Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

LỮ HÀNH VỚI THÁNH TÂM

Lưỡi Đòng Đâm Thâu Thánh Tâm Chúa

Bửu Huyết Chảy Xiết Dòng Xót Thương

Kiếp người là một cuộc lữ hành triền miên trên hành trình đức tin, hướng tới Quê Nhà đích thực là Nước Trời – Thiên Quốc. Trên “đại lộ” đó có những “lối nhỏ” như những làn đường cũng xuôi về đích – lòng sùng kính Thánh Tâm, lòng sùng kính Đức Mẹ, lòng sùng kính Đức Giuse, lòng sùng kính Lòng Thương Xót, lòng sùng kính Máu Châu Báu,...

Theo truyền thống Công giáo, tháng Sáu là tháng dành riêng biệt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nên chiêm niệm về những gì khả thi để thực hành lòng sùng kính này. Đừng ngại sống đạo đức, vì chúng ta không mất gì mà còn được nhiều lợi ích tâm linh vĩnh cửu. Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30)

Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi chịu chết vì chúng ta. Và còn hơn thế nữa, Ngài yêu thương đến cùng (Ga 13:1) và tìm mọi cách để cứu chúng ta. Cụ thể là Ơn Toàn Xá, ơn đặc biệt này không chỉ tha tất cả mọi tội lỗi chúng ta đã phạm từ trước tới thời điểm lãnh ơn toàn xá, mà tha cả mọi hình phạt tạm đời này. Rõ ràng Ngài yêu thương chúng ta quá đỗi, chúng ta chẳng khác gì như Dismas – người bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu trên đồi Canvê xưa, người được vào Thiên Đàng với Chúa Giêsu ngay khi Ngài về với Chúa Cha.

QUYẾT TÂM NỖ LỰC

Tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận và trách nhiệm của loài người – thụ tạo của Ngài. Đừng ngại cúi mình trước Thiên Chúa. Các thiên thần và các thánh cũng sống đạo đức, luôn cầu thay nguyện giúp và bảo trợ chúng ta. Chúng ta được tạo dựng để sống đạo đức. Đó là cốt lõi của tôn giáo, không có điều này thì chúng ta chỉ là những vỏ sò trống rỗng. Tội lỗi của Ông Bà Nguyên Tổ là do chống lại sự đạo đức: tự mãn và tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Đó là sự thách thức của lòng đạo đức. Người ta có thể trôi giạt theo sự trống rỗng tương tự của đời sống bằng cách khinh suất lòng đạo đức và lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, không nuôi dưỡng thói quen sống đạo đức. Hãy cân nhắc những lợi ích của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu nghĩa là đừng lười biếng, gặp chăng hay chớ hoặc hâm hẩm.

Thiên Chúa mô tả số phận của người lạnh nhạt thế nào? Chẳng tốt lành gì! Mặt khác, nếu bạn lưỡng lự về lòng đạo đức, tất nhiên sẽ có hậu quả. Trong lễ đăng quang giáo hoàng năm 2005, ĐGH Bênêđictô XVI nói: “Chúng ta có sợ theo cách nào đó không? Nếu chúng ta để Chúa Kitô viên mãn trong cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta mở rộng lòng ra với Ngài, chúng ta có sợ Ngài lấy mất điều gì đó của chúng ta không? Chúng ta có sợ khi phó thác điều gì đó quan trọng, điều gì đó duy nhất, điều gì đó làm cho cuộc đời chúng ta tốt đẹp hơn không? Chúng ta có sợ bị thu nhỏ và bị tước mất tự do không? Không! Nếu để Chúa Kitô trong cuộc đời mình, chúng ta không mất gì, không mất những gì làm cho cuộc đời chúng ta tự do, tốt đẹp và tuyệt vời.”

Sống đạo đức và sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là phát triển một thói quen tốt lành. Hãy bắt đầu các điều nhỏ bằng cách đơn giản thế này:

1. Hằng ngày kiểm tra lương tâm. Buổi tối không chỉ xét mình về những tội mình đã phạm, mà còn xét mình về cách phạm tội do yếu đuối, quên lãng hoặc sơ xuất. Đó là do khinh suất các nhân đức tôn giáo – cả đối thần và đối nhân, thiếu sót trong việc mến Chúa và yêu người.

2. Ban ngày, hãy thầm thĩ cầu nguyện những lời nguyện ngắn. Ví dụ: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin làm cho tâm hồn con nên giống Ngài.” Đó là cách nuôi dưỡng lòng đạo đức, không cần người khác biết, chỉ mình biết là đủ.

QUYẾT TÂM NOI GƯƠNG

Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô động viên người ta noi gương Chúa Giêsu. Trên đường tới Damascus, Thánh Phaolô đã “gặp” Chúa Giêsu phục sinh, chính cú ngã ngựa chí tử đã biến một Saolê ngang ngược trở thành một Phaolô nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

Chúng ta có thể bắt chước Chúa Giêsu bằng cách nào? Chúng ta có thể rút ra cách noi gương từ Phúc Âm để biết cách sống của Chúa Giêsu. Có vài cách noi gương Chúa Giêsu trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta.

1. Cầu Nguyện – Muốn nên giống Chúa Giêsu thì chúng ta phải cầu nguyện, mọi nơi và mọi lúc. Không dưới 12 lần Phúc Âm cho biết rằng Chúa Giêsu lên núi hoặc đến nơi thanh vắng để cầu nguyện. Trong những lúc đó, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trên trời: “Abba! Lạy Cha!” Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, cả chương 17 là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Ngài cầu xin cho mọi người nên một. Ngài nhận biết giá trị của lời cầu nguyện, cầu cho chính mình và cầu cho người khác. Cầu nguyện là lương thực và là hơi thở của Kitô hữu.

2. Nuôi Dưỡng – Chúa Giêsu đã cho người khác ăn uống, cụ thể là hai lần Ngài đã hóa bánh và cá ra nhiều cho dân chúng: Lần thứ nhất với 5 bánh và 2 con cá, 5.000 người ăn no, còn thừa 12 thúng đầy (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-13); lần thứ hai với 7 chiếc bánh và vài con cá nhỏ, 4.000 người ăn no, còn thừa 7 giỏ đầy (Mt 15:32-39; Mc 8:1-10). Trong Ga 6:22-66, Chúa Giêsu xác nhận với đám đông rằng Ngài là Bánh Hằng Sống, phải ăn Mình Ngài và uống Máu Ngài để được sống dồi dào, ai làm như vậy sẽ được trường sinh bất tử. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình Máu Ngài. Sau Thánh Lễ, chúng ta vào đời và có dịp nuôi dưỡng người khác bằng cách thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta sẽ bị xét xử về lòng thương xót – đức ái, như Mt 25 cho biết. Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng người khác bằng lương thực và lòng thương xót, muốn nên giống Ngài thì chúng ta cũng phải làm như vậy.

3. Mời Gọi – Khi làm sứ vụ, Chúa Giêsu luôn mời gọi người khác. Ngài mời gọi Nhóm Mười Hai theo Ngài, bỏ mọi sự, bỏ nghề nghiệp, bỏ gia đình, bỏ của cải, bỏ chính mình,... Ngài mời gọi mọi người theo Ngài, bất kỳ ai – kẻ yếu đau, kẻ nghèo hèn, kẻ sầu khổ,... và Ngài hứa cho họ được nghỉ ngơi và được bồi dưỡng. Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều dịp mời gọi người khác tin nhận Chúa Giêsu. Hãy mời gọi người khác bằng cách nào đó – cầu nguyện trước bữa ăn, đi đọc kinh, đi lễ, tham gia công tác bác ái,... Mời gọi người khác là một cách noi gương Chúa Giêsu.

4. Hiến Thân – Không hẳn là “chết” theo nghĩa đen, nhưng cũng không chỉ là nghĩa bóng. Chính Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta, thế nên chúng ta cũng phải chết vì người khác. Chết ở đây là trao tặng chính mình cho người khác, là chết cho ý riêng mình, và để cho Chúa Giêsu sống viên mãn trong chúng ta. Ngài đã thực sự chết vì chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta chết cho chính mình, phục vụ người khác để họ cũng được sống dồi dào.

5. Dạy Dỗ – Những người theo Chúa Giêsu luôn đói khát giáo huấn của Ngài. Chính Ngài dạy dỗ bằng nhiều cách khi thi hành sứ vụ, đặc biệt là các dụ ngôn. Ngài dạy chúng ta biết Chúa Cha và cho chúng ta biết chính Ngài là ai. Ngài giải thích về tầm quan trọng của dân Israel sống nhờ manna trong hoang địa suốt 40 năm. Trong cuộc sống, cách cụ thể nhất mà chúng ta có thể dạy người khác là làm giáo lý viên. Đó là một ơn gọi. Nếu Thiên Chúa không mời gọi bạn trở thành giáo lý viên, bạn vẫn có thể dạy người khác qua lời nói và hành động hằng ngày.

Đó là 5 cách noi gương nhưng không phải là tất cả, chỉ như điểm khởi đầu, còn nhiều cách khác trong Phúc Âm. Có thể theo 5 cách này hoặc cách khác nếu tốt cho mình, nhưng nên cẩn trọng. Trong đời sống tâm linh, người ta thường ôm đồm quá nhiều để rồi làm chẳng được bao nhiêu, như tục ngữ Việt Nam ví von rất chí lý: “Ôm rơm nhặm bụng.”

Khi muốn làm các cách trên đây, có thể bạn sẽ thất bại với cách thứ nhất, rồi bạn có thể dễ bị mất can đảm để thực hiện cách thứ hai. Hãy cân nhắc cách noi gương Chúa Giêsu, rồi áp dụng vào cuộc sống, cứ từ từ, cứ thế và cứ thế... Dục tốc bất đạt. Thà chậm mà chắc.

Nếu cả thế giới cố gắng noi gương Chúa Giêsu qua lời nói và hành động thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn thế giới này sẽ khác hẳn, sẽ không còn ghen ghét, thù hận, bạo lực, tranh chấp,... Tất nhiên hòa bình của Thiên Chúa sẽ ngự trị thế giới này. Công việc này phải bắt đầu từ mỗi người trong chúng ta, và bắt đầu ngay bây giờ: Không ngừng nỗ lực noi gương Chúa Giêsu trong mọi hành vi của chúng ta, dù ngày hay đêm, trong suốt hành trình đức tin trên thế gian này.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng con chân thành xin lỗi Ngài, xin tha tội cho chúng con, xin nâng đỡ và hướng dẫn chúng con trong Chân Lý và Bình An, để chúng con mỗi ngày càng nên giống Ngài hơn. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[Đăng báo ĐMHCG tháng 6-2023, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment