Tôi thường đọc điều gì đó trong tác phẩm của Thánh
Tôma Aquinô và bối rối về điều đó, cho đến khi khám phá ra rằng có biết bao sự
khôn ngoan chứa đựng trong đó.
Một ví dụ mà tôi nghĩ đến có liên quan tình yêu, và khi tôi mô tả sự bối rối của mình, những người lớn tuổi và khôn ngoan hơn trong số khán giả này chắc chắn sẽ nói: “Làm sao anh ta không hiểu điều đó?” Trong Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma thảo luận về tình yêu trong hai bối cảnh: một lần khi thảo luận về những đam mê, và sau đó là khi thảo luận về các đức tính. Đây là điều khiến tôi bối rối: Làm sao tình yêu có thể vừa là đam mê vừa là đức hạnh? Nó không phải là cái này hay cái kia sao?
Đam mê, hoặc thứ mà chúng ta gọi là cảm xúc,
là những thứ như sợ hãi, đau khổ hoặc tức giận. Đó là những thứ, theo một nghĩa
nào đó, chỉ xảy ra với bạn – đó là lý do thời trung cổ gọi chúng là “đam mê”
(passiones), để phân biệt với hành vi. Tương tự, chúng ta gọi đó là “cảm xúc,”
bởi vì chúng ta “bị lay động” (e-motus) bởi chúng. Tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi
không chọn cảm thấy sợ hãi. Có thể tôi rất ước mong rằng tôi không cảm thấy sợ
hãi. Nhưng nỗi sợ hãi vẫn bủa vây tôi.
Mặt khác, đức hạnh là “thói quen,” hoặc tốt
hơn nữa, là những xu hướng ổn định, đem lại kết quả trong hành động. Các đức
tính bao gồm các loại như can đảm, tiết độ, trung thực và đại lượng. Chúng
không là những thứ chỉ đơn thuần xảy ra với bạn. Khi bạn có chúng, chúng cho
phép bạn làm điều gì đó – giống như kỹ năng vậy. Kỹ năng làm mộc không chỉ đến
với bạn một ngày nào đó, giống như bị tấm ván đập vào đầu. Bạn phải phát triển
kỹ năng sau nhiều giờ thực hành và học tập. Bạn không thể nói ai nào đó không
bao giờ làm những hành động dũng cảm là người can đảm, cũng như việc bạn không
thể gọi kẻ nói dối là người “trung thực.”
Tôi tự hỏi: “Được rồi, vậy tình yêu là đam mê hay đức hạnh?” Lúc đầu, còn trẻ
và ngây thơ, tôi hiểu tình yêu là đam mê như thế nào. Chúng ta nói những điều
như thế này: “Tôi không thể ngăn mình, tôi
vừa mới yêu.” Điều đó như thể tình yêu là điều gì đó vừa xảy ra với bạn và bạn
không thể kiểm soát. Bạn “rơi vào” nó, giống như một người có thể rơi vào một
vũng bùn. Bạn có thể không muốn nó xảy ra, hoặc bạn có thể muốn nó xảy ra với
người khác. Nhưng khi nó xảy ra, có vẻ như bạn khó có thể kiểm soát nó. Thật
vậy, có lẽ tốt nhất là không nên cố gắng “kiểm soát” nó. Không phải tình yêu là
điều tốt hay sao?
Như vậy, nếu tình yêu là niềm đam mê thì có
nghĩa là gì khi gọi tình yêu là đức hạnh? Làm thế nào nó có thể là cả hai?
Những năm tháng xa hơn và kinh nghiệm lớn hơn – không phải tất cả đều dễ chịu
hay hoàn toàn đáng khen ngợi – đã cho tôi thấy Thánh Tôma khôn ngoan biết bao.
Chắc chắn có tình yêu như niềm đam mê. Đó là
kiểu tình yêu mà một người “rơi vào” đó. Loại tình yêu này không nhất thiết là
sai trái hay xấu xa, cũng như bất kỳ đam mê nào khác đều xấu xa trong chính chúng.
Nhưng giống như những đam mê khác, loại tình yêu này phải được kỷ luật và hướng
dẫn bởi sự khôn ngoan và sự thận trọng của chúng ta để phục vụ không chỉ sự
hưng thịnh của chúng ta mà còn vì lợi ích của người khác.
Như vậy, chúng ta có thể nói tình yêu như đức
hạnh là tình yêu đã bén rễ trong tính cách của chúng ta – một điều gì đó đã trở
thành xu hướng ổn định sẵn sàng làm điều tốt cho người khác.
Tất cả chúng ta đều muốn có “cảm giác ấm áp”
– tia lửa nhỏ kỳ diệu mà chúng ta gọi là “tình yêu,” khi tim chúng ta bắt đầu
đập nhanh hơn một chút, đầu chúng ta bắt đầu trống rỗng mọi ý nghĩ và hơi ấm
lan tỏa khắp nơi. Tuy nhiên, nếu có bất cứ điều gì chúng ta biết về những đam
mê thì đó là phù du: chúng đến và đi.
“Cảm giác ấm áp” đó sẽ không tồn tại lâu hơn
niềm vui, sự tức giận, sự sợ hãi hoặc ham muốn vẫn còn đó. Chúng ta có thể ham
muốn mãnh liệt một chiếc áo hay một đôi giày nào đó trong một thời gian, nhưng
sau đó sẽ qua đi, và chúng ta tự hỏi tất cả những ồn ào bên trong đó là về cái
gì. Tương tự với tình yêu như một cảm xúc: nó có thể đến và đi. Nó cần bén rễ
sâu hơn nếu muốn tồn tại qua những lúc khó khăn cũng như lúc xuôi thuận.
Một điều khác mà Thánh Tôma Aquinô hiểu về
đam mê là bạn thực sự không thể đặt câu hỏi về chúng. Nếu ai đó nói với tôi: “Tôi sợ,” tôi thực sự không thể nói: “Không, bạn không sợ.” Tôi có thể dại
dột la mắng người đó và nói điều gì đó ngớ ngẩn như: “Đó chỉ là một con bọ, bạn không nên sợ.” Nhưng nếu ai đó sợ sâu bọ
thì họ chỉ sợ thôi. Bên cạnh đó, đôi khi sự sợ hãi là phản ứng thích hợp – ví
dụ, đối với sự nguy hiểm. Những người dũng cảm không phải là những người không
cảm thấy sợ hãi, họ cảm thấy sợ hãi nhưng họ bất chấp nó.
Vì vậy, khi một người mẹ không cho con ăn
trong nhiều tuần thì khóc lóc thảm thiết trước những người của Hội Bảo Vệ Trẻ Em
và khăng khăng: “Nhưng tôi yêu các con
tôi.” Chúng ta không nên kết luận rằng người mẹ ấy nói dối. Nhưng câu hỏi
không phải là liệu người mẹ ấy có “cảm giác ấm áp” dành cho con mình hay không
– tình yêu như cảm xúc. Cô ấy cũng có thể có như vậy. Thay vào đó, câu hỏi đặt
ra là liệu cô ấy có cung cấp dưỡng chất mà đứa con cần hay không. Nếu không,
chúng ta có thể nói rằng mặc dù cô ấy có thể yêu thương con bằng tình cảm – có
lẽ rất sâu sắc, nhiều hơn những gì chúng ta có thể biết – nhưng cô ấy vẫn cần
học cách yêu thương con cái qua cách cô ấy đối xử với chúng hằng ngày. Điều đó
chắc chắn sẽ đòi hỏi một số kỷ luật và hy sinh bản thân – thường là nhiều hơn “cảm
giác ấm áp” đánh lừa chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần.
Không gì có thể khiến chúng ta làm nhiều điều
tốt cho người khác hơn là nhân đức yêu thương, được hướng dẫn, như các nhân đức
phải có, nhờ lý trí, sự thận trọng và sự thật. Nhưng có một số điều có thể
khiến chúng ta hành động dại dột, liều lĩnh và gây nhiều thiệt hại cho người
khác hơn là niềm đam mê tình yêu lạc hướng.
Lạy
Chúa, xin ban cho chúng con sự khôn ngoan để yêu mến những gì chúng con nên
làm, theo cách chúng con nên làm.
RANDALL SMITH
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Kính
mừng Thánh Bổn Mạng – 2023
✽ Tư Tưởng Thánh Thiện – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/tu-tuong-thanh-thien.html
✽ Thuyết Tiền Định của Thánh Tôma
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment