Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

SỐNG TINH THẦN GIÁNG SINH

Sau Mùa Vọng là Lễ Giáng Sinh. Chờ Đợi chân thành ắt sẽ được Gặp Gỡ. Con Thiên Chúa đã giáng trần, nhập thể và nhập thế, nên giống phàm nhân về mọi phương diện – ngoại trừ tội lỗi. Ngài dạy phàm nhân cách sống hy sinh, cụ thể là nhân đức khó nghèo.

Giáng Sinh về, niềm vui tưng bừng. Mùa Vọng kết thúc, nhưng Giáng Sinh là khởi đầu niềm hy vọng mới. Nhưng có thể vẫn có điều khiến chúng ta quan ngại, đó là sống đúng tinh thần 3K của Lễ Giáng Sinh: Khiêm Hạ – Khó Nghèo – Kính Mến. Đồng thời cũng là dịp tốt để diệt 3K: Kiêu Căng – Kiểu Cách – Khó Tính.

Hang đá cho thấy một gia đình đúng nghĩa: Cha, Mẹ và Con. Nhiều người trong chúng ta không có một gia đình đúng nghĩa, có thể chỉ còn mẹ, chỉ còn cha, hoặc không còn cha mẹ. Chắc chắn họ sẽ cảm thấy mủi lòng khi ngắm nhìn hang đá trong đêm Giáng Sinh.

Giáng Sinh là dịp người ta gởi thiệp cho nhau, chúc nhau hạnh phúc và thánh đức. Đó cũng là một cách Phúc Âm hóa lẫn nhau, truyền giáo cho những người trong gia đình mình, thậm chí là truyền giáo cho chính mình. Có nhiều cách truyền giáo, cách cũ sẽ không thích hợp với thời đại mới, vì thế mà Giáo hội kêu gọi Tân Phúc Âm hóa, Truyền giáo theo cách mới.

Thiết tưởng có thể đây là vài cách đơn giản khả dĩ áp dụng:

1. MÓN QUÀ THỰC TẾ – Cách truyền giáo đích thực là bắt đầu bằng tình yêu thương và lòng tin tưởng trong các mối quan hệ. Đối với Lễ Giáng Sinh, hãy dành cho người khác những món quà thực tế, đơn giản chứ không cần cầu kỳ: Uống cà-phê, ăn khuya sau lễ đêm Giáng Sinh (gọi là Réveillons, nghĩa là “canh thức”), ăn cơm trưa ngày lễ Giáng Sinh, mời nhau chiếc bánh, dĩa xôi,... Đó là sống yêu thương (mến yêu – mến Chúa và yêu người).

Cố gắng tạo mối liên kết tốt hơn trong các mối quan hệ. Nếu có khủng hoảng, hãy loại bỏ càng sớm càng tốt, lễ Giáng Sinh là dịp thuận tiện để tái lập “sự bình thường hóa.” Khi nào mối quan hệ đời thường phát triển tốt đẹp thì niềm tin tôn giáo dễ dàng phát triển đúng hướng.

2. KHÔNG TRANH KHÔNG GIÀNH – Nếu cảm thấy mình đang có “rắc rối” với gia đình về vấn đề gì đó, hãy cố gắng cởi mở giao hòa trước. Đó là khiêm hạ và cũng là sống phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã từng bị đánh đập tệ hại, dở sống dở chết, thế nhưng thánh nhân vẫn chịu đựng và tha thứ. Giáng Sinh là Mùa Giao Hòa, chắc chắn không thể có những cuộc tranh cãi hoặc chia rẽ, nhưng vẫn đủ sức vượt qua – trước tiên là vượt qua chính mình.

3. NOI GƯƠNG THÁNH GIA – Đối với những người nặng gánh gia đình, hãy ngắm nhìn Thánh Gia để được an ủi, vì khó nghèo là một nhân đức được Thiên Chúa đề cao, đặc biệt là một mối phúc thứ nhất trong Bát Phúc. (Mt 5:3) Khó nghèo đích thực chứ đừng Khó mà Nghèo! Giữa đêm tối tăm, giá lạnh, không chỗ trú đêm, phải vào hang dành cho súc vật để nghỉ qua đêm, thật là gian truân biết bao! Thế mà Đức Maria và Đức Giuse vẫn bằng lòng chấp nhận mọi gian khó vì Chúa.

4. CHIA SẺ NIỀM VUI – Không gì thu hút hơn một người sống vui vẻ, thể hiện qua nét mặt, nụ cười, lời nói,... Thấy người là thấy cười, dù là mỉm cười. Chắc chắn không ai không thích. Ngược lại, chưa thấy người đã nghe tiéng, thấy người là thấy cằn nhằn, ai lại không chán? Kitô hữu là người “có Chúa” – Kitô hữu, thế thì phải giống Chúa, luôn thân thiện và hòa nhã với mọi người, đặc biệt là gần gũi những con người bé nhỏ, nghèo khổ, bị ruồng bỏ,...

Lạy Chúa Hài Đồng, xin giúp chúng con càng ngày càng giống Ngài về mọi phương diện, không chỉ trong Mùa Giáng Sinh này, mà trong suốt cuộc đời chúng con. Xin Đấng Cứu Thế ban bình an đích thực cho chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Giáng Sinh – 2013

 Chứng Cớ Lịch Sử Về Chúa Giáng Sinh
 Chúa Giêsu Đến Thế Gian Làm Gì?
 Chúa Giêsu Giáng Sinh Năm Nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment