Đời người là cuộc chiến đấu không ngừng giữa Thiện và Ác, hai phe luôn GIẰNG CO không ngừng và rất dữ dội: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19)
Cuộc chiến đời người không chỉ giới hạn giữa Thiện và Ác, mà rất đa
dạng và nhiều mức độ. Khi nói về việc ở độc thân để lo việc Chúa, Thánh Phaolô
nói: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi
cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị
với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (1 Cr 7:35) Đặc biệt
là giằng co còn có dạng xem chừng “thanh thản” lắm, như Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi bị
giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô,
điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.” (Pl
1:23-24)
Giằng co rất gay cấn, nhất là khi hai bên ngang ngửa, khó chọn lựa. Về
sự chọn lựa, có triết lý này: Khi phải chọn lựa mà chúng ta không chọn lựa, đó
cũng là chọn lựa – tức là chúng ta chọn cách “không chọn lựa.” Vì thế, chúng ta
rất cần có sự sáng suốt và thái độ dứt khoát, không thể lờ lững nước đôi, càng
mạnh mẽ càng dễ dứt khoát. Và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta phải dứt khoát: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên
Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:16)
Sion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ
tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” (Is 49:14) Chúng ta cũng thường
xuyên có động thái như vậy. Cũng có thể vì chúng ta yếu đuối, cũng có thể vì
chúng ta cứng lòng và cố chấp. Thế nhưng chúng ta đã ngộ nhận, hoàn toàn lầm
tưởng, vì Thiên Chúa hứa chắc chắn: “Có
phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã
mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi
bao giờ.” (Is 49:15) Ngài đã hứa thì Ngài luôn giữ đúng lời, trước sau như
một.
Con người luôn bị giằng co, nghĩa là luôn bất an, dù đôi khi nhìn có vẻ…
rất thanh thản. Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ kinh nghiệm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn
cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là
thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.” (Tv 62:2-3) Bí quyết đơn giản là
“bám vào Chúa.” Tuy nhiên, nói thì dễ mà làm thì khó lắm. Vì thế, chúng ta phải
không ngừng nỗ lực và quyết tâm giằng co với chính mình để có thể giảm bớt mức
độ giằng co. Muốn vậy, chúng ta chỉ có cách duy nhất là cậy nhờ Chúa.
Tác giả Thánh Vịnh đã dày kinh nghiệm: “Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang, Người là núi đá vững
vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân. Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người
luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can: Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.” (Tv
62:6-9) Chắc hẳn là vậy, vì có lẽ mỗi chúng ta cũng đã và đang có chút kinh
nghiệm nào đó về phương diện này.
Là người đã từng bị giằng co dữ dội và vượt qua chính mình, Thánh
Phaolô bộc bạch: “Chớ gì thiên hạ coi
chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của
Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ
lòng trung thành. Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng
chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không
thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người
công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa.” (1 Cr 4:1-4) Như vậy là Thánh
Phaolô đã thực sự thanh thản, chẳng còn sợ hãi gì nữa. Được như vậy thì hẳn
phải chiến đấu nhiều lắm!
Chắc chắn không ai lại không muốn được Thiên Chúa cứu độ, được hưởng
phúc trường sinh, được làm công dân nơi Thiên Quốc, thế nhưng người ta lại
thường “ngại” sống “khác người,” cứ so đo thế này hay thế nọ. Đó chính là sự
giằng co trong mỗi chúng ta hằng ngày, thậm chí là từng phút, từng giây. Thánh
Phaolô khuyên nhủ: “Xin anh em đừng vội
xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh
sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm
con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.” (1
Cr 4:5)
Cuộc đời nhiêu khê, đủ dạng giằng co – nhất là về lĩnh vực vật chất,
tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức tước,... Người ta thường nói: “Ở hiền gặp lành.” Thế nhưng có người luôn
sống tốt lành, ngoan hiền, đại lượng, nhân hậu,... mà vẫn gặp nghịch cảnh. Người
ta cũng thường nhắc tới “luật nhân – quả.” Thế nhưng vẫn có những người sống
ngang ngược, ích kỷ, ác độc, không coi ai ra gì, vậy mà họ vẫn phây phây, sống
ung dung tự tại, sung sướng, không hề biết khổ là gì. Lạy Chúa tôi!
Quả thật, trí óc con người như bã đậu, không thể nào hiểu nổi. Cuộc đời
là bí số như một hằng số, một số vô tỷ hoặc phương trình vô nghiệm!
Vì nghèo mà bị khinh, chịu thua thiệt, thế nên người ta phải nỗ lực làm
giàu, nhưng đâu phải ai cũng “xuôi chèo mát mái,” có người trở thành hèn hạ và
độc ác chỉ vì tiền bạc. Thật là rắc rối và tội lỗi quá!
Chuyện kể rằng...
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp, chẳng dám tiêu xài.
Tích cóp cả đời, anh ta để dành được một gia tài kếch xù. Một ngày nọ, Tử Thần đột
nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới chợt nhận ra mình chưa
kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia.
Anh ta năn nỉ: “Tôi chia 1/3 tài sản của tôi cho ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một
năm thôi.” Tử Thần lắc đầu: “Không
được.” Anh ta van nài: “Vậy tôi đưa
ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không?” Tử Thần vẫn không đồng
ý: “Không được.” Anh ta vội nói: “Vậy… tôi xin giao hết của cải cho ngài.
Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?” Tử Thần vừa nói vừa giơ cao lưỡi
hái trên tay: “Không được.” Anh ta
tuyệt vọng cầu xin lần cuối: “Thế thì
ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.” Lần này Tử Thần đồng ý. Anh
run rẩy viết: “Xin hãy nhớ: Bao nhiều
tiền bạc cũng không mua nổi một ngày.”
Chắc hẳn người này đã từng bị giằng co rất nhiều trong suốt cuộc sống, thế
mà đến lúc sắp chết vẫn chưa hết bị giằng co. Cuộc đời là thế! Tuy nhiên, thứ
giá trị nhất trong cuộc sống là thời gian. Khi chúng ta chưa làm được gì có ích
cho đời thì cũng đừng làm điều gì vô vị. Có một danh nhân đã nói: “Dù chưa làm được điều mình muốn thì ít ra
cũng phải biết muốn điều mình làm.” Quả là một triết-lý-sống độc đáo lắm!
Dù không có ý xấu, nhưng ông Alfred Nobel [1] và Mikhail Kalashnikov [2] vẫn bị giằng co. Ông
Alfred Nobel cảm thấy hối hận vì đã “lỡ” phát minh chất nổ, còn ông Mikhail Kalashnikov cũng bị dằn vặt
vì đã “lỡ” phát minh súng AK-47.
Chúa Giêsu biết nhân loại luôn bị giằng co, thế nên Ngài muốn chúng ta
phải dứt khoát: “Không ai có thể làm tôi
hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà
khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của
được.” (Mt 6:24)
Ngài khuyên răn và đưa ra ví dụ cụ thể: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì
mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc
sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;
thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng
sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ
một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ
ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo
sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột
bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.” (Mt 6:25-29)
Vâng, rất rạch ròi, rất chi tiết. Thế nhưng con người lại không dễ đạt
được mức tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, dù thâm tâm vẫn tự nhủ
phải ghi nhớ lời Đại Sư Giêsu đã xác định: “Không
có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Kiếp người chán thật! Thế nhưng
đừng vì thế mà tuyệt vọng, dù có những lúc chúng ta hoang mang và thất vọng.
(x. 2 Cr 4:8) Chúa Giêsu biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta tự biết mình, chắc
chắn Ngài cảm thông lắm. Đừng lo, đừng sợ! Ngài sẽ ra tay tế độ nếu chúng ta thật
lòng muốn “sờ vào tua áo” của Ngài. (x. Mt 9:20; Mt 14:36; Lc 8:44)
Chúa Giêsu vừa lý luận vừa quở trách chúng ta: “Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn
mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn
gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ
đó.” (Mt 6:30-32) Ôi chao, thật là xấu hổ quá đi thôi!
Chúa Giêsu rất nghiêm túc và thẳng thắn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,
còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày
mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày
nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:33-34) Hiểu và chấp nhận như vậy thì
chúng ta sẽ bớt bị giằng co!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
chúng con biết vui vẻ chấp nhận những đau khổ hằng ngày, chấp nhận chính sự
giằng co để chúng con khả dĩ “xé lòng” mà biến đổi không ngừng theo đúng Tôn Ý
Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
[1] Alfred Nobel sinh ngày 21-10-1833 tại Stockholm, Thụy Điển, mất
ngày 10-12-1896. Ông phát minh chất nổ rất có lợi cho nhân loại, nhưng người ta
lại dùng nó để giết hại con người. Tài sản của ông để lại được dùng làm Giải
Nobel để tặng thưởng những người có công lớn đối với nhân loại về nhiều lĩnh
vực, đặc biệt là lĩnh vực hòa bình.
[2] Mikhail Timofeyevich Kalashnikov (Nga) đã thực sự
hối tiếc vì phát minh súng AK-47, loại súng trường nổi tiếng nhất thế giới, ông
lo lắng cuộc sống bị huỷ diệt vì vũ khí của mình, và điều đó đã luôn ám ảnh
ông. Ông sinh ngày 10-11-1919 trong một gia đình nông dân ở Nga. Gia đình ông
không được chính quyền Soviet chấp thuận nên đã bị trục xuất về Siberia, nơi ông
phải đi săn với cây súng trường để nuôi sống gia đình. Ngày 23-12-2013, ông
chết trong sự cô đơn, không một người thân, nhưng vũ khí AK-47 vẫn đang gây ra
biết bao cái chết!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment