Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

LÊN CAO

Quỷ Ma Ác Độc Kéo Xuống Thấp
Thiên Chúa Nhân Từ Đưa Lên Cao

Chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu nhận định: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Trên đời này, mức độ “cao – thấp” rất đa dạng, cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Chẳng có gì để nói nếu mọi thứ đều ngang bằng nhau. Có cái này thấp mới biết cái kia cao, có cái này cao mới biết cái kia thấp. Lên dốc khó hơn xuống dốc. Về tinh thần cũng vậy.

Chúa Giêsu đã tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó và phục sinh (Mt 16:21-23; Mc 8:31-33; Lc 9:22) và đưa ra điều kiện để theo Ngài: TỪ BỎ MÌNH và VÁC THẬP GIÁ. (Mt 16:24-28; Mc 8:34-38; Lc 9:23-27) Một tuần sau đó, Ngài đem theo ba môn đệ – Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ngài đưa các ông tới một ngọn núi cao, rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Ngài trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Họ thấy hai ông Êlia và Môsê đàm đạo với Sư Phụ của mình.

Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9:5) Theo Thánh Máccô, “ông [Phêrô] không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” (Mc 9:6) Phải vậy thôi, phần thì chưa thấy bao giờ, phần thì quá kỳ lạ. Lạ thì lạ nhưng sướng cũng sướng, đến nỗi Phêrô quên mình và hai anh bạn, chỉ xin làm lều cho Sư Phụ và hai nhân vật quan trọng mà thôi. Nếu thực sự thấy “phép lạ” (chính hiệu chứ không là “sự lạ”) thì người ta sẽ quên hết mọi sự và thay đổi đời ngay!

Ôi, hạnh phúc khôn tả. Và rồi bỗng có đám mây bao phủ các ông. Từ đám mây phát ra tiếng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9:7) Quá đỗi lạ lùng! Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Thật là tiếc!

Khi từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Thiên Chúa chí công, ai được nhiều sẽ bị đòi nhiều, ai được ít thì bị đòi ít. Đừng thấy mình được nhiều mà kiêu ngạo, cũng đừng thấy mình được ít mà buồn hoặc so đo với người được nhiều!

Ba môn đệ được “ưu tiên” thấy Chúa Giêsu biến hình vì Ngài muốn củng cố đức tin cho họ, và tất nhiên được ưu tiên thì cũng phải “trả giá” cân xứng. Đó là công bằng! Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, dù chúng ta chỉ là tội nhân, hoàn toàn bất xứng với Ngài, và không có quyền đòi hỏi. Thế mà Ngài đã bắt Con Yêu Dấu Giêsu chịu đau khổ tới tột cùng. Chúa Giêsu đã “cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12:3) khi phải chịu gian khổ trong cuộc sống.

Cuộc đời luôn có sự đấu tranh, luôn phải chiến đấu với mọi thứ, thậm chí chiến đấu với cả chính mình. Cuộc chiến nào cũng cam go, càng cam go hơn khi đó là cuộc chiến tâm linh. Thánh Phaolô so sánh: “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu.” (Dt 12:3-4) Cha mẹ yêu thương con cái, nhưng không thể chiều theo ý chúng. Có những thứ không cho hoặc cấm thì mới là yêu thương thật. Phàm nhân là kẻ xấu mà còn như vậy huống gì Thiên Chúa là Đấng tốt lành tuyệt đối. Ngài yêu thương chúng ta nên Ngài cũng muốn chúng ta sống “khác lạ” – nhưng tất cả phải NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài.

Tình yêu vô hình, trừu tượng, không ai nhìn thấy hoặc đụng chạm, nhưng ai cũng tin tình yêu có thật và có thể cảm nhận. Không phải cứ nói yêu là thương, mà phải biết cách yêu thương. Có những cái xuôi mà ngược, thuận mà nghịch – và ngược lại. Tục ngữ Việt Nam nói: “Thương con cho roi, cho vọt; ghét con cho ngọt, cho bùi.” Nghe chừng “ngược đời” lắm, nhưng nghịch mà thuận, trái mà không ngược. Thánh Phaolô xác định: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6)

Phàm nhân bất toàn, bất trác, bất túc. Chỉ một mình Thiên Chúa hoàn hảo tuyệt đối. Quả thật, ngay cả người công chính mỗi ngày cũng phạm tội 7 lần. (Cn 24:16) Chắc chắn chúng ta không thể cầu toàn, nhưng cái khó là chấp nhận nhau. Yêu thương không phải vì TÌM ĐƯỢC người hoàn hảo, mà vì HỌC ĐƯỢC cách nhìn người-không-hoàn-hảo một cách hoàn hảo. Khó lắm, nhưng không phải không làm được. Khó mà làm được mới hay, dễ thì ai cũng làm được, chẳng gì đáng chú ý. Nếu không làm được thì chắc chắn Chúa Giêsu không bảo chúng ta “hoàn thiện như Cha trên trời.” (Mt 5:48) Đã có rất nhiều người làm được và họ đã nên thánh, lớn lên giữa đống xà bần của cuộc đời xấu xa này.

Mỗi Mùa Chay là một lời nhắc nhở, động viên. Mùa Thánh là Mùa Xé Lòng, mùa cố gắng sửa đổi, mùa sám hối, mùa thuận tiện để hoàn thiện, và hoàn thiện để nên thánh. Rất cần thiết, rất cấp bách, vì “không thánh thiện thì không được thấy Thiên Chúa.” (Dt 12:14) Chắc chắn như vậy. Sai thì phải chịu sửa, có tội thì phải bị phạt. Có “lầm” nhưng đừng “lạc,” đó là điều quan trọng.

Nhưng có khi không sai lầm và vô tội mà vẫn phải chịu đau khổ, thế mới… “lạ.” Thánh Gióp là trường hợp điển hình nhất. Ông là người “vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác.” (G 1:1) Ông sống tốt lành, hiền lành, công chính, là thánh sống, nhưng ông phải chịu đau khổ tới tột cùng. Chúa “chiều” theo ý muốn của Satan để cho nó thấy rằng tình yêu mãnh liệt nơi người tôi trung của Thiên Chúa. Ngài không “chơi ép” hoặc triệt buộc ông Gióp, Ngài muốn ông là tấm gương sáng và muốn chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Ngài cách đặc biệt. Vả lại, chịu đau khổ là diễm phúc. (x. Mt 5:10-11)

Chính Thiên Chúa đã thử lòng ông Ápraham. Ngài gọi ông và ông thưa: “Dạ, con đây!” (St 22:1) Ngài bảo ông đem đứa con một yêu dấu Isaác đến xứ Môrigia để dâng làm lễ toàn thiêu ở trên một ngọn núi mà chính Ngài sẽ chỉ cho. Chúng ta gọi là “thử lòng,” nhưng không phải vậy. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, Ngài không cần thử thách ai, mà Ngài muốn “lập công” cho chính đương sự.

Khi tới nơi Thiên Chúa đã cho biết, ông Ápraham dựng bàn thờ, xếp củi lên, trói con trai Isaác, và đặt lên đống củi trên bàn thờ. Rồi ông đưa tay ra cầm con dao để sát tế chính con trai mình. Con trai yêu quý nhưng ông vẫn vâng lời Chúa mà sẵn sàng sát tế nó mà không hề thắc mắc hoặc đắn đo. Nếu là chúng ta, liệu có dám? Chắc là không, và chúng ta lý luận: “Thiên Chúa là Đấng tốt lành mà lại bảo làm điều ác? Ngài là Sự Sống (Ga 14:6) mà lại bảo giết người? Thiên Chúa mâu thuẫn, tôi không thể tuân lệnh.” Vậy mà ông Ápraham vẫn sẵn sàng làm theo mệnh lệnh “ngược đời” như vậy. Ông đã tin tuyệt đối, xứng đáng là Tổ Phụ đức tin. Bài học lớn quá!

Nhưng khi ông sắp hạ sát con mình, sứ thần Thiên Chúa từ trời gọi ông và ông thưa: “Dạ, con đây!” (St 22:11) Sứ thần nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” (St 22:12) Ông Ápraham ngước mắt lên thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây, ông bắt con cừu ấy làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Ápraham một lần nữa và trao cho ông lời hứa: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã KHÔNG TIẾC con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã VÂNG LỜI Ta.” (St 22:16-18) Thiên Chúa coi trọng đức vâng lời hơn của lễ. (x. 1 Sm 15:22; Tv 50:8-9) Tổ phụ Ápraham đã vâng lời vô điều kiện, do đó ông được Thiên Chúa hứa ban những điều tốt lành. Có công thì đáng được thưởng.

Hạnh phúc và đau khổ luôn song song và tỷ lệ thuận với nhau. Đau khổ càng nhiều, hạnh phúc càng lớn. Thánh Vịnh gia xác nhận: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: Ôi nhục nhã ê chề!” (Tv 116:10) Cay đắng lắm, nhưng vẫn tin, thật đáng khâm phục! Cái gì cũng có lý do, có cái giá của nó: “Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Ngài. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi. Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:15-17)

Thánh Vịnh gia bộc bạch: “Lời khấn nguyện với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Ngài, tại khuôn viên đền Chúa, giữa lòng ngươi, hỡi Giêrusalem! Alleluia.” (Tv 116:18-19) Vâng lời và yêu thương có hệ lụy với nhau. Vâng lời vì yêu thương, yêu thương thì sẵn sàng vâng lời. Rất hợp lý. Vâng lời là chấp nhận thực hiện điều gì đó với sự vui vẻ và niềm tin. Không yêu thương thì không thể vâng lời như vậy. Chúng ta vẫn đinh ninh là tin Chúa nhưng đôi khi chúng ta lại “ngại” vâng lời. Tại sao? Bởi vì chúng ta chưa dám làm theo Ý Chúa, mà Ý Chúa có khi trái ngược với ý chúng ta. Chưa dám thực hiện là chưa thực sự tin tưởng. Có khi tín thác chỉ là nói suông!

Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8:31b) và lý luận: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8:32-34) Theo nhân tính, Chúa Giêsu thốt lên: “Sao Cha nỡ bỏ con?” (Mt 27:45; Mc 15:34; x. Tv 22:2) Nhưng Chúa Cha im lặng!

Không gì cao bằng trời, không gì thấp bằng đất. Khoảng cách trời – đất không thể đo lường. Vật chất còn vậy huống chi tinh thần, đặc biệt là giữa Thiên Chúa và phàm nhân. Thật vậy, Thiên Chúa xác định rạch ròi: Tư tưởng của Ta KHÔNG phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi KHÔNG phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9)

Một lần nọ, khi ngăn cản Thầy Giêsu đi chịu chết, đệ tử Phêrô đã bị mắng nặng lời: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh KHÔNG phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8:3) Ngày nay chúng ta gọi kiểu “khôn” này là “trứng khôn hơn vịt” hoặc “cầm đèn chạy trước ô-tô.” Chúng ta cũng thường mắc “tật” này, không chỉ với tha nhân, mà với cả Thiên Chúa!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết vươn lên chính mình và đứng thẳng người để đối diện với cái xấu. Xin nâng chúng con dậy và đưa chúng con lên Cõi Phúc với Ngài, xin cho chúng con biết Ngài và biết phận mình để sống xứng đáng với Ngài mỗi ngày một hơn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Lữ Hành Hy Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/nguoi-lu-hanh-hy-vong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment