Ai cũng có một quê hương, cũng như ai cũng có cha mẹ. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, đơn giản như chùm khế ngọt, lũy tre làng, những cánh diều, những chú dế, những ruộng lúa,… Phàm những gì đơn giản lại là những thứ khả dĩ ghi đậm dấu ấn không phai nhòa trong ký ức. Vì thế, ai phải tha phương cầu thực cũng đều có những lúc nhớ quê da diết.
Quê hương là chốn
bình yên, hiền hòa, với những con người chân chất nhưng luôn đầy ắp tình cảm.
Tinh thần dân tộc và lòng ái quốc luôn cần thiết. Tục ngữ Việt Nam xác định: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh.”
Hội Nghị Diên Hồng một thời vang vọng: “Nên
hòa hay chiến?” Mọi người đều quyết tâm: “Quyết chiến! Quyết chiến!” Can đảm mới xứng danh người Việt, đừng
hèn nhát mà “tham sanh, úy tử” như bọn “giá áo, túi cơm,” như loài đỉa chuyên
“hút máu” nhân dân để ung dung sống vinh thân phì da.
Trần Quốc Toản đã
từng nghĩ tới việc nước rồi bóp nát trái cam trong tay, rồi khởi binh với lá cờ
ghi 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân.”
Chị em bà Trưng đã hiên ngang điều quân khiển tướng, không ngại gì dù là phận
nữ nhi liễu yếu đào tơ. Phạm Ngũ Lão bị giáo đâm vào đùi mà vẫn bất động vì lo
cho vận nước nhà. Đinh Bộ Lĩnh đã dùng bông lau để tập trận khi chăn trâu với
lũ trẻ mục đồng. Chu Văn An đã dám dâng sớ xin nhà vua chém đầu 7 nịnh thần. Trần
Bình Trọng bị địch bắt nhưng vẫn khí khái: “Thà
làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” Đó là khí phách của những chí
sĩ ái quốc thực sự. Chí khí Lý Thường Kiệt cương quyết và kiên cường đã thể
hiện qua bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà,” đó là bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của
Việt Nam:
Bài thơ bất hủ
của danh tướng Lý Thường Kiệt được Thích Đức Nhuận dịch nghĩa như sau:
Và còn nhiều
những danh tướng được lưu danh sử xanh nước Việt, vang bóng một thời, khiến
quân thù phải khiếp kinh mà thoái lui… Người Việt vẫn bất khuất trước mọi nguy
hiểm, mọi kẻ thù, mọi kẻ xâm lăng, dù đã phải trải qua cái nhục của “ngàn năm chịu
cảnh nô lệ giặc Tàu” và “trăm năm chịu ách đô hộ của giặc Tây.”
“Về Đây Anh” là
ca khúc của Ns Nguyễn Hiền (viết chung với Ns Nhật Bằng). Nét nhạc giản dị,
chuyển âm cũng không cầu kỳ, rất cơ bản, nhưng giai điệu vẫn mượt mà được lồng
trong nhịp 4/4. Ca từ bình dân nhưng vẫn vần điệu như thơ. Ca khúc “Về Đây Anh”
là một lời kêu gọi lòng yêu nước của mọi người Việt mang dòng máu đỏ và da vàng:
“Người ơi! Nước Nam của người Việt
Nam, đâu oán tranh để lòng nát tan, đây
Bến Hải là nơi ngăn cách đôi tình, đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình.”
Hòa bình là viên
ngọc quý giá nhất, ai cũng mơ ước “nhìn thấy” và “tận hưởng” thực sự. Nội chiến
hoặc ngoại xâm đều gây đau khổ như nhau. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một
mẹ chớ hoài đá nhau.” Huynh đệ với nhau mà tương tàn thì chẳng có gì hay, chỉ
làm đau lòng cha mẹ.
Sai lầm chưa đáng
sợ, không biết mình sai lầm mới đáng sợ, và càng đáng sợ hơn nếu cố chấp. Tác
giả tiếp tục kêu gọi mọi người biết thể hiện tình yêu thương với nhau như anh
chị em: “Người ơi! Sống chi cuộc đời
thương đau, về đây áo cơm đùm bọc lấy nhau, đây nỗi lòng người dân tha thiết
mong chờ, cớ sao người vẫn đang tâm thờ ơ!.” Hai tiếng “đồng bào” thật là
đầy ý nghĩa!
Ca dao Việt Nam
cũng đã nhắc nhở: “Bầu ơi thương lấy bí
cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Hoặc minh nhiên hơn: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong
một nước phải thương nhau cùng.” Đạo lý làm người là công lý chung của cả
thế giới, chẳng riêng gì bất cứ một quốc gia nào. Cả nhân loại, không là đồng
bào thì cũng là đồng loại, không thể không yêu thương.
Chạy theo cái ác
là lú lẫn. Hướng theo điều xấu là mê muội. Bạo động hoặc gây rối trật tự là gây
chia rẽ, tạo bất hòa, trái với đạo lý làm người. Dạng nào cũng là lầm lạc, cần
phải cố gắng giác ngộ về đường ngay nẻo chính.
Đoạn tiếp theo là
lời kêu gọi mọi người cùng nắm tay xây dựng nền hòa bình đích thực: “Người về đây sống vui đời thắm tươi, nền tự
do đắp xây cho muôn đời, nhịp cầu mến thương gieo vương ngàn nơi, Xuân thanh
bình rộn ràng bao lòng trai.” Nền hòa bình luôn đẹp, trong đó đầy ắp tình
người, chan hòa yêu thương. Tuy không là một thế giới đại đồng nhưng vẫn là một
thế giới lý tưởng mà mọi người khát khao.
Chiến tranh luôn
gây tang thương, đau lòng. Càng đau lòng hơn khi đó là nội chiến. Hòa bình luôn
là mơ ước của mọi người, dù già hay trẻ: “Người
ơi! Ước mong ngày tàn chinh chiến, để toàn dân sống trong cuộc đời ấm êm, ta
nhắn gửi về nơi phương Bắc xa vời: Hỡi ai lạc hướng mau quay về đây!” Cả
nhân loại này không ai lại không muốn sống trong nền hòa bình chân chính, người
ta có nghèo cũng vẫn vui, vẫn cảm thấy hạnh phúc.
TRẦM THIÊN THU
Trung
tuần tháng 11-2013
* Ns Nguyễn Hiền
sinh năm 1927 tại Hà Nội. Bắt đầu học nhạc từ năm 1935, ông đã học và sử dụng
dương cầm (piano), phong cầm (harmonium) và vĩ cầm (violon). Ông viết nhạc cho
ca khúc đầu tay năm 18 tuổi là bài “Người Em Nhỏ,” phổ bài thơ của Thiệu Giang.
Năm 1950, ông là nhạc trưởng của ban nhạc “Hotel de Paris” tại Hà Nội.
Ông lập gia đình
năm 1953, rồi vào Nam năm 1954. Ông từng làm chủ sự phòng Chương trình Đài Phát
Thanh Saigon, và phụ tá giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam.
Năm 1988, ông và
gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP. Ông cùng cố NS Ngọc Bích và một
số người bạn lập ra ban Saigon Band ở Little Saigon (Saigon Nhỏ) ở Westminster,
California, Hoa Kỳ. Năm 2004 ông được Trung tâm Thúy Nga mời đến Toronto
(Canada) để thực hiện Đại nhạc hội Paris By Night 74 với chủ đề “Hoa
Bướm Ngày Xưa” để vinh danh ông cùng với hai nhạc sĩ Huỳnh Anh và
Song Ngọc. Ông mất tại Mỹ tháng 12-2005 vì bị ung thư phổi.
Một số ca khúc
khác của NS Nguyễn Hiền: Anh Cho Em Mùa Xuân (phổ thơ Kim Tuấn), Bước Chân Dĩ
Vãng (viết chung với NS Lan Đài), Buồn Ga Nhỏ (viết chung với NS Minh Kỳ),
Đường Tơ Thôi Lưu Luyến, Hồ Than Thở, Hoa Bướm Ngày Xưa (viết chung với Thanh
Nam), Hoa Đào Năm Cũ (viết chung với NS Lê Dinh), Huyền Trân Công Chúa, Lá Rơi
Bên Thềm (viết chung với NS Lê Trọng Nguyễn), Lá Thư Gửi Mẹ, Mái Tóc Dạ Hương,
Ngàn Năm Mây Bay, Thanh Bình Ca, Tiếng Hát Học Trò (viết chung với NS Minh Kỳ),
Tìm Đâu, Từ Giã Thơ Ngây,…
✽ Ký Ức Hè – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/05/ky-uc-he.html
✽ Tâm Sự Hoa Phượng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/05/tam-su-hoa-phuong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment