Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

XẢ HƠI MÙA THU

MẦN THƠ và SAY THƠ

Tám xị và Hai lít ngà ngà và thi nhau làm thơ. Tám xị xung phong:

Nhà thờ ở cạnh nhà thơ,
Nhà thơ tắt thở, nhà thờ đổ chuông.

Hai lít “nóng gáy” xuất khẩu thơ luôn:

Nhà thơ ở cạnh nhà chùa,
Nhà chùa gõ mõ, nhà thơ giật mình.

Bà vợ vừa về cũng “họa” theo:

Có hai kẻ xỉn làm thơ,
Một gã ngố, một gã khờ thi nhau.
Nghe thơ mà thấy nhói đau,
Tim như ngừng đập, trời nào có hay!

Tám xị và Hai lít tròn mắt nhìn nhau và... tỉnh rượu luôn!

TRẦM THIÊN THU

NGHĨA và LÝ

Cu Tý hỏi Mẹ:
– Sao lại gọi là Ma Sơ hả Mẹ?
– À, gọi theo tiếng Pháp, con à!
– Nghĩa là gì hả Mẹ?

Mẹ cười:
– Theo tiếng Pháp, Ma Sơ (Ma Sœur) nghĩa là “chị của tôi.”
– Tiếng Việt cũng có cách gọi mấy nữ tu. Vậy sao không dùng tiếng Việt cho tiện?
– Mẹ cũng không hiểu, có lẽ người ta quen rồi.
– Chắc là dùng tiếng Tây thì “oai” hơn và “sang” hơn tiếng Việt, phải không Mẹ?

Mẹ vừa lắc đầu vừa nói:
– Mẹ chịu thôi. Nhưng cách gọi Dì Phước trong tiếng Việt còn “ngon” hơn tiếng Tây nhiều.
– Đúng đó Mẹ. Con cũng định nói vậy!
– Gớm, con trai Mẹ lý luận quá. Mà lý luận, lý lẽ, chứ đừng có lý lắc đó nha!
– Con biết mà!

Cu Tý chợt nói:
– À, Mẹ nè. Sao lại là Ma Sơ chứ không là “gì gì” Sơ nhỉ?

Mẹ cười nhìn Bố. Hiểu ý, Bố giải thích:
– “Ma” là tính từ sở hữu dùng trước danh từ giống cái. Mà cũng may là Ma Sơ (Ma Sœur), chứ nếu Mông Sơ (Mon Sœur) thì… tiếng Việt nghe “ngứa tai lắm, con trai à!

TRM THIÊN THU

LÁO!

Anh Đối và anh Thoại vừa uống cà phê vừa nói chuyện đời, hết chuyện này tới chuyện kia, từ Trung Đông tới chiến sự tại Ukraine. Bỗng dưng Đối chuyển đề tài:

– Tao có vấn đề này, không biết mày muốn bàn hay không nữa.

Thoại nói ngay:

– Thì cứ nói. Có gì mà quan trọng hóa vậy?

– Vấn đề xưng hô.

– Thì bình thường thôi. Tùy theo tuổi tác hoặc vai vế mà xưng hô cho phù hợp.

– Biết vậy. Thế mà vẫn bất ổn đấy!

– Cái gì? Nói luôn đi. Úp úp mở mở như xóc đĩa vậy!

Đối vừa sờ cằm vừa nói:

– Nếu nói với đám đông có đủ lứa tuổi, mày xưng mình là gì?

– Là “tôi” vậy thôi.

– Thế thì người ta bảo láo.

– Sao mà láo?

– Vì có những người đáng tuổi cha mẹ mình.

Thoại nhổm người lên, nói lớn:

– Không lẽ xưng là “con” trong khi có những người nhỏ hơn mình hoặc ngang tuổi mình?

– Dĩ nhiên không phải vậy.

– Không xưng “tôi” thì xưng là gì?

– Vấn đề là chỗ đấy.

– Thì tao đã nói là xưng “tôi” mà. Tiếng Việt rắc rối lắm. Kiểu nào người ta cũng chê trách được.

– Mày có cách xưng hô nào “chuẩn” nhất không?

– Với người đời mà còn bảo láo. Vậy mà người ta láo với Chúa hằng ngày đấy.

– Thôi đi mày. Đừng nói quá nha!

– Tao nói thật.

– Thật gì? Mày nói nghe coi!

Thoại ôn tồn:

– Hằng ngày, khi dâng lễ, người ta thú nhận tội lỗi: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em…” Tại sao không xưng “con” mà xưng “tôi” chứ? Có phải láo không?

– Không láo. Xưng “tôi” vì còn có người bằng tuổi và nhỏ tuổi hơn mình. Dùng đại từ “tôi” là trung dung.

– Đấy. Nói với Chúa và người ta mà xưng “tôi” thì được. Vậy tại sao nói với người ta, không có Chúa, dù có người lớn hơn và nhỏ hơn mình, tại sao xưng “tôi” thì cho là láo?

Đối cười trừ:

– Tao… chịu thua. Phép vua thua lệ làng, mày ơi!

Thoại gằn giọng:

– Xí! Cứ bày đặt chê Biệt Phái, chúng ta còn chảnh hơn họ nhiều! Ai láo hơn ai?

TRẦM THIÊN THU

LÀM THÁNH NHỜ... HÁT DỞ

Ngày phán xét, mọi người đều phải ra trước “vành móng ngựa thứ thiệt” để chịu xét xử. Thánh Phêrô là người mở sổ, gọi tên từng người, và hỏi cung luôn. Chúa Giêsu ngồi đó theo dõi.

Từng người, từng người,… lần lượt ra trình diện. Người nghề này, kẻ nghề nọ; có người cười tươi rói vì nhận được chiếc áo lông Chiên với tấm visa trắng toát: Vào Nước Trời; có kẻ mặt tối sầm lại và nghiến răng ken két vì nhận được chòm râu Dê với tấm visa đỏ chói: Vô Hỏa Ngục.

Mãi không đến lượt mình, một người tranh thủ ngủ, vì ngày xưa ở thế gian phải thức khuya dậy sớm tập hát nên thiếu ngủ. Cuối cùng cũng tới lượt. Thánh Phêrô gọi:

– Cao Cung Hát Ca.

Giật mình thức giấc, linh hồn này vừa dụi mắt vừa thưa:

– Dạ, có con.

Thánh Phêrô đại diện Chúa Giêsu và hỏi cung:

– Ngày xưa, khi Ta đói, con có cho Ta ăn không?

Linh hồn run lẩy bẩy và lắc đầu, không thốt nên lời, vì thấy mình cả đời chẳng cho ai ăn gì.

Thánh Phêrô hỏi tiếp: Khi Ta khát, khi Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta ngồi tù,… Nghe đến đâu linh hồn run đến đấy, độ run cứ tăng dần như nhịp điệu âm nhạc mạnh dần. Linh hồn chỉ biết lắc đầu, cúi mặt xuống thảm não lắm, vì cả đời cũng chẳng cho ai hoặc thăm viếng ai.

Lúc đó, Chúa Giêsu đứng dậy, vừa cười vừa nói:

– Đúng là cả đời con chưa cho ai cái gì hoặc chưa thăm viếng ai, nhưng con đã làm cho nhiều người cười.

Linh hồn này tròn mắt nhìn Chúa Giêsu. Ngài ôn tồn:

– Con được cái là chịu khó đi tập hát và hát lễ. Nhưng đó chưa đáng thưởng công, mà vì con hát dở lắm. Mỗi khi con cất tiếng hát ngang như cua lên thì cả nhà thờ đều bật cười. Ta còn mắc cười nữa đấy. Thôi được. Con làm cho người ta cười như vậy thì Ta thưởng cho con vào Nước Trời đấy.

Linh hồn hết run ngay, nhưng chả hiểu gì ráo trọi. Chúa Giêsu vẫn cười. Thánh Phêrô nháy mắt. Linh hồn cười tươi và tạ ơn Chúa, rồi bay vào Thiên Đàng ngay.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment