Khôn ngoan là gì? Định nghĩa khó thỏa mãn, vì còn tùy theo nghĩa trần tục hoặc tôn giáo. Theo Công giáo: Khôn ngoan là GIỮ LUẬT CHÚA. (x. Đnl 4:1-8) Khôn ngoan còn là một trong các Ơn Chúa Thánh Thần. Như vậy, sự khôn ngoan rất cần cho cuộc sống – cả đời và đạo. Khôn ngoan cũng là một nhân đức. Khôn Ngoan và Khiêm Nhường có liên quan lẫn nhau – gọi tắt là 2 K.
Nhưng cũng nên lưu ý, vì Việt ngữ rất độc đáo: KHÔN NGOAN nếu phát âm
hoặc viết “không khéo” thì biến thành KHÔNG NGOAN. Đúng là “cẩn tắc vô ưu.” Tục
ngữ Việt Nam cũng rất thâm thúy!
Một đêm nọ, Thiên Chúa hiện ra báo mộng cho Salômôn: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” (1 V
3:5) Salômôn thật hạnh phúc, vì không chỉ được làm vua mà còn được Thiên Chúa
“chiều chuộng tới bến,” muốn gì được nấy. Thế nhưng, Salômôn vẫn chân thành: KHÔNG
HỀ LỢI DỤNG LÒNG NHÂN HẬU CỦA CHÚA.
Cậu Salômôn khiêm nhường thân thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là
Đavít thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công
chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với
người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay. Và
bây giờ, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây
lên ngôi kế vị Đavít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ,
không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông
đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một
tâm hồn biết lắng nghe để cai trị
dân Chúa và phân biệt phải trái;
chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1
V 3:6-9) Thiên Chúa rất hài lòng vì
Salômôn đã xin điều đó: Ơn Khôn Ngoan.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ HAI điều vô cùng cần thiết: LẮNG NGHE và
PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI – tức là Ơn Khôn Ngoan. Theo lẽ đời thường cũng rất
lô-gích, vì có khả năng LẮNG NGHE thì mới khả dĩ PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI. Quả thật,
người ta vốn dĩ có tự ái cao hơn núi Everest, ai không đủ sức chịu đựng thì
không thể lắng nghe.
Thiên Chúa vui vẻ nói với vua Salômôn: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó,
ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ
thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài
phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan
minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi cũng chẳng
có ai bì kịp.” (1 V 3:11-12)
Sự khôn ngoan cần thiết vì trên cả tuyệt vời: “Người khôn ngoan sẽ thông suốt hậu vận của mình.” (Đnl 32:29)
Không chỉ vậy, sự khôn ngoan còn liên quan nhiều vấn đề khác của cuộc
sống. Một trong các vấn đề “nóng” của mọi thời đại là CÔNG LÝ. Sách Đệ Nhị Luật
cho biết: “Anh em không được làm sai lệch công lý, không được thiên vị ai và không
được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ khôn ngoan hóa ra đui
mù và làm hỏng việc của những người công chính.” (Đnl 16:19) Rất lô-gích,
rất hợp lý. Rõ ràng Luật Chúa không hề “chơi ép” nhân loại!
Cuộc sống cần sự khôn ngoan, tất nhiên là vậy. Nhưng khôn ngoan kiểu
nào? Có nhiều cách khôn ngoan, miễn sao biết LẮNG NGHE và PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI,
tất cả chỉ vì SÁNG DANH THIÊN CHÚA và vì CÔNG ÍCH.
Một bữa nọ, sau khi ông Dakêu được Chúa Giêsu gọi xuống khỏi cây sung,
ông đã mau mắn thú tội với Chúa
Giêsu, rồi xin được đền tội ngay lập
tức: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của
tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền
gấp bốn.” (Lc 19:8) Chúa Giêsu vui mừng nói công khai cho mọi người biết: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi
người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu
những gì đã mất.” (Lc 19:9-10)
Rồi tiện dịp,Chúa Giêsu kể thêm một dụ ngôn khác liên quan Đức Khôn Ngoan. Đó là trình thuật Lc 19:12-27 (≈ Mt 25:14-30).
Khi đó, Chúa Giêsu nói: Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc 19:13) Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.” (Lc 19:14)
Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những
đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu.
Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén
bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.”
(Lc 19:16) Ông bảo người ấy: “Khá
lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ thì hãy cầm
quyền cai trị mười thành.” (Lc 19:17) Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.” Ông cũng khen
người ấy vào cho quyền cai trị năm thành.
Rồi người thứ ba đến trình: “Thưa
ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc
khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.” (Lc
19:20-21) Ông nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ!
Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh
đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế
sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút
ra được cả vốn lẫn lời chứ!” (Lc 19:22-23) Rồi ông bảo những người đứng đó:
“Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người
đã có mười nén.” (Lc 19:24) Họ
thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười nén
rồi!” Nhưng ông nói ngay: “Tôi nói
cho các anh hay: phàm ai đã có thì sẽ
được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.
Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng,
hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.” (Lc 19:26-27) Lời của
ông này là lời của Đức Kitô, thật là chí lý biết bao!
Hai hình ảnh rõ nét về hai loại người: Trung tín và bất trung. Người
trung tín thì cố gắng sinh lời với số vốn một nén, người bất trung thì lười
biếng và ưa “ngồi mát ăn bát vàng,” ngại khó đến thân! Khôn ngoan cũng có hai
dạng: Khôn ngoan THẬT và khôn ngoan GIẢ (khôn lỏi, khôn đểu, ranh ma).
MỘT
Ông Dakêu xấu người nhưng không xấu nết. Ông biết mình tội lỗi nên MAU
MẮN THÚ TỘI và MUỐN ĐƯỢC ĐỀN TỘI, dù Chúa Giêsu chưa hề “hạch tội” ông. Đó là đức
khiêm nhường của ông Dakêu, đồng thời cũng là sự khôn ngoan của ông. Mà Thiên
Chúa lại rất thích những người sống khiêm nhường và khôn ngoan.
Hằng ngày, chúng ta cũng vẫn thú nhận tội lỗi: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều
thiếu sót. Lỗi tại tôi mọi đàng!” Thế nhưng rất có thể chúng ta chỉ đọc
thuộc lòng, đọc như vẹt, chứ chưa hẳn thực sự “đấm ngực” tự thú và nhận mình là
kẻ tội lỗi xấu xa. Và là “lỗi tại tôi mọi đàng” chứ không có phần lỗi của người
khác! Nếu xét kỹ lời Kinh Thú Tội đó thì thật đáng “giật mình” lắm, vì lời lẽ xác
định rất chi tiết về các dạng tội lỗi: Tư tưởng, lời nói, việc làm, và những
điều thiếu sót. Nhiều lắm, vô số những điều thiếu sót hằng ngày. Trước đây gọi
kinh này là Kinh Cáo Mình. Chữ “cáo mình” thật hay, đó là “tự mình cáo tội mình.”
Nghe chữ “cáo mình” có vẻ “đau” hơn là
Tác giả Thánh Vịnh đã thành khẩn tự thú và cầu xin: “Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ
miệng lưỡi chẳng điêu ngoa. Con xin được Thánh Nhan soi xét vì mắt Ngài thấy rõ
điều chính trực.” (Tv 17:1-2)
Vì hết lòng tín thác nơi Thiên Chúa nên tác giả Thánh Vịnh luôn một
lòng tha thiết cầu nguyện: “Xin giữ gìn
con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở, cho khỏi tay lũ ác
nhân hãm hại, thoát bọn tử thù tứ phía bủa vây.” (Tv 17:8-9)
HAI
Mỗi người đều được Thiên Chúa trao cho MỘT NÉN BẠC bằng nhau, có thể
hình thức khác nhau (tròn, vuông, chữ nhật, bầu dục,…) nhưng trọng lượng hoàn
toàn không hơn không kém. Mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa trao cho “một nén bạc.”
Đó là thời giờ, tài năng, hoàn cảnh, sức khỏe, điều kiện tài chính (giàu hoặc
nghèo), sự may mắn hoặc bất hạnh, sự thuận tiện hoặc trắc trở, sự thành công
hoặc thất bại, hạnh phúc hoặc đau khổ, ánh mắt, cử chỉ, lời nói, động thái,… Vấn
đề là chúng ta đã dùng “nén bạc” đó như thế nào: Sinh lời, hoang phí hoặc cất
giấu kỹ?
Biết sinh lời là làm bất cứ điều gì, dù là việc riêng của cá nhân, thì
cũng đều làm vì muốn SÁNG DANH CHÚA, CỨU CÁC LINH HỒN và ĐỀN TỘI MÌNH, như
Thánh Phaolô nói: “Dù ăn, dù uống, hay
làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa,” (1 Cr
10:31) và “Hãy làm mọi sự vì đức ái.” (1
Cr 16:14) Đức ái thì bao la và đa dạng lắm. Nhưng ai yêu thì có thể làm được
mọi thứ.
Sinh lời được nhiều hay ít không là vấn đề, Chúa chỉ cần chúng ta có
thực sự nỗ lực sinh lời hay không. Và dù được loại nén nào thì cũng chỉ là để
PHỤC VỤ. Vấn đề là chỉ muốn Ý CHÚA NÊN TRỌN mà thôi. Thế nhưng người thứ ba lại
không sinh lời vì lười biếng, ưa sống nhàn hạ, quen thói vinh thân phì da, đồng
thời còn nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ, ác ý và chỉ trích, vì người này cho rằng
ông chủ keo kiệt, khắc nghiệt và ác độc: “Tôi
sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt,
đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.” (Lc 19:20-21) Cứ “đinh ninh
theo ý mình” như vậy là cố chấp, cố chấp sinh đố kỵ, đố kỵ sinh nghi ngờ, nghi
ngờ sinh định kiến, cứ như thế thì làm sao có thể thay đổi tính nết mà nên
thánh (hoàn thiện – Mt 5:48) theo Ý Chúa?
Có nhiều loại
“nén,” mỗi người khác nhau, nhưng tất cả đều phải sinh lời để tôn vinh Thiên
Chúa qua việc phục vụ tha nhân. Thánh Phêrô nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người phải dùng mà phục vụ kẻ khác.
Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của
Thiên Chúa.” (1 Pr 4:10) Trong các loại “nén,” có lẽ “nén” khôn ngoan là
“nén” vừa độc đáo nhất vừa cần thiết nhất trong cuộc sống!
Lạy Thiên Chúa từ bi và
nhân hậu, xin ban cho chúng con Nén Khôn Ngoan, xin thương xót chúng con là
những tội nhân khốn nạn, xin ban Chúa Thánh Thần để chúng con được biến đổi từ
trong ra ngoài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng
con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Vàng hay Đất? – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/im-lang-la-vang-hay-at.html
✽ Giá Trị Sự Im Lặng – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/gia-tri-cua-su-im-lang.html
✽ Nên Mới Trong Đức Kitô – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/01/tro-nen-moi-trong-uc-kito.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment