Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

VỊ THÁNH CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Thoạt nhìn, Thánh Catarina Siena dường như hoàn toàn không liên quan. Được kêu gọi sống khổ hạnh cực độ khi còn là cô gái rất trẻ, thấy những thị kiến về Chúa Giêsu và các thánh, khuyên bảo hoặc quở trách các giáo hoàng không phải là điều mà hầu hết chúng ta trải qua. Thánh nữ thật phi thường, không đề cập xa xôi và Thời Trung Cổ.

Tuy nhiên, Thánh Catarina Siena là Tiến sĩ Giáo hội – một sự khác biệt có nghĩa là Giáo hội tin rằng bà là thầy dạy phù hợp cho mọi thời đại và mọi người – một người mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi điều gì đó. Hơn nữa, bà là một trong bốn nữ tiến sĩ của Giáo hội, điều này sẽ gây tò mò cho tất cả phụ nữ, mặc dù bà có vẻ rất xa cách với lối sống của chúng ta.

Đây là tiếng gọi kỳ lạ, tiếng gọi mà chúng ta có thể không hiểu hoàn toàn, nhưng cũng là lời mời gọi chúng ta đi vào chi tiết của cuộc sống dường như rất khác với cuộc sống của chúng ta.

Theo cách nào đó, đây là lời mời gọi của mỗi vị thánh – ban đầu chúng ta thấy sự cao cả của các ngài, sự hy sinh của các ngài, những khác biệt phi thường của các ngài so với cuộc sống bình thường của chúng ta. Thật khó để nhớ rằng các thánh được Giáo hội nêu tên không chỉ như những tấm gương để ngưỡng mộ, mà còn để chúng ta bắt chước theo bất cứ cách nào đó.

Vì thế, chúng ta phải bỏ qua sự vĩ đại của vị thánh này, và đào sâu vào những chi tiết của cuộc đời phục vụ người khác. Hơn bất cứ điều gì khác, đây là điều đánh dấu cuộc đời của Thánh Catarina Siena. Mặc dù không thể phủ nhận rằng bà đã sống phi thường, nhưng con đường nên thánh của bà cũng được đánh dấu bằng những câu chuyện về cuộc đấu tranh của bà để nhìn thấy Chúa Kitô nơi mỗi con người – trong việc phục vụ người phụ nữ bị bệnh mà ban đầu mà bà ngại chăm sóc vì sợ hãi, hoặc trong việc chăm sóc chàng trai trẻ thích tiệc tùng đã đến gặp bà xin lời khuyên về cách sống có ý nghĩa.

Cuộc sống của bà với tư cách là một nữ tu dòng ba Đa Minh, về cơ bản là một trinh nữ tận hiến không ở trong tu viện, đã cho bà cơ hội gặp gỡ với những người nhìn thấy sự thánh thiện của bà và không thể cưỡng lại. Hơn bất cứ điều gì, cuộc đời và giáo lý của bà được đánh dấu bằng lòng trắc ẩn đối với tội nhân, mặc dù bà dường như vượt lên trên nhiều tội lỗi trong thời đại của bà, nhưng bà đã được ơn đặc biệt để hòa mình vào cuộc sống của những người khác. Bà là người hướng dẫn và cố vấn cho nhiều người trong thời đó, những lá thư cũng như lời dạy của bà cũng có thể hướng dẫn và cố vấn cho chúng ta.

Tìm hiểu các chi tiết về cuộc đời của bà giúp chúng ta bắt đầu hiểu tại sao bà được mệnh danh là Tiến sĩ Giáo hội, nhưng để thực sự hiểu được món quà mà bà dành cho mỗi người, chúng ta cần tìm hiểu kỹ những lời dạy của bà. Mặc dù phần lớn cuộc đời bà không thể viết lách, nhưng bà đã viết ra nhiều lời dạy và những bức thư giúp chúng ta có được một bức tranh rõ ràng hơn về Thiên Chúa, Đấng mặc khải rất nhiều về Ngài cho bà – và để thấy ân sủng của Con Ngài tiếp tục xây dựng nhịp cầu như thế nào giữa tội nhân chúng ta và cuộc sống mà Ngài đã sẵn sàng cho chúng ta trên Thiên Đàng.

Mặc dù việc đi thẳng vào những bài viết này có thể khiến người nào đó sợ hãi, nhưng tổ chức Endow đã có câu trả lời cho tình huống khó xử này. Qua việc xuất bản các hướng dẫn nghiên cứu dành cho phụ nữ Công giáo muốn tìm hiểu thêm về đức tin Công giáo, tổ chức Endow đã làm cho cuộc đời và các tác phẩm của Thánh Catherine có thể tiếp cận được với những người không biết bắt đầu từ đâu. Hướng dẫn nghiên cứu này giúp cung cấp bối cảnh lịch sử, chi tiết về cuộc đời của bà và phần giới thiệu về những lời dạy của bà, giúp độc giả biết được rằng phụ nữ vẫn có thể dạy chúng ta rất nhiều điều này.

TERESA HODGINS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Kính mừng Thánh TS Catarina Siena – 2023

Bức tranh “Domine, Quo Vadis?” của họa sĩ Annibale Carracci (1560–1609, Ý), vẽ khoảng năm 1602, mô tả một cảnh trong ngụy thư Công Vụ Phêrô (Acts of Peter). Bức tranh này được đặt tại Phòng Trưng Bày Quốc Gia ở London. Annibale Carracci là người sáng lập trường phái hội họa Baroque của Ý, gọi là trường phái Bolognese.

Bức tranh này là một trong các tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông, mô tả Thánh Phêrô đang trên đường trốn khỏi Rôma để tránh bị đóng đinh thì gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá. Phêrô hỏi: “Domine, quo vadis?” – Thầy đi đâu vậy? Chúa Giêsu trả lời: “Romam vado iterum crossifigi.” – Thầy đến Rôma chịu đóng đinh. Nghe Thầy Giêsu nói vậy, Phêrô trở lại Rôma ngay lập tức.

QUO VADIS?
[Tâm sự Ga 13:36]

Quo va-dis? Thầy đi đâu?
Mà sao mặt máu, nát nhàu xác thân
Thập hình tủi nhục vai mang
Không ai chia sẻ nhọc nhằn thương đau!
Quo va-dis? Thầy đi đâu?
Xin cho con cũng được theo bước Thầy
Tim con đầy vết lầm sai
Nhưng con sẽ rán đêm ngày bước theo!

Quo va-dis? Thầy đi đâu?
Thầy đi chịu chết tiêu điều vì con
Lạy Thầy, xin hãy xót thương
Mắt Thầy xin tỏa đầy lòng thương yêu
Quo va-dis? Thầy đi đâu?
Xin cho con cũng được theo bước Thầy
Dù đời con chất tội đầy
Chiều nay con chết với Thầy, Thầy ơi!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment