ngược với ý định của Chúa Giêsu trong việc thiết lập Hội Thánh như là
trung gian của ơn thánh (Mt 16,19; 18,18). Chúa Giêsu không ủy thác cho một
thẩm quyền nào khác ngoài Hội Thánh được ban các ân xá cũng như quy định các
điều kiện đi kèm. Chắc hẳn Chúa Giêsu sẽ không phá đổ hay làm ngược lại những
gì Ngài đã thiết lập. Về điểm này, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo dạy như
sau: “Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng
chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù những tội đó đã được tha thứ. Để hưởng nhờ ân
xá, Kitô hữu phải hội đủ những điều kiện được thẩm quyền của Hội Thánh quy
định, vì với tư cách là thừa tác viên của Ơn cứu chuộc, Hội Thánh có thẩm quyền
phân phát và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh” (số
1471).
c) Đưa ra những phán đoán sai lạc về các Đấng
kế vị Thánh Phêrô.Trước khi xảy ra biến cố Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên
bố từ nhiệm, bà Maria, trong nhiều sứ điệp, đã từng tiên báo rằng Đức Giáo
hoàng sẽ bị hạ bệ bởi một âm mưu đen tối trong Giáo triều Rôma (chẳng hạn các
sứ điệp ngày 18-01-2012; ngày 11-02-2012; ngày 20-03-2012; ngày 26-05-2012).
Nếu các sứ điệp trên đây tiên báo việc Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI kết thúc sứ
vụ đại diện Chúa Kitô là do một thế lực xấu xa cưỡng ép ngài, thì chúng ta sẽ
phải hiểu sao về những lời tuyên bố của ngài về lý do của việc từ nhiệm? Trong
tuyên bố ngày 11-02-2013, ngài đã xác định việc từ nhiệm là do tuổi cao và sức
khỏe kém, và việc từ nhiệm là một quyết định tự do. Như vậy, phải chăng chúng
ta phải tin vào các sứ điệp của bà Maria để kết tội Đức Giáo hoàng là một kẻ dối
trá? Hay phải nói ngược lại là các sứ điệp của bà Maria chỉ là trò dự đoán đầy
tà ý và cảm tính?
Bên cạnh đó, bà Maria còn phủ nhận sự chính
đáng của việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô từ nhiệm cũng như tính hợp thức của vị
Giáo hoàng sẽ kế vị. Trong sứ điệp ngày 22-07-2013 có những lời lẽ như sau:“Chỉ
có một vị chủ chăn của Giáo Hội trên Trái Đất được Con Mẹ trao quyền, người vẫn
cứ phải là Giáo Hoàng cho đến chết. Bất cứ ai khác là kẻ giành quyền ngồi trên
Ngai Tòa Thánh Phêrô đều là kẻ mạo danh”.
Đang khi đó, việc các vị Giáo hoàng từ nhiệm,
mặc dù hiếm nhưng cũng đã từng xảy ra trong lịch sử Hội Thánh. Cho nên, đó
không phải là điều bất khả. Chính bộ Giáo luật 1983, điều 332, §2 dự liệu như
sau: “Nếu xảy ra trường hợp Đức Giáo hoàng Rôma từ nhiệm, việc từ nhiệm phải
được tự do và phải được bày tỏ cách hợp thức thì mới hữu hiệu, nhưng không cần
được bất cứ ai chấp nhận”.
Có một điều mà ai đọc các sứ điệp của bà
Maria cũng đều dễ nhận thấy, đó là sự chống báng mạnh mẽ nhắm vào người kế vị
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, tức là Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô. Chiều
hướng này xem ra cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhóm cầu nguyện do bà phát
động. Trong nhiều sứ điệp khác nhau, bà đã dùng những lời lẽ chống báng rất gay
gắt đối với Đức Phanxicô.
Từ trước khi xảy ra biến cố Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI từ nhiệm, trong sứ điệp ngày 12-04-2012, bà Maria đã tiên báo một
người sẽ được bầu lên thay Đức Bênêđictô. Tuy nhiên, bà phủ nhận tính hợp pháp
của cuộc bầu vị Giáo hoàng mới. Bà gọi cơ mật viện Hồng y bầu giáo hoàng mới là
những người theo bè Tam điểm, là tổ chức độc ác của Satan. Bà gọi vị Giáo hoàng
mới là ngôn sứ giả, là kẻ mạo danh. Điều này nằm trong cùng một chiều hướng với
việc bà cho rằng Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng đích thực cuối cùng trên
trần gian. Trong nhiều sứ điệp khác nữa, bà thường xuyên lặp đi lặp lại cụm từ
“ngôn sứ giả” được gán cho người kế vị Đức Bênêđictô. Cũng có khi bà gán cho vị
này những “nhãn hiệu” xấu xa khác, như “đầu của Con Mãng Xà” (sứ điệp ngày
13-11-2012); “kẻ mạo danh” (sứ điệp ngày 22-07-2013); “cái sừng nhỏ, kẻ huênh
hoang tự đắc ngồi trên Tòa Phêrô” (sứ điệp ngày 18-02-2013); “con của Satan…kẻ
mạo danh trên ngai tòa Phêrô…tên phản Kitô” (sứ điệp ngày 25-02-2013); và còn
nhiều điều khác tương tự.
Thái độ chống Giáo hoàng của bà Maria một mặt
cho thấy bà không tin rằng Thánh Thần của Chúa Kitô vẫn đang hiện diện và hoạt
động trong Hội Thánh, không ngừng hướng dẫn Hội Thánh đạt đến chân lý toàn vẹn
của Chúa Kitô. Mặt khác, thái độ đó còn cho thấy một cái nhìn giản lược về bản
chất của Hội Thánh vốn chỉ còn là một cơ chế phàm trần của những tranh giành
phe nhóm, những toan tính kiêu căng, mưu đồ thống trị… Cần nhớ rằng Hội Thánh
tiên vàn là một mầu nhiệm. Hội Thánh dù bao gồm các tội nhân, nhưng tự bản chất
là thánh thiện vì được chính Đức Kitô thánh hóa để trở thành Hiền Thê không tì
ố của Ngài (xc. Cđ. Vat. II, Hiến chế về Giáo Hội, số 1-8). Thái độ chống
Giáo hoàng của bà Maria có thể coi là một dạng thức của tội ly giáo, khi bà
không ngừng rêu rao rằng vị Giáo hoàng đương nhiệm là ngôn sứ giả, là Giáo
hoàng mạo danh… (xc. GLHTCG, số 2089).
4. Những điềm sai lầm về luân lý
a) Sai lầm trong quan niệm về luân lý tính
dục. Trong sứ điệp ngày 06-04-2011, bà Maria tỏ ra dung túng cho một lối
sống tự do về tình dục. Nội dung chính của sứ điệp này xoay quanh việc đừng lên
án những người khác tôn giáo, tín ngưỡng hay khác về những sở thích tính dục
(sexual preferences). Hẳn nhiên, cần phân biệt giữa tội lỗi và con người. Chúng
ta không có quyền lên án các tội nhân, cho dù họ phạm những tội nặng nề nhất.
Thế nhưng, cách diễn tả mơ hồ của sứ điệp khiến người đọc có cảm tưởng rằng cũng
không nên phê phán sự sai trái của những xu hướng lệch lạc về tính dục. Điều
đáng nói ở đây là cụm từ “sở thích về tính dục” được lặp đi lặp lại nhiều lần
như một sự nhấn mạnh. Cách dùng cụm từ này thật đáng ngờ! Xem ra nó hàm ý rằng
những xu hướng tính dục như đồng tính chẳng hạn, cũng chỉ nên coi là
chuyện sở thích cá nhân chứ không phải là một sự lệch lạc về luân lý. Thế
nhưng, đây lại là điều đi ngược lại với Giáo lý của Hội Thánh vốn coi các hành
vi đồng tính luyến ái tự bản chất là vô trật tự, và nghịch với luật tự nhiên
(xc. GLHTCG, số 2357).
b) Quan niệm sai lạc về việc áp dụng án tử
hình. Bà Maria còn đưa ra một quan niệm sai lạc về việc áp dụng án tử hình
khi bà lên án theo cách cào bằng vô điều kiện mọi hình thức giết
người, chỉ trừ ra hành động tự vệ. Sứ điệp ngày 26-01-2012 có những lời như
sau: “Ngươi không được giết người có nghĩa là ngươi không được giết người
khác. Điều này không có ý nói về sự tự vệ nhưng về bất kỳ trường hợp nào khác.
Không ai được biện minh cho việc giết người – dù là phá thai, hành hình hay trợ
tử. Không người nào được phép” (sứ điệp ngày 15-07-2011 cũng có những lời
tương tự).
Hẳn nhiên, Hội Thánh luôn dạy rằng phá thai,
trợ tử và những hành động giết người cố ý và không có lý do chính đáng đều là
những tội ác nghiêm trọng về luân lý. Tuy nhiên, đối với án tử hình, mặc dù Hội
Thánh luôn kêu gọi các chính quyền thực thi lòng khoan dung và giảm thiểu hết
mức có thể việc áp dụng án tử hình, nhưng Hội Thánh vẫn luôn công nhận quyền
chính đáng của các chính quyền dân sự trong việc áp dụng án tử hình cho những
tội phạm hết sức nguy hiểm cho xã hội mà xét thấy không còn cách chọn lựa nào
khác. Như vậy, việc áp dụng án tử hình không phải luôn luôn là hành động vô
luân, nhưng là điều chính đáng trong một số hoàn cảnh nhất định. Giáo lý này
thuộc về truyền thống lâu đời của Hội Thánh, từng được các vị thánh Tiến sĩ
thời danh giảng dạy, và nhất là được khẳng định trong Sách Giáo lý của Hội
Thánh Công Giáo như sau: “Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác
minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án
tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con
người khỏi bị xâm phạm cách bất công” (số 2267).
c) Quan niệm sai lạc về ơn tha tội. Trong sứ
điệp ngày 09-07-2012, bà Maria còn quảng bá một quan niệm sai lạc về ơn tha tội
khi cho rằng người nào đọc kinh đọc đặc biệt (do bà chỉ dẫn) trong 7 ngày liên
tục thì được ơn xá giải mọi tội lỗi. Điều này hẳn nhiên đi ngược với giáo lý
của Hội Thánh vốn cho rằng ơn tha tội được ban thông thường bằng việc lãnh nhận
bí tích giao hòa, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, bằng việc ăn năn tội cách
trọn, chứ không chỉ đơn thuần bằng việc đọc bất kỳ kinh đọc nào (xc. GLHTCG, số
1446; 1452).
Cũng trong sứ điệp nói trên, bà còn đề xuất
một kinh đọc đặc biệt khác để xin ơn tha tội cho những người chết trong tình
trạng mắc tội trọng. Điều này rõ ràng đi ngược lại với giáo lý của Hội Thánh
vốn dạy rằng những ai chết trong tình trạng mắc tội trọng thì sẽ rơi vào sự hư
mất đời đời. Do vậy, tất cả những sự hy sinh, công phúc, lời cầu nguyện của
người sống cũng không làm thay đổi được phần số của những người đã chết ấy (xc.
GLHTCG, số 1035).
5. Những điểm sai lạc về kỷ luật bí tích
Trong các sứ điệp, bà Maria còn chủ trương
những điều sai lạc liên quan đến cách thức thực hành hoặc lãnh nhận các bí
tích. Hẳn nhiên, Hội Thánh không có quyền thay đổi bản chất của các bí tích, vì
các bí tích là do Chúa Kitô thiết lập. Tuy nhiên, Hội Thánh, xét như là người
quản lý các Bí Tích và thừa tác viên của ơn cứu độ, có thẩm quyền đưa ra những
quy định về hình thức cử hành các bí tích. Những quy định này vì không đụng
chạm đến bản chất của Bí tích, nên có thể được canh tân khi cần thiết để thích
ứng với những hoàn cảnh mới.
Ở đây, chúng tôi muốn nói đến hai quy định cụ
thể của Hội Thánh trong việc lãnh nhận các bí tích. Đó là việc cho phép tín hữu
rước lễ bằng tay và luật buộc xưng các tội trọng một năm ít là một lần. Việc
Hội Thánh cho phép tín hữu rước lễ bằng tay được xác định rõ ràng trong các văn
kiện sau đây: Tông thư Ecclesia de Eucharistia của Đức thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II và Huấn thị Redemptionis Sacramentumcủa Bộ Phụng tự
và Bí tích. Còn việc xưng các tội trọng một năm ít là một lần thì được xác định
trong Giáo luật 1983, điều 989.
Đáng tiếc là các sứ điệp của bà Maria đã minh
nhiên phủ nhận tính hợp pháp của hai quy định trên đây của Hội Thánh. Thật vậy,
sứ điệp ngày 06-07-2011 nói như sau: “Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh phải
được đón nhận trên lưỡi và không được phép đón nhận một cách ô nhơ bởi bàn tay
con người. Tuy nhiên, điều này chính là những gì các tôi tớ đã được thánh hiến
của Ta đã và đang thực hiện. Các lề luật này đã không được thông qua bởi Ta
trong thần khí. Các tôi tớ đã được thánh hiến của Ta đã bị dẫn dắt trên một con
đường không phù hợp với các Giáo Huấn từ các tông đồ của Ta”.
Còn sứ điệp ngày 09-07-2012 lại khẳng định
rằng: “Đối với những người Công Giáo, các con phải lãnh nhận bí tích Hòa
Giải hai tuần một lần nếu các con muốn tiếp tục sống trong Ân sủng”. Đây vừa là
một quan niệm sai lạc về tình trạng ân sủng vì cho rằng tình trạng ân sủng
không tùy thuộc vào tình trạng sạch tội trọng và lòng mến Chúa, nhưng tùy thuộc
vào nhịp độ nhất định của việc thực hành bí tích. Mặt khác, nó còn chuẩn hóa
một lối thực hành bí tích trái với quy định chung của Hội Thánh.
III. THẨM ĐỊNH VỀ PHONG TRÀO SỨ ĐIỆP TỪ TRỜI
1. Phản ứng từ phía Giáo quyền
Kể từ khi phong trào “Sứ điệp từ trời” khai
sinh và được phổ biến rộng rãi, nhiều vị Giám mục thuộc các châu lục khác nhau
đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm cũng như sự lầm lạc của phong trào này.
Có thể kể ra một số vị tiêu biểu như:
Đức Tổng Giám mục Denis J Hart, Giáo phận
Melbourne, Úc;
Đức Giám mục Fabbro, Giáo phận London,
Ontario, Canada;
Đức Giám mục Stephen Secka, Giám mục phụ tá
Giáo phận Spisska, Slovakia;
Đức Giám mục Richard. J. Malone, Tổng
Giáo phận Buffalo, NY;
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, Giáo phận
Brisbane, Úc;
Đức Giám mục Greg O’Kelly SJ , Giáo phận
Port Pirie, Nam Úc;
Đức Giám mục Andreas Laun of Salzburg, Giám
mục Phụ tá Giáo phận Áo. [2]
Vì bà “Maria Lòng Chúa Thương Xót” được cho
là người đang sống tại Dublin, nên cuối cùng Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận
Dublin, tức vị chủ chăn có thẩm quyền trực tiếp đối với bà, cuối cùng cũng đã
lên tiếng. Mới đây trong một bản Tuyên cáo ra ngày 16-04-2014, Đức Tổng Giám
mục Diarmuid Martin tuyên bố như sau:
Tòa Tổng Giám mục Dublin đã nhận được nhiều
thỉnh nguyện thư xin xác minh về tính chân thực của những điều tự nhận là thị
kiến và sứ điệp do một người tự xưng là “Maria Lòng Chúa Thương Xót” nhận được,
và người này được cho là đang sống tại Tổng Giáo phận Dublin.
Nay Tổng Giám mục Diarmuid Martin muốn khẳng
định rằng các sứ điệp này cũng như các thị kiến đi kèm không được Hội Thánh
chuẩn nhận, và nhiều điều trong các bản văn đi ngược lại với thần học Công
Giáo.
Vậy, không được phổ biến hay sử dụng các sứ
điệp này trong các hội đoàn thuộc Hội Thánh Công Giáo. [3]
2. Một vài nhận định chung thay lời kết
Sau khi đã tìm hiểu phong trào “Sứ điệp từ
trời”, chúng tôi nhận thấy rằng các bản văn tự nhận là “sứ điệp từ trời” không
thực sự phản ảnh giáo lý tinh tuyền của Hội Thánh Công Giáo, nhưng chỉ là một
thứ giáo thuyết hỗn tạp được góp nhặt hoặc chịu ảnh hưởng từ những nguồn mạch
khác nhau, vừa là Công Giáo, Tin Lành, và cả khuynh hướng hành đạo theo nghi lễ
cổ điển trước Công đồng Vaticanô II. Mặt khác, các sứ điệp của bà Maria còn
chứa đựng rất nhiều điều bất nhất hoặc mâu thuẫn. Chẳng hạn, khi thì bà chủ trương
phải khoan dung với những người “khác về sở thích tính dục”, khi khác lại lên
án cách gay gắt những cuộc hôn nhân đồng tính; khi thì bà chủ trương phải cầu
nguyện cho những người đã chết trong tình trạng mắc tội trọng, khi khác bà lại
cho rằng hình phạt hỏa ngục là đời đời, không thay đổi được (sứ điệp ngày
12-01-2014). Trong các sứ điệp, bà Maria đã từng cảnh báo về một “thứ tôn giáo
mới phá hoại Hội Thánh”, do một số phần tử xấu trong Giáo triều đang tìm cách
gầy dựng (chẳng hạn sứ điệp ngày 20-07-2012). Phải chăng lời kết án ấy trước
tiên đã ứng nghiệm vào chính cái giáo thuyết hỗn tạp mà bà đang ra sức phổ
biến?
Có nhiều yếu tố khiến người ta nghi ngờ về
tính khả tín của các sứ điệp từ trời do bà Maria phổ biến. Trước hết là sự ẩn
danh của bà. Mặc dù sự ẩn danh này đã được bà giải thích lý do, nhưng xem ra lý
do bà đưa ra không thực sự thuyết phục. Trong phần lớn các trường hợp, sự ẩn
danh thường đi đôi với việc không dám nhận trách nhiệm cũng như những hệ lụy về
những gì mình nói hoặc làm. Một lá thư nặc danh thường không được coi là có giá
trị. Trong lịch sử Hội Thánh, những nhà thần bí, những người nhận mặc khải tư
chân chính không bao giờ ẩn danh, mà trái lại, họ sẵn lòng chịu thử thách, hiểu
lầm, nghi kỵ, thiệt thòi vì những gì họ nói ra, bởi vì họ thực sự xác tín về
những gì mình nói.
Yếu tố thứ hai khiến người ta nghi ngờ về
tính khả tín của các sứ điệp, đó là những lời tiên báo của bà Maria thường
không ứng nghiệm. Cũng có khi những lời tiên báo đó xem ra ứng nghiệm, nhưng
chỉ ứng nghiệm cách nửa vời, như trong trường hợp bà tiên báo về việc Đức Giáo
Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm mà chúng tôi đã phân tích trên đây. Còn những gì
bà tiên báo về người kế vị Đức Bênêđictô XVI thì hoàn toàn ngược lại với những
gì người ta đang chứng kiến nơi vị Giáo hoàng đương kim, Đức Phanxicô. Nếu quả
thực các sứ điệp của bà phát xuất từ Thiên Chúa thì hẳn là không thể tiên báo
những điều viển vông như vậy.
Yếu tố sau cùng khiến người ta có đủ cơ sở để
phủ nhận tính khả tín của các sứ điệp do bà Maria quảng bá, đó là những điểm
sai lầm nghiêm trọng về đạo lý chất chứa trong các sứ điệp của bà. Thông thường
Hội Thánh rất cẩn trọng trong việc xác định những mặc khải tư nào được coi là
chân thực; và một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu được dựa vào để thẩm
định, đó là mặc khải tư ấy không bao hàm những điều sai lạc đi ngược lại với
giáo lý chung của Hội Thánh. Chỉ nguyên tiêu chí này cũng đủ cho thấy những sứ
điệp tự nhận là “từ trời” hay “mặc khải tư” của bà Maria chỉ là ngụy tạo. Những
sứ điệp đó không đến từ Thiên Chúa, mà chỉ là sản phẩm của con người. Điều tai
hại là chính người tạo ra các sứ điệp ấy lại gán cho chúng một giá trị ràng
buộc gần như tuyệt đối mà tự thân chúng không có. Điều này đã gây hoang mang
cho không ít các tín hữu đơn thành: có buộc phải tin các “sứ điệp từ trời” hay
không? Nếu không tin sẽ phải chuốc lấy những tai họa hay những hình phạt khủng
khiếp sẵn sàng ập xuống. Còn nếu tin thì sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy thực hành
do các sứ điệp đề xướng; và rồi, liệu làm như thế có rơi vào tội rối đạo hay
không? Bằng ấy câu hỏi đặt ra cũng là lời thỉnh nguyện để các cơ quan thẩm
quyền trong Hội Thánh địa phương sớm đưa ra câu trả lời chính thức để soi sáng
cho các tín hữu có được sự lựa chọn đúng đắn trong vấn đề này.
Lm Giuse Lâm Văn Sỹ, O.P.
[1] Tên
tiếng Anh là “Maria Divine Mercy”. Trong trang mạng SuDiepTuTroi, tên này
được dịch sang tiếng Việt là “Maria Tông Đồ Lòng Chúa Xót Thương”.
[2] Tham khảo thêm trang http://sudieptutroi-trueorfalse.blogspot.com/
[3] Nguyên
bản tiếng Anh trong trang mạng chính thức của Tổng Giáo phận Dublin.
(giaolyductin.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment