Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

LỜI CHA NHẮC NHỞ

Khi chúng ta cầu nguyện “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,” chúng ta cũng đang cầu nguyện rằng Thiên Chúa sẽ nuôi sống người nghèo, thường là qua chính đôi tay của chúng ta.

Có nhiều bài học tâm linh ẩn giấu trong Kinh Lạy Cha, chẳng hạn như nhiệm vụ của chúng ta là cho người nghèo ăn. Cho người đói ăn là một trong những điểm nổi bật trong sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu, và là một trong những điều được đưa vào lời cầu nguyện mà Ngài đã dạy các tông đồ cầu nguyện.

Khi thảo luận về lời cầu “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,” Giáo Lý Công Giáo giải thích bài học ẩn giấu trong đó: “Nhưng sự hiện diện của những người đói vì thiếu cơm bánh mở ra một ý nghĩa sâu sắc khác của lời cầu này. Thảm kịch nạn đói trên thế giới kêu gọi các Kitô hữu thành tâm cầu nguyện thực thi trách nhiệm đối với anh em mình, cả trong cách cư xử cá nhân cũng như trong tình liên đới với gia đình nhân loại. Lời cầu này của Kinh Lạy Cha không thể tách rời khỏi các dụ ngôn về Người Nghèo Lagiarô và Ngày Phán Xét cuối cùng.” (GLCG 2831)

Giáo Lý Công Giáo tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm công lý trên thế giới, đặc biệt là đối với người nghèo: “Như men trong bột, sự mới mẻ của vương quốc phải làm cho trái đất ‘nổi lên’ nhờ Thánh Thần của Chúa Kitô. Điều này phải được thể hiện bằng việc thiết lập công lý trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội, kinh tế và quốc tế, đồng thời không bao giờ quên rằng không có cơ cấu công bằng nếu không có những con người muốn trở nên công bằng.” (GLCG 2832)

Hơn nữa, cụm từ “lương thực” phải được hiểu theo nghĩa thực sự phổ quát của nó: Lương thực “của chúng con” là lương thực cho “nhiều người.” Trong các Mối Phúc, “nghèo khó” là nhân đức chia sẻ: nó mời gọi chúng ta giao tiếp và chia sẻ cả của cải vật chất lẫn tinh thần, không phải bằng sự ép buộc mà vì tình yêu, để sự dư thừa của một số người có thể đáp ứng nhu cầu của người khác. (GLCG 2833)

Mỗi khi bạn đọc Kinh Lạy Cha, hãy nhớ rằng Kinh Lạy Cha thúc giục chúng ta cho người đói ăn và hoạt động vì công lý trên thế giới.

PHILIP KOSLOSKI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment