Đường đã lên đèn nhưng
mang vẻ uể oải sau một ngày nắng oi ả với những cơn mưa mùa hè chực ập xuống mà
không được.
Tôi trở về sau những giờ dạy học, đi ngang qua bao con phố ồn-ào-mà-lặng-lẽ. Thoạt nghe có vẻ nghịch lý. Không. Ồn ào vì xe cộ ầm ầm qua lại và lặng lẽ nhưng ai cũng vội vã đi mà không hề nghe được lời nào. Hết phố dài đến phố ngắn, hết đại lộ đến đường nhỏ, tôi cứ miên man nghĩ về môn dạy của mình: Anh ngữ.
Là một người sinh ra và
lớn lên trên đất Việt mến yêu, từng hãnh diện với bốn ngàn năm văn hiến, từng
đánh bại giặc ngoại xâm bằng vũ khí thô sơ nhờ ý chí sắt đá của mỗi con người
da vàng máu đỏ với một Đống Đa, một Bạch Đằng, một Điện Biên Phủ,…
Có lẽ chẳng ai dám tự nhận
mình thông suốt tiếng Việt một cách hoàn hảo. Thế mà bây giờ tôi lại đi dạy
ngoại ngữ, thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Phải chăng tôi đã phản
bội Mẹ Việt Nam, người đã cưu mang và dưỡng dục tôi cả cuộc đời trong gian khổ?
Xét về một phương diện nào đó thì điều này… đúng!
Con người hữu hạn. Tiếng
mẹ đẻ của mình chưa rành hết phương chi là ngoại ngữ. Học sinh chịu tìm hiểu,
tích cực học và năng hỏi là dấu hiệu tốt. Đôi khi giáo viên cũng “mệt,” nhưng
nhờ đó mà giáo viên phải tìm hiểu không ngừng, không được thụ động hoặc tự mãn.
Vâng , để được người khác gọi mình là “thầy” quả là không đơn giản.
Tìm hiểu mãi ngôn ngữ của
người khác, còn ngôn ngữ của mình đành phải “đóng khung” với số vốn đã có. Từ
bàn viết ở nhà đến bục giảng chằng chịt các điểm văn phạm và từ vựng. Mở miệng
ra là yes, no, thank you, sorry,… Bên tai luôn văng vẳng những “âm thanh lạ.”
Thời mở cửa, người ta đua
nhau đi học ngoại ngữ – đặc biệt là Anh ngữ. Các biển quảng cáo “lớp mới” ở các
trung tâm ngoại ngữ trong thành phố như nấm mọc sau mưa. Ngay cả các biển hàng
cũng không thiếu ngoại ngữ. Dùng ngoại ngữ là văn minh, là sành điệu, là “đẳng
cấp,” còn dùng tiếng Việt là lỗi thời? Có những dòng ngoại ngữ sai đến “tội
nghiệp.” Trước tình trạng đó, là người Việt thuần túy, hỏi không đau lòng sao
được!
Còn nữa, người Pháp vẫn viết
có dấu sắc, huyền, hai chấm,… khi viết chữ của họ, người Tây Ban Nha hoặc bất
kỳ nước nào vẫn dùng cách viết của họ, vậy tại sao khi viết tiếng Việt thì
chúng ta lại “viết không dấu”? Để cho ra vẻ Tây hay có ý gì khác? Cái gì của
mình thì vẫn là của mình, đó là quốc hồn quốc túy của mình vậy! Cụ Phạm Quỳnh
đã nói: “Chữ ta còn thì nước ta còn.”
Nỗi niềm khôn nguôi. Buồn biết
bao khi “nhà” còn khó khăn về nhiều phương diện. Dĩ nhiên không thiếu những
người Việt hãnh diện về ngôn ngữ của mình, nhưng có lẽ… chưa nhiều. Phong ba
bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Đừng tưởng đơn giản mà khinh suất. Khi
dịch một ngoại ngữ sang Việt ngữ thì bạn sẽ có lúc cảm thấy “bí” từ ngữ Việt.
Càng giỏi Việt ngữ thì bạn dịch càng hay, và mới khả dĩ “lột tả” đúng ý tác giả,
chứ không chỉ dịch “sát” từng từ, không khéo lại chỉ là “mắc dịch.” Khó thật!
TRẦM THIÊN THU
Đêm Saigon, tháng 01-2013
✽ Cách Cầu Nguyện – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/01/6-cach-cau-nguyen.html
✽ Phong Cách Cầu Nguyện – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/phong-cach-cau-nguyen.html
✽ Noi Gương Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/09/5-cach-noi-guong-chua-giesu.html
✽ Cảnh Giác Tâm Linh –
https://tramthienthu.blogspot.com/2016/08/canh-giac-tam-linh-mat-uc-tin.html
✽ Cách Tha Thứ –
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/08/5-cach-tha-thu.html
✽ Bí Quyết Kết Hiệp Thần Bí Với Thiên Chúa
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/07/bi-quyet-ket-hiep-than-bi-voi-thien-chua.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment