Lc 3:4-5 cho biết như vậy. Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: “Hãy bước qua, hãy bước qua các cửa thành, hãy mở con đường cho dân, hãy dọn đường, hãy dọn đường, hãy nhặt cho hết đá. Hãy phất cờ ra hiệu cho các dân.” (Is 62:10)
Các ngôn sứ là “tiếng loa” kêu gọi theo lệnh
truyền của Thiên Chúa. Như ở Việt Nam ngày xưa, mỗi khi làng xã có điều gì cần
thông báo thì có “mõ làng” đi khắp nơi để thông báo. Thời nay, xã hội văn minh
hơn, người ta gọi là văn hóa thông tin, và phương tiện thông báo cũng tiện lợi
và mau hơn nhiều. Các trang thông tin nhan nhản như sao sa – đặc biệt là
Facebook, Twitter, Pinterest, Linkedin, Mix, Tumblr, Instagram,... Nếu không
khôn khéo, người ta dễ bị “bội thực thông tin,” và còn dễ bị lừa vì những tin
rác, thậm chí có những trang có vẻ đạo đức nhưng thực ra chỉ là chiêu lừa đảo
mà thôi. Hơn bao giờ hết, câu “cẩn tắc vô ưu” thật là đúng và cần thiết – trước
tiên là tự bảo vệ chính mình và không sa chước cám dỗ.
Ngày xưa, vào lúc “giao thời,” giai đoạn quá
độ – chuyển tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa
trao cho công việc “mõ làng” để kêu gọi người ta canh tân và chờ đón Đấng Thiên
Sai. Ông có nickname là “Tiếng Kêu Trong Hoang Địa.” Lạ thật, tiếng kêu trong
hoang địa thì hiệu quả gì chứ? Đó là dạng tiếng-vang-thầm-lặng. Vang mà thầm
lặng ư? Đúng vậy. Và tiếng kêu đó đã và đang vang đến tận cùng trái đất.
Mỗi ngôn sứ có một sứ vụ riêng theo từng giai
đoạn. Ngôn sứ Barúc kêu gọi: “Hỡi
Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu
Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên
Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên
Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.” (Br 5:1-3)
Được cởi bỏ “áo tang khổ nhục” thì hẳn là mừng vui khôn tả. Mà không chỉ có
vậy, chúng ta còn được khoác “áo choàng công chính.” Đúng là trên cả tuyệt vời!
Chiếc “áo choàng công chính” đó được chính
Thiên Chúa trao ban, và chúng ta còn được Người gọi tên là “Bình An Xây Dựng
Trên Công Chính” và “Vinh Quang Phát Xuất Từ Lòng Kính Sợ Thiên Chúa.” (Br 5:4)
Cái tên “lạ” lắm, nhưng có ý nghĩa sâu sắc và thật là độc đáo.
Trong mọi thứ xảy ra hằng ngày, điều gì hợp ý
mình thì bảo là “hên,” điều gì trái ý mình thì cho là “xui.” Kỳ cục ghê đi! Mà
thật ra chẳng có “hên xui” hoặc “may rủi” chi cả, bởi vì không có gì ngoài
Thánh Ý Chúa. Chính đau khổ lại là “viên ngọc quý” mà các thánh đã luôn trân
trọng từng ngày khi còn sinh thời. Hạnh phúc mà không có nước mắt thì hạnh phúc
đó chưa thực sự trọn vẹn niềm vui. Đau khổ cũng là những tiếng-động-tĩnh trong
mỗi con người chúng ta. Vâng, tiếng động đó rất tĩnh lặng mà không ai lại không
cảm nhận được. Cuộc đời luôn có nhiều cái lạ mà chúng ta không thể giải thích
theo lẽ thường.
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hướng tới ngày
Chúa Giêsu đến lần thứ hai, Thánh Phaolô bày tỏ: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi
đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc
rằng Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng
sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm.”
(Pl 1:4-6) Thánh nhân ân cần nhắc nhớ việc mong chờ Chúa quang lâm là chính,
chứ đừng mọi người chờ bất cứ điều gì khác rồi đâm ra bối rối, hoang mang, sợ
hãi. Thật chứ không đùa đâu đấy!
Mỗi khi rước lễ là chúng ta đón tiếp một Quân
Vương Tối Thượng, Vua Vũ Trụ, Thiên Tử đích thực, thế mà nhiều lần chúng ta vẫn
không chuẩn bị tâm hồn cho đúng mức, vẫn rước lễ cho chiếu lệ, như một thói
quen, thậm chí còn rước lễ vì… sĩ diện, xong rồi thôi. Một số người rước lễ
xong rồi đến cầu nguyện ở đài Đức Mẹ, Thánh Giuse, hoặc một thánh nào đó. Dạng
đạo đức này là lệch lạc, nên chấn chỉnh. Rước Chúa rồi bỏ mặc Ngài vậy ư? Chắc
chắn Chúa Giêsu buồn lắm, nhưng Ngài không hề nói gì vì Ngài luôn tôn trọng
quyền tự do mà Ngài đã ban cho mỗi chúng ta.
Đối với Thiên Chúa mà chúng ta còn tệ như
thế, đối với tha nhân thì chúng ta còn tệ hơn nhiều. Phàm nhân yếu đuối lắm,
thế nên cứ bạt mãi mà mảnh-đất-tâm-hồn vẫn gồ ghề, lởm chởm, đầy ổ gà và ổ voi,
san mãi vẫn chưa phẳng phiu, và con-đường-tâm-hồn vẫn cứ quanh co, chưa uốn cho
ngay thẳng. Thiên Chúa cũng biết rõ mười mươi như vậy, nhưng vấn đề không phải
là khó quá, làm không được thì thôi, mà Ngài muốn thấy chúng ta có thực sự
thành tâm nỗ lực bạt cho bằng cái núi “cái tôi,” san lấp cái hố chia rẽ, uốn
thẳng con đường lươn lẹo hay không.
Có những người rất rành bịa chuyện, giỏi dựng
đứng câu chuyện hoặc ăn không nói có, vì muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình,
trong khi đó còn gây tổn thương cho người khác. Rất đáng quan ngại, và phải sửa
ngay!
Có những cái lạ nên học hỏi vì quá hay, có
những cái lạ phải cố tránh vì quá dở. Tương tự, có những người có cách sống kỳ
lạ rất đáng khâm phục vì kỳ diệu, nhưng có những người có lối sống kỳ lạ chớ
noi theo vì kỳ cục!
Lạy
Thiên Chúa, xin ban Đấng Thiên Sai đến bạt “cái tôi” trong con và uốn cách nghĩ
của con cho thẳng thắn. Chắc chắn thiếu Ngài thì con không thể làm được gì, (Ga
15:5) vì Ngài là tất cả. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Thiên
Sai và Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Niệm ý Lc 3:4-5]
Như đời người chẳng sống mãi đời này
Đất có khi cũng phải chịu hạn hán
Trời có lúc lại mưa suốt nhiều ngày
Đường kiêu ngạo phải uốn cho ngay ngắn
Hố tham lam, cần san lấp cho đầy
Đồi tự ái phải bạt xuống bằng phẳng
Lạch chia rẽ cũng phải mau lấp ngay
Rồi Mùa Vọng sẽ trôi qua mau chóng
Nghĩa là đời cũng rút ngắn thời gian
Tưởng tĩnh lặng mà thật ra vẫn động
Mặt biển êm mà lòng biển chẳng yên
Ngọc không luyện không thể thành vật quý
Sống buông thả người không thể thành nhân
Dù gỗ, đá cũng phải chịu cắt, xẻ
Chính đau khổ lại là những hồng ân
Dáng “cái tôi” nhìn có vẻ nhỏ bé
Nhưng nó là núi lớn và lũng sâu
Không bạt nó và không san lấp nó
Làm sao Chúa Giê-su có thể vào?
Lạy Thiên Chúa, xin ban nguồn mưa móc
Cho cây đời mau nảy lộc yêu thương
Con sẽ chẳng có thể làm chi hết
Nếu không có Thánh Ân Ngài đỡ nâng
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment