Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

THƯ GIÃN MÙA HÈ

MẬT NGHỊ MA QUỶ

(Đây là chuyện tưởng tượng nhưng cũng RẤT THẬT, có thể bạn “giật mình” khi biết chuyện này, vì bấy lâu nay có lẽ chúng ta vẫn ảo tưởng về chính mình!)

QUỶ 1 – Báo cáo sếp, em đã cám dỗ giáo sĩ về điều răn thứ 6, nhưng họ chống trả bằng cách cứ cầu nguyện liên tu bất tận. Em xin chịu thua, sếp có phương kế gì không ạ?

QUỶ 2 – Em cũng xin báo cáo sếp, em phụ trách công tác cám dỗ tu sĩ về sự kiêu căng, bất tuân Bề Trên. Họ cũng chống trả bằng cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi không ngừng. Thế là em đành biến đi. Xin ý kiến sếp chỉ đạo tiếp ạ!

QUỶ 3 – Trình sếp, em được phân công theo cám dỗ giáo dân về lòng tham lam của cải vật chất thế gian, nhưng cũng như trường hợp hai bạn quỷ của em vừa báo cáo, họ cũng lấy việc cầu nguyện làm vũ khí chống trả ghê gớm, em đành chịu thua và rút lui ạ!

TƯỚNG QUỶ – Thôi, thôi, đủ rồi! Chúng mày đi sai đường lối chính sách từ sừng tới đuôi. Đã có lệnh mới, chúng mày quên béng rồi à? Đừng có cám dỗ theo những phương án tiêu cực và thụ động ấy nữa, xưa rồi, ma khờ quỷ ngu! Chiến lược bây giờ là phải làm ngược lại, hết sức tích cực và chủ động, nghĩa là phải khuyến khích chúng nó giữ đạo cho sốt sắng, làm việc bác ái cho hăng, để rồi có ngày chúng nó sẽ tự mãn mà kiêu căng. Bấy giờ mới là lúc tung chiêu quyết định giành thắng lợi, hiểu chưa, đồ quỷ?

TRẦM THIÊN THU

HÈ VỀ

Sắp nghỉ Hè, công việc thợ mộc cũng bớt vất vả hơn trước. Bố Giuse đã có kế hoạch cho Bé Giêsu học thêm.

Thấy Bố Giuse và Mẹ Maria xem cuốn sách gì đó. Bé Giêsu chạy tới và hỏi:

– Sách gì vậy, Bố Mẹ?

Mẹ Maria xoa đầu Con Trai, nói:

– Sách Tiếng Việt, Con à!

– Sao Bố có sách này?

– Bố mới mua.

– Ở Do Thái có bán sao Bố?

– Không. Bố nhờ người mua ở Việt Nam đấy.

Bé Giêsu kéo tay Bố Giuse:

– Làm gì vậy, Bố?

– Bố định cho Con học.

– Ôi! Ở Do Thái mà học tiếng Việt chi vậy Bố?

– Học để mai mốt Con qua đó mà truyền giáo chứ?

– Bố đưa Con xem thử.

Vài phút sau…

– Bố ơi, không ổn rồi. Chữ nghĩa lung tung thế này chắc là nhức đầu lắm!

Mẹ Maria nói thêm:

– Em thấy Con nói đúng đấy!

– Để Anh xem lại.

Một lát sau…

– Ừ, không được, Em à!

– Anh thấy gì sao?

– Anh mua sách mà bị lừa rồi. Chữ nghĩa lung tung thật. Tiến sĩ cả ngàn người mà soạn sách giáo khoa tiểu học kiểu này thì… chết thật!

Mẹ Maria sốt ruột:

– Anh nói rõ xem nào!

– Đây này. “Cây nêu” mà dạy đọc là “cây lêu,” “thùng rác” mà dạy viết là “thùng giác,” “con bê” mà dạy là “con nghé,” “trái đu đủ” mà dạy là “cái đu,”...

– Ôi, thế thì nguy hiểm quá, Anh ơi!

– Nguy hiểm thật. Con cháu Việt Nam bị ngu hóa thế này thì tội nghiệp quá! Những người soạn sách giáo khoa toàn là tiến sĩ giấy. Thôi, không cho Con học tiếng Việt nữa!

Bé Giêsu khoái chí:

– Vậy hả Bố? Con cảm ơn Bố Giuse yêu dấu!

TRẦM THIÊN THU

LÀM THÁNH NHỜ... HÁT DỞ

Ngày phán xét, mọi người đều phải ra trước “vành móng ngựa thứ thiệt” để chịu xét xử. Thánh Phêrô là người mở sổ, gọi tên từng người, và hỏi cung luôn. Chúa Giêsu ngồi đó theo dõi.

Từng người, từng người,… lần lượt ra trình diện. Người nghề này, kẻ nghề nọ; có người cười tươi rói vì nhận được chiếc áo lông Chiên với tấm visa trắng toát: Vào Nước Trời; có kẻ mặt tối sầm lại và nghiến răng ken két vì nhận được chòm râu Dê với tấm visa đỏ chói: Vô Hỏa Ngục.

Mãi không đến lượt mình, một người tranh thủ ngủ, vì ngày xưa ở thế gian phải thức khuya dậy sớm tập hát nên thiếu ngủ. Cuối cùng cũng tới lượt. Thánh Phêrô gọi:

– Cao Cung Hát Ca.

Giật mình thức giấc, linh hồn này vừa dụi mắt vừa thưa:

– Dạ, có con.

Thánh Phêrô đại diện Chúa Giêsu và hỏi cung:

– Ngày xưa, khi Ta đói, con có cho Ta ăn không?

Linh hồn run lẩy bẩy và lắc đầu, không thốt nên lời, vì thấy mình cả đời chẳng cho ai ăn gì.

Thánh Phêrô hỏi tiếp: Khi Ta khát, khi Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta ngồi tù,… Nghe đến đâu linh hồn run đến đấy, độ run cứ tăng dần như nhịp điệu âm nhạc mạnh dần. Linh hồn chỉ biết lắc đầu, cúi mặt xuống thảm não lắm, vì cả đời cũng chẳng cho ai hoặc thăm viếng ai.

Lúc đó, Chúa Giêsu đứng dậy, vừa cười vừa nói:

– Đúng là cả đời con chưa cho ai cái gì hoặc chưa thăm viếng ai, nhưng con đã làm cho nhiều người cười.

Linh hồn này tròn mắt nhìn Chúa Giêsu. Ngài ôn tồn:

– Con được cái là chịu khó đi tập hát và hát lễ. Nhưng đó chưa đáng thưởng công, mà vì con hát dở lắm. Mỗi khi con cất tiếng hát ngang như cua lên thì cả nhà thờ đều bật cười. Ta còn mắc cười nữa đấy. Thôi được. Con làm cho người ta cười như vậy thì Ta thưởng cho con vào Nước Trời đấy.

Linh hồn hết run ngay, nhưng chả hiểu gì ráo trọi. Chúa Giêsu vẫn cười. Thánh Phêrô nháy mắt. Linh hồn cười tươi và tạ ơn Chúa, rồi bay vào Thiên Đàng ngay.

TRẦM THIÊN THU

LÁO!

Anh Đối và anh Thoại vừa uống cà phê vừa nói chuyện đời, hết chuyện này tới chuyện kia, từ Trung Đông tới chiến sự tại Ukraine. Bỗng dưng Đối chuyển đề tài:

– Tao có vấn đề này, không biết mày muốn bàn hay không nữa.

Thoại nói ngay:

– Thì cứ nói. Có gì mà quan trọng hóa vậy?

– Vấn đề xưng hô.

– Thì bình thường thôi. Tùy theo tuổi tác hoặc vai vế mà xưng hô cho phù hợp.

– Biết vậy. Thế mà vẫn bất ổn đấy!

– Cái gì? Nói luôn đi. Úp úp mở mở như xóc đĩa vậy!

Đối vừa sờ cằm vừa nói:

– Nếu nói với đám đông có đủ lứa tuổi, mày xưng mình là gì?

– Là “tôi” vậy thôi.

– Thế thì người ta bảo láo.

– Sao mà láo?

– Vì có những người đáng tuổi cha mẹ mình.

Thoại nhổm người lên, nói lớn:

– Không lẽ xưng là “con” trong khi có những người nhỏ hơn mình hoặc ngang tuổi mình?

– Dĩ nhiên không phải vậy.

– Không xưng “tôi” thì xưng là gì?

– Vấn đề là chỗ đấy.

– Thì tao đã nói là xưng “tôi” mà. Tiếng Việt rắc rối lắm. Kiểu nào người ta cũng chê trách được.

– Mày có cách xưng hô nào “chuẩn” nhất không?

– Với người đời mà còn bảo láo. Vậy mà người ta láo với Chúa hằng ngày đấy.

– Thôi đi mày. Đừng nói quá nha!

– Tao nói thật.

– Thật gì? Mày nói nghe coi!

Thoại ôn tồn:

– Hằng ngày, khi dâng lễ, người ta thú nhận tội lỗi: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em…” Tại sao không xưng “con” mà xưng “tôi” chứ? Có phải láo không?

– Không láo. Xưng “tôi” vì còn có người bằng tuổi và nhỏ tuổi hơn mình. Dùng đại từ “tôi” là trung dung.

– Đấy. Nói với Chúa và người ta mà xưng “tôi” thì được. Vậy tại sao nói với người ta, không có Chúa, dù có người lớn hơn và nhỏ hơn mình, tại sao xưng “tôi” thì cho là láo?

Đối cười trừ:

– Tao… chịu thua. Phép vua thua lệ làng, mày ơi!

Thoại gằn giọng:

– Xí! Cứ bày đặt chê Biệt Phái, chúng ta còn chảnh hơn họ nhiều! Ai láo hơn ai?

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment