Có những nhạc khúc buồn với nhịp chậm nhưng giai điệu không ảm đạm, ủy mị; có những nhạc khúc vui mà lại khiến người nghe trầm mặc, suy tư. Âm nhạc thật kỳ lạ! Cuộc đời cũng là khúc ca trầm hùng với nhiều dấu thăng, dấu giáng, kể cả những dấu lặng, giai điệu lúc bổng, lúc trầm.
Đỉnh cao Tuần Thánh là Tam Nhật Vượt Qua –
Triduum, thay đổi kỳ diệu với các sắc màu khác nhau: Vui – Thương – Mừng. Mầu
nhiệm khôn tả! Theo tiếng Do Thái, chữ פֶּ֥סַח (PesaH) có nghĩa đen là “vượt qua,” với nghĩa
bóng là “bỏ qua” hoặc “tha thứ.” Thật thâm thúy!
1. Thứ Năm Tuần Thánh là ngày Vui, với Thánh
Lễ Truyền Dầu, Thánh Lễ kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức
linh mục, gọi là Bữa Tiệc Ly. Thứ Năm Tuần Thánh cũng là ngày Chúa Giêsu dạy
bài học yêu thương độc đáo: “Con Người
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng
sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45)
Thánh GH Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến chức vụ phục vụ của mình là “Tôi Tớ của
Các Tôi Tớ của Chúa – Servus Servorum Dei.” Ngài không tự xưng bằng đại danh từ
“chúng tôi” như các giáo hoàng trước mà dùng đại danh từ “tôi.” Ngài chọn làm
một lễ tấn phong đơn giản chứ không rườm rà, và không đội mũ giáo hoàng khi đảm
nhiệm. Là giáo hoàng nhưng ngài không muốn được phục vụ, thể hiện đức khiêm
nhường. Khi nhậm chức giáo hoàng, các hồng y quỳ gối trước ngài để tuyên hứa và
hôn nhẫn, nhưng ngài đứng dậy khi ĐHY Stefan Wyszyński (người Ba Lan) quỳ gối,
ngăn hồng y này hôn nhẫn và ôm hồng y này.
Hiện nay, ĐGH Phanxicô cũng thể hiện rõ nét
khiêm nhường, nghèo khó, và cũng không muốn ai phục vụ mình – từ khi ngài còn
là giám mục. Đó là các tấm gương sáng về nhân đức khiêm nhường và tinh thần
phục vụ.
Rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu nói:
“Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh
em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy
là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì
anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13:12-15)
Chữ “yêu thương” ngắn gọn, xem chừng rất đơn
giản, nhưng không hề đơn giản nếu thực hành đúng ý Thầy Giêsu, vì thế ai cũng
phải cố gắng không ngừng. Chữ “phục vụ” cũng ngắn gọn, nhưng có hai vế: Phục vụ
và được phục vụ – chủ động và thụ động. Không ai ưa vế thứ nhất, mà chỉ thích
vế thứ hai. Bản tính con người đâu dễ điều khiển, thế nên “bổn phận phục vụ”
vẫn thấy khó khăn. Nhiêu khê quá!
Về Thánh Thể, có một lời nhắc nhở thực sự rất
quan trọng mà chính Chúa Giêsu đã cho Thánh Faustina biết: “Thật đau đớn cho Ta, rất ít linh hồn biết kết hợp với Ta trong lúc đón
rước Ta. Ta chờ đợi họ, nhưng họ rất lãnh đạm thờ ơ với Ta. Ta muốn ban rất
nhiều ơn cho họ nhưng họ không muốn nhận lãnh.” (Nhật Ký, 1447)
2. Cuộc đời có nhiều cuộc chia ly, nhưng chắc
chắn không gì sầu thảm hơn khi cuộc chia ly đó là khoảng cách sinh tử, đặc biệt
là giữa mẹ và con. Lúc này là sự chia ly giữa Chúa Giêsu và Đức Mẹ, Mẫu Tử tình
thâm, và còn có sự chia ly của tình nghĩa Thầy Trò – Chúa Giêsu và các môn đệ.
Nỗi buồn khôn tả!
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Thế Giới Tang, phủ
màu tím rịm, cách riêng là ngày sầu thương của các Kitô hữu. Tuy nhiên, trong nỗi
buồn “đậm đặc” ấy lại chứa đầy ắp niềm hy vọng để bước qua cửa tử và hân hoan
tiến vào Miền Vĩnh Sinh trong tiếng ca vang Alleluia. Đó là điều chắc chắn.
Cách nói “Thứ Sáu Tuần Thánh” của Việt ngữ
không lột tả được thâm ý như Anh ngữ: Good Friday – Thứ Sáu Tốt Lành. Người Đức
gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Karfreitag – “ngày đau buồn” (tiếp đầu ngữ Kar nghĩa
là than khóc, sầu khổ). Thứ Sáu là ngày chết chóc, ngày xui xẻo, xấu xí, ảm đạm
và thê thảm, thế mà lại được coi là Ngày Tốt Lành, đó là điều kỳ diệu mà chỉ
những ai tin vào Đức Giêsu Kitô mới có thể hiểu được.
Phàm nhân chúng ta đã và đang góp phần “bán
đứng” Đức Kitô, nhẫn tâm đóng đinh Chúa Giêsu nhiều lần qua việc phạm tội, hằng
ngày chúng ta còn đóng đinh nhau bằng nhiều loại đinh khác nhau với nhiều kích
cỡ – chỉ trích, gièm pha, khích bác, phe cánh, ghen ghét, đố kỵ, áp bức, bóc
lột,… Trong các loại “đinh” đó, có đinh gỉ sét, có đinh sắc bén, có đinh dài thoòng,
có đinh xoắn,… Thật đáng sợ!
Không dễ nhổ các loại đinh đó khi chúng đã “đóng”
vào người khác. Do đó, khi thấy các phụ nữ Giêrusalem khóc lóc, Chúa Giêsu dừng
lại với cây Thập Giá trên vai và nói với họ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì
khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23:28) Đó cũng chính là lời Chúa
Giêsu nhắn nhủ mỗi chúng ta hôm nay về việc tổ chức đám tang cho Chúa Giêsu và
đeo tang trắng toát, nhưng hãy làm đám tang cho chính mình, và đừng phô trương
vẻ đạo đức bình dân bề ngoài mà không chú ý phần nội tâm quan trọng.
Chúa Giêsu xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Điều này đã được Ngài chứng minh
bằng cái chết bi hùng vào chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chính xác là 3 giờ
chiều trên Đồi Sọ vào ngày 3 tháng 4 năm 33 (sau công nguyên). Thời điểm và
ngày tháng Chúa Giêsu chịu chết đã được Tạp chí Địa Chất Quốc tế thực hiện cuộc
nghiên cứu dựa vào nền tảng Phúc Âm, đồng thời kết hợp với các tài liệu về địa
chất và thiên văn học, họ xác định “ngày giỗ” của Chúa Giêsu như vậy.
Trên đời này không ai si tình như Chúa Giêsu,
si tình đến nỗi điên dại vì yêu. Kinh Thánh gọi Ngài là Người Tôi Trung đau khổ:
“Này đây, Người Tôi Trung của Ta sẽ thành
đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng
sốt khi thấy Tôi Trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ
người ta nữa, cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm
miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.”
(Is 52:13-15) Người Tôi Trung có những động thái trái ngược rất lạ lùng, chúng
ta không thể nào hiểu nổi. Người ta có si mê thì cũng si mê người đẹp, người
khôn, người ngoan, người tài, người giỏi, đằng này Chúa Giêsu lại si mê kẻ
không ra gì – tức là tội nhân xấu xa là mỗi chúng ta.
Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cùng với các môn
đệ sang bên kia suối Kítrôn, vào một thửa vườn. Giuđa cũng biết nơi này, vì lâu
nay Thầy trò thường quy tụ ở đó. Ngay đêm Thứ Năm, Giuđa tới đó và dẫn một toán
quân với đám thuộc hạ của các thượng tế cùng nhóm Pharisêu. Họ mang theo đèn
đuốc và khí giới. Chúa Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và
hỏi: họ tìm ai. Họ nói ngay là tìm Giêsu Nadarét. Ngài nhận ngay: “Chính tôi đây.” Mới nghe vậy, họ liền
lùi lại và ngã xuống đất. Ngài hỏi lại, họ vẫn nói là tìm Giêsu Nadarét. Ngài
vẫn nhận mình là người họ muốn tìm, chấp nhận cho họ bắt Ngài nhưng Ngài yêu
cầu không bắt bất cứ ai đi với Ngài, để ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không
để mất một ai.”
Có sẵn gươm, ông Phêrô liền tuốt ra và chém
đứt tai phải của Mankhô, đầy tớ của vị thượng tế. Nhưng Ngài bảo ông Phêrô dẹp
gươm giáo đi, và giải thích rằng Ngài sẵn sàng uống chén mà Chúa Cha đã trao.
Họ bắt Ngài và dẫn Ngài đến ông Khanan, nhạc phụ của thượng tế Caipha. Chính Caipha
đã đề nghị với người Do Thái là “nên để một người chết thay cho dân thì hơn.”
Một lời đề nghị ích kỷ, độc ác và bất công quá!
Chiều Thứ Sáu, từ trên Thập Giá, Chúa Giêsu
trao phó Đức Mẹ cho ông Gioan chăm sóc, và xin Đức Mẹ nhận chàng trai Gioan làm
con. Biết là mọi sự đã hoàn tất, Ngài kêu lên: “Tôi khát!” Nhưng người ta lại nhẫn tâm lấy miếng bọt biển có thấm
đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp xong, Chúa
Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất! –
Tetelestai!”
Nói xong, Ngài gục đầu xuống và trao Thần
Khí. Lời kêu khát của Chúa Giêsu nhắc chúng ta về niềm khát khao của Ngài dành
cho mỗi chúng ta là phải cố gắng NÊN THÁNH, nhắc nhở chúng ta yêu mến THÁNH
THỂ, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta đừng làm ngơ trước những nỗi khát khao
của tha nhân – nhất là đối với những con người hèn mọn hằng ngày ở xung quanh
chúng ta, không xa, có thể họ đang ở ngay trong gia đình mình.
3. Thứ Bảy Tuần Thánh là ranh giới giữa
cõi tử và miền sinh, lằn ranh giữa sự chết và sự sống, giữa bóng tối và ánh
sáng. Khoảng sầu thương qua đi, nỗi lo sợ chấm dứt, chúng ta được Chúa Giêsu
dẫn lối vượt qua vùng chết chóc để vào miền vĩnh sinh.
Khoảng lặng như không khí bị đặc lại. Giữa
khoảng lặng “chết chóc” này, Chúa Giêsu đi gặp kẻ chết và làm đều cần làm: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội
lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng
Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được
phục sinh… Chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết,
để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về
phần hồn theo ý định của Thiên Chúa.” (1 Pr 3:18; 1 Pr 4:6)
Sau khi trút hơi thở và chuẩn bị phục sinh, Chúa
Giêsu xuống Ngục Tổ Tông (x. Tv 89:49; 1 Sm 28:19; Ed 32:17; Lc 16:22-26) để giải
thoát những người đã chết và đang mong chờ được Ngài cứu độ.
Và rồi niềm hân
hoan tưng bừng, hạnh phúc lớn lao, vui mừng khôn tả, mọi người đồng thanh: Alleluia!
Qua trình thuật
Mt 28:1-10, Thánh Mátthêu cho biết: Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong
tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria đi viếng
mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn
tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như
tuyết. Thấy vậy, bọn lính canh khiếp sợ, run rẩy, chết ngất đi. Lình canh gác
mà yếu bóng vía như vậy ư?
Các phụ nữ đến mộ
mà thấy mộ trống trơn, họ vừa buồn vừa lo, nhưng thiên thần trấn an họ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà
tìm Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY
NHƯ NGƯỜI ĐÃ NÓI. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ
Người như thế này: NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT, và Người đi Galilê trước các
ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.”
Thế thì thật
tuyệt vời. Các bà vội vã rời khỏi mộ, niềm vui mừng át nỗi sợ hãi, họ tin Chúa
Giêsu phục sinh qua lời của thiên thần, và họ chạy về báo tin cho môn đệ biết.
Dọc đường, họ được Chúa Giêsu đón gặp và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy
Người. Chúa Giêsu nói với các bà: “Chị em
đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Đó cũng là sứ vụ Ngài truyền cho mỗi chúng ta ngày nay.
Thật là hạnh phúc
cho các phụ nữ, họ được Chúa Giêsu ưu tiên vì họ là những người đầu tiên được
gặp Chúa Giêsu Phục Sinh và được trở nên nhân chứng loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Nữ giới diễm phúc quá!
Ước gì cuộc đời
mỗi chúng ta là những vần thơ tình phục sinh và được phổ nhạc thành Khúc Khải
Hoàn Ca Alleluia ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Không dễ chút nào,
nhưng cố gắng thì sẽ được, vì chính Đấng Phục Sinh Kitô Giêsu luôn đồng hành,
như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)
4. Chính Chúa
Giêsu đã báo trước rằng Ngài sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống
lại. (Mt 16:21; 17:23; 20:19; Lc 9:22; 18:33; 24:7 và 46) Và điều đó đã ứng
nghiệm. Người ta cho canh mộ kỹ càng, nhưng rồi lính canh phải hồn xiêu phách
lạc khi đất chuyển động. Chúa Giêsu đã thực sự phục sinh. Sự thật minh nhiên,
dù người ta phủ nhận. Sự thật mãi mãi là sự thật!
Sự phục sinh của
Chúa Giêsu là sự kiện lịch sử dựa trên các chứng cớ không thể bác bỏ. Xưa nay
không ai sống lại sau khi chết – từ những kẻ giàu sang nhất, giỏi giang nhất,
quyền thế nhất, sử dụng thuốc trường sinh hảo hạng nhất,… Họ chết rồi thì không
ai có thể làm cho họ sống lại. Duy nhất chỉ có Chúa Giêsu, không chỉ làm cho
người khác sống lại, mà chính Ngài đã sống lại.
Alleluia! Xin tạ ơn Thiên Chúa đã soi sáng cho
chúng con nhận biết Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, đã chịu chết và sống lại,
là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con. Xin giúp chúng con tín thác và loan báo
về Chúa Giêsu Phục Sinh suốt đời này. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment