Mưa là một hiện tượng thiên nhiên. Mưa rất bình thường nhưng cũng rất quan trọng. Có lẽ mưa bình thường nên chúng ta không biết ơn mưa. Không mưa thì trời oi ả và nóng bức, muôn loài cảm thấy bứt rứt. Không mưa lâu ngày thành hạn hán, muôn loài có thể chết. Vì thế, rất cần biết ơn mưa!
Mùa Hạ về, mùa
mưa cũng tới. Mưa trở nên “lạ lùng,” như có người đã phải thốt lên: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt.
Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa…” (Tháng Sáu Trời Mưa – nhạc: Hoàng
Thanh Tâm, thơ: Nguyên Sa). Vậy là Mưa cần thiết lắm!
Thật vậy, nếu
không có mưa thì chúng ta chết hết. Tại sao? Vì mưa đổ xuống cho chúng ta, dù
mưa nhỏ hay mưa to, cũng làm hạ nhiệt độ, khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu.
Chính mưa tăng làm độ ẩm cho đất, và thời tiết cũng khả dĩ trở nên mát mẻ hơn.
Nói chung, mưa rất cần cho mọi sinh vật, cần cho đất đai, cần cho môi trường.
Nhưng có khi mưa… phát ghét. Mưa cũng khổ, cũng có kẻ ghét và người thương!
Có nhiều loại
mưa: Mưa bụi, mưa phùn, mưa rào, mưa bóng mây, mưa đá, mưa diêm sinh, mưa lửa,…
MƯA là một trong
những ca khúc nổi tiếng của NS Văn Phụng. Với âm thể Dm (Rê thứ), giai điệu
giản dị nhưng mượt mà, đều đặn như những giọt mưa rơi và nhẹ nhàng như tiếng
Mưa thánh thót, chuyển âm cũng rất đơn giản mà vẫn hay, được lồng trong nhịp Valse
(3/4) uyển chuyển, ca từ mộc mạc mà thâm thúy, lại được gieo vần như một bài
thơ năm chữ, đã lôi cuốn người nghe như “trôi” theo Mưa và khiến người nghe cảm
nhận sự mát mẻ của Mưa, đồng thời đưa người nghe vào “khung trời yêu tuyệt vời.”
Yêu ở đây không là chuyện yêu đương đôi lứa mà là tình yêu đồng loại. Tuyệt vời
quá!
Ns Văn Phụng nhận
xét tinh tế qua những gì rất đời thường: “Mưa
rơi rơi trên đường, Mưa rơi suốt canh trường, Mưa rơi ướt phố phường, Mưa trôi
lá trong vườn, Mưa đang tí tách reo ven tường.”
Mưa không rơi
trên đường thì rơi đi đâu, không ướt đường thì ướt gì? Chuyện quá dĩ nhiên. Ấy
thế mà cái “dĩ nhiên” ấy có mấy ai để ý được như Ns Văn Phụng? Thế mới “độc” –
“độc chiêu” hoặc “độc đáo” chứ không “độc hại.” Nghệ sĩ là thế, thấy cái mà
người ta không thấy, nhưng có thể lại không thấy cái mà người ta thấy. Ngược
nhau là thế. Tia nắng chiếu vào một chiếc lá thì tia nào cũng giống nhau, nhìn
lắm lúc thấy bực mình, thế mà người có máu nghệ sĩ lại thấy ánh nắng “không
bình thường,” nghĩa là có chút “điên” (chứ không “khùng”), điên-ở-mức-cho-phép.
Thế mới “khác người,” vậy mới “lạ đời”!
Có lẽ vì không đủ
hiểu giới văn nghệ sĩ mà ông bà xưa nói: “Xướng
ca vô loài.” Khổ thật! Nhục thật! Người ta có “loài,” thú vật cũng có loài,
sinh vật cũng có loài, nhưng ai “dính líu” vào “bảy nốt nhạc” thì đều “vô loài”
(ý chê bai theo nghĩa xấu). Quá nhục!
Mặc kệ. Cái gì
“trời cho” đều là “trò chơi.” Cứ chơi cho hết mình. Ns Văn Phụng tiếp tục tả
Mưa: “Mưa rơi trên sông dài, Mưa qua khắp
non đoài, Mưa cho thắm hoa đời, Mưa cho hết u hoài, Mưa cho đám lúa non mỉm
cười.” Mưa làm trôi u buồn nhưng lại tưới gội phù sa làm cho lúa cũng biết
cười. Nhân cách hóa hay quá!
Ông nhìn thấy Mưa
trải dọc suốt dải đất hình chữ S của Việt Nam: “Mưa đem tươi vui về cho thắm áo nâu, Mưa cho nương dâu và khoai sắn
lên mau, Mưa như trút sầu, Mưa tươi lúa đầu, Mưa rơi qua Bến Hải, Cà Mau.”
Mưa không chỉ
thấm sâu vào đất mà còn thấm cả vào từng người: “Mưa rơi trên vai chàng, Mưa rơi ướt vai nàng, Mưa rơi khắp thôn làng,
Mưa reo những cung đàn, Mưa như tiếng ru con dịu dàng.” Cách ví von của ông
rất tự nhiên và chân chất.
Mưa cũng biết yêu
chân thành và yêu mọi người: “Mưa yêu
bông hoa đời, Mưa yêu biết bao người, Mưa không biết hững hờ, Mưa thương lúa bơ
phờ, Mưa yêu lúa mong mưa từng giờ.”
Lạ thật! Mưa mà
vẫn biết quan tâm từng chi tiết và chú trọng cuộc sống gia đình: “Mưa yêu thương ai nghèo, Mưa cho lúa ngô
nhiều, Mưa cho hết tiêu điều, Mưa cho những ai nghèo, Mưa cho thắm bữa cơm ban
chiều.”
Mưa không hề ích
kỷ. Mưa luôn đại lượng. Mưa cho mọi người, dù người đó tốt hay xấu: “Mưa rơi phương Đông rồi Mưa rơi tới phương Tây,
Mưa gieo hương xuân về trên những luống cày, Mưa rơi chốn này, Mưa cho lúa đầy,
Mưa cho duyên ta càng nồng say.”
Không chỉ như
thế, Mưa còn rất nghiêm túc và đầy tính nhân bản: “Mưa không yêu ngang đường, Mưa không muốn ai buồn, Mưa yêu nước non
này, Mưa yêu mến dân cày, Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy.” Mưa là vậy, mưa gắn
liền với nông nghiệp, nhất là một đất nước nông nghiệp như Việt Nam.
Mưa rất đặc biệt
với mọi người, và mỗi chúng ta phải nhận thức được bài học của Mưa để cuộc đời
này giảm bớt đau khổ. Như câu kết (coda) của ca khúc MƯA ngắn gọn, cô đọng, đầy
ý nghĩa: “Mưa còn gieo xuống đời, Mưa về cho
lúa thêm tươi.”
Ai cũng mong chờ
Mưa, ai cũng khao khát Mưa, vì ai cũng cần nước. Sau một trận mưa, trời sáng
hơn, đất hiền hơn, và mọi vật đều đổi mới. Mưa thật kỳ diệu!
Về tinh thần,
lòng người như mảnh đất khô cằn, xã hội cũng như bị hạn hán tình người, thế nên
luôn cần những Cơn Mưa Yêu Thương với những Giọt Mưa Tình Cảm. Chỉ có loại Mưa
đó mới khả dĩ làm tươi mát con người.
Muốn vậy thì
chính mỗi người phải là Giọt Mưa Yêu Thương. Mưa cho mình, mưa cho gia đình,
mưa cho xã hội, mưa cho đất nước, mưa cho thế giới, mưa cho nhau,… Cuộc đời mãi
cần Mưa – hôm nay và mãi mãi…
TRẦM THIÊN THU
✽ Ns Văn Phụng tên
thật là Nguyễn Văn Phụng,
sinh năm 1930 tại Hà Nội, là con thứ hai trong một gia đình bốn
anh em. Ông học dương cầm từ nhỏ,
qua sự chỉ dạy của hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng. Năm 1945, Văn Phụng đã đoạt giải nhất độc tấu
dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với nhạc phẩm “La Prière d’Une Vierge.”
Thời đi học, Văn
Phụng là một học sinh xuất sắc. Ông học tiểu học tại trường Louis Pasteur, học trung
học tại trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi đậu tú tài, Văn Phụng theo
học ngành y theo ý muốn của người cha, nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học
y để theo âm nhạc. Năm 1946, Văn Phụng chạy loạn về Nam Định và trú tại nhà thờ
Tứ Trùng ở Chợ Cồn, rồi ông gặp Lm Mai Xuân Đình, chính linh mục này đã chỉ dạy
cho ông về âm nhạc và giáo lý. Năm 1948, ông quay về Hà Nội. Theo lệnh tổng
động viên, ông gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam Tiểu đoàn Danh dự. Tại đây, ông đã
quen với những người mà về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Nhật
Bằng, Đan Thọ, Nguyễn Hiền, Văn Khôi, Vũ Thành,… Thời gian đó, ông được nhạc
trưởng Schmetzer (người Pháp, gốc Đức) chỉ dẫn về hòa âm.
Một số nhạc phẩm của ông được xếp vào loại tiền chiến. Ông còn được coi là một trong những nhạc sĩ hòa âm hay nhất Saigon trước 1975. Một số ca khúc nổi tiếng của ông: Mưa, Mưa Rơi Trên Phím Đàn, Mưa Rơi Thánh Thót, Mộng Hải Hồ, Bức Họa Đồng Quê, Ghé Bến Saigon, Giấc Mộng Viễn Du, Ô Mê Ly, Trăng Sáng Vườn Chè, Trăng Sơn Cước, Vó Câu Muôn Dặm, Xuân Họp Mặt, Suối Tóc, Yêu,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment