Sống Mùa Vọng, tín nhân lặng lẽ mong chờ Con Chúa giáng sinh. Nói tới Chúa Giêsu thì có liên quan Đức Mẹ, và Đức Mẹ có liên quan Đức Thánh Giuse – Người Công Chính.
Có thể nhiều người
cho rằng Đức Thánh Giuse ít nói thì ít đau khổ. Thật ra chính ngài cũng chịu
giằng co rất nhiều, rất khổ tâm, nhất là khi nghe tin Đức Maria có thai. Là
người công chính và không muốn tố giác Đức Maria, Đức Giuse đã có ý định ra đi
âm thầm, lặng lẽ và kín đáo.
Nhưng khi ngài có
ý định như vậy thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria về, vì người con
bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải
đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của
họ.” (Mt 1:20-21) Thiên Chúa toàn năng, biến không thành có, “chẳng có gì là
không thể đối với Thiên Chúa.” (Lc 1:37) Mọi sự rất rạch ròi. Đức Giuse đã tin,
chấp nhận, và làm theo lời sứ thần truyền dạy. Không có gì ngoài Ý Chúa: “Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng
nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai
và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
(Mt 1:22-23)
Chúng ta chuẩn bị
kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa giáng thế, nên giống chúng ta mọi sự – trừ tội lỗi,
ở với chúng ta để cùng chia sẻ mọi vui buồn sướng khổ của kiếp người. Thật hạnh
phúc, bởi vì có Ngài đồng hành thì mọi thứ sẽ êm trôi, đủ sức đi xuyên qua đau
khổ kiếp người.
Mùa Vọng sắp hết,
lễ Giáng Sinh đến gần, nhưng điều chính vẫn là mong chờ Ngày Quang Lâm của Chúa
Giêsu – lần quyết định vận mệnh của chúng ta. Thiết tưởng rằng thời điểm này
cũng cần suy nghĩ về lời giới thiệu của Thánh Gioan tông đồ nói về Thánh Gioan
Tẩy Giả: “Ông đến để làm chứng, và làm
chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến
thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1:7-9)
Ai tin nhận Chúa
Giêsu là Đấng Cứu Độ thì sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị kết án. (Mc 16:16) Đó không là hù dọa mà là
chính đáng. Có lần viên cai ngục đã hỏi cách được cứu độ, ông Phaolô xác định: “Hãy tin vào Chúa Giêsu thì ông và cả nhà sẽ
được cứu độ.” (Cv 16:31) Người ta được công chính hóa và được giải án tuyên
công nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Đó là mục đích cuối cùng của chúng ta.
Hãy tái xác tín
và thành tâm cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu,
con tín thác vào Ngài!” Và hãy nghiêm túc thề hứa với Thiên Chúa: “Con sẽ không xin, con không dám thử thách
Đức Chúa.” (Is 7:12) Như vua Akhát thưa với Chúa: “Con sẽ không xin, con không dám thử thách Đức Chúa.” (Is 7:12) Ông
được phép xin bất cứ điều gì mà ông không dám. Cứ vững lòng tín thác, chắc chắn
Ngài sẽ thực hiện công lý: “Người sẽ mở
rộng quyền bính và lập nền hòa bình vô tận” (Is 9:6) Thiên Chúa sẽ sớm bù
đắp cho cho những ai trung tín với Ngài. Chính nghĩa có thể đến muộn chứ không
bao giờ mất.
Cuộc đời là bể
khổ. Có nhiều dạng khổ, nhưng có lẽ khổ tâm là thứ khiến người ta dằn vặt và
ray rứt nhất. Người ngay mới khổ tâm, dù sai lầm của họ không do cố ý, còn
người xấu chẳng khổ tâm chi. Đức Giuse rất khổ tâm khi nghe tin Vị Hôn Thê
Maria có thai. Như tiếng sét đánh ngang tai. Tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Đức
Giuse công chính không muốn làm phiền ai, chấp nhận chịu khổ một mình.
Dân xưa và nay
đâu có khác nhau nhiều về tính thực dụng, mỗi thời mỗi kiểu, với các mức độ
khác nhau. Thấy dân chúng thực dụng nên ông Isaia đã phải chạnh lòng và lên
tiếng kêu gọi: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít!
Các ngươi LÀM PHIỀN thiên hạ chưa đủ sao, mà còn MUỐN LÀM PHIỀN cả Thiên Chúa
của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây
người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” (Is
7:13-14)
Câu tiếp theo cho biết thêm một điều thú vị về loại thực phẩm mà Con Trẻ sử dụng khi mặc xác phàm: “Con trẻ sẽ ăn SỮA CHUA và MẬT ONG cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt.” (Is 7:15) Điều này cho thấy rằng, về nhân tính, Con-Chúa-làm-người vẫn phải theo một quy trình phát triển mà Thiên Chúa quy định, cũng ăn uống để tăng trưởng thể lý và phát triển dần dần như một phàm nhân, với biểu hiện thất tình (Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục), và cũng ảnh hưởng thời tiết, môi trường, thực phẩm,...
Hài Nhi Giêsu là Đấng
Emmanuel, Thiên Chúa Ngôi Hai, Đấng mà Thánh Gioan xác định: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và
không có Người thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1:3) Trước đó vài ngàn
năm, Thánh Vịnh gia cũng đã minh định: “Chúa
làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
Nền trái đất, Người dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.” (Tv
24:1-2)
Chắc chắn là như
thế, lịch sử và khoa học, đặc biệt là khảo cổ học, càng ngày càng phát hiện
những bằng chứng cho thấy Thiên Chúa mà chúng ta đang tôn thờ là Thiên Chúa
đích thực và duy nhất. Ngài là Đấng Thánh, (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5
& 9; Is 6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16) Thần dân của Ngài phải nên thánh, thế
nên Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy nên hoàn
thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Từ ngàn xưa
đã có mệnh lệnh: “Các ngươi PHẢI nên
thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.” (Lv 11:44; 19:2; 20:7) Có
nên thánh mới có thể đến gần Ngài. Thật vậy, khi nghe Thiên Chúa gọi, ông Môsê
đã phải che mặt vì thấy mình bất xứng. (Xh 3:6)
Thánh Vịnh gia
vừa đặt vấn đề vừa trả lời: “Ai được lên
núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối. Người ấy sẽ được Chúa ban
phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. Đây chính là dòng dõi
những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.” (Tv 24:3-6)
Nên thánh là điều khó, nhưng không phải là không làm được. Ỷ vào sức mình thì sẽ
thất bại, vì thế phải khiêm nhường và cậy nhờ ơn thánh Chúa ban.
Đã từng tung
hoành khắp nơi, hung hãn tiêu diệt bất cứ ai tin vào Đức Kitô, nhưng rồi Saolê đã
phải “bó toàn thân” trước uy quyền của Thiên Chúa. Từ đó, ông biến thành Phaolô
hoàn toàn mới lạ: “Tôi là Phaolô, tôi tớ
của Đức Giêsu Kitô; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin
Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà
hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.” (Rm 1:1-3)
Và ông giải
thích: “Xét như Đấng đã từ cõi chết sống
lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy
các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có
cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô.” (Rm
1:4-6)
Người thuộc về Thiên
Chúa thì không thể không hoàn thiện để nên thánh. Chắc chắn phải như vậy. Thánh
Phaolô xác định rằng chúng ta là “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu
gọi làm dân thánh, và ông cầu chúc: “Xin
Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và
bình an.” (Rm 1:7) Rất rõ ràng. Thế thì không có lý do gì chúng ta lại từ
chối sống thánh thiện để nên thánh, và tất nhiên chúng ta phải nhiều điều phiền
toái, rất khổ tâm trên con đường hoán cải, nhưng nhờ vậy mà được công chính hóa
và được cứu độ.
Lạy Thánh Phụ chí thánh, xin giúp chúng con sống
ngay thẳng, mạnh mẽ nói sự thật và can đảm bảo vệ Công Lý và Chân Lý, biết đón
nhận đau khổ như tặng phẩm vô giá, để qua đó chúng con có thể vinh danh Ngài và
cứu các linh hồn.
Lạy Đấng Emmanuel, Đấng bị từ khước ngay tại nhà mình,
(Ga 1:11) xin nâng đỡ chúng con trên đường lữ thứ trần gian, xin hướng dẫn
chúng con về tới Quê Nhà, Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Thánh
Phụ, hiệp nhất với Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment