Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

TÔI YÊU

Tôi yêu điệu lý quê nhà
Và yêu khúc hát, câu hò trên sông
Tôi yêu bát ngát nương đồng
Và yêu mái lá thôn làng đơn sơ
Tôi yêu vườn tược, lũy tre
Chiếc cầu, nón lá, con đò, và em
Dịu dàng e ấp làm duyên
Ba miền ngọt lịm ai quên cho đành
Tôi yêu tiếng Mẹ Việt Nam
Thanh âm bằng trắc nhẹ nhàng làm sao
Tôi yêu lục bát ca dao
Và yêu tuổi nhỏ thả diều hoàng hôn
Tôi yêu trăng sáng quê hương
Sân nhà soi bóng chung cùng Mẹ Cha
Tôi yêu áo dài thướt tha
Đôi tà quyện gót chân ngà hài cao

TRẦM THIÊN THU

MIỀN QUÊ

Cuối làng vọng tiếng gà trưa
Đầu làng vang tiếng ầu ơ ru hời
Miền quê yên ả đất trời
Gió hiu hiu thổi, lòng người nhẹ lâng
Trên trời mây trắng giăng ngang
Cuối vườn chim hót giọng vàng líu lo
Quê hương là áng thi ca
Tháng ngày ngọt lịm bốn mùa ca dao

TRẦM THIÊN THU

VIỆT NGUYỆN

Xin cho quốc thái, dân an
Người ơi, xin chớ tham lam hại người
Việt Nam đất nước nhỏ nhoi
Xin trời thương cứu khỏi ngòi chiến tranh
Bao người vị quốc vong thân
Để cho tổ quốc bình an tháng ngày
Trăm năm nô lệ giặc Tây
Ngàn năm nô lệ quắt quay giặc Tàu
Lại thêm nội chiến khổ đau
Dân lành khốn đốn, sớm chiều lầm than
Nhưng luôn bảo vệ Việt Nam
Không ngừng kiến quốc, nhiệt tâm từng ngày
Hòa bình, công lý yêu hoài
Đầu rơi, máu đổ, đắng cay,… làm gì?
Tham lam, giành giật mà chi
Làm nhau khổ mãi chưa vừa lòng sao?
Thấy người buồn, chẳng xót đau
Đâu còn xứng với danh cao “con người”
Non sông chữ S tuyệt vời
Đừng đem bán rẻ cho loài sói lang!
Biển Đông sóng nước bềnh bồng
Xin cho lắng xuống, đừng dâng sóng thần!

TRẦM THIÊN THU

VIỆT QUỐC

Hùng Vương dựng nước Văn Lang
Kiêu hùng lịch sử vẻ vang một thời
Uốn cong chữ S tuyệt vời
Như rồng bay lượn lên trời cao xa
Việt Nam một dải sơn hà
Hiên ngang oanh liệt, quân thù khiếp kinh
Mà nay nghiêng ngả điêu linh
Bởi đâu nên nỗi, nỡ đành lòng sao?
Quanh năm suốt tháng khổ đau
Tả tơi ngày tháng, đồng bào buồn tênh
Thắp lên ngọn nến lung linh
Sáng soi Nước Việt cầu bình an luôn
Mong quê hương thoát lầm than
Thoát ách vô thần, thoát khỏi quỷ ma
Còn nguyên tích cũ, truyện xưa
Sử xanh đậm nét nước nhà Việt Nam
Đừng quên ôn cố tri tân
Dẫu kim dẫu cổ vẫn còn điều hay
Quyết tâm học thuộc từng bài
Để mà gìn giữ tháng ngày quê hương
Hỡi ai độc dạ ác lòng
Hãy mau thức tỉnh, thương dân nước mình
Mỗi khi lấp lánh bình minh
Mơ ước hòa bình trong suốt Việt Nam
Bao năm dân sống lầm than
Đêm lo, ngày khổ, mong tìm tự do
Xin cho Việt quốc an hòa
Đồng bào đoàn kết xây nhà Việt Nam

TRẦM THIÊN THU

CÔ GÁI XÓM CHÙA

Em sinh ra ở Xóm Chùa
Hằng ngày em đến Nhà Thờ em chơi
Tuổi thơ qua hết một thời
Giờ là cô gái hoa khôi Xóm Chùa
Em nghe tiếng mõ chiều tà
Rồi nghe chuông vọng ngân từ bình minh
Lòng em không thể vô tình
Mõ, chuông hòa quyện mông mênh đất, trời
Giờ em đã trưởng thành rồi
Giằng co chuông, mõ – những lời vô biên
Lòng em tĩnh mà động luôn
Giọt sương lấp lánh soi hồn trong veo
Nhà Thờ có Thánh Giá cao
Bóng chiều ngả xuống làm xao xuyến lòng
Bước lần theo nhịp hồi chuông
Bất chợt em dừng bên tháp chuông cao
Cõi lòng rung nhịp tin yêu
Em xin rửa tội để theo Chúa Trời
Tân tòng em chợt mỉm cười
Từ nay em sống cuộc đời “con chiên”
Hằng ngày từ Xóm Chùa lên
Ngang qua con dốc thân quen lắm rồi
Bước chân đều nhịp cuộc đời
Nhà Thờ em đến dâng lời cầu kinh
Tạ ơn Thiên Chúa uy linh
Xót thương dẫn lối công bình bước vô
Em là cô gái Xóm Chùa
Nhưng mà em đến Nhà Thờ sớm hôm
An vui tắm Suối Hồng Ân
Đồng cỏ xanh rờn em được thảnh thơi
Chiên ngoan mong trọn một đời
Kính Chúa, yêu người, chẳng ước gì hơn!

KHA ĐÔNG ANH

LƯƠNG TÂM

Bất cứ ai cũng có lương tâm – giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về nội dung, tức là khác nhau về chất lượng TỐT hay XẤU. Con người có quyền HÀNH ĐỘNG theo lương tâm và có bổn phận phải TUÂN PHỤC tiếng nói của LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG.

Lương tâm là năng lực tự giác của con người, tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Theo nghĩa rộng, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân.

Theo Khổng Tử, lương tâm là đạo đức. Ông nhận định: “Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa.” Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, sự việc trên trời tạo nên dưới đất do âm – dương, nhu – cương, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, vì vậy mà con người muốn được coi là “nhân” phải có lòng nhân, muốn được coi là “nghĩa” phải có lương tâm.

Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trước khi hành động. Lương tâm vốn dĩ tốt lành nhưng theo thời gian vẫn có thể bị biến hóa theo hướng xấu.

Theo Công giáo, lương tâm là sự phán đoán của lý trí mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng con người để thúc giục họ làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, nên biết rằng lương tâm con người có thể ĐÚNG ĐẮN (ngay thẳng, tốt lành) hoặc LỆCH LẠC (sai lầm, xấu xa), vì con người được Thiên Chúa ban cho sự tự do, vì thế con người cũng có toàn quyền TỰ DO để quyết định theo lương tâm. Và do đó, con người phải không ngừng RÈN LUYỆN LƯƠNG TÂM của mình đẩ có thể theo đúng Thánh Ý Thiên Chúa.

1. LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG giúp phân biệt tốt – xấu. Đó là tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối tốt lành và thánh thiện, tất nhiên Đấng-Cực-Tốt-Cực-Lành chỉ muốn con người làm những điều tốt lành.

2. LƯƠNG TÂM LỆCH LẠC là lương tâm bị sai lạc do hoàn cảnh tác động, hoặc do lười biếng trau dồi, đặc biệt là do THÓI QUEN PHẠM TỘI khiến cho lương tâm trở thành CHAI LÌ, mất khả năng phân định điều nào tốt lành hoặc xấu xa. Phải sớm chấn chỉnh loại lương tâm này càng sớm càng tốt!

Để rèn luyện lương tâm, người ta phải thường xuyên tập làm điều tốt lành và xa tránh tội lỗi. Muốn vậy, cần phải cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi chiếu ánh sáng chân lý qua việc học hỏi từ người khác, gia đình, học đường, xã hội, nhất là từ tôn giáo.

Ước gì mỗi chúng ta hãnh diện nói được như Thánh Phaolô:

1. “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và LƯƠNG TÂM tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi.” (Rm 9:1)

2. “Điều khiến chúng tôi tự hào là LƯƠNG TÂM chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.” (2 Cr 1:12)

Thánh Phaolô cũng có đề cập 3 điều cần lưu ý: [1] TÂM HỒN trong sạch, [2] LƯƠNG TÂM ngay thẳng, và [3] ĐỨC TIN không giả hình. (1 Tm 1:5) Các “tính từ” theo sau 3 điều đó cho thấy chúng cũng có những loại đối lập. Cẩn tắc vô ưu!

Kinh Thánh nói: “Kẻ gian ác tự đưa ra bằng chứng để lên án chính mình là hèn hạ: bị lương tâm dày vò nó luôn cảm thấy mình khổ sở. Chính vì không để cho lý trí trợ giúp, nó đâm ra sợ hãi. Trong thâm tâm, càng không mong lý trí đến giúp đỡ chừng nào, nó càng không hiểu tại sao mình khổ sở chừng ấy.” (Kn 17:11-13)

Lương tâm có liên quan những thứ khác – chẳng hạn, miệng lưỡi. Có lương tâm trong sạch là một mối phúc: “Phúc thay kẻ không ăn nói lỡ lầm, và không phải khổ vì hối hận. Phúc thay ai không bị lương tâm cắn rứt, và kẻ không rơi vào thất vọng.” (Hc 14:1-2)

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment